Mái ấm của tình yêu, mái nhà đầy ân phúc

  MM Tân, SJ.

Luật xưa dạy rằng chớ ngoại tình,
và hình phạt dành cho người đàn bà ngoại tình là bị đem ra ném đá,
“cho chừa cái thứ đàn bà lẳng lơ”.
Trong khi cái gã đàn ông thì vẫn nhởn nhơ,
luật pháp là vậy, kết án hành động,
chứ nếu chỉ nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì có sao đâu.

Cho dù thực tế trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi
cái kẽ hở của luật là dung túng cho những kẻ ăn vụng khéo chùi mép
cho cái thời trọng nam khinh nữ.

Trong dân Chúa mà cũng tồn tại thứ luật lệ lạ đời.
Người đàn ông hễ muốn là có thể rẫy vợ,
Ai rãy vợ chỉ cần cho vợ chứng thư ly dị,
Và nàng có thể lấy chồng tiếp…
Vì thế mới có chuyện người phụ nữ Samaria qua tay tới năm đời chồng.

Đấy là chuyện đời xưa,
chỉ vì các ông lòng chai dạ đá mà Môi-sê phải cho phép các ông rẫy vợ,
chứ thuở ban đầu không có thế đâu (Mt 19,8).
“Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán :
“vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,
và cả hai sẽ thành một xương một thịt…
vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly. (Mt 19,5-6).

Như thế,
Theo ý định và trong quyền năng của Thiên Chúa tạo hóa,
Đời sống vợ chồng an vui hạnh phúc đến lạ thường.
Bởi lẽ nếu Thiên Chúa đã kết hợp,
thì chính Người cũng nâng niu và chăm sóc 2 anh chị trong tình yêu của Người.
Điều kiện để gia đình hạnh phúc cuối cùng là buông mình trong Thiên Chúa thôi.

Mấy ngày qua, được cha xứ Bạch Xa, người tự nhận là cha xứ chân đất,
Dẫn tôi làm quen với một mái nhà lương dân, trong phạm vi thuộc giáo xứ của Ngài.

Giữa vùng  sơn cước xa xôi:
Gia đình này có mặt không xa mọi người là mấy mà cứ như thuở hồng hoang :
người chồng mang hai dòng máu Kinh-Tày, dở người;
chị vợ thuộc tộc Mán, cách Bạch Xa cả hơn trăm cây số, có vẻ dở hơi,
chàng dở người gặp nàng dở hơi, trong một bữa tiệc, cũng có chút mai mối,
khi đôi trai gái đã bén duyên rồi thì chỉ cần  2 mâm ra mắt họ hàng đàng trai,
và họ đã nên vợ nên chồng.

Ai cũng tưởng cuộc sống của anh chồng dở người với cô vợ dở hơi sẽ chẳng êm thắm.
Ngược lại, cho mãi đến hôm nay,
anh rất thương vợ và các con.
Vợ cũng tươi vui với chồng, dịu dàng với con cái.
Con cái, 3 chú bé, cứ như 3 con trâu đất, khỏe mạnh, hồn nhiên, quấn quít bên cha mẹ.

Một mái nhà nồng ấm làm cho khách lạ phải ngỡ ngàng.
Chị nói không sõi tiếng Việt, nói rằng chồng mình ác lắm.
Nhưng khi hỏi ác là sao? Có chửi vợ đánh con không- thì chị trả lời là không!
Lâu lâu cũng uống vài bữa rượu với bạn bè, mặt nhìn có vẻ dữ nhưng bụng vẫn hiền hòa.
Chị nói mình cũng ác lắm – ác là sao, có cãi nhau hay  đánh đập con cái không – cũng không!
Chỉ khi nào mấy đứa con nít tới nghịch phá quá thì chị đuổi đi thôi.

Ôi cái ác của một con tim hiền lành dịu dàng là vậy.
Nhìn ngôi nhà rách nát, trống trước trống sau,
Giường ngủ với bếp núc sát sườn.
Khi hỏi gia đình làm gì để sống,
Anh chỉ tay lên núi, còn chị chỉ mấy gốc cam chanh trước mặt.

Thực ra lên núi cũng không dễ, làm mướn với một anh dở người chả  được là bao,
Có tiền anh mua gạo, lâu lâu dư chút đỉnh đưa chị dằn túi mua bánh trái cho các con.
Bữa ăn hằng ngày, đơn giản thôi, chị nấu nồi cơm để đó, hễ ai đói thì cứ việc thò tay bốc ăn,

Ba bé trai cũng vậy, tự mở nồi cơm và bốc ăn tùy thích.
Chậu chén đũa coi như dư thừa, để trẻ lấy đùa nghịch.
Mái nhà bề ngoài rách nát, lạnh lẽo, nhưng trong tim mỗi người là ngọn lửa hồng,
chẳng có gì để hờn trách, không có chỗ cho những câu nói nặng nhẹ.

Đúng theo ý định của Thiên Chúa :
Từ ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ…
Và cho mãi tới hôm nay, người nam lìa cha mẹ mà quyến luyến vợ mình
Mối tình này, Vợ chồng con cái sớm hôm vui vầy,
Dưới suôi dễ gì gặp được.
Một mối tình được Thiên Chúa kết hợp, nâng niu và nuôi dưỡng từng ngày.
Do đó, dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu thì cũng chẳng gì có thể phân ly.

Để góp cho mái nhà thêm ấm, Caritas giáo phận cũng có phần gạo hàng tháng;
Rồi một cha già đang ở nhà hưu,
sẽ cùng với giáo xứ và giáo dân Bạch Xa, dựng lại ngôi nhà cho tươm tất,
để giữa đất trời và ngay trong mái nhà này,
tràn ngập tiếng reo vui của Thiên Chúa giầu  lòng thương xót.

 

Kiểm tra tương tự

Tại sao lễ Chúa Hiển Linh được coi là lễ hội ánh sáng?

  Lễ Chúa Hiển Linh tập trung cách đặc biệt vào thực tại Chúa Giêsu …

Facebook năm thứ 20: Tình Bạn đang thay đổi thế nào?

  Giống như khi một người hàng xóm lâu năm làm ta ngạc nhiên, chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *