Ngày nay vấn đề Đặc Sủng, Mạc Khải, Thị Kiến, Thánh Linh, những hiện tượng lạ, những giáo lý mới, những giáo phái thần bí đã mọc lên như nấm mùa mưa, đến nỗi người ta gán cho nó một phong trào, và họ “dẫn” Chúa đi theo “phong trào” như ý muốn của họ. Việc của trời cao hay việc của ma quỷ thì chưa có một lằn ranh rõ ràng. Hai thái cực giữa “chính” và “tà” như đang hình thành trên mặt trận thiêng liêng giữa những mây mù của sự hỗn độn. Dường như một phần con người bị cuốn hút vào những vấn đề này như là một hy vọng – hay khuynh hướng – thay cho cái niềm tin truyền thống Kytô giáo. Như nhà văn Công Giáo Matt C. Abbott nhận định: “Nếu mức độ hung ác của một cuộc chiến chính là con số thương vong, thì cuộc chiến hiện đại nhằm tận diệt các linh hồn là chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Không có từ ngữ nào để diễn tả”… Cũng như nhà trừ qủy ở Roma, linh mục Gabriele Amorth, đã thực hiện cả gần trăm ngàn cuộc trừ quỷ, ngài nói với đại ý : “ Ngày nay ma quỷ thành công nhờ việc nó đã thổi vào con người luồng tư tưởng ‘tin vào ma quỷ đã lỗi thời’, và cho rằng, ma quỷ không còn hiện hữu nữa, hay ít ra cũng quên sự hiện hữu của nó. Từ đó chúng dễ dàng ‘xỏ mũi’ để dẫn con người đi theo chúng”(xem: Nhà Trừ Qủy Kể Chuyện, sách đã dịch).
Còn như Đức Kitô và những người đi theo Người thì lại rất đơn giản: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai giựt được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai giựt được chúng khỏi tay Chúa Cha.” (Ga 10,27-29).
VẤN ĐỀ LÀ…
Chuyện đúng sai của mỗi vấn đề còn phải căn cứ và dựa vào những cơ sở chân chính để kết luận. Nhưng riêng về vấn đề “mạc khải tư”, được thể hiện trên văn bản, chuyển tải tinh thần qua ngôn ngữ, gọi là “sứ điệp”. Nhờ đó mà con người có thể nhận diện được sự thật thông qua ngôn ngữ con người.
Ngôn ngữ chính là hình thức phản ánh tất cả nội dung, bởi vì không ai nói khác hơn ngoài cái tư tưởng và tinh thần mà con người đã chất chứa trong đó. Người ta nói “văn là người” là vậy, vì chính ngôn ngữ (ngôn từ, ngữ pháp, ngữ nghĩa), tư tưởng (nội hàm, luận chứng, luận cứ), giọng điệu, văn phong, bút pháp (sự kết cấu trong cách xây dựng thể tài, thể loại) nói lên tính tình (cả giới tính), khí chất, nhân cách, trình độ, và những đức tính của tác giả như thế nào. Chính nó tạo nên sức sống và sức mạnh của tinh thần (bút hồn và bút lực). Người đọc có thể nhận ra những điều này, dù rằng người viết có pha lẫn sự giả tạo, hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch thuật.
Ngôn ngữ mạc khải không như ngôn ngữ của khoa học, mà nó mang tính “sấm” của tiên tri, mang tính biểu tượng, tính ẩn dụ, tính ước lệ, tượng trưng, nghĩa bóng, thời gian và không gian mang ngữ nghĩa mờ qua dấu chỉ, đặc biệt là nó không bao giờ lỗi thời dù rằng tính thời sự đã qua đi. Tất cả những yếu tố đó nói về một sự thật, một chân lý nào đó. Và mục đích và sứ mạng của nó thật chính đáng và rõ ràng như chuyện mặc nhiên của vấn đề. Đôi khi sự việc rất cụ thể, nhưng nó vẫn bao hàm được cái tinh hoa trong sự chắt lọc ngôn ngữ, hướng con người đến sức sống của chân lý trời cao.
Những sứ điệp chân chính, dù là nhỏ bé (đối với Thiên Chúa thì không có gì là to nhỏ cả), Thiên Chúa và Mẹ Maria không cho phép con người hoặc ma qủy “chõ mũi” vào. Những sứ điệp có tầm “quốc tế” đã được bảo chứng của Thiên Chúa là như vậy. Không ai đủ tư cách xen vào sứ điệp của trời cao, ngoài Thiên Chúa hoặc qua quyền hạn của Giáo hội được Chúa ban.
Vì tính chất như vậy, nên muốn biết được cái bản chất, bản thể (cái hiện hữu) của vấn đề, ta cần tìm hiểu những yếu tố thuộc về nền tảng của nó. Đối với Thiên Chúa, đó là những yếu tính, cũng như thuộc tính của Ngài.
YẾU TÍNH CỦA THIÊN CHÚA
Là căn nguyên bên trong làm cho sự vật có, sự vật là (Theo thuật ngữ siêu hình học).
Đó là:
- Đấng Tự Hữu – Trước Vô Cùng và Sau Vô Cùng
- Đấng Hằng Sống – Vĩnh Cửu
- Đấng Trọn Hảo: Toàn Chân – Toàn Thiện – Toàn Mỹ – Toàn Năng – Toàn Ái
Thuộc tính & ưu phẩm của Thiên Chúa
Thuộc tính là đặc tính vốn có của một sự vật, nhờ đó sự vật tồn tại và qua đó con người nhận thức được sự vật, phân biệt được sự vật này với sự vật khác.
Như vậy thuộc tính và ưu phẩm của Thiên Chúa phải là:
Toàn Chân: Khôn ngoan bất khả cân lượng, không thể sai lầm, công bình, sự thật hoàn hảo, sự chắc chắn vững bền, bản thể bất khả tri
Toàn Thiện: Sự cho đi và ban tặng, khiêm nhường tuyệt đối, luôn có bằng an ngự trị, trong sạch vô tỳ
vết, sự hiệp nhất hoàn hảo, hạnh phúc viên mãn
Toàn Mỹ: Trong vinh quang rực rỡ, mỹ diệu huy hoàng toàn bích, sáng láng muôn thủa, tự đủ với
chính mình
Toàn năng: Quyền năng vô biên, làm được mọi sự (sáng tạo từ hư vô), nguồn gốc của mọi quy luật tự nhiên và siêu nhiên, tạo ra mọi trật tự, gốc của mọi tạo vật (hữu hình và vô hình)
Toàn Ái: Tình yêu bao trùm mọi thụ tạo (từ vật vô tri vô giác đến thiên nhiên và vũ trụ, cho đến mọi sinh vật, lan tỏa đến cả nơi tối tăm), tình yêu vô biên – không cạn – không suy giảm, đại lượng vô song
Vì vậy, bất cứ mạc khải chân chính nào cũng đều xuất phát từ Thiên Chúa, nên nó có mục đích và hiệu qủa hoàn toàn tốt lành. Vì thế ta có thể phân biệt được dễ dàng, được biểu hiện nhờ vào thần khí Thiên Chúa thông qua những thuộc tính của Ngài. Khi đọc một văn bản mạc khải, ta có thể nhận thấy tính chất siêu nhiên và hiệu qủa của nó. Yếu tính của Thiên Chúa được thể hiện trong sứ điệp, qua tinh thần Phúc Âm là Mạc Khải Chung mà chính Đức Kitô đã nói với con người, qua tinh thần Đức tin Tông Truyền của các Công Đồng, qua Thánh truyền, qua giáo lý và tinh thần truyền thống của Hội Thánh… Mà hiệu quả của nó luôn là hoa trái của tình yêu và sự phó thác, của đức tin sâu xa, sự khiêm nhường, sự bằng an, sự thống hối, sự chân thực, sự quên mình, chấp nhận đau khổ, ước muốn nên giống Chúa…
Từ đó ta có thể nhận biết được sứ điệp của trời cao thông qua ngôn ngữ, dù rằng được các Ngài đọc cho viết (như của chị Vassula-Sự Sống Thật Trong Thiên Chúa) hay được viết lại qua thị kiến của các thị nhân (như thánh Faustina, thị kiến ở Fatima), hoặc qua các người được thụ khải bằng trí năng hay tiếng nói (như cha Don Gobbi). Tất cả đều phản ánh được tính chất (bản thể) của Thiên Chúa hoặc Mẹ Maria.
NGÔN NGỮ CỦA CHÚA CHA VÀ CỦA ĐỨC GIÊSU
Ngôn ngữ Chúa Cha chất chứa đầy sự yêu thương của Đấng là tình yêu siêu việt, là nguồn gốc của vạn vật, là cha của mọi thụ tạo, nhưng đầy uy quyền, chủ tể của mọi sinh tồn. Tình yêu và công lý là hai vế luôn được cân bằng trong mọi quy luật, cũng như trong mọi phán đoán và hành xử dưới bất cứ trạng thái hay tình huống nào. Dù mang tính răn đe theo luật công thẳng của Thiên Chúa, nhưng lại chất chứa đầy tình yêu và sự công minh đến lạ lùng mà không ai có thể ngụy tạo, không ai phản đối được, nó luôn mang đến sự bình an chứ không phải sự bối rối, lo sợ, hỗn loạn… Lời Chúa Cha như:“Sự dữ càng bành trướng, lòng nhân lành càng thôi thúc Ta phải liên lạc với những linh hồn công chính để họ truyền đạt các giới luật của ta cho những kẻ gây ra tình trạng hỗn độn. Như vậy, nhiều khi Ta đã buộc lòng phải xử thẳng nhặt, không phải để trừng phạt – vì như thế chỉ gây hại – nhưng là để nghiêm trách cốt cho họ đoạn tuyệt thói xấu và đưa họ về với Hiền Phụ và Đấng Tạo Hóa của họ…”. (Thông điệp Chúa Cha phán dạy qua Mẹ Eugenia –nước Ý, năm 1932)
Còn Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngài là đường, là sự thật và là sự sống, nên ngôn ngữ của Ngài luôn sáng tỏ (không mơ hồ), tính chân thực, nghiêm túc, quyền năng. Ngôn ngữ của Ngài mang tính “cứu chuộc”, mang chất “nam tính” trong tình yêu của người cha, người thầy, người yêu, người anh cả, người bạn. Ngôn ngữ của Ngài trong sáng, giản dị, dễ hiểu, tính phổ thông, tự do (không áp đặt). Có “văn phong và bút pháp” hài hòa, êm ái, có tính mời gọi chứ không truyền khiến, biểu lộ được một thứ tình cảm siêu việt, và có một “nội lực” sâu thẳm, có sức chuyển dẫn để cảm hóa biến đổi con người, dễ dàng nhận ra được trong sự tĩnh lặng của tâm hồn. Nó luôn chuyển tải một thứ ngôn ngữ rất Hiền Lành và Khiêm Nhường mà ma quỷ hay con người không thể có được.
Có thể lấy bất cứ chỗ nào của sứ điệp làm ví dụ, như: “Vassula của Cha ơi, tất cả những gì Cha muốn xin con là tình yêu, mọi nhân đức trổ hoa từ tình yêu. Tình yêu chính là cội rễ của mọi nhân đức, tình yêu giống như cây ăn trái, trước hết là sinh hoa, rối kết trái, mỗi trái là một nhân đức. Nào, trước hết chúng ta hãy cùng thinh lặng cầu nguyện, con với cha cầu nguyện cùng Chúa Cha, chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng tuyệt đối, Cha sẽ đọc cho con… (Sự Sống Thật Trong Thiên Chúa, ngày 13-11-1987).
Thiên Chúa luôn hướng chúng ta về điều thiện, nên hoa trái của nó – đối với người được thụ khải và người tin theo – phải có sự bình an thẳm sâu, luôn thận trọng trong tinh thần và trong cách hành xử, ngoan ngoãn và vâng lời, quên mình, khiêm nhường, dễ phục thiện, kiên tâm trong đau khổ, tự do của tinh thần, yêu mến Giáo hội, ước muốn theo gương Chúa Kitô, có tình yêu vô vị lợi…
BẢN CHẤT CỦA MA QỦY
Bản chất là thực chất của sự vật, là căn nguyên bên trong để phân biệt được mỗi loại.
Bản chất của ma quỷ thì:
- Kiêu ngạo cùng cực
- Gian xảo qủy quyệt
- Luôn hủy diệt và làm xáo trộn mọi trật tự
- Lừa đảo và bất trung – bất tuân
- Thù hằn và gian dối – phỉnh gạt
- Chia rẽ, bất an, buồn phiền, lo lắng, ngờ vực
- Thích thú vì sự dữ
- Gốc của sự dữ nên không còn khả năng yêu thương
Mạc khải giả cũng như tiên tri giả, xuất phát từ ma qủy, luôn dẫn dắt con người đi lạc đường, nó hoạt động bằng sức riêng hoặc qua vẻ quyến rũ của những sự vật và những lợi lộc trần thế đối với những người mê thế gian. Nó còn hiện diện hoặc lợi dụng trong những tâm hồn mang tính hiếu kỳ bệnh hoạn, cố chấp, dễ chán nản thất vọng, dễ nghi ngờ, tính tự ái và tự cao tự đại (Sự khiêm nhường giả tạo), tính cực đoan, bất tuân phục, không nhẫn nại trong đau khổ, lòng quyến luyến quá sức với sự an ủi giác quan trong việc cầu nguyện, thiếu lòng sùng kính sâu xa với Đức Giêsu và Mẹ Maria, qúa tỉ mỉ bám theo văn bản lề luật và lòng nhiệt thành cuồng tín trong những vấn đề tôn giáo.
Nó luôn mang tính đe dọa, tính chia rẽ, nói xấu, tính phê phán, nghi ngờ Giáo hội và người khác, đạo đức giả hình và thiếu ngay thẳng, không có lòng Tin Yêu xuất phát từ chân lý Đức Kitô. Chiêu bài của nó đối với người “mộ đạo” là luôn kích thích việc đạo đức cảm tính (tốt xấu căn cứ trên giác quan) , lấy Kinh Thánh và Thiên Chúa làm bình phong để dẫn dụ.
Rất nhiều mạc khải xuất phát từ “giếng vực thẳm” do con người tiếp tay, vì ngày nay ma quỷ đang thắng thế, như nhà văn Matt C. Abbott, làm việc trong truyền thông Công giáo, nhận định: “Thế kỷ 21 là một chiến trường luân lý thiêng liêng cho những tỷ lệ to lớn đến nỗi không có thời đại nào trong lịch sử con người từng xem thấy một cuộc chiến như thế. Satan đang sử dụng sức mạnh tích lũy sự phạm tội ác của thế giới này để định nghĩa lại sự sống như chúng ta biết. Nay, cuộc chiến này không chỉ chống lại những chiến binh đã được huấn luyện, mà đây là chiến tranh toàn diện chống lại tất cả những gì linh thiêng và tự nhiên. Đây là cuộc chiến chống lại chính nhân loại, một cái gì đó chưa từng thấy trước đây trong toàn lịch sử…”
Ma quỷ còn lợi dụng những mạc khải lúc đầu xuất phát từ Thiên Chúa, nhưng do con người sao chép hay do dịch thuật, họ đã làm thay đổi bản văn ít nhiều, nên nó bị lệch lạc đi. Nguyên nhân là do sự tùy tiện, cẩu thả hoặc do tính dễ dãi của con người, nghĩ rằng dịch hay sửa như vậy hay hơn, có lợi ích hơn, hấp dẫn hơn, kích thích hơn, dễ nhớ hơn, quảng cáo hơn… Họ không biết rằng như vậy là đã mắc mưu qủy dữ, vì nó lợi dụng để lòn ở trong đó một sự ám ảnh tâm lý rất hiểm độc, sinh ra nhiều nghi ngờ, chán nản và thất vọng, sau cùng là chẳng còn tin tưởng gì nữa, hoặc cố chấp vào nó để biện minh cho ý riêng. Nguyên nhân sâu xa có lẽ là do thiếu sự nhận thức đúng đắn và thiếu lòng mến sâu xa nơi Thiên Chúa, nhất là do sự ngạo mạn của con người, thích cường điệu bản văn theo ý mình. Nếu đọc văn bản này sẽ thấy đầy tính khí huyết của con người (cảm giác và thần kinh), chứ ít thấy thần khí của Thiên Chúa, nên nó mang tính “bạo phát bạo tàn” để đi vào quên lãng dễ dàng, và di hại của nó là sinh ra ngờ vực hoặc chai lì tính thiêng liêng với mọi mạc khải chân chính khác.
Khi con người – nếu không qua quyền hạn chính thức, chính danh – hay ma qủy xen vào công việc của Thiên Chúa thì ít nhiều, mạc khải dù có tốt tới đâu, nó sẽ không còn tinh tuyền nghiêm túc nữa.
NGÔN NGỮ CỦA ĐỨC MARIA
Đức Maria, là Mẹ của Đức Giêsu, Mẹ của nhân loại, Mẹ Giáo hội, nên ngôn ngữ của Người luôn có chất “nữ tính” của người Mẹ. Người Mẹ là người luôn luôn bộc lộ tình yêu thương, bao bọc, chở che , nâng đỡ, cảm thông, khuyến khích, luôn xót xa khi những đứa con vấp ngã, không bao giờ Mẹ la mắng hay khước từ dù cho dù đứa con có hư hỏng. Sự bội bạc và tội lỗi của những đứa con chỉ như những ngọn roi quất vào Trái Tin Mẹ mà thôi. “Văn phong và bút pháp” của Người êm dịu ngọt ngào chan chảy như dòng suối tươi mát, có sức cảm hoá đến tận đáy tâm hồn con người. Nó rung động đến tận nội tâm sâu thẳm, khác với sự rung động của giác quan thần kinh như yêu đương tình ái. Nó là một thứ tình yêu của người Mẹ thuần túy nhất, hoàn hảo nhất, quên mình và vị tha nhất. Không bao giờ Mẹ “lên gân ngôn ngữ”, không bao giờ Mẹ kêu la oán trách, giận dỗi. Không bao giờ Mẹ có sự phân bì thiên vị gây nghi ngờ chia rẽ giữa con cái Mẹ. Không một người mẹ trần gian hay nữ văn sĩ nào có thể có được một thứ ngôn ngữ như của Mẹ Maria.
Dù là người Mẹ, nhưng là vai trò trung gian, nên Mẹ không giữ lại gì cho mình, mà tất cả ngôn ngữ của Đức Maria đều hướng con cái Người đến nguồn ơn cứu chuộc là Đức Kitô và quy chiếu mọi sự về Thiên Chúa Cha là Gốc của mọi sự thiện. Có thể nhận ra rõ ràng qua bất cứ sứ điệp nào của cha Stephano Don Gobbi trong “Quyển Sách Xanh, hoặc thông điệp Mễ Du, như Thông điệp qua thị nhân Mijana ngày 02 tháng 03 năm 2013:
Các con thương yêu,
Một lần nữa, bằng cung cách Từ Mẫu, Mẹ kêu gọi các con đừng là những tấm lòng chai đá. Đừng nhắm mắt phớt lờ những cảnh báo Cha Trên Trời gửi tới cho các con vì tình yêu thương. Các con có yêu Ngài trên hết mọi sự không? Các con có ăn năn vì thường xuyên quên rằng Cha Trên Trời, vượt quá tình yêu cao cả của Ngài, đã gửi Con Một của mình xuống cứu chuộc chúng ta bằng Thập Giá không? Các con có thống hối vì đã không chấp nhận thông điệp không? Các con của Mẹ ơi, đừng cưỡng lại tình yêu thương của Thánh Tử Mẹ, đừng cưỡng chối niềm hy vọng và sự bình an. Cùng với lời cầu nguyện và chay tịnh của các con, qua Thánh Giá Ngài, Con Mẹ sẽ xóa tan màn tối đang muốn bao vây và xâm chiếm các con. Ngài sẽ ban cho các con sức mạnh để sống đời sống mới. Khi sống theo gương Thánh Tử Mẹ, các con sẽ là một phúc lành và niềm hy vọng cho tất cả những tội nhân đang quẩn quanh trong bóng đêm tội lỗi. Các con của Mẹ ơi, hãy canh thức. Là một Hiền Mẫu, Mẹ đang cùng canh thức với các con. Mẹ đặc biệt cầu nguyện và bảo vệ chở che những ai Thánh Tử Mẹ đã mời gọi làm người đem ánh sáng và chuyên chở niềm hy vọng cho các con – chủ chăn của các con đó. Mẹ cám ơn các con.
NGÔN NGỮ CON NGƯỜI
Từ khi sa ngã, ngôn ngữ của con người trở nên cằn cỗi, lệch lạc, nhiều dục vọng, chất chứa đầy sự kiêu kỳ huyênh hoang, tự đắc. Từ đó con người rơi vào sự tăm tối, trong lòng chất chứa cả một “bầu nhân dục” (Tham-Sân-Si, Thất Tình-Lục Dục), nên ngôn ngữ con người luôn ẩn tàng ít nhiều những khí chất của lòng dục nào đó. “Văn là người” nên mỗi người có lối diễn đạt ngôn ngữ khác nhau, nó biểu hiện cá tính, tư tưởng, trình độ, những đức tính hay thói tật của người đó. Nói chung nó bị hạn chế mọi mặt, dù người đó là nhà đạo đức, nhà khoa học, nhà báo, nhà văn…, thì tất cả đều bộc lộ cái tính khí của mỗi cá thể cũng như mặc vào thói đời, trong sự hạn hẹp cố hữu của nó. Ngay cả khi diễn đạt về lời Chúa, con người vẫn không có khả năng thể hiện ngôn ngữ như Chúa hay như Đức Mẹ được, nó vẫn pha đầy tính khí huyết và tinh thần thế tục vào trong lời văn, vì sự “vô minh” luôn phản phất trong mọi ngõ ngách của tâm hồn và cuộc sống, từ sự suy nghĩ, lời nói cho đến hảnh động.
Khuyết điểm lớn nhất của ngôn ngữ con người là thích “nói quá”, thích “cường điệu” để tạo nên những ấn tượng, những cảm xúc cho mình và cho người khác. Vì con người ai cũng thích tìm cảm giác được vuốt ve, ưa chuộng những cảm giác mạnh. Vui, buồn, sướng, khổ, yêu, ghét, giận… được trí tưởng tượng phóng đại thì mới “thỏa chí”. Đặc biệt là tư tưởng và ngôn ngữ con người luôn có khuynh hướng quy chiếu vào mình. Mọi lập luận hay phát triển vấn đề đều hướng vào mình, bảo vệ và vun đắp cho chính mình, thổi phồng và đánh bóng những cái thuộc về cái Tôi, là trung tâm của mọi sự kiện. Chỉ có ngôn ngữ (văn nói cũng như văn viết) mang tinh thần – thần khí – của Thiên Chúa thì mới loại được những ngõ ngách hạn hẹp và khí huyết xung động nơi con người.
Không kể những “mạc khải” lường bịp, lại có những “mạc khải” do chính con người làm ra mà ngay cả chính người nói, người viết cũng lầm tưởng. Có lẽ do đường thiêng liêng và đạo đức người nào đó chưa trưởng thành đủ (ấu trĩ), trong khi lại có lòng ham muốn vượt lên qúa cao, nên xuất hiện những tiếng nói bên tai do “tự kỷ ám thị” về Chúa hay Đức Mẹ, cộng với những ảnh niệm trong trí tưởng tượng phong phú bày ra và in đậm như một thị kiến, nên người đạo đức đó tưởng rằng mình được mạc khải hoặc được thị kiến. Từ đó luôn thích thú và chiêm niệm về nó, dần dần nó trở thành một thành kiến kiên định và yên trí chắc chắn, rồi họ kể lại hoặc biên soạn thành một “mạc khải” mang đầy vẻ đạo đức và hấp dẫn. Đây là loại bệnh hoạn về tâm thần của chuyện đồng bóng hoặc mê tín dị đoan, ảo tưởng về chuyện đặc sủng, mạc khải, thị kiến, thánh thần soi sáng v.v… Những căn bệnh đạo đức này được khởi phát do cảm tính đạo đức quá mạnh, tiềm tàng những khao khát cái “vĩ đại” cho cá nhân từ thâm tâm . Đây là đỉnh cao của sự hồ đồ về đời sống tâm linh cũng như sự lạc lõng trong đức tin.
Lọai “mạc khải” này khá phổ biến, nhưng một khi được đối chiếu với tinh thần Phúc Âm (mạc khải chung), là tinh thần của Đức Kitô, qua thần khí của Thiên Chúa, thì dễ dàng nhận ra được mặt nạ của nó. Và sẽ nhận ra đó là loại ngôn ngữ của con người thuần túy (gồm khí huyết và tiềm tàng những lòng dục), chứ không phải của Đấng nào cả. Những người có khuynh hướng cảm tính, thích đi tìm những sự “độc đáo” trong tâm linh và thích thú chìm đắm trong đó, hoặc bị ảnh hưởng cái tinh thần của Tin Lành thì dễ bị nhiều chứng thái thậm và thái quá như vậy. Có thể trong thâm tâm (vô thức), họ mơ mộng mình “nổi tiếng” như những thị nhân, đang được thụ khải để trở thành “tiên tri” của Thiên Chúa.
Trong những trường hợp có hiện tượng “phi thường” nơi một người, theo lệ thường, khi những điều này xuất phát từ Thiên Chúa, thì linh hồn trước tiên phải sợ hãi và khiêm nhường, luôn thấy mình bất xứng, rồi sau đó là được bình an và sự an ủi nội tâm (chứ không phải là sự thích thú của cảm giác). Nếu những điều này đến từ ma quỷ, chúng sẽ khơi đến bằng những cảm giác đựơc an ủi và thỏa mãn, nhưng sau đó là bối rối, lo âu và bất an (cái đuôi của nó là sự lên mặt, kiêu ngạo).
Người được ơn đặc sủng, trước đó không nhất thiết phải là người thánh thiện, nhưng nó được diễn tiến nơi một tâm hồn rất lành mạnh, rất quân bình, có đức tin chân chính, chịu được mọi thử thách và thời gian, chứ không theo một cảm giác kích thích thú vị nào cả. Hoa trái của nó là những ân sủng của Thiên Chúa như đã trình bày ở trên.
PHẦN KẾT
Khuynh hướng chung của con người đối với “mạc khải tư” thường có hai thái độ nghiêng về hai thái cực. Hai thái cực này đều lâm vào tình trạng mất quân bình về sự nhận thức cho sự phán đoán đúng đắn.
Thứ nhất là viện vào lý do khôn ngoan nên chẳng tin gì cả, họ cho rằng chỉ cần có “mạc khải chung” là Phúc Âm cũng đủ rồi, cần gì phải thêm thắt làm gì, hơn nữa ngày nay có rất nhiều mạc khải “dỏm”, chắc ăn là cứ lọai bỏ để khỏi bận tâm. Những người này cho rằng khôn ngoan mà lại chẳng khéo, vì họ đã bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi, vô tình (hay cố ý) chối bỏ ngay cả thần khí của Thánh Thần đang muốn ban ơn cho con người trong lúc cần thiết, đôi khi là gặp lúc nguy cấp.
Thái độ thứ hai là chạy theo mạc khải, bất cứ mạc khải nào cũng vơ lấy và tin vào như là một cơ hội hiếm hoi của ân sủng. Họ bị kích thích vào những việc thực hành đạo đức theo cảm giác mang tính khêu gợi, hứa hẹn, răn đe, lo sợ… như là những thông tin thời sự nóng bỏng. Họ coi sứ điệp như một mô thức thực hành đạo đức, mong gặt hái được những lợi lộc nào đó mang tính lợi lộc ích kỷ, dù là lợi lộc tinh thần, mà xa tinh thần Phúc Âm và lề luật Giáo hội. Những người này rất dễ bị ma quỷ đánh lừa, hay ít ra họ cũng bị “bội thực” mạc khải, khiến cho tâm hồn luôn bị chông chênh, bất an và trơ lì trong đức tin dần dần.
Bởi vậy, cách đúng đắn nhất là, khi đọc những mạc khải tư, phải sáng suốt nhận định, ít là như những điều được trình bày ở trên, chưa kể cần phải trau dồi về giáo lý, tu đức, kinh thánh, tín lý và luân lý trong đạo. Đặc biệt là phải yêu mến và tuân phục Giáo hội – có những người dựa vào mạc khải để phê phán Giáo hội.
Khi đọc một văn bản mạc khải, trước tiên là đừng có tin ngay mà phải bình tâm suy xét, nếu chưa hiểu rõ thì không mang thành kiến mà vội bác bỏ, tốt hơn hết thì nên dựa vào những vị chân chính có tính chuyên môn, nhất là dựa vào Giáo hội. Có những người nói cái này hay việc kia Giáo hội chưa phán quyết thì tôi không tin. Suy nghĩ như thế cũng không ổn, vì nó nói lên sự vô tâm, có khi chỉ là cái cớ để tránh né việc đạo đức, bởi vì Giáo hội chỉ can thiệp hoặc tuyên bố những gì thật cần thiết cho đức tin con cái mà thôi, chứ không phải cái gì Giáo hội cũng lên tiếng. Giáo hội luôn tôn trọng sự tự do của con người cũng như luôn để cho Chúa Thánh Thần hoạt động và soi dẫn chỉ đường. Đừng dập tắt thần khí của Thiên Chúa là vậy.
Khi tìm hiểu một văn bản mạc khải thì cần có sự khiêm nhường, trong tinh thần mến mộ chân lý, có lòng rộng mở và sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Thực ra ma qủy cũng có thể làm được những hiện tượng lạ, tạo ra những tiếng nói lạ, đưa vật hay người từ nơi này đến nơi kia, lấy khí (mây) để tạo nên hình ảnh của Chúa Giêsu hoặc Đức Mẹ. Biết được như vậy mới không lâm vào tình trạng lầm lạc tai hại cho Đức tin, thoát khỏi sự lường bịp của ma qủy. Vội tin hay vội bác bỏ đều là nguy hại cho đường thiêng liêng, và còn có thể rơi vào cái bẫy của thần dữ.
Cuối cùng có lẽ không gì bằng là, dùng Lời Chúa để soi sáng và khai mở cho tâm trí con người. Lấy Lời Chúa để đối chiếu với chính mình (chứ không phải đối chiếu với người khác), lúc đó sẽ nhận ra chân giả của mọi vấn đề, cách riêng là vấn đề của mạc khải. Vì: “Thưa anh em, Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt.4,12-13).
Hàn Cư Sĩ
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)
* Bài chỉ mang tính tham luận, quyền giáo huấn và phán quyết là của Giáo hội
* Những sứ điệp trích dẫn chỉ tượng trưng