Mẹ Măng Đen – Mẹ của lòng thương xót

dsc_0338_23-10-2014

Giuse BCD

Bạn có bao giờ đi hành hương Đức Mẹ ở Măng Đen chưa? Nếu chưa, bạn hãy thử một lần! Nếu rồi, bạn có chiêm ngắm dung nhan của Mẹ? Bạn cảm nhận điều gì khi chiêm ngắm Mẹ Măng Đen? Phần tôi, tôi cảm nhận Mẹ Măng Đen là chân dung của Lòng Thương Xót Chúa.

Dung nhan của Mẹ ẩn chứa một biển trời xót thương

Trước tiên, tôi muốn chia sẻ về dung nhan của Mẹ Măng Đen. Tôi chưa bao giờ bắt gặp một bức tượng khắc họa Mẹ Maria với dung nhan khác thường như thế! Người ta thường nói Mẹ Măng Đen có dung nhan “sầu khổ”, “bi thương”. Tôi thì cảm nhận rằng dung nhan ấy như một thông điệp chuyển tải đến người hành hương về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và của Mẹ Thiên Chúa. Dung nhan ấy khắc họa toàn bộ cuộc đời của Mẹ, một cuộc đời luôn biết đáp lời “xin vâng” (Lc 1:38), một cuộc đời luôn đón nhận mọi thách đố và trắc trở với một con tim luôn rộng mở đón nhận thánh ý Thiên Chúa (Mt 1:18-19; 2:13-23), một cuộc đời luôn biết tận dụng mọi ơn sủng của Thiên Chúa để mưu ích cho các linh hồn (Mt 2:11), một cuộc đời không rời nửa bước trong việc cộng tác vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa được thực hiện nơi Chúa Con (Lc 2:41-52; Ga 19:25).

Dưới lăng kính này, tôi tin rằng người hành hương sẽ có một cái nhìn khác khi chiêm ngưỡng Mẹ Măng Đen, nhất là dung nhan của Mẹ, một dung nhan “sầu khổ trong an ủi”, “bi thương trong hạnh phúc”, “bầm dập thương tích trong sự mặn mà tươi sáng như sắc xuân mơn mởn” như chính Mẹ đã tự nhận rằng “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng…” (Lc 1:46-47). Dung nhan của Mẹ như diễn tả một sự cảm thông trước nỗi thống khổ của con người, một sự đồng cảm với những số phận bất hạnh và bị loại trừ, một sự hòa đồng với những con người đang sống quanh Mẹ – những anh chị em sắc tộc thiểu số đói nghèo, ít học, dễ bị lãng quên và sống bên lề xã hội, vì Mẹ tin rằng

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư,

người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1:51-53).

Đôi mắt của Mẹ như muốn thổ lộ với những người đang sống quanh Mẹ rằng Mẹ thuộc về họ, vì Mẹ giống họ có đôi mắt tròn xoe như hột nhãn, đôi mắt luôn kinh ngạc trước những gì đang diễn ra xung quanh, những sự việc khác thường so với thế giới hoang dã, so với thế giới thần tiên, những sự việc quá trần tục nhưng cuốn hút nhiều người và làm cho họ điên đảo. Đôi mắt của Mẹ như một lời nhắc nhở người hành hương rằng hãy trở về thuở ban đầu, sống đơn sơ như trẻ thơ, sống thanh thản và đơn giản, vì Mẹ đang ngạc nhiên trước sự đổi thay của con người, trước những sự việc xấu xa mà con người đang tham gia và chẳng chùn bước. Đôi mắt của Mẹ diễn tả mối quan tâm không ngớt trước nhu cầu cần được hạnh phúc, được chữa lành của con người, như lúc Mẹ cùng Chúa Giêsu dự tiệc cưới Ca-na chứng kiến đám tiệc hết rượu và phải thốt lên lời cầu bầu cho đôi tân hôn – “Họ hết rượu rồi” (Ga 2:3), để rồi cả đám tiệc lại có rượu ngon và niềm vui của đôi tân hôn được dâng trào.

Vì những đặc điểm ấy trên dung nhan của Mẹ Măng Đen, tôi cảm nghiệm rõ rằng đó là một dung nhan chứa đựng cả một biển trời của lòng thương xót, lòng thương xót của Mẹ và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người như Mẹ đã xác tín:

Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1:50).

Sau dung nhan của Mẹ là chính đôi bàn tay, một đôi tay rất đặc biệt mà chẳng có một nơi hành hương Đức Mẹ nào có đôi tay như thế!

Đôi tay của lòng xót thương

Đó là một đôi tay không có bàn tay. Nói theo kiểu bình dân, Mẹ Măng Đen bị cụt tay. Một đôi tay của người bị bệnh phong cùi, của kẻ thất nghiệp, của người tàn phế, của kẻ không biết làm lụng, của người vô dụng. Vâng, đó chính là hình ảnh của rất nhiều người dân tộc thiểu số đang sống quanh Mẹ.

Theo thống kê, Giáo phận Kontum, gồm hai Tỉnh GiaLai và Kontum, hiện có khoảng 1,500 người mắc bệnh phong cùi. Đây là con số không nhỏ. Bên cạnh đó, người dân tộc thiểu số thường không biết làm lụng quanh năm suốt tháng. Họ chủ yếu dựa vào nương rẫy theo mùa và không giỏi canh tác đất đai hoa màu vườn tược. Có khi họ bị người Kinh xem thường, bóc lột, và nhìn họ như những kẻ vô dụng. Đôi tay của người dân tộc thiểu số rất vụng về, nhưng lại ít làm hại người khác. Có thể nói đôi tay của họ như bị cụt, bị tàn phế. Tuy nhiên, nhờ vậy, họ ít làm hại ai, tránh được nhiều phiền toái. Nói như thế, không có nghĩa họ không làm được gì. Có khi người Kinh làm việc không khỏe bằng họ. Từ những liên hệ này, tôi cảm nhận rằng đôi tay của Mẹ Măng Đen cũng giống đôi tay của bà con sắc tộc thiểu số, đôi tay bị cụt nhưng có khả năng nuôi sống người khác, có khả năng làm những việc nhỏ với tình yêu lớn. Đôi tay bị cụt nên chỉ biết khát khao làm việc thiện, việc có ích, việc vừa khả năng, không ganh đua hay cạnh tranh cao thấp. Đây chính là đôi tay được chúc phúc, đôi tay có khả năng bày tỏ và thi hành lòng thương xót như Chúa Cha, như người chị họ của Mẹ Măng Đen đã ngợi khen Mẹ rằng “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ…” (Lc 1:42) và chính Chúa Giêsu, Con yêu quý của Mẹ, đã khẳng khái nhìn nhận điều đó khi nói với mọi người: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12:50).

Sau cùng, đôi tay cụt của Mẹ Măng Đen như gửi gắm tới người hành hương một thông điệp, đó là hãy gắn bàn tay của mình vào đôi tay cụt của Mẹ, hãy trở thành cánh tay nối dài của Mẹ. Đôi tay cụt của Mẹ Măng Đen cũng gửi gắm tới những số phận bị loại trừ và bất toàn, những người bị tàn phế… một thông điệp rằng “Đừng tự ti vì bị loại trừ, bị bỏ rơi, ‘thấp cổ bé họng’, bị xem là vô dụng, nhưng hãy tự tin vào bản thân và hạnh phúc với những gì Chúa ban! Đừng sợ tay cụt, chỉ sợ ‘tâm hồn cụt’! Đừng buồn vì bị tàn phế thân xác, hãy buồn vì tâm hồn bị lầm lạc! Bởi vì đôi tay Mẹ không đẹp nhưng tâm hồn Mẹ đẹp, đôi tay Mẹ bị cụt nhưng tâm hồn Mẹ rộng trải đến mọi nơi và mọi người”.

Một lời mời gọi nhẹ nhàng nhưng da diết

Chiêm ngắm dung nhan Mẹ Măng Đen, tôi nhớ lại hình ảnh tàn tạ của Mẹ Maria đứng dưới chân thập tự đang treo xác Con yêu của Mẹ. Đó là hình ảnh của một người Mẹ đầy thương tích trong tâm hồn như ngôn sứ Simêôn đã tiên báo “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2:35), của một người Mẹ tiều tụy vì đau khổ chứng kiến cảnh nhục nhằn của con mình, của một người Mẹ sẵn sàng làm tất cả những gì người Con muốn trối lại. Thực thế, sau khi Chúa Giêsu giao phó thánh Gioan lại cho Mẹ (Ga 19:26), Gioan là hình ảnh biểu tượng – tượng trưng cho Giáo hội và cho các Tông đồ, Mẹ đã ở lại với các Tông đồ cho tới ngày được rước lên trời cả hồn lẫn xác (x. Cv 1:12-14) và còn mãi đồng hành với những người tin vào Con Mẹ trên mọi nẻo đường dương thế. Quả thực, ngày nay khắp nơi trên thế giới, có lẽ địa điểm hành hương kính viếng Đức Mẹ là nhiều nhất, điển hình là ngay tại mảnh đất Tây nguyên hẻo lánh ở Măng Đen, cũng có sự hiện diện của Mẹ. Điều này cũng chứng minh cho thấy rằng Mẹ Maria – Mẹ Măng Đen là Mẹ của Lòng Thương Xót, là người trung tín nhất trong việc thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng Tình Thương của Thiên Chúa. Phần mình, tôi tự hỏi liệu tôi có học được nơi Mẹ Măng Đen trong việc san sẻ Lòng Thương Xót Chúa cho người khác, nhờ đó tôi gián tiếp cộng tác với Chúa trong việc loan báo Tin Mừng như gương của Mẹ Maria?

Pleiku, kỷ niệm Sinh Nhật Đức Mẹ năm 2016

Kiểm tra tương tự

Phút hồi tâm cuối năm: Những người bạn trong Chúa

  Những Người Bạn Với Chúa – Những Người Bạn Trong Chúa Phút Hồi Tâm …

Gia đình trong Năm Thánh 2025 | Suy tư Tin Mừng Lễ Thánh Gia Thất

    Thánh sử Luca hôm nay (Lc 2,41-52) kể lại một sự kiện đặc …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *