Lý trí tương giao

“Lý trí tương giao”
trong “Lý thuyết về hành vi tương giao” của Habermas

Jürgen Habermas (1929 – ) hiện thời được xếp hạng là một trong những triết gia có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Ông bắc nhịp cầu nối các truyền thống tư tưởng của Bắc Mỹ với lục địa. Các công trình của ông trải rộng từ lý thuyết chính trị xã hội đến thẩm mỹ học; tri thức luận và ngôn ngữ, đến triết học tôn giáo. Những ý tưởng của ông ảnh hưởng lớn không chỉ trên triết học mà còn trên luật chính trị, xã hội học, các nghiên cứu về tương giao, lý thuyết lập luận và hùng biện, tâm lý học phát triển và thần học.[1] Nói ngắn gọn, ông là nhà lý thuyết liên ngành, và nổi bật về lý thuyết chính trị xã hội.[2] Hơn nữa, các tác phẩm lớn của ông thường dài và có tính chuyên môn cao. Lý do là ông không viết cho những người mới bắt đầu. Vì thế, khi đọc tác phẩm của ông, tuy với đầy thiện chí, nhưng kinh nghiệm đầu tiên là “chán ngán”.[3]

Giữa “rừng tác phẩm đồ sộ” của Habermas, người viết giới hạn vào một chủ đề của một tác phẩm tiêu biểu. Tác phẩm đó là Lý thuyết về hành vi tương giao (The Theory of Communicative Action, 1981)[4]. Chính ông nói: “tác phẩm này viết dành cho những người có mối quan tâm chuyên sâu về những nền tảng của lý thuyết xã hội”[5]. Chủ đề bàn luận là nội dung và vai trò của “lý trí tương giao”[6] trong hai lĩnh vực: ngôn ngữ và xã hội.

– – –

I. Khái niệm “lý trí tương giao”

1. Lý thuyết về hành vi tương giao là hướng tiếp cận mới
2. “Lý trí tương giao” là nguyên lý có tính lượng giá

II. Nội dung và vai trò của “lý trí tương giao” trong các lĩnh vực:

1. Ngôn ngữ: từ mệnh đề sang thực dụng

a. Năng lực tương giao
b. Ý nghĩa có tính thực dụng
c. Đồng thuận đạt được nhờ tương giao

2. Xã hội: từ hệ thống sang thế giới sống

a. Lý thuyết về thảo luận
b. Thế giới sống và hệ thống
c. Tương quan giữa thế giới sống và hệ thống

III. So sánh “lý trí tương giao” của Habermas với “lý trí thuần túy” của Kant

1. Điểm kế thừa: từ “ánh sáng” tới “ánh sáng biện chứng”
2. Điểm phát triển: từ “ánh sáng biện chứng” tới “tương giao”

– – –

I. Khái niệm “lý trí tương giao”

Câu hỏi gần như ngay lập tức được gợi nhắc là: “Lý trí tương giao là gì?” và “Lý thuyết về hành vi tương giao là gì?”.

  1. Lý thuyết về hành vi tương giao là hướng tiếp cận mới

(a). Nếu nhìn theo tiến trình nghiên cứu, tức là nhìn trong nhãn quan sử tính, có thể phân chia thành các giai đoạn: tiền Habermas, khúc quanh ngôn ngữ, hậu Habermas.[7]

Tiền Habermas[8]

“Tiền Habermas” là giai đoạn ông nỗ lực tìm hiểu mô hình phê phán xã hội. Tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này là Tri thức và các mối bận tâm của con người (Knowledge and Human Interests). Đây có thể được coi là khởi đầu của ông cho lối tiếp cận đa chiều có tính phương pháp về lý thuyết xã hội. Có ba mối bận tâm căn bản (three core interests).[9]

Một là, có “bận tâm kỹ thuật” (technical interest) khi chúng ta dự đoán và làm chủ thế giới tự nhiên. Mối bận tâm này tạo nên các mô hình nghiên cứu và các sản phẩm tri thức theo kiểu khoa học “phân tích-duy nghiệm”. Đó là các khoa học tự nhiên và các loại khoa học xã hội nhắm đến các kiến giải tổng quát có thể kiểm chứng.

Hai là, có “bận tâm giải thích” (interpretive interest) khi chúng ta duy trì và mở rộng các khả thể cho việc tự hiểu biết hoặc hiểu biết lẫn nhau trong cuộc sống. Mối bận tâm này tạo nên các khoa học “thông diễn-văn hóa”. Các khoa học này tiền giả định và tạo nên các mô hình của sự hiểu biết cá nhân và liên vị định hướng hành vi. Sự hiểu biết này hoạt động trong các hình thái đời sống văn hóa-xã hội và trong ngữ pháp của ngôn ngữ thông thường.

Ba là, “bận tâm giải phóng” (emancipatory interest) là để giải phóng con người khỏi sự vật hóa, khỏi sự tha hóa. Mô hình ông nhận thấy thích hợp cho việc giải phóng ở cấp độ xã hội là trường phái tân-Marx, ở cấp độ cá nhân là phân tâm học của Freud. Tuy nhiên, khi nói ba mối bận tâm căn bản này định hình tri thức vừa có tính thực dụng vừa có tính đa chiều, thì những phân tích này vẫn bị bó hẹp trong cái khung của “triết học về ý thức”[10]. Tức là, các đối tượng được định hình dựa trên các kinh nghiệm khả thể của chủ thể.

Khúc quanh ngôn ngữ[11]

“Khúc quanh ngôn ngữ” là giai đoạn Habermas nhấn mạnh ngôn ngữ. Ông gặp được lý thuyết ngôn-hành, và đây là bước chuyển quan trọng trong dự phóng của ông. Trong lý thuyết ngôn hành, ông tìm thấy cơ sở cho khái niệm “năng lực tương giao” (communicative competence). Habermas hiểu trường phái thực dụng hình thức (formal pragmatics) như là một trong những “khoa học tái cấu trúc”. Các khoa học này nhắm tới việc đưa ra cách dứt khoát có tính lý thuyết, loại tri thức-cách thức tiền lý thuyết và trực giác, nằm đằng sau những năng lực căn bản của con người như nói năng, hiểu biết, phán đoán, hành động. “Khoa học tái cấu trúc” đưa ra tri thức, không mang tính tất yếu nhưng có tính giả thuyết, không tiên thiên nhưng hậu nghiệm, không chắc chắn nhưng có thể sai. Tuy nhiên, “khoa học tái cấu trúc” trực tiếp hướng tới các điều kiện và các cấu trúc bất biến, và đề xuất các phát biểu vừa có tính phổ quát vừa có thể bị loại bỏ; đây chính là bản mô tả cho lý tính thực hành.

Hậu Habermas

“Hậu Habermas” là giai đoạn mà các công trình lớn và đặc thù của Habermas ra đời. Đây là giai đoạn ông mở hướng đi mới cho chính mình. Tác phẩm không thể không kể tới, là Lý thuyết về hành vi tương giao. Chính ông đã nói về điểm khởi đầu quan trọng này trong lời tựa:

Càng đi sâu hơn vào các lý thuyết về hành vi, ý nghĩa, ngôn hành, và những lãnh vực tương tự của triết học phân tích, tôi càng khó xác định cách chi tiết cụ thể về mục đích mà tôi đang toàn tâm nỗ lực tìm kiếm. Càng tìm kiếm thỏa mãn những phát biểu có tính giải thích của các triết gia, tôi càng dịch chuyển xa hơn những bận tâm của các nhà xã hội học, các nhà xã hội học đã hỏi rằng, phân tích có tính khái niệm như thế phục vụ cho mục đích gì. Tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm… Trong hoàn cảnh này, lời khuyên của Thomas McCarthy, người đã động viên tôi làm một khởi đầu mới, là rất quan trọng.[12]

(b). Nếu nhìn theo kiểu chương trình nghiên cứu, tức là nhìn trong nhãn quan hệ thống, chúng ta có thể đặt toàn bộ công trình lớn trong giai đoạn hậu-Habermas vào một bối cảnh. Toàn bộ công trình này được phân chia thành 5 chương trình nghiên cứu:

1. Lý thuyết thực dụng về ý nghĩa
2. Lý thuyết về lý tính tương giao
3. Lý thuyết xã hội
4. Thảo luận về đạo đức
5. Lý thuyết chính trị

Mỗi chương trình vừa có tính độc lập của nó, vừa liên hệ với các chương trình khác. “Lý thuyết thực dụng về ngôn ngữ” cùng với “lý thuyết về lý tính tương giao” cung cấp những ý tưởng có tính định hướng cho lý thuyết về xã hội, đạo đức, và chính trị. Hơn nữa, ba chương trình (lý thuyết về xã hội, đạo đức, chính trị) bổ túc lẫn nhau. Gọi chúng là các “chương trình nghiên cứu” vì chúng vẫn đang tiếp diễn.[13] Vì bài viết này tập trung vào tác phẩm Lý thuyết về hành vi tương giao, nên các chương trình 1, 2, 3 sẽ được bàn luận trong phần “II. Nội dung và vai trò của lý trí tương giao”; còn chương trình 4 và 5, bài viết tạm không bàn tới.

(c). Bố cục và những nét chính của tác phẩm Lý thuyết về hành vi tương giao giúp mở đường đi vào đề tài mà chúng ta quan tâm. 

Theo cung cách biện chứng, Habermas tìm thấy sự hợp nhất trong sự hiểu thấu khi phê phán chủ nghĩa duy lý. Lý thuyết về hành vi tương giao xuất bản hai tập năm 1981, trình bày cao điểm nỗ lực của ông. Lý tính và sự hợp lý hóa của xã hội[14] là bản dịch của tập thứ nhất. Bản dịch của tập thứ hai là Hệ thống và thế giới sống: phê phán “lý tính của các nhà chức năng luận”[15]. Về lối tiếp cận, Habermas phát triển các đề tài thông qua một số kết nối, giữa “việc thiết lập lý thuyết” với “việc tái cấu trúc lịch sử” các ý tưởng của các nhà lý thuyết xã hội. Các nhà tư tưởng được bàn tới là các nhà xã hội học kinh điển như Marx, Weber, Durkheim, Mead, Parsons; và các nhà lý thuyết xã hội phê phán thuộc phái tân-Marx như Lukacs, Horkheimer, Adorno. Nhiều vị vẫn còn sống. Habermas không đề cập tới họ như thể họ đã chết, nhưng ông nhắc tới họ trong cách thế là họ thực sự như những thành viên trong cuộc đối thoại, để từ những giải pháp vĩ đại của họ mà học được bài học ý nghĩa cho thời đương đại. Mục đích “tái cấu trúc có tính lịch sử cùng với ý định có tính hệ thống” của ông là làm sáng tỏ và kết hợp các đóng góp tích cực của họ, để phê bình và vượt qua những điểm yếu của họ, bằng cách cùng nghĩ với họ và đi xa hơn họ.[16]

Trong lời tựa, Habermas viết:

Sự thích ứng có tính hệ thống của lịch sử lý thuyết xã hội, giúp tôi tìm thấy cấp độ của sự hội nhất, mà trong đó, các ý hướng triết học được gợi mở từ Kant qua Marx nảy sinh thành quả có tính khoa học ngày nay. Tôi coi Weber, Mead, Durkheim, và Parsons như là các nhà kinh điển, họ là các nhà lý thuyết về xã hội, và họ vẫn còn nhiều điều để nói với chúng ta.[17]

Tác phẩm Lý thuyết về hành vi tương giao gồm 8 chương, chia trong 2 tập: tập 1 (Vol 1) từ chương I tới chương IV, tập 2 (Vol 2) từ chương V tới chương VIII.

 Tính hệ thốngSự tái cấu trúc
có tính lịch sử
Tính hệ thốngSự tái cấu trúc
có tính lịch sử
Tính hệ thống
Tập 1

 

Chương I:
Dẫn nhập
Chương II:
Weber
 

Chương III:
Các phản tỉnh
Trung gian

 

Chương IV:
Từ Lukacs
đến Adorno

 
Tập 2  

Chương V:
Mead và
Durkheim

 

Chương VI:
Các phản tỉnh
Trung gian

Chương VII:
Parsons
 

Chương VIII:
Các phản tỉnh
kết luận

Bài viết này chú tâm nhiều hơn vào phần “Dẫn nhập” (Chương I) và hai loạt “Các phản tỉnh trung gian” (Chương III và VI), được đề xuất cho các câu hỏi mang tính hệ thống. Trong “Các phản tỉnh kết luận” (Chương VIII), Habermas kết nối những nghiên cứu có tính hệ thống và có tính lịch sử lại với nhau. Để nghiên cứu như thế, Habermas khẳng định việc sử dụng khái niệm lý trí tương giao.[18]

Như thế, mục (a) là cái nhìn tổng quan về ba giai đoạn (tiền, khúc quanh, hậu) trong sự nghiệp của Habermas. Mục (b) tập trung vào giai đoạn hậu, cũng là giai đoạn chính của ông. Mục (c) tập trung vào một tác phẩm tiêu biểu. Sau ba vòng đặt bối cảnh như thế, phần tiếp theo có phạm vi thu hẹp hơn nữa, đó chính là khái niệm “lý trí tương giao”.

  1. “Lý trí tương giao” là nguyên lý có tính lượng giá[19]

Khái niệm “lý trí tương giao” được trình bày ít nhiều trong các tác phẩm thời đầu của Habermas như Tri thức và các mối bận tâm của con người (Knowledge and Human Interests). Thế nhưng, chỉ tới tác phẩm Lý thuyết về hành vi tương giao, thì khái niệm “lý trí tương giao” mới mang đầy đủ ý nghĩa.[20]

(a). “Lý trí tương giao” có chức năng chú giải cho “lý trí công cụ”

Trong Tri thức và các mối bận tâm của con người, Habermas nối kết “lý trí tương giao” với mối bận tâm nhận thức (cognitive interest), rằng con người có sự hiểu biết lẫn nhau và sự tương tác qua lại. Để có thể tồn tại và phát triển, con người phải vừa có khả năng làm chủ môi trường tự nhiên quanh họ nhờ khoa học và kỹ thuật, vừa có sự tương giao hiệu quả, thế nên họ sẽ tự tổ chức thành các nhóm xã hội phức tạp và ổn định. Khi đó, “lý trí tương giao” mang tính chú giải cho “lý trí công cụ” (instrumental reason), mà “lý trí công cụ” lại được sử dụng trong các khoa học tự nhiên. Khi chỉ lý trí công cụ được sử dụng trong việc thiết lập đời sống xã hội, vấn đề xảy ra là phát sinh chủ nghĩa duy khoa học (scientism). Ở đây, Habermas sử dụng mô hình thông diễn, “lý trí tương giao” trước tiên được hiểu gần như là sự đối thoại giữa người đọc với bản văn anh ta đọc. Tôi đến với cuốn sách, hỏi nó những câu hỏi tích cực, và nó sẽ cung cấp cho tôi những câu trả lời ít nhiều đầy đủ. Khi ấy, chỉ có “lý trí tương giao” thì chưa đủ, và lý trí tương giao phải được bổ túc bởi lý thuyết phê phán (critical theory) để thâm nhập vào sự biến dạng có tính hệ thống, do sự bất bình đẳng chính trị trong xã hội đã làm hỏng khả thể của sự tương giao đúng nghĩa.

(b). “Lý trí tương giao” là tiền giả định cho việc đối thoại

Habermas vẫn giữ những phân tích thời đầu của ông về việc sử dụng lý trí như là hành vi có tính công cộng, và như thế, “lý tính tương giao” tiền giả định khả thể của việc đối thoại. Cụ thể hơn, ông lập luận: đây không chỉ là một tiến trình của việc thông diễn, nhưng hơn thế, nó là tiến trình của các tham dự viên trong cuộc đối thoại, hoặc sự tương tác có tính xã hội; và những điều này bị đòi hỏi phải lý giải những gì họ nói và những việc họ làm. Một cách lý tưởng, nếu được yêu cầu, người nói sẽ muốn và có thể đưa ra các bằng chứng và lý lẽ để củng cố cho những niềm tin của anh về thế giới, và quyền của anh ta là thực thi các hành vi tương xứng với lời nói của anh ta.[21] Tuy nhiên, khi đối diện với những đòi hỏi hợp lẽ, lý trí tương giao có thể ‘gãy khúc’ nếu bạn ép buộc mệnh lệnh ấy bằng sự đe dọa.

Nếu tương giao gặp vấn đề, thì các tham dự viên tạm ngưng ‘thảo luận’ (discourse). Khi ấy, họ tạm rút lui khỏi sự tương tác, để họ có thể phản tỉnh và có thể tranh luận về những lý lẽ có thể hợp lý của điều ấy. Các tranh luận như thế có thể được thuyết phục bởi chiều sâu ít nhiều, và dựa trên những gì được minh chứng cho mọi người là chấp nhận được.[22] Khi làm như thế, chúng ta chuyển sang thảo luận về các nguyên tắc làm nền cho các tương tác.  

(c). “Lý trí tương giao” giúp phản tỉnh, chất vấn và chỉnh sửa các quy tắc tương giao

Với lý trí tương giao, chúng ta có thể phản tỉnh, chất vấn và chỉnh sửa các quy tắc đã đưa ra và đã được chấp nhận, mà những quy tắc này hướng dẫn các tương giao hàng ngày của chúng ta. Các qui tắc xã hội, từ quyền của người chị lớn cho tới chính sách của chính phủ, được chấp nhận như một phần của một tổng hợp những niềm tin, giá trị và kỹ năng mà chúng ta bị xã hội hóa khi chúng ta lớn lên và sống trong một xã hội cụ thể. Đây là một tổng thể của thế giới mà chúng ta sống.

Lý trí tương giao là nguồn, qua đó chúng ta có thể phản tỉnh trên tất cả những niềm tin, giá trị và kỹ năng ấy, khi có vấn đề nào đó. Hơn nữa, lý trí tương giao là nguồn, qua đó chúng ta có thể phản tỉnh trên các mục đích mà chúng ta đang theo đuổi cách cá nhân hay tập thể. “Lý trí công cụ” tiền giả định các mục đích đã cho cần đạt được, và tập trung vào cách tính toán sao cho có các phương tiện hữu hiệu nhất để đạt được các mục đích ấy.[23] Lý trí công cụ dường như là một tiến trình suy nghĩ cách đơn độc, mà một người thực hiện với phương tiện hiệu quả nhất trong bối cảnh nào đó, và không cần phải thảo luận với ai cả. Cái khuôn mẫu của việc luận lý cách đơn độc có thể được sử dụng để đạt mục đích, nhưng nó được quyết định dựa trên chủ thể tính, hay có thể nói là sự chủ quan.

Tuy nhiên, Habermas cho thấy, mục tiêu của chúng ta không chỉ là vấn đề của cá nhân. Tôi có thể bị hỏi về lý do: Tại sao bạn muốn một chiếc xe? Để đạt được mục đích cá nhân, trước tiên tôi sẽ tiến tới việc đối thoại với người khác. Ví dụ, tôi cần họ giúp đỡ, hoặc tôi sẽ ngăn cản họ làm điều họ muốn. Thế nên, những người này có quyền hỏi tôi, và tôi phải buộc tự giải thích. Để đạt được sự đồng thuận nào đó, sự lý giải của tôi sẽ nại tới một số quy tắc và giá trị, mà tôi hy vọng là những người chất vấn tôi sẽ chấp nhận.[24] Sâu xa hơn, các nguyên tắc nằm đàng sau có thể được tranh luận.[25]

(Hết phần I)
Kỳ tới: Phần II-1: Ngôn ngữ từ đúng/sai tới thấu hiểu

Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.
Học viên Triết
Học viện thánh Giuse Dòng Tên

[1] See. Bohman, James and Rehg, William, “Jürgen Habermas”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Fall 2014 Edition), Edward N. Zalta (ed.), <http://plato.stanford.edu/archives/fall2014/entries/habermas/>.

[2] See. James Gordon Finlayson, Habermas: A Very Short Introduction, (Oxford University Press 2005), p. xi.

[3] See. James Gordon Finlayson, Habermas: A Very Short Introduction, p. xviii.

[4] 1981. Theorie des kommunikativen Handelns. Vol. 1: Handlungsrationalität und gesellschaftliche Rationalisierung. Vol. 2: Zur Kritik der funktionalistischen Vernunft. Frankfurt am Main: Suhrkamp. [English, 1984a, 1987].

[5] See. Jurgen Habermas, The Theory of Communicative, Volume 1, Translated by Thomas McCarthy, (Boston: Beacon Press 1984), p. xlii.

[6]Communicative Reason hoặc “Communicative Rationality: trong The Theory of Communicative Action, các thuật ngữ “communicative reason”“communicative rationality” đồng thời được sử dụng. “Communicative reason” người viết tạm dịch là “lý trí tương giao”, tức là không phải lý trí đơn độc cho bằng là lý trí này trong tương quan với lý trí khác. “Communicative rationality” người viết tạm dịch là “lý tính tương giao”, tức là lý tính trong các tương giao và trong các cuộc thảo luận. Theo quan điểm của người viết, Habermas không hoàn toàn tách biệt giữa lý trí (reason) và lý tính (rationality), mà nếu có sự phân biệt thì chỉ là hình thức mà thôi, vì lý tính là bản chất và chức năng, cũng như mục đính của lý trí. Điều quan trọng đối với Habermas là hiểu tương giao như thế nào. Do đó, trong bài viết này, người viết hầu như không phân biệt “lý trí tương giao” với “lý tính tương giao”, mà sử dụng hai thuật ngữ với ý nghĩa nội hàm tương đương nhau. Hơn nữa, trong bài báo (Michaël Fœssel, Jürgen Habermas, Critique and communication: Philosophy’s missions, A conversation with Jürgen Habermas, published 2015-10-16, original in German, translation by Alex J. Kay, contribution by Esprit,

<http://www.eurozine.com/articles/2015-10-16-habermas-en.html>) có độ dài 10 trang, nơi trang thứ 6, Habermas gần như sử dụng đồng nhất hai thuật ngữ “rationality” và “reason” thành một.

[7] See. Bohman, James and Rehg, William, “Jürgen Habermas”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy.

[8] See. “1. The Early Development Of Habermas’s Interest In The Public Sphere And Reason” in Bohman, James and Rehg, William, “Jürgen Habermas”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy.

[9] Cũng gọi là ba mối bận tâm nhận thức (three cognitive interest) hay ba mối bận tâm định hình tri thức (three knowledge-constitutive interests).

[10] “Triết học về ý thức” (the philosophy of consciousness) xác định một mô thức triết học rất rộng. Chúng ta có thể tóm lược trong một số đặc tính (xin xem cụ thể trong phần phụ lục 1 của bài viết).

[11] See. “2. Important Transitional Works” in Bohman, James and Rehg, William, “Jürgen Habermas”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy.

[12] See. Jurgen Habermas, The Theory of Communicative, Volume 1, p. xxxix.

[13] See. James Gordon Finlayson, Habermas: A Very Short Introduction, pp. xviii-xix.

[14] 1984a. The Theory of Communicative Action. Vol. I: Reason and the Rationalization of Society, T. McCarthy (trans.). Boston: Beacon. [German, 1981, vol. 1]

[15] 1987. The Theory of Communicative Action. Vol. II: Lifeworld and System, T. McCarthy (trans.). Boston: Beacon. [German, 1981, vol. 2]

[16] See. Jurgen Habermas, The Theory of Communicative, Volume 1, pp. vi-vii.

[17] See. Jurgen Habermas, The Theory of Communicative, Volume 1, pp. xl.

[18] See. Jurgen Habermas, The Theory of Communicative, Volume 1, pp. xl-xli.

[19] See. Andrew Edgar, Habermas – The Key Concepts, (Routledge 2006), pp. 23-26.

[20] Các ví dụ minh họa trong phần này, được lấy từ chương III của The Theory of Communicative, Volume 1.

[21] Ví dụ, nếu bạn muốn tôi lấy cho bạn một ly bia. Tôi có thể hỏi lại bạn bằng cách, hoặc là tôi chỉ ra rằng không có bia, hoặc là yêu cầu bạn cho tôi biết bạn lấy quyền gì mà ra lệnh cho tôi. Nếu chúng ta đều hợp lý, thì hoặc là bạn phải đáp lại tôi bằng cách đưa ra những lý do hữu lý, hoặc là bạn chấp nhận câu hỏi của tôi và bạn rút lại lời yêu cầu.

[22] Ví dụ, câu nói ‘Tôi là chị lớn của bạn’ có thể bị chất vấn bằng sự đáp lại ‘Nhưng tôi không còn là đứa trẻ bảy tuổi nữa!’ Chúng ta có thể đi vào cuộc tranh luận này, bằng việc xác định xem, đâu là tuổi chính xác mà người chị có thể ra lệnh cho em trai của mình.

[23] Thế nên, cho rằng tôi muốn mua cái xe hơi, vậy đâu là cách thức để tôi có thể kiếm tiền nhanh nhất để đạt được mục tiêu của mình?

[24] Tôi có thể đưa ra lý do: cái xe sẽ giúp tôi di chuyển dễ dàng hơn.

[25] Hàng loạt lý do nằm đằng sau, có thể là: (Nhưng những cái xe gây ra ô nhiễm. Đã có quá nhiều xe trên đường phố. Điều gì sẽ là sai lỗi với phương tiện giao thông công cộng?).

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. Tác phẩm của Habermas

Jurgen Habermas, The Theory of Communicative, Volume 1, Translated by Thomas McCarthy, (Boston: Beacon Press 1984).

Jurgen Habermas, The Theory of Communicative, Volume 2, Translated by Thomas McCarthy, (Boston: Beacon Press 1987).

  1. Các nguồn khác

James Gordon Finlayson, Habermas: A Very Short Introduction, (Oxford University Press 2005).

Bohman, James and Rehg, William, “Jürgen Habermas”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Fall 2014 Edition), Edward N. Zalta (ed.),
<http://plato.stanford.edu/archives/fall2014/entries/habermas/>.

Andrew Edgar, Habermas – The Key Concepts, (Routledge 2006).

Georgia Warnke, “Communicative rationality and cultural values”, The Cambridge Companion to Habermas, edited by Stephen K. White, (Cambridge University Press 1995).

Michaël Fœssel, Jürgen Habermas, Critique and communication: Philosophy’s missions, A conversation with Jürgen Habermas, published 2015-10-16, original in German, translation by Alex J. Kay, contribution by Esprit, <http://www.eurozine.com/articles/2015-10-16-habermas-en.html>.

Kiểm tra tương tự

Hỡi các bậc phụ huynh, thánh Tôma Aquinô sẽ giúp bạn vượt qua những năm tháng mệt mỏi

Thánh Tôma Aquinô hiểu sự hiện hữu như một quá trình năng động chuyển từ …

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *