Tính liên kết giữa con người và môi trường thiên nhiên – Nhìn từ góc độ khoa học và triết học

Tác giả: Lm. An-tôn Trần Khắc Bá, S.J.

 

Vấn đề môi trường đang nổi lên như một trong những mối quan tâm hàng đầu của cả nhân loại. Đây là vấn đề cấp bách, vì nó không còn thuần tuý mang tính lý thuyết hay trừu tượng nữa, mà ngay cả một người bình thường cũng có thể cảm nhận được ảnh hưởng từ những biến đổi tiêu cực của môi trường lên đời sống hằng ngày của họ. Vì thế, bên ngoài xã hội, rất nhiều chính trị gia, các nhà hoạt động xã hội, các nhà khoa học, v.v., đều vào cuộc kêu gọi việc bảo vệ môi trường trước những dấu hiệu rõ ràng về sự đổ vỡ hệ thống cân bằng sinh thái của trái đất. Các triết gia và thần học gia cũng tích cực suy tư và thúc đẩy các hành động cụ thể hướng đến việc hoà giải giữa con người với thiên nhiên.

 

Trong bối cảnh đó, rất nhiều câu hỏi liên quan trong lãnh vực môi trường đã được đặt ra, được tranh luận và đưa vào thực hành. Tuy nhiên, vẫn còn đó câu hỏi mang tính triết học: tại sao chúng ta cần quan tâm môi trường? Câu hỏi này kéo theo nhiều truy vấn nền tảng khác, như về bản chất và giá trị của môi trường, về vai trò đạo đức của con người trong ứng xử với môi trường, về việc liệu môi trường có ‘in dấu’, hay góp phần hình thành nên căn tính của con người hay không, v.v. Hơn nữa, sự phức tạp của vấn đề như thế tự nó cũng đặt ra vấn đề phương pháp. Cho đến nay, hầu hết các học giả đều đồng thuận phương pháp tiếp cận liên ngành, nghĩa là vấn đề môi trường cần được nhìn và khảo sát ở nhiều khía cạnh: từ khoa học tự nhiên, triết học, đạo đức, tôn giáo, v.v.

 

Bài viết này quan tâm tới một trong những câu hỏi nền tảng nói trên: bản chất của mối tương quan giữa môi trường và con người là gì? Trước hết, phải thừa nhận rằng việc đưa ra một câu trả lời chung cục và đầy đủ cho câu hỏi này là điều bất khả thi, vì tính liên ngành và phức hợp của vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tiếp cận nó ở những góc độ và phạm vi nhất định. Ở đây, tôi sẽ tập trung vào vấn đề được gợi hứng từ câu hỏi của nhà triết học George Perkins Marsh: liệu con người thuộc về môi trường, hay nằm ngoài môi trường? Bài viết này sẽ dẫn chứng cho quan điểm rằng hiện hữu con người thuộc về môi trường ở mức rất căn bản, bằng cách chỉ ra tính liên kết về mặt thể lý và ý thức giữa con người với môi trường thiên nhiên. Tính liên kết này sẽ được khảo sát từ hai địa hạt: khoa học và triết học. Cụ thể, dựa vào những thôngtin chọn lọc từ góc độ khoa học tự nhiên, tôi sẽ cho thấy rằng hiện hữu thể lý của con người mang tính chất lệ thuộc và gắn kết cách hữu cơ với môi trường tự nhiên. Từ góc độ triết học, tôi sẽ chọn từ trong lịch sử triết học Phương Tây một số trường phái tiêu biểu có lập luận hoặc hệ luận ủng hộ quan điểm rằng ‘hiện hữu lý tính’1, hay hiện hữu ý thức, của con người lệ thuộc và ‘hàm ơn’ môi trường thiên nhiên.

 

Cuối cùng, dưới góc nhìn mang tính tổng hợp và trong tinh thần thiêng liêng, tôi sẽ phác hoạ một hình ảnh biểu trưng chung để diễn tả tương quan giữa con người và môi trường thiên nhiên như một ‘người hành hương tại thế’. Phác hoạ này cũng đóng vai trò kết luận của bài viết, với mục đích hướng đến tinh thần hoà giải giữa con người và môi trường, qua việc gợi lại ý thức về bản chất của cuộc sống con người trong thế giới này, không phải trong tư cách của kẻ làm chủ hay kiểm soát và chinh phục môi trường, mà của người đón nhận và kết hợp với thiên nhiên trong hành trình hướng về đích đến của toàn thể Tạo Thành.

 

1.  Từ góc độ khoa học tự nhiên: con người như ‘hạt bụi thông minh’ được kết tinh trong vũ trụ

Nhìn từ góc độ của khoa học tự nhiên, môi trường thiên nhiên có vai trò như thế nào đối với hiện hữu thể lý của con người? Đó là câu hỏi căn bản của phần này. Nhưng trước hết, cần phải lưu ý rằng vấn đề thuộc hàng nan giải nhất của bài viết này chính là các định nghĩa. Ở đây chúng ta bắt gặp hai khái niệm chính: môi trường và con người. Tôi sẽ không đào sâu vấn đề các định nghĩa này thành từng phần riêng biệt, vì bản chất của toàn bài viết tự nó là một cách định nghĩa hai khái niệm trên. Nhưng tạm thời, hai định nghĩa tổng quát sau sẽ được sử dụng:

 

Về định nghĩa ‘con người’, chúng ta có thể theo ý kiến của nhà khảo cổ Brian Murray Fagan: một mặt, con người có thể được xét như một thành phần thuộc về tự nhiên, nhưng mặt khác, con người cũng có thể được hiểu là phân biệt khỏi các loài khác trong tự nhiên vì con người có khả năng riêng biệt trong việc sử dụng các công cụ và tương tác với nhau để hình thành một xã hội loài người và tạo ra một nền văn hóa khác biệt giữa họ với các loài linh trưởng bậc cao khác. Nói cách khác, khả năng hình thành văn hoá chính là yếu tố phân biệt con người với các loài khác trong tự nhiên.2

 

Còn môi trường thường được định nghĩa cách tổng quát là không gian vật lý bao quanh con người cũng như những đặc tính nơi chúng ta sinh sống.3 Nếu xét rộng ra từ định nghĩa này, môi trường bao hàm tất cả những gì thuộc về thế giới thiên nhiên của ta, từ đất liền cho tới biển cả hay bầu không khí, và xét xa hơn là toàn thể vũ trụ. Với định nghĩa như thế, con người là trung tâm điểm của môi trường. Đây là định nghĩa gây nhiều tranh cãi, vì nó được xây dựng từ góc nhìn ‘nhân loại trung tâm’, và thường đi kèm việc tách biệt nhị nguyên giữa con người và môi trường, dẫn đến việc đề cao sức mạnh lý trí và quyền thống trị, làm chủ của con người đối với tự nhiên.4 Tuy nhiên, trong phạm vi bài này, tôi vẫn tạm chấp nhận định nghĩa này, với điều kiện: ‘môi trường’ ở đây không được hiểu một cách chung chung, mà là ‘môi trường trong liên hệ với con người’.

 

Bây giờ, chúng ta có thể bắt đầu khảo sát câu hỏi đề ra phía trên với việc điểm lại một số thông tin tổng quát mang tính y-sinh về cơ thể con người. Mặc dù cơ thể sinh học con người vẫn còn nhiều bí ẩn đối với giới khoa học, nhất là về những cơ cấu vận hành hệ thần kinh, nhưng những tiến bộ của khoa học hiện đại đã vén mở rất nhiều những cấu trúc tinh vi của cơ thể chúng ta. Từ góc nhìn khoa học, sự tồn tại của một con người có khởi đầu chỉ từ một tế bào duy nhất, vốn là một túi protein hình cầu bé xíu. Nó được hình thành khi một tinh trùng của người nam xuyên thủng lớp vỏ trứng của người nữ. Tinh trùng này mang theo các thông tin di truyền của người nam và kết hợp với các thông tin di truyền của trứng để tạo ra một tế bào mới. Sau đó, nó bắt đầu tiến trình phân chia tế bào: đầu tiên thành 2, sau đó là 4, sau đó là 8, 16, 32, 64, v.v. Nhóm các tế bào mới này được gọi là phôi thai, và nó được đưa xuống ống dẫn trứng, di chuyển đến khoang tử cung để bám vào thành tử cung ‘làm tổ’. Cũng từ vô số tế bào liên tiếp được phân chia này mà phôi thai có thể được phát triển theo các hình dạng và chức năng: tế bào xương, tế bào thần kinh, tế bào máu đỏ và trắng; các tế bào của mắt, móng tay, dạ dày và da, v.v.

 

Về mặt sinh – hoá, cơ thể chúng ta được cấu tạo từ các phân tử hoá học được tìm thấy trong tự nhiên. Khoảng 96% khối lượng của cơ thể con người được tạo thành chỉ từ bốn nguyên tố: oxy, carbon, hydro và nitơ, với rất nhiều trong số đó ở dạng lỏng. 4% còn lại là các nguyên tố từ các chất trong ‘Bảng Tuần Hoàn các nguyên tố hoá học’. Ngay phân tử mang thông tin di truyền DNA (axít deoxyribonucleic), vốn được xem là nhân tố chính đóng vai trò tạo nên căn tính của một con người về mặt sinh học, cũng được cấu tạo từ các cấu trúc hữu cơ chứa bốn nguyên tố cơ bản trên, cộng thêm một nguyên tố khác là phospho (P). Cụ thể, đại phân tử DNA được cấu tạo từ hai mạch polyme sinh học xoắn kép; thành phần của mỗi mạch là các đơn phân nucleotide, trong đó mỗi nucleotide được cấu tạo từ 3 thành phần: 1 gốc bazơ nitơ (A, T, G, X), 1 gốc đường deoxyribose (C5H10O4C5H10O4), và 1 gốc axit phosphoric (H3PO4H3PO4).

 

Dưỡng chất để nuôi sống cơ thể cũng từ các nguyên tố cơ bản nói trên mà ra, trong đó một số đại diện nổi bật hơn được gọi là chất dinh dưỡng vĩ mô, còn những chất chỉ xuất hiện ở tỉ lệ rất nhỏ (mức phần triệu hoặc ít hơn) được gọi là vi chất dinh dưỡng. Các chất dinh dưỡng này thực hiện các chức năng khác nhau, bao gồm xây dựng cấu trúc xương và tế bào, điều chỉnh độ pH của cơ thể, mang điện tích và thúc đẩy các phản ứng hóa học.5 Vì vậy, về phương diện khoa học, người ta thậm chí có thể nói, như một thành ngữ cổ của Đức, rằng ‘con người là những gì họ ăn – Man ist was Man isst.’6 Tuy câu nói này có thể gây khó chịu cho nhiều người, vì đã giản lược con người vào khía cạnh thuần tuý vật chất – sinh học, nó phản ánh đúng một điều: về mặt chất thể, thân thể chúng ta được cấu thành và nuôi dưỡng bởi những gì chúng ta thu nhận từ môi trường tự nhiên. Nói cách khác, về cơ bản sinh học, con người nối kết hữu cơ với môi trường: chúng ta được sinh ra từ môi trường, và cũng chỉ có thể tồn tại trong môi trường và nhờ môi trường.

 

Nếu mở rộng tầm suy xét, vươn ra phạm vi của vũ trụ, con người vẫn là một thành tố có liên kết hữu cơ thiết yếu với môi trường. ‘Vũ trụ’ ở đây gồm hai tầm mức: vũ trụ vĩ mô, tức xét đến cấu trúc cực vĩ của vũ trụ với quy mô từ ít dặm đến triệu triệu dặm (mile), vốn phải dùng đến ‘lý thuyết tương đối rộng’ trong vật lý hiện đại để mô tả; và vũ trụ vi mô được hiểu là cấu trúc vật lý trong phạm vi cực kỳ nhỏ, cỡ một phần triệu triệu của một in-sơ (inch), vốn là phạm vi cấu trúc của các phân tử, nguyên tử, mà các nhà khoa học hiện đại phải sử dụng lý thuyết ‘cơ học lượng tử’ để mô tả.

 

Những khám phá và lý thuyết thịnh hành của ngành vật lý hiện đại đã chỉ ra rằng chúng ta thuộc về một vũ trụ, vốn được khởi đầu khoảng 15 tỉ năm trước bởi một vụ nổ (Big Bang)7, đang liên tục giãn nở, nhưng lại không có biên trong không gian. Tại thời điểm Big Bang (lúc kích thước của vũ trụ được xem là bằng không và nhiệt độ là vô cùng lớn), vũ trụ chứa phần lớn các phôtôn, electrôn, nơtrinô, cùng một số protôn và nơtrôn. Sau đó, sức hút của lực hạt nhân khiến các protôn và nơtrôn kết hợp nhau để tạo thành hạt nhân nguyên tử đơteri (hydro nặng); rồi các hạt nhân của đơteri lại kết hợp thêm với các protôn và nơtrôn khác để tạo thành hạt nhân hêli; tiến trình này kết thúc chỉ một vài giờ sau Big Bang, dù vũ trụ vẫn tiếp tục được giãn nở; rồi phải đến hàng triệu năm sau, khi nhiệt độ đã hạ xuống còn vài ngàn độ, khi các electrôn và các hạt nhân không còn đủ năng lượng thoát khỏi lực hút điện từ giữa chúng nữa, thì chúng kết hợp với nhau để tạo nên các nguyên tử. Sau đó, một tiến trình bức xạ phức tạp của hêli và hydro sẽ phát sinh ra các nguyên tố nặng hơn như carbon và oxy, cũng như phân rã thành các đám ‘mây khí’, và từ chúng dần dà hình thành nên mặt trời, trái đất, và các thiên thể chuyển động.8 Cũng cần lưu ý rằng, vũ trụ đó của chúng ta cũng có thể chỉ là một trong số vô vàn vũ trụ song hành khác, trong đó, mỗi vũ trụ có nhiều lịch sử khả dĩ và nhiều trạng thái có thể có vào những điểm về sau.9

 

Còn xét ở mức vi mô, mỗi đơn vị cơ bản của vật chất (nguyên tử – atom) đều là một thứ ‘siêu tiểu vũ trụ’, có cấu trúc tinh vi với các thành phần siêu nhỏ với các hạt hạ nguyên tử (như hạt quark) và các quy luật vận hành, chuyển động phức tạp của chúng.10 Nếu như tầm mức của vũ trụ vi mô thách đố trí hiểu biết của con người vì tính rộng lớn và biến chuyển phức tạp của nó, thì tầm mức của vũ trụ vi mô cũng gây nên sự khó khăn không kém do tính phi xác định của các thành phần của chúng. Thực vậy, với các thực nghiệm mới được khám phá mà vật lý cổ điển không thể giải thích được, các nhà khoa học lượng tử đã chỉ ra rằng các nguyên tử và hạt hạ nguyên tử không thực sự là các vật thể rắn như chúng ta vẫn hình dung về một hạt vật chất bình thường, vì chúng không tồn tại chắc chắn ở những vị trí không gian và thời gian xác định. Hơn nữa, chúng cũng không tồn tại theo một trạng thái nhất định, mà theo lưỡng trạng thái: vừa là sóng vừa đồng thời là hạt. Điều kinh ngạc là tất cả đều vận hành cách hài hoà theo những quy luật tinh vi, và điều kinh ngạc hơn nữa là cơ thể chúng ta bao gồm vô vàn các ‘tiểu vũ trụ’ này.

 

Tới đây, các dữ kiện từ khoa học tự nhiên giúp chúng ta thấy được tính gắn kết hữu cơ thiết yếu giữa con người và môi trường. Chúng ta có chung chất thể với môi trường, và sự hiện hữu của chúng ta nằm trong ‘trường’ của các quy luật vật lý, cũng như trong dòng chảy của sự vận động của chúng. Khi nhìn vào tương quan con người – môi trường, nhiều người đã dừng lại ở điểm này. Nghĩa là họ nhìn tổng thể môi trường với vạn vật trong đó – bao gồm cả con người – thuần tuý là tập hợp vật chất có tính năng vận động mà thôi, như khẳng định của nhà hoá học Peter Atkins: “không-thời gian sinh ra bụi của nó trong tiến trình tự hình thành.”11 Tương tự, Stephen Hawking cũng đúc kết: “bản thân con người chúng ta cũng đơn thuần là tập hợp các hạt cơ bản của tự nhiên.”12

 

Tuy nhiên, dù quan niệm theo chiều này, trật tự của vũ trụ với những quy luật tinh vi và vẻ đẹp hài hoà của nó luôn là điều kỳ diệu khác khiến các khoa học gia phải ngạc nhiên và quan tâm. Thật thế, nếu trật tự vũ trụ đã khiến nhiều triết gia phải đặt tiền đề ‘hướng đích luận’ cho thế giới quan của họ, hay khiến các thần học gia xác tín vào tín điều Sáng Tạo, thì nó cũng khiến các khoa học gia phải nhìn nó như một dạng ‘bổ đề’ đối với các lý thuyết của mình. Ngay cả khi chối bỏ mọi ẩn ý ‘hướng đích luận’, các nhà khoa học cũng không thể không thừa nhận tính trật tự và quy luật của vũ trụ, vốn là một cấu trúc mang tính toán học, như lời của Edwin Arthur Butt: “toàn thể vũ trụ, bao gồm cả trái đất chúng ta, căn bản mang cấu trúc toán học […] thế giới thực là thế giới của duy các đặc tính định lượng; những khác biệt của nó chỉ là những khác biệt về số học mà thôi.”13 Thậm chí, ngày nay, trước những khám phá vô cùng thú vị về tính trật tự hoàn hảo của vũ trụ, rất nhiều nhà khoa học đã đưa ra ‘nguyên lý vị nhân’ để xác định mối liên hệ thống nhất giữa con người và môi trường. Nguyên lý này phát biểu rằng các tính chất của vũ trụ cần phải tương thích với sự tồn tại của con người chúng ta. Mỗi một nguyên tử, một ngôi sao, một thiên hà và các định luật vật lý chi phối chúng đều cần phải có những tính chất cần thiết, ở mức độ vô cùng chính xác, để làm nảy sinh ra con người có ý thức và trí tuệ. Nếu vũ trụ nóng hơn hoặc lạnh hơn, lớn hơn hoặc nhỏ hơn, hoặc nếu sự giãn nở của nó là nhanh hơn hoặc chậm hơn, chúng ta sẽ không có mặt trên đời này để nói về những chuyện đó. Những tính chất của vũ trụ đã được điều chỉnh một cách thuận lợi cho sự hiện diện đó.14 Một số khoa học gia như Freeman Dyson, thậm chí còn đưa thêm ‘nguyên lý nhân vị mạnh’, rằng mục đích của vũ trụ là tiến tới con người.15

 

Như thế, nếu sử dụng những dữ liệu được cung cấp bởi khoa học tự nhiên để phác hoạ, chúng ta có thể hướng đến hình ảnh sau như một kết luận về tính liên kết ở mặt thể lý giữa con người và môi trường: con người như một ‘hạt bụi’ trong lịch sử, thoát thai từ sự vận động liên tục của năng lượng vũ trụ. Về mặt vật chất, hạt bụi này không có gì đặc biệt, vì nó cũng chỉ bao hàm những nguyên tố hoá học có trong thế giới tự nhiên của địa cầu, và có gốc gác xa xôi là các chất trong vũ trụ. Một mặt, con người như mang một bản chất của vũ trụ thu nhỏ nơi mình. Nhưng mặt khác, hạt bụi đó mang nơi mình ‘xung năng lý tính’ cách bí ẩn, vừa được kết nối những quy luật vật lý của vũ trụ, và vừa vượt lên chúng để có khả năng ‘ngoái nhìn’ lại chúng, biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vũ trụ, và đặt câu hỏi về bí ẩn của nó, về bản chất và ý nghĩa của thế giới và của chính hiện hữu của mình.

 

Đó là kết quả từ việc ‘nhìn ra bên ngoài’ với góc nhìn mang tính ‘khách quan’, tức lối nhìn tiếp cận mọi thứ, kể cả bản thân con người, như những khách thể. Nhưng con người còn có ‘ý thức’ nữa; và đây là điều kỳ diệu còn gây ngạc nhiên lớn hơn cả tính trật tự của vũ trụ. Nếu như bí mật của trật tự vũ trụ còn để ngỏ những khả thể được giải đáp từ lý thuyết khoa học (dù chỉ ở mức lý thuyết), thì bí mật của ‘ý thức con người’ lại vượt qua khả năng tìm giải đáp của khoa học, đơn giản vì ý thức không thể bị quy giản thành vật chất, nên không thể trở thành một cơ sở khảo sát cho lãnh vực khoa học. Tại sao? Như Max Planck – cha đẻ của lý thuyết lượng tử – lập luận: ý thức là gốc rễ của mọi nhận thức, phải có ý thức thì mới nhận biết được vật chất, vì thế không thể giải thích cái gốc rễ ấy là cái gì được. Giống như trong một hệ logic, ta không thể giải thích hệ tiên đề của hệ logic đó, vì hệ tiên đề là những nguyên lý đầu tiên chỉ có thể thừa nhận như một điều tiên nghiệm. Nói cách khác, phải có ý thức mới nhận thức được vất chất. Vì thế, ý thức phải được chấp nhận như một tiên đề tiên nghiệm.16 Do đó, khi liên hệ đến ‘ý thức con người’, chúng ta phải nhìn tương quan môi trường và con người từ một địa hạt khác. Địa hạt tôi chọn là triết học.

 

Vậy, nếu chúng ta ‘nhìn vào bên trong’, tức nhìn từ phía ý thức, và cố gắng để cho ý thức ‘dẫn đưa’ theo lối nhìn của nó, không can thiệp vào nó theo kiểu khách thể hoá ý thức, thì chúng ta có thể kết luận điều gì về mối liên kết xét về mặt hiện hữu ý thức giữa con người và môi trường? Đó chính là nội dung chính của phần kế tiếp, trong đó tôi sẽ dựa vào một số lập luận và hệ luận triết học để làm nổi bật tính liên kết đó qua hình ảnh tượng trưng về môi trường như một ‘sân chơi của hữu-tại-thế’.

2.   Từ góc độ triết học: môi trường như ‘sân chơi’ của hữu-tại-thế

Triết học môi trường, xét như một ngành chính thức, mới được phát triển trong mấy thập niên gần đây, và hiện được chú trọng nhiều do tính cấp bách của vấn đề biến đổi khí hậu và tình trạng khủng hoảng môi trường. Tuy nhiên, những luận bàn, hoặc hệ luận, về môi trường, đặc biệt là tương quan giữa môi trường và con người, đã hiện diện khá nhiều trong các hệ tư tưởng triết lý Phương Tây. Ở đây, tôi sẽ không thực hiện một ‘tổng hợp’ những luận bàn hay hệ luận đó, mà sẽ chọn lọc trong số đó những tư tưởng hoặc hệ luận diễn đạt luận điểm rằng sự ‘hiện hữu lý tính’ của con người gắn kết và lệ thuộc vào môi trường thiên nhiên. Luận điểm này sẽ được minh hoạ qua một hình ảnh biểu trưng, vốn được rút ra từ triết lý của trường phái Hiện Tượng Luận: môi trường như ‘sân chơi của hữu-tại-thế’.

 

Chúng ta có thể khởi đầu mạch tư duy này với nền Thần thoại Hy Lạp, vốn đóng vai trò quan trọng trong nền tư tưởng Tây Phương Thượng Cổ. Về tương quan giữa con người và vạn vật tự nhiên, nền thần thoại này xác định rằng có các thần linh hiện diện nơi vạn vật. Như J. D. Hughes đúc kết, với thế giới quan này, “sông có các nam thần, suối có các nữ thần gọi là naiads, và hồ có các thần limniads. Các ngọn núi thì có các oreads, các thung lũng có napaeae, và thảo nguyên có các leimoniads.”17 Trong cách nhìn đó, môi trường tự nhiên chứa đầy tính linh thiêng; và sự linh thiêng đó tất nhiên luôn hàm chứa lý tính.

 

Xét về mặt tri thức luận, nền triết học cổ đại Hy Lạp sau đó đã đi ngược với nền Thần Thoại Hy Lạp khi nhấn mạnh khía cạnh lý tính của trí năng con người. Tuy nhiên, nếu xét trong tương quan với thế giới tự nhiên, ta vẫn thấy sự kết nối giữa phần lý tính này với sự linh thiêng của thiên nhiên, và đặc biệt là tính hướng đích của vạn vật. Ví dụ, trong đoạn đối thoại Timaios, Plato trình bày rằng thế giới được tạo ra bởi một nghệ nhân đầy quyền năng theo một mẫu hoàn hảo có từ vĩnh hằng, tức ‘thế giới của các Ý Niệm’. Vũ trụ được nhìn như một cơ thể sống động, được hoạt hoá bởi lý tính. Plato chấp nhận niềm tin của phái Pythago rằng thế giới có linh hồn, và linh hồn này mang bản chất thiên văn, nghĩa là nó được hình thành bởi trật tự toán học của các quỹ đạo các hành tinh. Cũng chính bởi có linh hồn nên mới có lý tính, vì lý trí nằm trong linh hồn; và cũng nhờ lý trí này mà con người – vốn được xem là có những phẩm chất như thần linh nhờ lý trí – mới có khả năng khám phá ra trật tự của thế giới tự nhiên được đấng sáng tạo sắp đặt.

 

Aristotle chỉ trích hệ thống Linh Tượng của Plato vì đã không để ý những biến đổi và chuyển động của thế giới như một thực tế cần suy xét. Tuy nhiên, thế giới quan của Aristotle vẫn chứa đựng lý tính và bản chất hướng đích. Trong Book VIII của Physica (Physics), Aristotle phát biểu rằng mọi chuyển động đều cần có động lực. Sau đó, ông lập luận để đi đến kết luận rằng chuyển động nhất thiết là vĩnh cửu; và vì thế giới đang chuyển động, nên nó nhất thiết tồn tại từ vĩnh cửu. Thêm vào đó, như được khảo luận trong De Anima (On The Soul), mọi sinh thể đều sở hữu một linh hồn; và linh hồn ở đây có nghĩa là dạng thức thành toàn của vật chất ban đầu. Có nhiều loại linh hồn. Thực vật có linh hồn chứa một yếu tố dinh dưỡng cho phép chúng phát triển và sinh sản. Linh hồn động vật chứa một yếu tố ‘thèm khát’ cho phép chúng có cảm giác và ham muốn; và để thỏa mãn những ham muốn đó, yếu tố thèm khát cho chúng khả năng chuyển động. Linh hồn con người có cả những đặc điểm dinh dưỡng và thèm khát, nhưng có thêm một yếu tố đặc biệt là lý trí; và chính yếu tố này mang lại cho con người khả năng suy nghĩ. Theo Aristotle, thế giới luôn trong quá trình trở thành một trật tự tự nhiên theo đúng bản chất hướng đích của nó, tức hướng về một trật tự hoàn hảo hơn nhờ các quy luật tự nhiên; và lý trí con người có khả năng khám phá ra các quy luật và trật tự hướng đích này. Vì thế, như nhận định của J Habgood:

 

“Thời Cổ đại bắt đầu tìm kiếm sự gắn kết trí tuệ và khái niệm ‘Tự nhiên’ như một lực lượng thống nhất, một nền tảng năng lượng của sự vật; và đó cũng là cách diễn tả lý tính của vũ trụ. Thiên Nhiên có thể được đề cập với đặc tính hoạt động của nó, hoặc thậm chí được nhân cách hóa, như trong cụm từ ‘Mẹ thiên nhiên’, vốn có tính âm bội tôn giáo… Về sau, ý niệm về Thiên Nhiên như thế, tức như một lực ẩn thân nơi thực tại hay là nguyên nhân của các sự vật, vẫn còn tiếp diễn, nhưng dưới vỏ bọc là khái niệm về các quy luật tự nhiên, gồm cả quy luật khoa học lẫn quy luật đạo đức.”18

 

Thần học Ki-tô giáo, nhất là thời Trung Cổ, trong mức độ và phạm vi nào đó, cũng rất tương thích với quan điểm rằng hiện hữu lý tính của con người gắn kết và lệ thuộc vào môi trường thiên nhiên. Thật vậy, thần học nhấn mạnh tính trật tự – hài hoà hay lý tính của tự nhiên. Điểm này được dùng như một tiền đề để củng cố đức tin, với lập luận rằng Thiên Chúa thực sự đã tạo ra mọi thứ, và mọi thứ được sáng tạo trong tính trật tự và tốt lành theo ý định của Thiên Chúa. Trong thế giới đó, con người được Thiên Chúa sáng tạo ‘theo hình ảnh’ của Ngài, được trao ban quyền cùng các phẩm tính lý trí thích hợp để cộng tác với Ngài trong việc cai quản và bảo vệ thế giới. Về điểm này, thánh Toma Aquino lập luận: mọi sự trong thế giới đều do Thiên Chúa sáng tạo, và được điều khiển bởi ‘thiên trí’ của Ngài. Cụ thể, mỗi thụ tạo đều có một bản chất riêng, quy định giống loài của nó. Các thụ tạo được duy trì và sống đúng với bản chất của mình nhờ sự quan phòng từ thượng trí của Thiên Chúa mà ta gọi là ‘luật’. Trong số các thụ tạo, con người có vị trí độc nhất, vì dù vẫn nhận sự quan phòng của thiên trí, con người đồng thời được tham dự cách chủ động vào sự quan phòng đó, nghĩa là con người được kết hợp với thiên trí để có thể nhận biết bản chất và trật tự của mình và của vạn vật, đồng thời có thể tự lo cho mình và lo cho các thụ tạo khác.19 Điều này cũng có nghĩa là trí năng con người có sự tương thích hoàn toàn với trật tự hay quy luật của vũ trụ, vốn gắn với sự quan phòng của Thiên trí. Nói cách khác, con người có thể dựa vào quy luật tự nhiên để khám phá thêm về quy luật và phẩm giá của chính mình, cũng như tìm kiếm Thiên Chúa. Tất nhiên, lối nhìn ‘nhân loại trung tâm’ này của Ki-tô giáo đã từng dẫn đến những diễn giải lệch lạc rằng con người có quyền thống trị trên tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng truyền thống Ki-tô giáo cũng chứa đựng những giáo huấn và lối sống tôn trọng và biết ơn môi trường thiên nhiên. Thánh Phan-xi-cô Assisi là một minh chứng điển hình. Những bài ca của ngài đã diễn tả tư tưởng về sự hiệp thông và liên kết thiết yếu của con người với thiên nhiên.

 

Trong triết học thời Hiện đại, quan điểm rằng ‘hiện hữu lý tính’ của con người gắn kết và lệ thuộc vào môi trường thiên nhiên được thể hiện cách đặc biệt nơi chủ nghĩa triết học duy tâm của Georg W. F. Hegel. Chủ nghĩa này được xây dựng trên nền tảng của phép biện chứng, với trung tâm là Cái Tuyệt Đối. Với Hegel, thực tại là Cái Tuyệt Đối. Vì Cái Tuyệt Đối muốn mang lấy nội dung cụ thể, tức muốn hiện thực hoá chân lý của mình, nên đã ‘hạ mình’, suất nhượng từ bản chất của mình thành các hình thái khác nhau, biểu lộ thành hiện tượng ra bên ngoài mình, hầu hướng đến một sự tự ý thức đầy đủ về chính mình. Quy luật chung của tiến trình tự thức đó chính là phép biện chứng, nghĩa là một tiến trình phát triển xuyên suốt và thể hiện chính nó trong sự mâu thuẫn và phủ định. Còn Tinh Thần chính là thực thể của quá trình tự vận động đó, tức là sự thống nhất giữa ý thức và tự thức. Mức độ dung hoà hoản hảo giữa tự nhiên và tinh thần, giữa tinh thần khách quan và tinh thần chủ quan, chính là Tinh Thần Tuyệt Đối, tức mức độ tư duy của Tinh Thần về chính bản thân mình với tư cách ‘chân lý tuyệt đối’ (Cái Tuyệt Đối). Nói cách khác, mọi vận động của tồn hữu hiện tại chính là tiến trình hợp nhất toàn diện của Tinh Thần hướng về Tinh Thần Tuyệt Đối.

 

Tiến trình tự thức của Tinh Thần diễn ra qua các giai đoạn khác nhau, ngày càng thể hiện đầy đủ nội dung bên trong nó. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn của tự thức phản tư (Logic), nghĩa là nó phát triển trong bản thân nó; sau đó nó thể hiện dưới hình thức tự nhiên – thế giới vô cơ, hữu cơ và con người; và cuối cùng là thể hiện dưới hình thức xã hội – nhà nước, nghệ thuật, tôn giáo và triết học.

 

Như thế, theo Hegel, tương quan giữa con người và thế giới vật lý thuộc về giai đoạn cụ thể thứ hai của tiến trình tự thức của Tinh Thần, đi từ tinh thần chủ quan lên tinh thần khách quan. Toàn bộ thế giới muôn màu, muôn vẻ và cả con người trong đó là sản phẩm của sự phát triển tự nhiên của Tinh Thần với tư cách là lực sáng tạo; thế giới đó là tổng hòa của mọi hình thức khác nhau của sự biểu hiện của Tinh Thần trong một giai đoạn. Nói cách khác, môi trường tự nhiên được xem như một ‘trò chơi’ của Tinh Thần khi nó thi thố khả năng tự thức.

 

Trong giai đoạn này, trạng thái của Tinh Thần được Hegel gọi là ‘linh hồn tự nhiên’ (die natürliche Seele), tức Tinh Thần trong điều kiện cơ bản nhất của nó. Đó là trạng thái mà Tinh Thần vẫn chưa lập tức tách mình khỏi môi trường tự nhiên (bao gồm thế giới vật lý – địa lý). Trong giai đoạn này của tiến trình tự thức, Tinh Thần tham dự vào đời sống phổ quát khoáng đại của toàn vũ trụ, cảm nhận những khác biệt của thời tiết, những thay đổi của các mùa hay các thời khắc trong ngày, v.v. Hegel cũng xác nhận rằng môi trường vật lý – địa lý có sự ảnh hưởng mang tính quyết định đối với những khác biệt về mặt nhân chủng. Ví dụ, sự khác biệt tự nhiên giữa các chủng người khác nhau tuỳ thuộc vào những phân chia lục địa và các vùng địa giới khác nhau.20 Nói cách khác, ‘linh hồn tự nhiên’ gắn chặt với môi trường tự nhiên và chịu ảnh hưởng từ các tác động của nó, như sự thay đổi khí hậu.

 

Trong thời đương đại, dù không chủ trương bàn trực tiếp vấn đề môi trường như một luận đề chính, nhưng thiết tưởng những khảo luận của trường phái Hiện Tượng Luận cho phép ta rút ra một hệ luận rất nền tảng cho triết học về môi trường trong liên hệ với tương quan con người-môi trường: hiện hữu ý thức của con người và môi trường vốn có tương quan gắn chặt với nhau ở mức độ căn bản nhất: tầm mức hữu thể luận.

 

Hiện Tượng Luận chính yếu nghiên cứu về vấn đề ‘bản chất’ (hay ‘yếu tính’ – Wesen [essence]), trong kinh nghiệm của con người về thế giới, bằng cách gột bỏ ra khỏi kinh nghiệm những tầng lớp giả định được tạo nên cách ngấm ngầm bởi các thành kiến, các cấu trúc và lý thuyết võ đoán. Vì thế, như Merleau-Ponty đúc kết, Hiện Tượng Luận “cố gắng mô tả trực tiếp kinh nghiệm sống của ta sao cho thực đúng.”21 Nhưng mọi kinh nghiệm luôn luôn là kinh nghiệm của ý thức; vì thế, Hiện Tượng Luận cũng được hiểu là nỗ lực diễn đạt về ý thức con người được hiến cho thế giới ở tầm mức tiền phản tỉnh, tức biến cố ý thức phóng hướng mình về một thế giới mà nó không bao quát nổi, để thế giới – một thế giới vốn chưa thành đối tượng nhưng toàn khối của nó là mục tiêu cho tri thức con người – tự bày tỏ chính nó cho ý thức.22 Vì vậy, Hiện Tượng Luận chọn mô tả về ý thức của kinh nghiệm từ quan điểm của chủ thể ngôi thứ nhất. Kinh nghiệm đó cũng chính là kinh nghiệm về tồn tại (hữu), theo nghĩa là ‘tồn tại – được cấu thành’, tức là biến cố ý thức nắm bắt ý nghĩa của cái đang tồn tại, trong chừng mực nó được biểu lộ trong tính chủ quan cụ thể. Vì thế, trọng tâm của Hiện Tượng Luận rốt cục là tương quan của ‘hiện hữu lý tính’ của con người và ‘thế giới’, hay đúng hơn là về cách con người ‘kinh nghiệm uyên nguyên’ về thế giới.

 

Dưới nhãn quan Hiện Tượng Luận, con người được nhìn như là hữu-tại-thế (In-der-Welt-sein). Con người không tồn tại theo cách như một hòn đá, cũng không như cây cỏ hay thú vật. Lý do căn bản nhất của sự khác biệt này là việc mọi ý nghĩa của tính khách quan đều có nền tảng ở tôi (ý thức). Mọi ‘hiện tượng’ – xét như những tồn tại có ý nghĩa – xuất hiện cho con người nhờ vào chính cấu trúc thời tính nơi phương thức hiện hữu của Dasein, qua đặc tính ‘lo âu’ của nó (Sorge). Con người ý thức về tính phi nền tảng trong cuộc hiện hữu của mình: một kẻ bị ‘quăng ném’ (geworfen) vào trong thế giới, và phải tự mình dự phóng, xếp đặt, xây dựng bản chất cuộc hiện hữu của mình. Vì thế, hiện hữu con người (Dasein) là hình thức một hữu thể đang ‘trên đà trở thành’: hữu thể ‘đi ra khỏi chính mình’ để hướng về khả thể vượt trên tình trạng hiện tại của mình. Cuộc dự phóng đó chính là biến cố vén mở thế giới, hay để thế giới tỏ lộ cho mình. Như thế, con người không phải là một phần của thế giới, mà thế giới là một thời điểm của sự tồn tại của con người; và ở chiều ngược lại, sẽ không có ‘hiện hữu lý tính’ của con người, theo nghĩa là Dasein – tức ‘tồn tại-trong-thế giới’ hay ‘hữu-tại-thế’, nếu ta không gắn liền với việc mở ra với thế giới.

 

Do đó, ‘thế giới’ dưới nhãn quan Hiện Tượng Luận không phải là thế giới khách quan, tức như một thế giới có đó ngoài ý thức. Ngược lại, thế giới là một đối tượng trong tương quan có tính chủ định với ý thức. Nghĩa là, thế giới sống (Lebenswelt) bao hàm tính chủ quan và tính tương đối. Điều này không xoá bỏ thực tế khách quan của thế giới, nhưng xác định chiều kích ‘ý nghĩa’ của nó. Thế giới được cấu thành, hay mở ra, qua biến cố dự phóng của Dasein, gắn liền hữu-tại-thế của con người. Vì thế, cũng như Dasein, tồn tại của thế giới ở đây không phải theo dạng danh từ, mà theo dạng động từ. Thế giới như thế là một ‘không-thời gian’ của ý nghĩa đang không ngừng hình thành với ‘chân trời’ liên tục được trải rộng qua chính sự hiện hữu con người, trong tư cách là một chủ thể tri nhận không ngừng phóng hướng chính mình về thế giới để thâu nhận thế giới.

 

Như thế, dù Hiện Tượng Luận quan tâm đến ‘thế giới ý nghĩa’ và con người xét như hữu-tại-thế, nhưng cái năng động của hiện hữu đang trên đà hình thành và thế giới đang được vén mở23 đó lại diễn ra trong môi trường tự nhiên, với tất cả những gì thực tế cụ thể nhất của cuộc sống thường nhật. Năng động đó vén mở hữu thể theo trương độ ý nghĩa, qua ‘cánh cửa’ là thân xác cụ thể của con người, như ý kiến xác đáng của Merleau-Ponty: “Thân xác biểu lộ sự hiện hữu trong thế giới; và với một tạo vật sống, có một thân xác là gắn với một môi trường nhất định, là đồng hóa bản thân với những dự phóng nhất định và không ngừng dấn thân cho chúng”.24

 

Vì thế, dựa vào tiếp cận của trường phái Hiện Tượng Luận, ta có thể hình dung về tương quan giữa ‘hiện hữu ý thức’ hay hiện hữu lý tính của con người với môi trường ở tầm mức căn bản nhất – tầm mức hữu thể luận – với hình ảnh biểu trưng: môi trường là ‘sân chơi của hữu thể-tại-thế’. Môi trường tự nhiên (khác với ‘thế giới’) là không gian thi thố của biến cố hiện hữu. Nói cách khác, môi trường có thể được hiểu như một quà tặng, với tiềm năng vô biên về trương độ ý nghĩa cho ‘biến cố hiện hữu’ thoả sức thi triển. Môi trường trở thành ‘đất mẹ’, thành cái nôi cất giữ những nguồn mạch ý nghĩa để hiện hữu lý tính con người thực thi bản chất dự phóng, khám phá, và vén mở thế giới của nó. Nói như Heidegger, Thiên Nhiên không được hiểu đơn thuần như một hiện hữu-trong- tầm-tay (Vorhandenheit) để ta có thể quán triệt một cách hoàn toàn như một vật thể; mà ngược lại, Thiên Nhiên là nguồn mạch để gặp gỡ và khám phá. Nguồn mạch đó vừa ‘khuấy động’ và ‘thôi thúc’ chúng ta, và đồng thời lại vừa che giấu đối với chúng ta.25 Sự phong phú và bí ẩn của môi trường thiên nhiên nhắc con người ý thức rằng còn có những điều gì đó hơn nữa của hiện hữu tôi đang được che giấu, và mời gọi tôi tiếp tục hành trình khám phá chiều sâu và chiều rộng của hiện hữu mình.

3.   Thay Lời Kết – hướng về một sự hoà giải: con người như kẻ hành hương tại thế hướng về cùng đích tối hậu

Như chúng ta đã thấy, góc độ khoa học và triết học cho phép chúng ta nhìn thấy tính gắn kết và lệ thuộc của hiện hữu con người với môi trường thiên nhiên ở tầm mức rất căn bản của hiện hữu. Cụ thể, những khám phá của khoa học tự nhiên cung cấp dữ liệu cho ta hình dung về hiện hữu thể lý của mình như một ‘hạt bụi lý tính’ được kết tinh trong vũ trụ. Còn khi men theo hướng dẫn của ý thức, tức từ địa hạt triết học, chúng ta thấy hiện hữu lý tính của con người gắn kết và lệ thuộc vào môi trường cách thiết yếu, trong đó môi trường đóng vai trò là ‘sân chơi của hữu-tại-thế’.

 

Nếu kết hợp hai kiến vực này, và trong một hướng nhìn thiêng liêng – nhìn về thế giới và con người từ ‘trên cao’, tức giả định nhìn mọi sự từ ánh mắt của Thiên Chúa – như suy tư của nhiều thần học gia, chúng ta sẽ có được hình ảnh biểu trưng về tương quan giữa con người và môi trường như một cuộc hành hương tại thế. Hình ảnh đó diễn tả rằng con người là một hữu thể thánh thiêng vì mang nơi mình hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng con người bén rễ sự hiện hữu của mình ngay trong môi trường tự nhiên – được ‘nặn ra từ bụi đất’ (Sáng Thế 2,7) – và cùng tự nhiên hướng về cùng đích của mình và của toàn thể tạo vật theo ý định của Thiên Chúa. Đó là tiến trình ‘siêu vượt tại thế’, một tiến trình mang nơi mình sự hiện diện và hoạt hoá của Thiên Chúa và hướng về Ngài, vì chính năng động của Nhập Thể đã ôm ấp toàn thể vũ trụ và thúc đẩy nó hướng về sự thành toàn trọn vẹn qua sự dẫn dắt của Thánh Thần.26 Nói như Teilhard de Chardin, SJ, toàn bộ lịch sử nhân loại là một tiến trình tiến hoá từ quá khứ đến hiện tại và hướng về tương lai. Đó là tiến trình đi từ những điểm vật chất đơn giản nhất cho đến những điều vô cùng phức tạp. Cụ thể, tiến trình đó khởi đi từ điểm Alpha, rồi tuần tự đến vật chất, sự sống, tư tưởng, tinh thần, và kết thúc ở điểm Omega.27 Trong tiến trình đó, con người không đóng vai trò như một tâm điểm tĩnh của thế giới, nhưng như là trục và hướng của sự tiến hoá.28

 

Như thế, môi trường không chỉ được ban cho ta như một quà tặng để trở thành ‘sân chơi của hữu-tại-thế’, mà chính chúng ta cũng thuộc về môi trường và trở thành ‘la bàn’ của môi trường trong cuộc lữ hành của toàn thể tạo thành. Trong viễn tượng đó, hiện hữu con người không chỉ được nhìn trong phạm vi gói gọn của cơ thể trong một thời điểm, mà cần phải được nhìn với cảm thức về độ sâu của thời gian và độ rộng của không gian, về tính hữu cơ cũng như tính vận động. Chúng ta có thể dùng cách nói tương tự như lối suy tư của thần học gia Walter Kasper về tương quan nam-nữ29 để diễn tả tương quan giữa con người và môi trường: ‘thân thể’ con người và sự hiện hữu tại một thời điểm chưa phải là toàn thể, mà chỉ là một phần của hữu thể người mà thôi. Nói cách khác, hữu thể con người không phải là một thực thể có thể xác định tách biệt khỏi môi trường và lịch sử của nó.

 

Theo nghĩa đó, cuộc hành hương tại thế cũng là tiến trình mở ra với chính mình qua môi trường thiên nhiên. Nói cách khác, hiện hữu con người bao hàm sự mở ra trước những ngạc nhiên, trước những điều mới mẻ, và những ý nghĩa sâu xa mà thiên nhiên đang cống hiến cho mình. Vì thế, thay vì nhìn các thụ tạo như những đối thể mà ta có thể nắm bắt, kiểm soát và điều khiển, ta cần nhìn chúng như những người thầy nắm giữ những khôn ngoan bí ẩn trong trò chơi cuộc đời. Thiên nhiên không chỉ cung cấp môi trường và các sản vật nuôi sống cơ thể, mà còn giúp ta khám phá và đụng chạm vào sự thiện hảo nơi chính Mẹ Thiên Nhiên, nhờ đó tâm hồn ta được nuôi dưỡng và thiện tính được mở rộng. Đó là cách ta đào sâu nguồn cội linh thiêng của mình, tức ‘đụng chạm’ vào Thiên Chúa, và đi vào tương quan thân mật hơn với tha nhân.

 

Cuộc hành hương tại thế không chỉ ở trong hướng độ về mặt thời gian của một cá nhân trong môi trường, mà còn là hướng độ trong tính hình thành một cộng đồng nhân loại hướng về điểm Omega. Nói cách khác, chúng ta hành hương cùng nhau, chứ không đi một mình! Hơn nữa, cộng đồng nhân loại hành hương này bao gồm tất cả mọi người, tức không chỉ thế hệ của mình, mà còn cả thế hệ tương lai nữa. Vì thế, trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ môi trường tự nó nằm trong tính chân thực của căn tính hành hương nơi mỗi người. Người nào thiếu tinh thần trách nhiệm này, người đó chưa sống ơn gọi hành hương cách đích thật!

 

Với những ý nghĩa như thế, cuộc hành hương tại thế đúng nghĩa phải bao hàm một cuộc ‘đối thoại’ và tương tác liên lỉ giữa con người và môi trường, trong tư cách thuộc về nhau tựa như một cặp phu-thê. Nói cách khác, ta không còn được phép hiểu ‘hành hương’ theo nghĩa truyền thống của nó, tức chỉ nhìn phần đích đến của con người là quan trọng, còn con đường và mọi thứ diễn ra trên hành trình ấy chỉ là những phương tiện để đến nơi. Ngược lại, ta phải xem tất cả mọi thứ trong đời sống mình như những người bạn trong ơn gọi đồng hành cùng nhau. Và như người vợ hoặc người chồng yêu mến, trao tặng, và bảo vệ người bạn đời của mình thế nào, thì con người cũng phải yêu mến, trao tặng và bảo vệ môi trường như vậy. Hoặc chí ít, như Carolyn Merchant đề nghị, chúng ta phải trở về với thái độ của thời Thượng Cổ: xem thiên nhiên như bà mẹ nuôi dưỡng chúng ta, vốn được thể hiện cách rõ nét qua cách xây dựng các câu chuyện thần thoại, qua cách dùng các thuật ngữ, ví dụ, ‘Mẹ Thiên Nhiên’, v.v.30

 

Những hình ảnh trên nhắc chúng ta về thái độ và những việc làm cụ thể phải có đối với môi trường trong hoàn cảnh hiện nay. Trước hết, ta phải có thái độ biết ơn môi trường, biết chiêm ngắm và ôm ấp vẻ đẹp của thiên nhiên thay vì thái độ hay não trạng của kẻ kiểm soát và thống trị. Hơn nữa, chúng ta phải hoán cải tâm hồn, mở lòng mình ra để có thể nghe được, chạm được những tiếng kêu gào, cầu cứu của mẹ thiên nhiên trước những khủng hoảng môi trường hiện tại. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta phải bắt tay vào hành động thay vì chỉ nói suông.

 

Có nhiều hình thức hành động có thể giúp ta hoà giải với môi trường, nhưng hành động quan trọng hàng đầu là phải xây xựng ý thức và lòng yêu mến thiên nhiên. Để thực sự có ý thức, trước hết chúng ta phải trở lại lối sống gắn kết với tự nhiên. Trong thời đại hiện nay, phần lớn con người đang theo lối sống ngày càng xa lạ, chia cách với môi trường thiên nhiên. Quả thật, những đô thị ‘bê tông hoá’ đang khiến nhiều người ít có dịp đặt chân xuống mặt đất (theo nghĩa đen). Cơ thể họ cũng chẳng mấy khi được đụng vào cây cỏ, hay được ngâm dưới ao hồ tự nhiên. Lồng ngực họ cũng hiếm khi được đón bầu khí thơm tho của ruộng đồng, của hoa lá. Họ càng chẳng có điều kiện để gieo trồng và chăm sóc thiên nhiên. Sự thiếu thốn này càng đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ em: vì đời sống công nghiệp của bố mẹ và lối sống công nghệ của xã hội, ngoài môi trường học tập, trẻ em hầu như chỉ còn làm bạn với các trò chơi điện tử. Chúng chẳng có điều kiện để tiếp xúc, làm bạn, hoà mình vào thiên nhiên; và cũng không có môi trường để chơi những trò chơi truyền thống với bè bạn.

 

Vì thế, chúng ta phải nỗ lực trở về với sự gắn kết nguồn cội của mình với thiên nhiên bằng những hoạt động: tiếp xúc, đụng chạm, tương tác với môi trường sống. Cụ thể, chúng ta cần ít nhiều lao động chân tay; ta phải trồng trọt, tiếp xúc cây cỏ, chăm sóc, nuôi dưỡng thú vật, v.v. Những hoạt động này sẽ giúp chúng ta mở rộng tâm hồn và biết kinh ngạc trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đặc biệt là sự kỳ diệu của sự sống. Có như thế thì tâm hồn chúng ta mới được lấp đầy lòng yêu mến sinh mệnh và vẻ đẹp thiên nhiên cách đích thực; bằng không, tất cả chỉ là những hình thức hời hợt và mang tính khẩu hiệu: ví dụ, cho đến nay, phong trào ‘giờ trái đất’ ở Việt Nam hầu như chẳng mang lại hiệu quả thiết thực nào; thậm chí, sau mỗi ‘giờ trái đất’ này, hậu quả để lại thường là những bãi rác thải vô tội vạ! Ngoài những hoạt động tương tác trực tiếp với môi trường như thế, chúng ta cũng nên tập cách thưởng thức nghệ thuật, hầu hướng đến một cảm thức đúng đắn hơn về cái đẹp, nhất là vẻ đẹp được cống hiến bởi môi trường tự nhiên, nhằm giảm bớt chủ nghĩa tiêu thụ vốn chạy theo những sự phù phiếm và lệch lạc. Và trên hết, một đời sống gắn kết mật thiết với Thiên Chúa sẽ thúc đẩy chúng ta yêu mến thiên nhiên, vì nó là quà tặng nhưng không của Ngài cho ta.

 

Thiết tưởng, Bài ca anh Mặt Trời31 của Thánh Phan-xi-cô Assisi đã diễn đạt cách súc tích, tuyệt vời tinh thần và lối sống đúng đắn của người ‘hành hương tại thế’:

Lạy Thiên Chúa tối cao, toàn năng và tốt lành, mọi lời ngợi khen, vinh quang, danh dự và chúc tụng đều thuộc về Ngài, và xứng hợp cho riêng mình Ngài, lạy Đấng Tối Cao, và không ai xứng đáng gọi Danh Ngài.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, với muôn loài thọ tạo, đặc biệt nhất ông anh Mặt Trời, Anh là ngày, nhờ anh, Ngài soi chiếu chúng tôi, Anh đẹp và toả ánh rạng ngời, Anh tượng trung Ngài, lạy Đấng Tối Cao.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì chị Trăng và muôn Sao Chúa dựng trên nền trời: lung linh, cao quí và diễm lệ.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Anh Gió, Không Khí và Mây Trời, cảnh thanh quang và bát tiết tứ thời, nhờ anh, Chúa bảo tồn muôn vật.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì chị Nước, thật lợi ích và khiêm nhu, quí hoá và trinh trong.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì anh Lửa, nhờ anh, Chúa sáng soi đêm, Anh đẹp và vui tươi, cường tráng và mạnh mẽ.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị chúng tôi, là Mẹ Đất, Mẹ đỡ nâng, Mẹ dưỡng nuôi, Mẹ sản sinh bao trái trăng, hoa muôn sắc giữa ngàn cỏ dại.

 

 

1 ‘Hiện hữu lý tính’ ở đây ám chỉ tính chất hiện hữu đặc biệt của con người, trong tư cách là một con người: hiện hữu mang bản chất truy tìm/tạo lập ý nghĩa. Heidegger gọi hiện hữu này là Dasein.

2 Brian M. Fagan, World Prehistory: a brief introduction, 4th edition (New York: Longman, 1999), tr. 53.

3 <http://www.open.edu/openlearncreate/mod/oucontent/view. php?id=79926&printable=1>. Cập nhật 15.03.2019. Cho đến nay, định nghĩa về môi trường vẫn là điểm dễ gây tranh cãi. Từ ‘môi trường’ trên đây phải hiểu là ‘môi trường của con người’. 

4 Trong bài viết “Những gốc rễ lịch sử của khủng hoảng sinh thái”, năm 1974, Lynn White Jr. cho rằng tình trạng khủng hoảng môi trường hiện tại là kết quả của các truyền thống triết học và tôn giáo của Phương Tây, vốn đặt con người làm trung tâm điểm và có quyền thống trị trên môi trường sống, và đồng thời xác định mọi bản chất và giá trị của vạn vật theo quy chuẩn của con người.
X. Lynn White, “The Historical Roots of Our Ecologic Crisis,” in Ecology and Religion in History (New York: Harper and Row, 1974). Chính những phân tích này của White đã đặt nền cho Chủ nghĩa Sinh Thái Chiều Sâu (Deep Ecology). Chủ nghĩa này đề xuất giải trừ ‘nhân loại trung tâm’ bằng cách nhấn mạnh tính bình đẳng của mọi thụ tạo: mỗi sinh vật đều có giá trị tự thân, không phụ thuộc vào thang giá trị của con người.

5 Anke M. Friedrich, “Arsenic,” in Trace elements in human and Animal Nutrition, 5th edition, ed. Walter Mertz, (FL: Academic Press, 1986), tr. 347-372.

6 Thành ngữ này hiện nay đã trở thành một ‘khẩu hiệu tuyên truyền’ về giáo dục sức khoẻ, đặc biệt là từ các trung tâm sức khoẻ dinh dưỡng. Xem ví dụ: Michael Schirber, “The Chemistry of Life: Human Body,” in <https://www. livescience.com/3505-chemistry-life-human-body.html>. Cập nhật ngày 05.03.2019.

7     Tại thời điểm Big Bang, vốn được nhà khoa học Stephen Hawking đặt tên là

điểm kỳ dị, mật độ của vũ trụ và độ cong của không-thời gian là lớn vô hạn.

  1. Stephen Hawking, Lược Sử Thời Gian, Cao Chi và Phạm Văn Thiều dịch (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Trẻ, 2005), tr. 81.

8  X. Lược Sử Thời Gian, tr. 173-179.

9  Đây là lý thuyết M của Stephen Hawking, được đúc kết trong cuốn Bản Thiết Kế Vĩ Đại (The Grand Design), viết chung với Leonard Mlodinow, xuất bản năm 2010.

10 X. Lược Sử Thời Gian, tr. 102-123.

11 Peter Atkins, Creation Revisited (Harmondsworth: Penguin, 1994), tr. 143.

12 Stephen Hawking and Leonard Mlodinow, The Grand Design (New York: Bantam Books, 2010), tr. 206.

13 Edwin Arthur Burtt, The Metaphysical Foundations of Modern Physical Science: a historical and critical essay (London: Kegan Paul, Trent, Trübner & Co, 1925), tr. 40-143.

14 X. Brandon Carter, Large Number Coincidences and the Anthropic Principle in Cosmology, in Confrontation of Cosmological Theories with Observational Data, IAU Symposium, no. 63, ed. Malcolm S. Longair (Dordrecht: Reidel, 1974), tr. 291–298.

15 John D. Barrow and Frank J. Tipler, The Anthropic Cosmological Principle

(Oxford: Oxford University Press, 1986), tr. 318.

16 Max Planck, Where is science going? The Universe in the light of modern physics (1932), tr. 68-95. Nguồn: <https://archive.org/stream/ whereissciencego00plan_0/whereissciencego00plan_0_djvu.txt >. Cập nhật 20.03.2019.

17 J. Donald Hughes, Pan’s Travail: Environmental Problems of the Ancient Greeks and Romans (Baltimore: John Hopkins, 1996), tr. 49.

18 John Habgood, The Concept of Nature (London: Darton, Longman and Todd, 2002), tr. 4. Tất nhiên, cần lưu ý rằng vẫn có một số triết gia Hy-La cổ đại nhìn thế giới theo tính ngẫu nhiên thay vì theo nhãn quan linh thiêng và hướng đích luận. Ví dụ, nhà hiền triết Empedocles cho rằng thế giới được tạo thành từ bốn yếu tố: đất, không khí, nước và lửa. Vạn vật được hình thành nhờ sự kết hợp và phân tách của những yếu tố này qua sự hoạt hoá của hai lực thúc đẩy là Tình Yêu và Xung Đột. Xem M. R. Wright, Empedocles: the extant fragments (New Haven: Yale University Press, 1981), Fragment 47

(35). Tuy nhiên, sự thịnh hành của các trường phái Plato, Aristotle và một số trường phái khác (như Pythagore) cho phép chúng ta đồng tình với nhận định trên của John Habgood.

19 Tổng Luận Thần học, I-II, 91.2.

20 Georg W.F. Hegel, Vorlesungen über die Philosophie des subjektiven Geistes, ed. C J Baur [Gesammelte Werke; Bd. 25/1] (Hamburg: Felix Meiner, 2008), tr. 34.

21 Merleau-Ponty, Phenomenology of Perception, trans. Colin Smith (London: Routledge, 2005), tr. viii.

22 Merleau-Ponty, Phenomenology of Perception, tr. xix.

23 Ở đây, tôi tạm gọi năng động này là ‘biến cố hiện hữu’.

24 Merleau-Ponty, Phenomenology of Perception, tr. 94-95.

25 Martin Heidegger, Being and Time, trans. John Macquarrie and Edward Robinson (New York and Evanston: Harper and Row, 1962), tr. 100.

26 X. Encyclopedia Christianity, Vol 2, eds. Erwin Fahlbusch, Geoffrey

  1. Bromiley and David P. Barrett (Michigan: Wm. B. Eerdmans Publishing Company, 2001), tr. 678.

27 Điểm Alpha là điểm khởi đầu, tương phản với điểm Omega là điểm kết thúc. Xem Teihard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, Đặng Xuân Thảo dịch (Hà Nội: NXB Tri Thức, 2014), tr. 442.

 28 Teihard de Chardin, Hiện Tượng Con Người, Lời mở đầu và dẫn nhập, sđd.

 29 Từ Sáng Thế 1,27: “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”, Walter Kasper đã suy tư về tương quan giữa người nam và nữ rằng con người được tạo dựng không phải như hai thực thể biệt lập nam và nữ trong đó mỗi bên sở hữu tính chất ‘nam’ và ‘nữ’ cách độc lập với nhau. Ngược lại, mỗi con người chỉ có thể tìm thấy tính người trọn vẹn của mình trong sự kết hợp với người khác phái. Nói cách khác, ‘thân thể’ người nam chưa phải là toàn thể của hữu thể người nam. Phần còn lại của anh đang nằm ở người nữ, và ngược lại. X. Walter Kasper, La dignita sacramentale del matrimonio (Brescia: Queriniana, 2014), tr. 29.

 30 Carolyn Merchant cho rằng thái độ này thuộc về thời kỳ Mẫu Hệ; và bà cho rằng mối tương quan hài hoà giữa thiên nhiên và môi trường bị phá vỡ kể từ khi chế độ Phụ Hệ và chủ nghĩa công nghiệp hoá lên ngôi.
X. Carolyn Merchant, The Death of Nature: women, ecology and the scientific revolution (London: Wildwood House, 1980), tr. xvi-xvii.

 31 Theo bản dịch của Norberto Nguyễn Văn Khanh, OFM, trong Tác Phẩm Của Thánh Phanxicô Assisi (Tp. Hồ Chí Minh: Văn Phòng Tỉnh Dòng Thánh Phanxicô Việt Nam, 2015), tr. 98-100. (Bài ca này còn có thêm 6 câu cuối nữa, nhưng không trực tiếp diễn đạt về các thụ tạo)

Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Tìm hiểu tông huấn niềm vui tình yêu ”

Bạn thân mến! Ai trong chúng ta đều xuất thân từ một gia đình. Dù …

Hãy mạo hiểm! Tôi đã làm thế, và cưới được vợ

Các thánh nhân là những người dám khuấy động cả hoàn vũ, nên Đức Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *