Luận Bàn Về Đặc Tính Chung Của Triết Học Thượng Cổ

SchoolofAthens

Ngày nay, nhiều triết gia đồng thuận với quan điểm cho rằng triết học Thượng Cổ là cái nền vững chắc của triết học, thậm chí có người còn nghĩ rằng những trường phái triết học hậu hiện đại chẳng qua chỉ là sự lặp lại có tính phát triển hơn của những tư tưởng triết thời cổ. Bởi thế, thật đáng để chúng ta, những người muốn mang lấy tinh thần minh triết, làm một cuộc khám phá về triết học thời này- philosophia. Trong hành trình mà ta sắp dấn thân, tôi muốn xoáy sâu vào ba điểm chung xuyên suốt của các trường phái triết học Thượng Cổ là đặc tính đoạn tuyệt với thế giới thường nhật, chiều kích vấn đáp và mối tương quan giữa “tri” và “hành”, hơn là tản mạn nơi từng trường phái với những nét dị biệt và đặc thù của chúng, sau đó tôi sẽ chỉ ra nguyên nhân đằng sau các đặc tính vừa nêu. Cũng cần lưu ý rằng trong một cuộc truy tầm rộng khắp như thế, sẽ thật là thiếu sót nếu chúng ta bỏ sót các triết gia Thượng Cổ, vì làm sao mà triết thuyết có thể bị tách ra khỏi người xây dựng nên nó, tức là triết gia? Bởi thế, việc tìm hiểu những đặc tính chung của philosophia buộc ta, không ít thì nhiều, đụng đến những đặc tính chung của các philosophos- những triết gia cổ đại. Bên cạnh đó, vì cho rằng sẽ thật vô ích nếu sau hành trình tìm hiểu đặc tính chung của triết học thời này, điều đọng lại trong ta chỉ là những kiến thức trừu tượng, tôi sẽ cố gắng chỉ ra thái độ cần có của bản thân- thái độ được gợi lên và thúc đẩy bởi tinh thần minh triết thời này.

Đặc tính chung đầu tiên của triết cổ là hành vi triết lý hàm chứa sự đoạn tuyệt với “thế giới tầm thường hằng ngày”.[1] Thế giới tầm thường hằng ngày là cái gì? Thật là quan trọng để xác định rõ ngay từ đầu rằng đó không phải là thế giới vật chất lẫn tinh thần mà ta đang tương quan: các triết gia không yêu cầu chúng ta xa rời đời sống thực tế để lơ lửng trên mây. Thế giới tầm thường hằng ngày là thế giới của những định kiến, thành kiến, ý kiến sai lầm. Thời đó, những ý kiến loại này đầy rẫy và nhan nhản trong cuộc sống nên không khó để chúng ta tìm ra ví dụ minh họa như là định kiến có vẻ chắc chắn về công bằng (justice) của phái Sophist được đặt trên môi Thrasymacus: công bằng không gì khác hơn là quyền lợi thuộc về kẻ mạnh[2].

Thế nhưng tại sao hành vi triết lý lại không thể “đội trời chung” với thế giới tầm thường đó? Thời cổ, người ta quan niệm rằng triết học là philosophia, nghĩa là yêu mến sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan, trong một mức độ nào đó, là kết quả của quá trình tìm kiếm cái biết đích thực, mà quá trình này lại hàm chứa trong nó việc loại bỏ những ý kiến sai lầm. Thật vậy, ngay từ lúc bắt đầu biết suy tư, liệu có ai nắm bắt được một tri thức đúng đắn tuyệt đối đến độ không ai có thể phản bác, hay là chúng ta dần nhận ra rằng những điều mình cứ tưởng là đúng lại là những ý kiến sai lầm, để rồi dấn thân loại bỏ chúng trong hành trình mon men đến gần cái biết đích thực như cách mà Descartes đã làm? Vậy một khi đã dấn thân vào con đường triết học, triết gia phải rũ bỏ lối suy nghĩ thường tình trong đời sống. Thật thế, họ luôn không tin vào cái bên ngoài (appearance) mà nỗ lực đi tìm bản chất thực sự của thực tại[3]. Trong quyển Republic, Plato cho thấy nhà triết học đích thực không chỉ dừng lại ở việc tri nhận bề ngoài của thực tại mà quan tâm tìm hiểu bản chất của sự vật, tức là cái tồn tại thực sự, cái hiện hữu.[4] Để rồi sau khi nhận ra rằng “thế giới” xuất hiện nơi các giác quan cách nào đó bất toàn, khiếm khuyết, mối quan tâm đó đẩy ông đến việc tự vấn về một thực thể vĩnh cửu, bất biến tồn tại bên kia sự vật bất toàn, cái mà làm cho sự vật đó là như thế này chứ không phải là như thế khác. Ông đã tìm ra câu trả lời cho riêng mình ngang qua lý thuyết về “thế giới” hay “phạm vi” thật, bất biến và vĩnh cửu của các Linh Tượng (Forms) hay Ý Niệm (Ideas). Aristotole, một học trò xuất sắc của Plato, cũng bỏ biết bao tâm sức trong hành trình tìm kiếm bản chất của hiện hữu ngang qua nỗ lực trả lời câu hỏi cơ bản: “Hiện hữu nghĩa là gì?”, để rồi đi đến kết luận rằng tồn tại bao hàm một bản thể (substance, ousia) bên kia thực tại, cái mà làm cho hữu thể (being) là chính nó chứ không phải là cái gì khác.[5] Các triết gia thời này cũng thật “khác người” khi dạy người ta khinh chê tiền bạc.[6] Còn Socrates thì sẵn sàng chết để không phá đổ luật pháp thay vì chạy trốn để giữ mạng[7]; bởi chưng ông xác quyết rằng Luật Tối Thượng (the Laws) không cho phép ông phá vỡ cộng đồng, mà hành vi trốn chạy đồng nghĩa với việc không tuân thủ luật Athens- tức là luật của cộng đồng- lại góp phần phá vỡ xã hội.[8] Do đó, ông phải tuân theo luật Athens dù cho có phải trả một cái giá chung quyết là chính mạng sống của mình.

Bên cạnh đó, chiều kích vấn đáp nằm ngay trong bản chất của triết học cổ đại.[9] Những dấu hiệu bên ngoài nào cho ta thấy điều đó? Trước tiên, nhiều bản văn thời này như Republic, Apology, Crito… được viết dưới dạng vấn đáp (dialogue). Sau nữa, dòng chảy của triết học Thượng Cổ tự nó tỏ lộ cho ta chiều kích này. Thật vậy, một trường phái không bao giờ khởi đi từ những phán đoán giáo điều (dogmas), mà luôn được bắt đầu từ việc phủ định các trường phái trước đó trong một mức độ nào đó. Chính quá trình biện chứng của việc phủ định lý thuyết cũ và xây dựng triết thuyết mới làm nên chiều kích vấn đáp ngay trong nội bộ triết học thời này.

Tôi cho rằng có ít nhất ba nguyên nhân tạo nên đặc tính thú vị vừa nêu. Nguyên nhân đầu tiên là bối cảnh làm triết thời này. Pierre Hadot đã chứng minh rằng các bản văn triết thời này luôn được đặt trong bối cảnh học đường mà một trong những thao luyện quan trọng trong các trường học thời này là tranh luận theo phương pháp biện chứng, nghĩa là đặt câu hỏi và trả lời, hay nói cách khác là đối thoại có tính vấn đáp.[10] Thật thế, Plato cho rằng triết học chỉ có thể được thực thi trong bối cảnh cuộc đối thoại giữa thầy và trò trong trường học[11] và ta chỉ có nhận thức đích thực thông qua đối thoại trực tiếp và sống động[12]; còn Aristotle thường luận bàn triết học với các học trò trong khi bách bộ dọc con đường Peripatos rợp bóng cây hai bên[13]. Thêm vào đó, cách thức tiếp cận triết học thời này cũng thật lạ lùng: ngay sau khi được đánh động bởi tư tưởng của triết gia được viết trong một cuốn sách, người ta sẽ vội vàng chạy đến gặp vị ấy để nghe giải thích thêm, để tra vấn triết gia cũng như các môn đệ của ông- những người luôn sẵn sàng mở ra cho những cuộc đối thoại hầu làm sáng tỏ vấn đề.[14] Thứ hai, chiều kích vấn đáp ẩn tàng ngay trong bản chất của hành vi truy vấn triết lý. Quả thế, đã làm triết thì phải chất vấn và cố gắng tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, vì tinh thần triết học luôn không cho phép con người bằng lòng với những câu trả lời sẵn có, ta cứ chất vấn mãi không thôi. Ai đó đã nhận định rằng triết gia là kẻ không thể ngồi yên, bởi lẽ tinh thần triết cứ thôi thúc ông ta chấn vấn thực tại. Nguyên nhân cuối cùng, và có lẽ cũng là nguyên nhân sâu sắc nhất, là chiều kích vấn đáp nằm ngay trong bản chất của chân lý, của minh triết, bởi lẽ chân lý chỉ có thể tự tỏ lộ cho ta trong cuộc đối thoại mang tính vấn đáp. Thật thế, người Hy Lạp cổ dùng từ Aletheia (ἀλήθεια) để chỉ về một tình trạng không bị che dấu hay một sự vén mở. Như thế, các triết gia Hy Lạp Thượng Cổ đã quan niệm chân lý như là sự vén mở của hữu thể, và sỡ dĩ ta có thể tiếp cận thực tại là do nó có khả năng vén mở chính mình. Thực tại thực hiện điều đó bằng cách không ngừng chất vấn ý niệm của ta về nó, và điều đó làm nên một quá trình biện chứng (dialectics) không ngừng của việc đặt câu hỏi và trả lời, hai chiều kích (dimension) làm nên cuộc vấn đáp. Quả thật, Plato chắc chắn rằng phương pháp đúng đắn nhất để theo đuổi tri thức chính là phép biện chứng- phương pháp vấn đáp trong đó một tiền đề hay giả thuyết luôn bị đặt trước lý luận phản biện.[15] Ngày nay, nhiều triết gia đồng ý với quan điểm của Gadamer cho rằng sỡ dĩ Socrates và Plato luôn dấn thân vào các cuộc vấn đáp là vì họ nhận ra chiều kích nói trên ngay trong bản chất của minh triết.[16]

Đặc tính chung cuối cùng của triết học thời này mà tôi muốn nêu là mối tương quan giữa lý thuyết và thực hành: lý thuyết phải phục vụ thực hành.[17] Quả vậy, đối với cả Plato và Socrates, triết học không chỉ đơn thuần là hoạt động lý thuyết mà là một lối sống.[18] Họ cho rằng tri thức và nhân đức là một[19] hay nói cách khác việc biết điều tốt tự nó đã là điều thiện và sẽ dẫn ta đến việc thực thi điều tốt ta biết. Bởi thế những người theo phái Plato tin rằng nếu ta chỉ biết lý thuyết trừu tượng, ta chưa biết cách đích thực. Chỉ khi ta hấp thu những kiến thức đã học và chuyển hóa chúng thành bản chất của ta, ta mới có nhận thức thực thụ.[20] Các nhà hoài nghi (sceptic) cũng cho rằng sinh hoạt lý thuyết chính là sinh hoạt phê bình.[21] Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bỏ qua việc suy tư và soạn thảo lý thuyết; có điều, công việc nghiên cứu loại này chỉ nhằm tìm phương pháp chứng minh và hệ thống hóa các giáo điều cơ bản hoặc nhắm đến những điểm phụ thuộc phát sinh từ các giáo điều, chứ không bao giờ chất vấn các giáo điều ấy. Nói cách khác, đối với mỗi môn phái, các giáo điều như là niềm tin cơ bản, là lý thuyết “bất khả xâm phạm” của họ và chỉ những ai đã có những bước tiến rõ ràng mới được đảm nhiệm công việc nghiên cứu kể trên.[22]

Hành trình tìm hiểu những điểm chung xuyên suốt của các trường phái triết học Thượng Cổ vừa qua ắt hẳn gợi lên trong tâm hồn chúng ta một câu hỏi truy nguồn: liệu có cái gì là nguyên nhân đằng sau cả ba đặc tính vừa nêu không. Tôi cho là có và đó là tình yêu của triết gia thời cổ dành cho chân lý. Trước hết, tình yêu dành cho chân lý làm cho triết gia xa lạ với thế giới thường nhật. Thật thế, tình yêu vừa nêu thôi thúc triết gia đi tìm cái biết đích thực, mà quá trình theo đuổi tri thức loại ấy luôn hàm chứa trong nó việc loại bỏ những quan niệm sai lầm mà ta đã vô tình hay cố ý mang lấy trong thế giới tầm thường hằng ngày, bởi lẽ ngay tự bản chất, nền minh triết tự nó đã xa lạ với thế giới của những định kiến, thành kiến, ý kiến sai lầm. Thứ hai, lòng yêu mến nền minh triết thôi thúc triết gia đi vào trong cuộc vấn đáp. Bởi lẽ trong quá trình theo đuổi chân lý, triết gia dần dần nhận ra rằng sở dĩ ông có thể tiếp cận lẽ khôn ngoan là vì nó có lý tính- đặc tính làm cho sự thật có khả năng tự vén mở cho ông. Chân lý tự vén mở bằng cách chất vấn những hiểu biết sẵn có của triết gia về nó, để rồi ông nhận ra hiểu biết đó là chưa đúng, chưa đầy đủ và từ đó có một hiểu biết khác về sự thật gần với chính nó hơn; nhưng hiểu biết vừa nêu mới chỉ gần với chân lý hơn chứ chưa phải là chân lý, và chân lý lại tiếp tục chấn vấn triết gia. Thế là cuộc vấn đáp giữa chân lý và triết gia được thể hiện ngang qua quá trình biện chứng của việc đặt câu hỏi và trả lời cứ thế tiếp diễn. Tắt một lời, trong hành trình theo đuổi lẽ khôn ngoan, chính sự thật chất vấn triết gia và lý do quan trọng nhất đưa ông vào cuộc vấn đáp là tình yêu ông dành cho nền minh triết. Sau hết, tình yêu chân lý làm “tri” gắn liền với “hành”, bởi chưng các philosophos thời này cho rằng tri thức đích thực không phải là cái gì đó mà con người có thể “cầm chắc” trong tay, mà con người chỉ có nhận thức thực thụ ngang qua việc hấp thu những kiến thức đã học và chuyển hóa chúng thành bản chất của họ. Bởi thế, hành trình khắc khoải tìm về chân lý hàm chứa quá trình suy tư về nó cũng như vận dụng những kết quả có được trong suy tư vào cuộc sống hằng ngày nhằm giúp bản thân đến gần tình trạng minh triết hơn; nói cách khác, khát mong đến gần chân lý của một triết gia gắn liền “tri” và “hành” của ông.

Tinh thần minh triết của những con người “dám nghĩ dám sống” kể cả khi phải trả cái giá đắt nhất là chính mạng sống của bản thân như thế đẩy tôi đến một thái độ sống, một lối sống cụ thể. Trước hết, đó là lối sống của người dám mở mình ra để sự thật có thể đến và tỏ lộ cho mình. Điều đó đòi tôi dám dấn thân vào những cuộc chất vấn triết lý, cái mà dường như không có hồi dứt và bị nhiều người xem là vô bổ, bởi những câu hỏi luôn nổi lên từ tận sâu thẳm tâm hồn, kể cả khi phải đối diện với những câu hỏi bị xem là “cấm kỵ” trong truyền thống của người Kitô hữu Việt Nam như là: “Liệu Thiên Chúa có tồn tại không? Nếu Thiên Chúa tồn tại thì Ngài có can thiệp vào thế giới mà tôi đang sống không? Tôi có thể biết gì về Thiên Chúa?” Chính trong cuộc vấn đáp có tính biện chứng được dẫn dắt bởi sự thật đó, mỗi ngày tôi càng mon men đến gần chân lý hơn để rồi một ngày kia có thể chiêm ngưỡng Đấng Chân Lý. Đó cũng là cách sống của người luôn có “độ lùi” nhất định khi đứng trước thực tại như ai đó đã từng nói: “Lùi một bước để thấy trời cao biển rộng”. Thật vậy, tinh thần triết Thượng Cổ mời gọi tôi đánh giá thực tại ngang qua bản chất của nó chứ không dựa vào bề nổi. Điều đó không cho phép tôi kết luận dựa theo đám đông cũng như dựa trên những định kiến có sẵn của bản thân. Trái lại, kết luận chỉ được đưa ra sau khi cân nhắc các khía cạnh của thực tại bao nhiêu có thể, và đó phải là ý kiến của một người “uốn lưỡi bảy lần trước khi đưa ra chính kiến”. Cuối cùng, đó là thái độ sống khiêm tốn biết mình như cái cách mà các triết gia thời cổ đã mang lấy. Thật thế, triết gia ý thức rằng bản thân không phải là Nhà Hiền Triết, cũng không phải là người thường và trạng thái minh triết chỉ là một trạng thái lý tưởng hầu như bất khả đạt tới[23], hay như Socrates khẳng định rằng: “Điều duy nhất tôi biết là tôi không biết gì cả”. Bởi thế, họ biết rằng bản thân không thể nắm giữ chân lý và thật tâm đi vào những cuộc vấn đáp với hy vọng tiệm cận sự thật mỗi ngày một hơn. Tôi tin rằng một tinh thần biết mình như thế rất cần thiết cho tất cả những ai làm triết, theo nghĩa rộng nhất của từ “triết học”, và đặc biệt cho những tu sĩ Công Giáo tìm hiểu triết, trong đó có tôi; để rồi bản thân không đi vào thái cực tuyệt đối hóa khả năng lý tính của con người đến mức nghĩ rằng con người có khả năng biết hữu thể cách tuyệt đối và chối bỏ sự hiện diện quan phòng của Thiên Chúa. Một tinh thần khiêm tốn như thế cũng mời gọi tôi mở ra lắng nghe ý kiến của người khác nhiều hơn, kể cả những ý kiến trái chiều, vì biết rằng những ý kiến đó, trong một mức độ nào đó, sẽ đưa bản thân vào trong cuộc vấn đáp mang tính biện chứng cái mà giúp mình mon men đến gần chân lý hơn.

Thế là chúng ta vừa trải qua hành trình khám phá triết học thời cổ một cách tổng quát ngang qua ba đặc tính chung của nó cũng như nguyên nhân ẩn sau chúng- một cuộc truy tầm không quá dài nhưng cũng đủ giúp ta, trong một mức độ nào đó, rút ra những ích lợi cho riêng mình. Vẫn biết rằng những hiểu biết tổng quát có được sau chuyến phiêu lưu vừa qua là bé nhỏ so với khối tài sản khổng lồ của một nền triết học Thượng Cổ sôi động và sâu sắc dường ấy, song tôi vẫn cho rằng giờ đây chúng ta có thể và rất nên khởi động một hành trình tiếp theo- một chuyến đi vào xem xét từng trường phái với những nét dị biệt và đặc thù của chúng, nhằm có thêm những hiểu biết chi tiết về triết học thời này. Để rồi những hiểu biết tổng quát và chi tiết đó phần nào giúp ta mon men đến gần bản chất của triết học thời cổ- cái nền của toàn bộ nền triết học- hơn, và nhờ đó đặt một nền tảng vững chắc cho hành trình “làm triết” đầy thú vị mà ta đã, đang và sẽ dấn thân vào.

Francis Xavier Trần Quang Huy, SJ

Học Viên Triết I

Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên

TÀI LIỆU THAM KHẢO

            Ahbel-Rappe, Sara and Kamtekar, Rachana, ed. A companion to Socrates. Massachusetts: Blackwell Publishing Ltd, 2006.

            Hadot, Pierre. Ca ngợi triết học thời cổ, Đậu Văn Hồng trans. Huế: Đại chủng viện Huế, 2002.

            Hồng, Đậu Văn. Triết sử Tây Phương thời Thượng Cổ. Nha Trang: Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang, 2004.

            Irwin,Terence, ed. Classical Philosophy. New York: Oxford University Press, 2005.

            Plato, The Republic of Plato, Allan Bloom trans. ?: Harper Collins Publishers, 1991.

            Stumpf, Samuel Enoch. Lịch sử triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn and Lưu Văn Hy trans. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao Động, 2004.

[1] x. Pierre Hadot, Ca ngợi triết học thời cổ, Đậu Văn Hồng trans. (Huế: Đại chủng viện Huế, 2002), 21.

[2] x. Plato, The Republic of Plato, Allan Bloom trans. (?: Harper Collins Publishers, 1991), 7-15.

[3] x. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn and Lưu Văn Hy trans. (Hà Nội: Nhà xuất bản Lao Động, 2004), 9.

[4] x. Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, 54.

[5] x. Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, 77-79.

[6] x. Hadot, Ca ngợi triết học thời cổ, 21. x. Đậu Văn Hồng, Triết sử Tây Phương thời Thượng Cổ (Nha Trang: Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang, 2004), 87.

[7] x. Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, 437-443.

[8] x. Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, 43.

[9] x. Hadot, Ca ngợi triết học thời cổ, 34.

[10] x. Hadot, Ca ngợi triết học thời cổ, 36.

[11] x. Hadot, Ca ngợi triết học thời cổ, 67-68.

[12] x. Hồng, Triết sử Tây Phương thời Thượng Cổ, 91-92.

[13] x. Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, 71.

[14] x. Hadot, Ca ngợi triết học thời cổ, 34-35.

[15] x. Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, 46.

[16] x. Sara Ahbel-Rappe and Rachana Kamtekar, ed., A companion to Socrates (Massachusetts: Blackwell Publishing Ltd, 2006), 434-437, 438.

[17] x. Hadot, Ca ngợi triết học thời cổ, 28-29.

[18] x. Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, 46.

[19] x. Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, 35. Hồng, Triết sử Tây Phương thời Thượng Cổ, 82.

[20] x. Hadot, Ca ngợi triết học thời cổ, 29.

[21] x. Hadot, Ca ngợi triết học thời cổ, 28.

[22]x. Hadot, Ca ngợi triết học thời cổ, 30-31.

[23] x. Hadot, Ca ngợi triết học thời cổ, 22-25.

Kiểm tra tương tự

Hỡi các bậc phụ huynh, thánh Tôma Aquinô sẽ giúp bạn vượt qua những năm tháng mệt mỏi

Thánh Tôma Aquinô hiểu sự hiện hữu như một quá trình năng động chuyển từ …

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *