[Mến Yêu Hằng Ngày]: Thứ 2, 02-12-2019 (Mt 8,5-11)

Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Đi!”, là nó đi, bảo người kia: “Đến!”, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này!”, là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời.

SUY NIỆM

“Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.”
Chỉ với lời này thôi, viên đại đội trưởng đã xứng đáng trở nên tấm gương cho hết thảy chúng ta học hỏi vì nó nói lên lòng tin mạnh mẽ và sự khiêm hạ tuyệt vời.

Đại đội trưởng là một chức vị rất quan trọng thời đế quốc La Mã, trông coi một trăm binh lính dưới quyền. Là một người có địa vị như thế, ấy vậy mà ông, một viên quan danh tiếng của đế quốc, lại đích thân đến gặp Đức Giêsu, một thầy dạy Do Thái bình dân. Hơn thế nữa, ông lại còn nói lên một điều đáng kinh ngạc: “tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi.” Ông không đến với Đức Giêsu bằng lòng huênh hoang tự đại của chức vụ binh quyền. Trái lại, ông thấy mình thật bất xứng, cho dù đó chỉ là một cái ghé thăm của Ngài.

Lòng tin của ông mạnh đến độ, ông tin rằng chỉ cần một lời của Đức Giêsu thôi thì cho dù Ngài không đến, không đặt tay hay chạm vào, tên đầy tớ của ông cũng sẽ được khỏi bệnh. Đây là một điều hoàn toàn trái ngược với tất cả những người đã từng chạy đến kêu xin Đức Giêsu chữa lành mà ta được nghe biết trong Tin Mừng. Thậm chí, nếu để ý, ta sẽ thấy có một trường hợp tương tự càng làm nổi bật hình ảnh của viên đại đội trưởng. Đó là khi Đức Giêsu chữa cho con gái của một ông trưởng hội đường sống lại (Mc 5,21-43; Mt 9,18-26; Lc 8,40-56); nhưng ông này cũng cần chính Đức Giêsu phải đến tận nơi, chạm vào con của mình, và đang khi Ngài đến, Ngài đã bị người ta nghi ngờ cười nhạo khi bảo rằng em bé không chết. Đến đây, ta có thể thấy lòng tin của viên đại đội trưởng mãnh liệt biết mấy, tuyệt vời biết mấy! Mang danh là người Ki-tô hữu, nhưng liệu có lần nào đến với Chúa mà chúng ta có được một phần tin tưởng mạnh mẽ như ông, một người “ngoại đạo”, chăng?

Viên đại đội trưởng đến với Đức Giêsu không chỉ với một lòng tin và sự khiêm hạ tuyệt vời mà còn với cả một sự gan dạ liều lĩnh và một tấm lòng trắc ẩn phi thường. Ông can đảm vì dám bước vào nơi của người Do Thái, một nơi mà ông biết rõ ràng rằng hoan nghênh ông sẽ chỉ có căm hận và khinh khi. Ông liều lĩnh bởi ông dám đến gặp một người Do Thái giữa ban ngày, một điều có thể khiến ông phải nhận lấy chế nhạo và khó dễ từ các viên quan khác, có thể khiến ông mất đi lòng tin của Hoàng đế và có thể bị mất chức nữa. Không những thế, lí do mà ông mạo hiểm tất cả để đến gặp Đức Giêsu lại chỉ vì một tên đầy tớ nô lệ, một kẻ bị xem và đối xử như súc vật trong thế giới của người La Mã! Tất cả chúng ta đều phải xấu hổ mà cúi mình trước tấm lòng trắc ẩn và sự nhân hậu tuyệt vời của ông. Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ thấy ngạc nhiên, và thậm chí là khó chịu mà thắc mắc rằng: Cảm phục tấm lòng của viên đại đội trưởng là lẽ dĩ nhiên, nhưng tại sao chúng ta phải thấy xấu hổ? Trong cuộc sống thường ngày, hẳn chúng ta đều sẵn sàng cùng vui vẻ giúp đỡ người này người kia. Và chúng ta vẫn cảm thấy mình đủ tự tin trước các chất vấn về lòng nhân ái, đủ tư cách để phê phán những hành động vô cảm nhẫn tâm, và ít nhiều tự tin trước luật yêu thương của Thiên Chúa. Tuy vậy, nếu như yêu cầu giúp đỡ này mâu thuẫn hoặc làm thiệt hại đến lợi ích của chính mình, liệu chúng ta có còn sẵn sàng cùng vui vẻ vươn tay ra nữa chăng, hay ngập ngừng và tìm kiếm lí do thoái thác? Có thể trường học, gia đình và xã hội dạy ít nhiều vẫn dạy chúng ta về lòng nhân ái và trắc ẩn đối với đồng loại. Tuy nhiên, chỉ có một mình Thiên Chúa dạy chúng ta phải yêu thương anh em như chính bản thân mình, và cũng chỉ có một mình Thiên Chúa, Đấng duy nhất tự mình làm mẫu nêu gương trước cho chúng ta về bài học đó.

Mùa Vọng là thời gian để chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể cách đặc biệt, mầu nhiệm về một Thiên Chúa yêu thương con người quá đỗi đến nỗi đã rời bỏ ngai vàng trời cao mà xuống thế, mặc lấy thân phận phàm hèn đau khổ chỉ để ở giữa, ở trong và ở với thụ tạo mà Ngài yêu thương, là con người, là mỗi người chúng ta. Bạn biết không, tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta lớn lao đến nỗi Ngài không thể chỉ tỏ lộ hoặc biểu lộ được nữa, nhưng phải là mặc khải! Ước gì trong thời gian đặc biệt này, mỗi người chúng ta biết dành thời gian để suy ngắm về mầu nhiệm tình yêu cao vời khôn sánh của Thiên Chúa, để rồi nhờ việc chiêm ngắm này, tình yêu Ngài trở thành thước đo và hệ quy chiếu của đời sống chúng ta.

——//—–//——
Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Tham khảo:
http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/2019/dec2.htm

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 23-04-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 23/04/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Lắng nghe Con …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 20-04-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 20/04/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Lời Hằng Sống …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *