Con khóc gọi mẹ,
Mẹ dỗ dành: Mẹ đây!
Dọc suốt đời con,
Mẹ nâng đỡ con bằng ánh mắt,
Mẹ che chở con bằng trái tim.
Dù đôi tay Mẹ yếu ớt, thân hình mảnh mai, nhưng Mẹ cũng vẫn đủ sức cưu mang, nuôi dưỡng, che chở và ôm ấp đàn con.
Có một khuôn mặt, một trái tim mọi người đều yêu mến, đó là một nữ tu Phaolô đã nhiều năm đồng hành với anh em chúng tôi ngay từ buổi đầu của bước đường sứ vụ giữa bà con sắc tộc: Mẹ Therese Lê Thị Nhứt, được gọi bằng cái tên thân thương Mẹ Hai, là trưởng cộng đoàn các nữ tu Phaolô Lái Thiêu.
Năm 1991, khi chúng tôi đặt chân lên cánh đồng Bù Đăng và Đăk Nông, được biết từ trước năm 1975, một cộng đoàn các nữ tu Phaolô đã làm việc giữa bà con người Mnông và nay đang ở Lái Thiêu, chúng tôi đã đến gặp xin giúp sức và được cộng đoàn Phaolô nhiệt tình nâng đỡ.
Để đón tiếp con cái từ khắp các cánh đồng đổ về, các nữ tu phải cho sửa lại nhà cửa, xây thêm nhà bệnh, chỗ ở cho các em nội trú, thêm ngôi nhà nguyện và nơi ăn ngủ học tập cho các khóa đào tạo giáo lý viên từ các buôn làng đổ về. Vào một giai đoạn thiếu trước hụt sau, Mẹ Hai lúc nào cũng vẫn vui tươi với một câu trả lời để lộ tấm lòng yêu mến và đầy tín thác: “Chỉ cần gói ghém rồi cũng xong”.
Gói ghém sao được khi hằng ngày có chừng 40 em nội trú, hơn chục người bệnh, và mỗi 2 tuần lại có khóa giáo lý trên dưới 30 người ăn ở.
Chính Thiên Chúa đứng ra chăm sóc con cái mình, để dòng sữa mẹ không bao giờ cạn.
Chính Thiên Chúa cũng đứng ra bảo vệ con cái, để vào một thời điểm luôn bị gây khó vì chuyện tạm trú tạm vắng, các khóa giáo lý viên 8 ngày vẫn đều đặn diễn ra.
Nhìn vào bóng dáng của các Mẹ trong cộng đoàn Lái Thiêu, có gì lớn lao đâu! Cũng với những đôi tay yếu ớt, những vòng tay nhỏ bé, những tấm thân già yếu, chỉ có những trái tim mãi trẻ trung cùng với cặp mắt tin tưởng, đủ sức đón nhận và gánh vác con cái từ khắp nơi đổ về.
Mới đầu chỉ có bà con vùng Kiến Đức và Đăk Nông, thêm mấy sóc vùng Bù Đăng, và Đăk Nhau. Qua tới năm 1994, chỉ riêng giáo lý viên đã trên 100 người, tất cả được lệnh lên đường. Qua tới năm thánh 2000 thì số bà con trở lại tăng lên rất nhiều: Từ Bù Đăng lan qua các xã Thống Nhất, Đồng Nai; xuống Minh Hưng, vòng qua Bam Bo, thêm các làng mới trong Đăk Nhau; Từ Kiến Đức đi tiếp Đăk Bù So, Quảng Trực. Anh em Nhân Cơ qua Đồng Nai Thượng, Trường Xuân đi tiếp Đăk Rung… Mái nhà của các Mẹ ở Lái Thiêu lúc nào cũng tấp nập: thêm những khuôn mặt mới, thêm những khóa đào tạo.
Những năm cuối đời yếu mệt, thêm căn bệnh ung thư xương, Mẹ Hai chuyển qua phụ trách cộng đoàn Bình Hòa. Con cái khắp nơi vẫn có thể đều đặn đến đây tham dự các khóa cầu nguyện. Yếu đau, bệnh tật, phải nằm luôn trên giường, ngay phòng khách, nhưng trái tim không ngủ yên: Mẹ đón nhận tất cả, hiến dâng tất cả, và chỉ rời xa con cái mấy tiếng đồng hồ trước khi trái tim tạm ngừng đập, để bắt đầu nhịp đập mới: mãi mãi che chở con cái, vì chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời…
Năm 2005, chúng tôi tiếp tục lên đường, tới Kon-Tum vùng đất mới. Đức Giám Mục giáo phận sai chúng tôi tìm đến với bà con không phải Banar với Sê Đăng, có nghĩa là phải đi xa lắm, hoặc theo hướng Kon Plong tới Măng Buk, hoặc đến với những người Zẻ-tiêng, Rngao sống rải rác từ Ngọc Hồi tới Đăk Glei, và cuối cùng chúng tôi đã chọn con đường này.
Giữa lúc đang trong cảnh bơ vơ không biết phải bắt đầu ra sao thì có người giới thiệu chúng tôi đến gặp bà Hường. Tìm đến địa chỉ số 6 Trần Phú, thì ra đây là cộng đoàn các nữ tu Phaolo, bà Hường là một nữ tu đã lớn tuổi chuyên lo phục vụ một số làng người phong, có một khu nhà khá rộng để đón tiếp các đoàn đến thăm làng phong, và tôi cũng được bà dành cho một căn phòng khá rộng.
Những ngày đầu làm quen với vùng đất mới, tôi lân la tìm kiếm đưa về dạy giáo lý tại đây. Từ 10 người rồi thêm dần tới 25 người, các nữ tu phải cho dựng thêm một nhà để có chỗ cho bà con về ngủ nghỉ, học tập và cầu nguyện. Sau vì những bất lợi nhất định, phải chuyển lớp qua Tòa Giám mục và sau cùng là nhà thờ chánh tòa. Bên chánh tòa thì thuận lợi hơn vì sẵn nhà nguyện các giáo phu xưa kia vẫn để trống, có lớp dạy may phụ nấu cơm canh và dọn bữa. Dĩ nhiên phần cung ứng gạo và đồ ăn cũng như xếp đặt nấu nướng vẫn là bà Hường.
Bà Hường, một nữ tu Phaolô thường được gọi là Ya Hường, một người Mẹ, tuổi đời không cao lắm, nhưng tay chân run rẩy. Ngày ngày ngồi trước cửa bếp đón tiếp bà con sắc tộc mang hoa trái trong vườn nhà đến đổi gạo. Chuối đổi được lại đem cho các nhà nội trú, chỉ có mùa măng thì chẻ đem phơi khô vừa bán vừa biếu. Một ngày đổi mấy tạ gạo, vậy mà kho gạo lúc nào cũng đầy. Anh em về học thì Ya Hường lo mọi thứ, từ chuyện ăn uống cho tới xà bông bột giặt và bút vở. Khóa học trên dưới 70 người ăn ở cả tuần lễ.
Ba năm cuối đời, Ya Hường chỉ nằm yên trong phòng, nhưng không để con cái nheo nhóc. Vẫn một trái tim không nghỉ yên trong tấm thân đang tiến dần về chốn yên nghỉ. Thật vậy, một trái tim khi được nhận chìm nơi lòng thương xót của Thiên Chúa thì tuổi đời có gần đất xa trời, vẫn có thể rộng mở vòng tay ôm ấp con cái đói khổ trong tiếng ru ngọt ngào:
“Mẹ đây… Một người Mẹ giữa những người mẹ :
Nâng đỡ con bằng ánh mắt, che chở con bằng trái tim trong tình yêu ngàn đời.
Những tháng cuối năm nay 2022
Tôi được sai về vùng Bình Long và Lộc Ninh,
Gặp lại bà con Khmer và Stiêng,
Nghe trong lòng vang dội tiếng gọi Mẹ, khắp nơi vang tiếng gọi Mẹ ơi!
Và một lần nữa, hiện thân của Mẹ, các nữ tu Dòng Thánh Phaolô, dòng Đức Mẹ núi Canvê, dòng MTG Tân Việt, Hiệp Hội thừa sai Đa Minh Phú Cường, và…. cùng với các nữ tu các dòng khác đã có mặt và cũng đã nghe tiếng con cái gọi Mẹ… sẽ hòa chung lời đáp ngàn đời với Mẹ Hai và Ya Hường: Mẹ đây!
Mẹ có thể làm gì và sẽ làm gì nếu không phải là lấy trái tim mình che chở con cái, lấy cặp mắt để nâng đỡ thương yêu.
Viết nên những câu chuyện của lòng Mẹ ghi đậm dấu ấn trên con cái.
Thật tuyệt vời, khi các con được Mẹ dẫn vào vùng trời tươi đẹp với những bữa tiệc ngon: bữa tiệc của lòng Mẹ.
Đa-minh Trần Văn Tân, SJ.