Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!” Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. – Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.
SUY NIỆM
Phải chăng những người Pha-ri-sêu kết án các tông đồ vì các ông đã bứt lúa ăn khi họ đi dọc đường để thỏa mãn cơn đói? Không khó để chúng ta có thể thấy điều này thật phi lí. Các tông đồ không làm gì sai nhưng cũng bị lên án, vì đối với những người Pha-ri-sêu, lỗi của các môn đệ không phải là bứt và ăn lúa mì nhưng là vì họ đã làm việc đó trong ngày Sabát.
Chính vì lẽ đó, Chúa Giê-su đã đáp trả lại sự vô lí của người Pha-ri-sêu bằng cách nhắc nhớ họ về Kinh Thánh, “Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế.” vì họ không hiểu luật này phát xuất từ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Luật nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát xuất phát từ việc Chúa Giêsu đã nghỉ ngơi sau khi làm việc tạo dựng. Luật đó không phải là một sự đòi hỏi lợi ích cá nhân, càng không phải là một sự đòi hỏi cứng nhắc, nhưng nếu giữ luật ngày Sa-bát một cách chuẩn mực, đó là cách tôn vinh Thiên Chúa. Nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát chính là một món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại, vì Ngài biết chúng ta cần được nghỉ ngơi, cần sự tái tạo sức sống sau nhiều ngày làm việc vất vả, Ngài biết chúng ta cần thời gian để sống chậm lại, dâng lễ với Chúa trong sự riêng tư và tận hưởng các mối tương quan với người khác. Nhưng những người Pha-ri-sêu biến ngày nghỉ ngơi này thành gánh nặng, thành sự tuân thủ luật lệ cách cứng nhắc, không được làm bất cứ việc gì để tôn vinh Thiên Chúa.
Đoạn trích Tin Mừng này mời gọi chúng ta nhìn và giải thích luật lệ của Thiên Chúa qua lăng kính của lòng thương xót. Lòng thương xót biến đổi chúng ta, nâng đỡ và thúc đẩy chúng ta đến việc thờ phượng Thiên Chúa, và lấp đầy chúng ta bằng niềm hy vọng. Lòng thương xót không đòi hỏi gánh nặng cứng nhắc đè nặng chúng ta; trái lại, lòng thương xót cũng như luật lệ của Thiên Chúa được đặt ra để cho con người sống hạnh phúc hơn, nhân bản hơn.
Hôm nay, mời bạn hãy suy ngẫm về cách bạn nhìn vào các giới răn và điều luật của Thiên Chúa. Bạn có thấy đó là một sự đòi hỏi cứng nhắc và nặng nề không? Hay bạn có thấy đó là một ơn lành của lòng thương xót Chúa an ủi gánh nặng của bạn?
Lạy Chúa, xin giúp con biết yêu luật của Chúa. Xin cho con thực sự nhìn thấy điều đó dưới ánh sáng lòng thương xót và ân sủng của Ngài. Xin cho con được làm mới bởi tất cả các giới răn của Chúa và được nâng lên bởi sự trợ giúp của Ngài. Chúa ơi, con tín thác nơi Ngài.
—-//—-//—–
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn: https://mycatholic.life/books/catholic-daily-reflections-series/ordinary-time-weeks-1-
17/fifteenth-week-in-ordinary-time/