“Mẹ yêu ơi con yêu mẹ nhiều! Mẹ chính là lý trí của đời con…”

Mấy nay, tôi cứ ngân nga cái giai điệu quen thuộc của bài ca này. Phải chăng là gần tới ngày 8/3, ngày quốc tế Phụ Nữ. Có lẽ một phần là vậy, một phần vì tôi cũng mới xa mẹ sau những ngày nghỉ tết dài dài. Đi rồi mới thấy nuối tiếc vì một mùa xuân nữa qua đi nhưng cái quyết tâm nhỏ là nói với mẹ một câu: “Mẹ ơi! Con yêu mẹ nhiều!” lại chưa thực hiện được. Những kỉ niệm và cảm xúc về mẹ cứ bàng bạc trong tôi.

Nhớ cái dáng gầy nhom ốm yếu thêm phần liêu xiêu của mẹ vì gánh nặng của thời gian và cuộc sống mưu sinh. Nhớ đến dáng mẹ tôi chẳng thể nào thoát khỏi cái cảm xúc sót xa. Nhớ những ngày cùng mẹ đi lễ nhà thờ, tôi lẳng lặng đi sau ngắm nhìn. Chẳng còn cái dáng thon thả, chẳng còn cái nước da trắng nõn, mịn màng của cô thôn nữ hoa khôi của làng ngày nào nhưng là một dáng hình “xiêu vẹo” vì chứng đau lưng, không giống một người phụ nữ nào trong số những người hiện diện trong ngôi nhà thờ giáo xứ. Lòng đau đáu và xót xa cho mẹ bao nhiêu thì tôi lại cảm thấy trong mình một niềm tự hào và kiêu hãnh về mẹ. Tự hào vì sự “xuống cấp” nơi dáng vẻ bề ngoài của mẹ là một minh chứng hùng hồn và bền bỉ cho tình yêu thương và sự hi sinh mẹ dành cho tôi và các em, cái tình chưa bao giờ được nói lên thành lời. Những tháng ngày vất vả với đồng lúa mênh mông, với những bãi đay, bãi ngô dài như muốn nuốt chửng người ta. Những ngày tháng mẹ phải cầm cuốc lật từng miếng đất thay cho sức cày của máy ngày nay. Những tháng ngày gặt bằng tay, đập lúa bằng tay, xay gạo bằng cối. Những tháng ngày bì bõm tới ngang lưng để nhổ đay vì nước lũ dâng cao… bì bõm để rồi mang trong mình những vết lở loét sau mùa đay gai, vừa đau vừa rát. Những vất vả và sự hao mòn của mẹ đổi lại bằng sự lớn dần của chúng tôi. Mẹ hi sinh làm việc vất vả, mẹ chấp nhận những thiệt thòi cho bản thân mình, tất cả để dành dụm cho con.

Nhớ ánh mắt biết cười, biết khóc và biết nói của mẹ, những khi mẹ đăm đăm nhìn theo em út của tôi. Tôi cảm nhận những thao thức mẹ dành cho em tôi. Mẹ dành nhiều tâm huyết cho nó cũng như cho tôi. Ngay từ những ngày còn nhỏ là con gái tôi được mẹ dạy cho tôi về công, dung, ngôn, hạnh, về những điều nhỏ bé bình thường trong những cách ăn, nói, hành xử sao cho lễ phép. Là con trai em tôi cũng được mẹ dạy làm sao để sống cho có cái tâm nhân ái, sống sao cho có nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Những nét nhân bản dù mẹ không học cao, không hiểu sâu, không đi xa nhưng mẹ đã uốn nắn chúng tôi thành những con người biết sống tình yêu thương, lòng vị tha, tế nhị, lễ phép và hiếu thảo. Cùng với việc nuôi nấng đời sống thể lý, nhân bản, mẹ tôi cũng không ngừng nuôi dưỡng đời sống đức tin cho chị em chúng tôi. Những giờ kinh sớm tối trong gia đình, những lần giục giã chúng tôi đi nhà thờ, đi học giáo lý, nhưng quan trọng hơn là thái độ sống đức tin của mẹ trong đời sống hàng ngày là nguồn nuôi sống đức tin cho chúng tôi. Tôi hiểu mẹ đã nỗ lực hết mình cho từng người con yêu của mẹ. Tôi cảm nhận niềm vui của mẹ là thấy con cái từng ngày lớn lên và trưởng thành. Nhưng trong dịp tết này, tôi thật sự thấy mẹ nặng trĩu thao thức cho em của tôi – một đứa em ngỗ nghịch, ngang bướng dù đã qua cái tuổi nổi loạn. Cậu út được dạy khi đi em hỏi khi về em chào nhưng bài học đó em đã quên từ khi nào không biết. Một mình trong phòng, thích thì ăn, nói, làm còn không thích thì một mình một thế giới, một mình một ốc đảo. Cuộc sống của cậu út dường như thế giới này chỉ có mình cậu mà thôi. Mỗi lần thấy mẹ ưu tư, tôi cũng không tránh khỏi những lời trách móc út nhưng mẹ thì chưa bao giờ. Ngẫm lại tôi hiểu rằng mẹ tôi thương tôi và thương út của tôi. Út ngang tàn nhưng mẹ không ngừng yêu thương nó. Điều này làm tôi nhớ lại lời Thầy Giêsu: Người mạnh khỏe không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần. Mẹ vẫn thương út vì chính sự hiện hữu của nó trên cuộc đời này là đáng quý. Mẹ vẫn thương nó vì tình thương của mẹ không chỉ đổ trên sự hài lòng và thấu hiểu. Sự kiên nhẫn của mẹ dành cho em như muốn nhắc nhở tôi rằng ngay giữa nỗi đau và thất vọng vẫn luôn tồn tại một sự thay đổi đầy sức sống đang chờ nảy mần và bung nở. Ánh mắt đậm buồn và trữu nặng ưu tư của mẹ cũng mang theo một niềm hi vọng về một ngày nào đó cậu út sẽ thay đổi, sẽ nhớ lại những bài học ý nghĩa của mẹ và quay về với lối sống xứng đáng của một người con ngoan, hiếu thảo.

Những nỗi nhớ, niềm thương dành cho mẹ trở nên đặc biệt hơn trong bối cảnh của ngày Quốc Tế Phụ nữ. Tôi muốn cần điện thoại lên và gọi ngay cho mẹ để nói với mẹ chỉ một câu: “Mẹ ơi! Con yêu mẹ nhiều!” Một câu thôi nhưng thật là khó. Phải thú nhận tôi thương mẹ nhiều thật nhiều nhưng cũng phải thành thật rằng tôi chưa bao giờ nói với mẹ câu nói đó. Có lẽ, vì cả gia đình tôi không có thói quen thể hiện tình cảm? Tôi chưa làm được và lần này có lẽ cũng như những lần trước, cầm điện thoại, gọi và hỏi thăm mẹ bao chuyện trên trời dưới đất ngoại trừ câu quyết tâm ấy. Tôi thầm dâng lên Thiên Chúa lời nguyện cầu cho mẹ thay cho bông hồng tôi muốn tặng mẹ, thay cho lời yêu thương tôi muốn thổ lộ. Dâng lên mẹ Maria chuỗi hồng Mân Côi để Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho mẹ của tôi, cho mẹ của các bạn và cho tất cả những người phụ nữ trên thế giới này. Mẹ Maria hiểu người phụ nữ hơn mọi người trên trần gian này! Tôi tin mọi sự trao vào tay Mẹ sẽ được Mẹ chuyển cầu tới Chúa. Mừng Mẹ ngày phụ nữ và xin Mẹ chuyển cầu cho mẹ của chúng con, cho mọi người phụ nữ trên toàn thế giới. Xin Chúa thương ban sức khỏe, bình an và niềm vui trong cuộc sống cho mọi người phụ nữ với những công việc thường ngày bình dị của cuộc sống hàng ngày!

Hương Thảo Nguyên

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo

Ngày lễ Các Thánh: Cách nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo …

Bài học từ cha tôi!

  Quan sát một ông cụ 82 tuổi sửa máy hút bụi gợi mở một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *