Lớp học dưới ánh đèn iphone

Vượt qua chặng đường hơn chục cây số, nhóm sinh viên Công giáo Lưu xá Long Xuyên mang trong tim ngọn lửa tri thức, hối hả đến với các em học sinh nghèo xóm nhà Đại Đoàn Kết, phường Mỹ Thới, những ước mong ngọn lửa tri thức ấy có thể bùng cháy lên, xua tan màn đêm tăm tối của cái nghèo, của sự u minh và những nỗi nghiệt ngã của cuộc đời.

Đến giờ học, các trẻ em trong xóm ùa ra đón chào “những thầy cô giáo thiện tâm” trong niềm vui mừng mãnh liệt, như thể đàn chim non ríu rít líu lo khi thấy cha mẹ chúng đem thức ăn về. Kể cũng đúng, có lẽ các em đang thực sự đói tri thức, đói cả nền văn minh tình thương và sự sống. Đã lâu rồi, chỉ vì hoàn cảnh gia đình mà nhiều trẻ em nơi đây không còn được hưởng niềm vui của việc mặc áo mới trong ngày khai giảng. Nếu như đám bạn cùng trang lứa đang hoan hỉ lật từng trang giấy thơm trong những lớp học thanh bình, thì các em lại phải đếm bán từng tấm vé số mỗi ngày để mưu sinh bất kể trời mưa nắng. Những cái vẫy tay chào của thầy cô trước cổng trường và tiếng trống giờ ra chơi nghe sao quá đỗi xa xỉ đối với các em. Thay vào đó, thứ âm thanh quen thuộc mà các em nghe mỗi ngày là tiếng còi xe inh ỏi và những cái xua tay khước từ! Ôi, mùi thơm của tấm vé số sao có thể sánh ví với mùi thơm của sách vở! Bát cháo qua ngày sao có thể nuôi sống cả tương lai! Thế nên, khi bắt gặp những tấm lòng có thể khoả lấp cơn đói khát của mình, không một ai trong các em giấu nổi niềm xúc động.

 

Học sinh là thế, phụ huynh cũng vậy! Xóm nhà lá vốn im ắng giá băng, vì những muộn phiền của một ngày cực nhọc, vật lộn với cơm áo gạo tiền, nay bỗng trở nên sum tụ, ấm áp và chan chứa tình thân. Dãy nhà 26 căn hộ, người thì cho mượn cái ghế, người thì đóng góp cái bàn, người thì tìm bình xịt muỗi, người khác lại đon đả tiếp đãi nước non. Có một người nọ, lần nào cũng nói với chúng tôi rằng: “khi nào trúng vé số, tôi sẽ mua thêm bàn ghế cho các cháu ngồi học”. Tất cả những nỗ lực đó đều nhắm đến một niềm hy vọng, hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn cho thế hệ con cháu của họ. Quả thế, có lẽ họ đã nghiệm thấy cuộc đời mình chỉ vì không biết con chữ hoặc biết không đến nơi đến chốn, nên nghề nghiệp của họ chỉ là đi phụ hồ và lượm ve chai, rồi trải qua bao gian truân vất vả dưới ánh mặt trời, mà cái nghèo vẫn cứ bám riết lấy mình như thể con ngươi trong hốc mắt. Mở mắt ra là thấy cái nghèo rồi!

 

Trớ trêu thay, ánh sáng của tri thức và ngọn lửa nhiệt thành trong lòng các bạn sinh viên thiện nguyện dẫu có mạnh mẽ và trào tràn đến mấy cũng không thể thắp sáng thay ánh mặt trời. Khi thấy các em học sinh cứ phải cúi rạp người xuống bàn hầu có thể nhìn thấy lờ mờ những con chữ nhỏ li ti trên từng trang giấy, vì trời thì tối mà ánh sáng thì nhá nhem. Các bạn sinh viên chẳng ai bảo ai, mỗi người đều rút điện thoại ra, mở ứng dụng đèn pin lên để soi dọi cho các em nhỏ học bài. Một hình ảnh thật đẹp và cảm động lắm thay!

Việc làm của các bạn sinh viên Công giáo Lưu xá Long Xuyên hôm nay có thể không làm thay đổi cuộc đời các em học sinh xóm nghèo ngay lập tức; điều đó lại càng trở nên khó khăn trước hiện thực sáng tối của xã hội và thế giới này, nhưng những ánh lửa và ngọn đèn mà các bạn đã thắp lên, chắc hẳn sẽ khơi lên nhiều ngọn lửa khác: một ngọn nến thắp lên nhiều ngọn nến, một tấm chân tình làm lay động cả triệu trái tim!

 

Hv. Văn Tài, S.J.

Kiểm tra tương tự

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Có Chúa luôn bên ta – Lời nhắc nhở mỗi ngày

  Có cám dỗ cho rằng Thiên Chúa không ở gần ta, hoặc làm ta …