MÌNH MÁU THÁNH CHÚA, Bữa tiệc tôn vinh và tạ ơn

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

 

Mình Máu Thánh Chúa gợi mời lòng sám hối, để rồi với lòng thương xót tha thứ của Chúa, tâm hồn ta trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng hướng về Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đang hiện diện sống động trong Mình Máu Thánh Chúa.

 

Vì thế, nối tiếp phần sám hối ăn năn và đón nhận lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa trong phần đầu của Thánh Lễ, mọi người đều hướng lòng mình lên để ca tụng tôn vinh và tạ ơn Chúa với những bài Thánh Ca thật sốt sắng và sâu lắng. Tâm tình này đưa chúng tôi về lại với kinh nghiệm cách đây gần 30 năm.

 

 

Ca đoàn “khổng lồ” của người trẻ tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa.

 

Cứ mỗi cuối năm về người trẻ Ki-tô giáo ở khắp Châu Âu chuẩn bị tâm hồn, và háo hức lên đường đến một nơi do Cộng Đoàn Taize tổ chức, để cùng sống Đức Tin chung với nhau trong tâm tình ca tụng tôn vinh và tri ân cảm tạ Thiên Chúa.

 

Vào dịp cuối năm 1993 ở tại Munich, trong niềm vui của người trẻ, cùng các bạn từ Pháp qua, chúng tôi hòa với 80 000 bạn trẻ sống những ngày thật đẹp bên nhau. Có nhiều điều thật thật tuyệt vời người trẻ từ khắp Châu Âu với nhiều ngôn ngữ khác nhau và với nhiều sáng kiến đã “tạo nên”, để cùng nghịch ngợm, cùng tạo ra tiếng cười, cùng vui đùa ca hát và múa nhảy. Hòa với niềm vui trẻ trung, không bao giờ chúng tôi quên mục đích chính là cùng sống Đức Tin và cầu nguyện chung.

 

Vẫn nhớ giây phút hàng vạn bạn trẻ chúng tôi gặp gỡ trong một cái lều “khổng lồ”. Tất cả chúng tôi đều hướng về Thánh Thể Chúa đặt ở phía trên. Hòa với muôn người chúng tôi cùng thờ lạy Chúa Thánh Thể trong thinh lặng.

Ôi, hàng vạn đứa trẻ im lặng bên nhau!

Chỉ có Chúa mới hút được chúng tôi.

Chỉ có Chúa mới đưa chúng tôi vào được trong thinh lặng, để chiêm ngắm Ngài.

 

Đan sen vào cõi thinh lặng là những lời hát thật tâm tình đủ mọi thứ tiếng được nhắc đi nhắc lại. Dù chẳng hiểu các ngôn ngữ đó, nhưng chỉ cần đọc và học thuộc lòng vài câu ngắn ngủi là chúng tôi có thể hòa vào “ca đoàn khổng lồ”, để cất lên những lời tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa”.

 

“Atme in uns Heiliger Geist – Xin Chúa Thánh Thần thở hơi trong chúng con”.

“Bless the Lord, my soul, and bless his holy name. Bless the Lord, my soul, who leads me into life. Xin chúc tụng Chúa, linh hồn tôi ơi. Xin chúc tụng Danh Thánh của Ngài. Xin chúc tụng Chúa, linh hồn tôi ơi. Ngài dẫn đưa tôi vào sự sống”.

“Nada te turbe, nada te espante. Quien a Dios tiene, nada le falta. Nada te turbe, nada te espante. Solo Dios basta – Không có gì làm bạn phiền não, không có gì làm bạn sợ hãi. Ai có Chúa, người đó chẳng thiếu thứ gì. Không có gì làm bạn phiền não, không có gì làm bạn sợ hãi. Có Chúa là đủ rồi”.

“Heureu qui s’abandonne à toi, ô Dieu – Phúc cho ai tín thác vào Ngài, ôi Lạy Chúa”.

Với những lời Thánh Ca đơn sơ, chúng tôi đi vào trong chiều sâu của cầu nguyện và tôn vinh Thiên Chúa.

 

Thiên Chúa thật đáng tôn vinh biết bao.

 

Sau khi chầu Thánh Thể Chúa, chúng tôi được cùng dâng Thánh Lễ. Đức Giám Mục đến cùng đoàn Linh Mục và các thầy thuộc Cộng Đoàn Taize tiến lên trước cung thánh. Tất cả đều đồng loạt đứng lên và “mở miệng” cất lên “bài ca mới” với cung điệu đến từ tâm hồn, để tôn vinh Thiên Chúa.

 

Vâng, Thiên Chúa thật đáng tôn vinh biết bao bạn ơi!

Vì thế thánh Phao-lô đã nói: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).

 

Thật vậy, “trong mọi hành vi của đời sống, người Kitô hữu được mời gọi bày tỏ việc phượng tự đích thực dành cho Thiên Chúa. Chính trong việc phượng tự đích thực mà căn tính Thánh Thể của đời sống Kitô hữu bắt đầu hình thành” (Tông huấn Sacramentum Caritatis số 71).

 

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương.

Vinh Danh, vinh danh Chúa. Vinh danh, vinh danh Chúa…”.

 

Thiên Chúa thật đáng tôn vinh biết bao. Các thiên thần đã tấu lên lời ca vinh danh trong đêm Chúa Giê-su giáng sinh như là lời mở đầu và tiếp nối theo là tất cả các bài ca vinh danh Thiên Chúa của con người trong mỗi ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa, ngày con người được nghỉ ngơi dành thời gian để chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, vinh Danh, vinh danh Chúa”.

 

Theo Ratzinger “điều vinh quang trên trời cao nhắm đến, chỉ muốn xác định Thiên Chúa vinh quang, Thiên Chúa là chân lý vĩnh cửu, Thiên Chúa tốt đẹp nghìn trùng. Đó là điều căn bản của niềm tin chúng ta”.

 

Còn đối với ĐTC. Phanxicô thì: “Vinh danh Thiên Chúa! Trên hết, đây là những gì Giáng sinh mời gọi chúng ta thực hiện: đó là tung hô Chúa, vì Ngài tốt lành, thành tín, và đầy lòng thương xót. Hôm nay tôi nói lên hy vọng là tất cả mọi người nhận biết thiên nhan đích thật của Thiên Chúa, là Chúa Cha, Đấng đã ban cho chúng ta Chúa Giê-su. Tôi hy vọng rằng tất cả mọi người sẽ cảm thấy sự gần gũi của Thiên Chúa, sẽ sống trong sự hiện diện của Ngài, yêu mến và thờ lạy Ngài”.

 

Và theo tâm tình của ĐHY. Walter Kasper: “Chúng ta cùng cất cao lời ca vượt trên mọi điều bình thường của ngày sống và nêu bật sứ điệp cao quý: Ôi Thiên Chúa vĩ đại, Người thật tốt lành, vì Người đang hiện diện ở đây, ở trong Chúa Giê-su Người đã trở nên một Con Người, qua đó Người đã ban tặng cho chúng con một ý nghĩa sống, một định hướng, một niềm hy vọng. Điều đó làm cho chúng con vui mừng. Vì thế chúng con muốn tri ân Chúa, vì thế chúng con muốn ca tụng Chúa và vì thế chúng con muốn hát mừng Chúa…

Ai ca tụng Chúa như vậy, người đó cầu nguyện gấp đôi rồi!”

 

Nối tiếp với lời vinh danh Chúa là lời ca ngợi và chúc tụng Chúa:

Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa” (Br 3,6; Tv 145,2);

là tâm tình thờ lạy và tôn vinh Chúa:

“chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa” (Kh 4,11; Rm 11,36; 1Cr 6,20);

là lòng cảm tạ Chúa và tuyên xưng Chúa là Vua trên trời, là Cha toàn năng:

“chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa” (1Bns 16,24; 2Cr 4,15)

“lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời” (Kh 4,8; Tb 13,7; Dn 4,37), và

“là Chúa Cha toàn năng (St 17,1-2; 2Cr 6,18).

 

Có thể nói, đời sống đức tin người tín hữu được kết nối với các thái độ sống thật tích cực đối với Thiên Chúa. Đó là vinh danh Chúa, là ca ngợi, chúc tụng, thờ lạy, tôn vinh và cảm tạ Chúa trong mỗi Thánh Lễ, trong mỗi lần cử hành Bí Tích cao trọng Mình Máu Thánh Chúa.

 

Thật vậy, Thánh Lễ chất chứa hành vi ngợi ca, chúc tụng cực kỳ thiện hảo mà con người dâng lên Thiên Chúa vì Đấng dâng lời chúc tụng thay cho con người chính là Đấng Toàn Thiện. Không hình thức thờ phượng nào sánh được với Thánh Lễ.

Như thế, tất cả các bài Thánh Ca trong Thánh Lễ phải diễn tả được những tinh thần thờ lạy, tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa.

 

Mens concordet voci  – tinh thần phải hòa hợp với giọng nói.

 

Các lời vinh danh chúc tụng Thiên Chúa trong các bài Thánh Ca hay Thánh Vịnh được tấu lên cần phải chú ý đến điều mà thánh Biển Đức nói trong luật của ngài về cầu nguyện: “mens concordet voci  – tinh thần phải hòa hợp với giọng nói”. Nghĩa là tâm lòng chúng ta dành cho Thiên Chúa cần phải hoà điệu và lời ca tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa của chúng ta, trong cách nói khác thì cần có được sự hòa hợp giữa những gì chúng ta nói bằng đôi môi của mình với những gì chúng ta mang trong tâm hồn.

 

Để được như vậy, thì theo Đức Bê-nê-đíc-tô thứ XVI, “Chúng ta phải đi vào các lời, đi vào ý nghĩa của chúng, nhận chúng vào chính mình, trở nên đồng điệu với những lời ấy; như thế chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, giống Thiên Chúa. Như Concilium Sacrosanctum nhắc nhở, để đảm bảo những hiệu quả trọn vẹn của việc cử hành Phụng Vụ “điều cần thiết là tín hữu đến tham dự Phụng Vụ Thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hòa hợp tâm hồn mình với ngôn ngữ, và cộng tác với ân sủng trên cao, để đừng nhận lãnh ân sủng đó một cách vô ích” (số 11).

 

Khi tâm hồn đã được chuẩn bị thật tốt, để tâm hồn hoà điệu với đôi môi, thì các bài ca mới tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa được vang lên thật đẹp. Thánh Augustin nói rằng: “con người mới hát bài ca mới. Hát là biểu hiện của niềm vui và, nếu chúng ta suy nghĩ một chút về việc này, thì hát còn là một biểu hiện của tình yêu”. Tình yêu từ tâm hồn dành cho Thiên Chúa và niềm vui hoà điệu với tâm hồn được diễn tả cách sống động qua chính đời sống tốt lành của mỗi người đang cất lên các bài Thánh Ca tôn vinh Thiên Chúa.

 

Vì thế, thật đẹp khi các anh chị em ca viên không chỉ tập hát cho hay, cho đúng cung điệu, mà các anh chị còn hiểu được ý nghĩa của từng lời các anh chị hát. Cái hiểu trên đầu không trở nên khô cứng, nhưng tràn đầy ý nghĩa hơn, khi các anh chị để cho lời của các bài hát, hồn của Tin Mừng, thấm đậm vào trong trái tim và linh hồn của mình, để rồi hồn Tin Mừng và sứ điệp của bài Thánh Ca chảy vào trong đời sống thường ngày, chảy vào trong từng suy nghĩ, cảm xúc, lời nói và hành động của người ca viên.

 

Thật vậy, khi các anh chị ca viên cố gắng hát, hiểu, cảm và sống lời Thánh Ca và Hồn Tin Mừng, thì các anh chị đang cầu nguyện với Chúa, các anh chị như các Thiên Thần đang hiện diện gần bên Chúa, nơi không có bóng dáng của kiêu ngạo, của ích kỷ, của giận hờn, của bè phái cùng mọi điều tiêu cực, ngược lại là tình yêu, bác ái, cảm thông, tha thứ, vui tươi, thanh thoát và tự do cùng mọi điều tốt lành đang tỏa hương tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của sự sống, là cùng đích của mỗi người và chính Ngài cầm quyền sinh tử của chúng ta.

Trước Ngài không có gì đẹp hơn khi ta không ngớt dâng lời tôn vinh và tạ ơn.

 

Mình Máu Thánh Chúa đón nhận tâm tình tạ ơn.

 

Được đến thăm mảnh đất “triệu voi” thật hiền lành. Bên cạnh dòng sông Mekong mà người Lào rất quý trọng, có một nhà thờ hiện diện trong bầu không khí trong lành của thiên nhiên. Chúng tôi được đến cùng dâng Thánh Lễ chung với Đức Giám Mục sở tại. Đến phần dâng của lễ, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy mọi người trong nhà thờ tiến lên trước bàn thờ, người thì dâng nải chuối, người dâng ký gạo, người dâng chút thịt gà, người dâng một bó hoa… Mỗi người một của lễ.

 

Tất cả các của lễ được gom góp lại tạo nên lời tạ ơn Thiên Chúa thật đẹp trong Thánh Lễ hôm đó. Sau Thánh Lễ, cùng với Đức Cha mọi người quây quần dùng một bữa tiệc thật đẹp với các của lễ mà mọi người dâng lên và đã được thánh hiến.

 

Thật đẹp, tinh thần hiệp thông của cả cộng đoàn trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa.

Thật cao quý biết bao, khi Mình Máu Thánh Chúa đón nhận tâm tình tạ ơn của đoàn con cái Chúa.

 

Cử hành Bí Tích cao trọng Mình Máu Thánh Chúa luôn mang tâm tình tạ ơn. Trước hết là lời tạ ơn của Chúa Giê-su. Chúa Kitô tạ ơn Chúa Cha vì ý định yêu thương giải thoát con cái Ngài khỏi sự chết và tội lỗi, cho họ được cứu rỗi cách nhưng không qua chính hiến lễ dâng hiến và giao hoà đền tội cho nhân loại của Chúa Giê-su.

 

Cầm lấy bánh, Chúa Kitô đọc lời chúc tụng và tạ ơn. Hành động này được trực tiếp quy chiếu vào khái niệm dân Híp-ri về berakah. Khái niệm này gồm hai phương diện bổ túc. Trong thì thứ nhất, người ta lạ lùng và mến yêu tưởng niệm những can thiệp phi thường của Thiên Chúa vào lịch sử dân Ngài và của loài người. Thì thứ hai, tâm hồn con người hết lòng tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa về bấy nhiêu kỳ công của Ngài.

 

Tạ ơn trong tiếng Hy-lạp là Eucharistia. Trong các thư của thánh Inhaxiô tử đạo (viết vào đầu thế kỷ II), thuật ngữ Eucharistia được dùng để ám chỉ hành vi tạ ơn cũng như việc tưởng niệm điều Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly.

 

Như thế, “Thánh Thể có nghĩa là tạ ơn. Trong Chúa Giêsu, trong hy tế của Ngài, qua lời “xin vâng” vô điều kiện trước thánh ý Chúa Cha đã hàm chứa lời “xin vâng”, “cám ơn” và lời “amen” cho toàn thể nhân loại.

 

Sứ mệnh của Giáo Hội là nhắc nhớ cho người thế này sự thật lớn lao ấy, đặc biệt giữa một thế giới trần tục ngày nay, một thế giới cố tình quên sự hiện hữu của Thiên Chúa, tự cho mình là cùng đích và tự mãn. Kế hoạch Thánh Thể hóa công ăn việc làm cho cuộc sống thường nhật, trong gia đình, trường lớp, công xưởng và trong mọi cảnh sống của chúng ta để chứng minh rằng loài người thụ tạo chúng ta không thể tồn vững nếu không có Đấng Hóa Công: “Không có Chúa mọi loài sẽ bị hủy diệt“. Điểm siêu việt này không ngừng nhắc nhở chúng ta cảm tạ Chúa về mọi sự chúng ta có và hiện hữu – nói khác đi, chúng ta có thái độ “Thánh Thể” là thái độ tạ ơn trước mọi thực tại trần thế hữu hình và giới hạn này” (Tông thư về năm Thánh Thể, số 26).

 

Như thế, trong mỗi lễ Tạ ơn, Chúa Kitô cảm tạ về việc cứu rỗi mà Cha trên trời không ngừng hiện thực, qua sự hiến dâng Chúa Con.

 

Hiệp lời tạ ơn của Chúa Giê-su, chúng ta được mời gọi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, mỗi lần chúng ta cử hành Bí Tích cao trọng Mình Máu Thánh Chúa.

 

Giáo Hội dâng Thánh Lễ trên các bàn thờ để tạ ơn Thiên Chúa, vì muôn ơn lành Chúa hằng ban cho mọi người. Trong các ơn lành đó, chúng ta có thể nhớ đến ơn được tạo dựng, ơn được tha thứ và được cứu chuộc và ơn được đón nhận của ăn thiêng liêng cao trọng là Mình Máu Thánh Chúa. Chỉ cần dừng ở ba ơn này thôi, lòng người chúng ta đã bừng lên những tâm tình tạ ơn khôn xiết.

 

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Bí tích Thánh Thể là hy tế để tạ ơn Chúa Cha, là lời chúc tụng qua đó Hội Thánh diễn tả lòng tri ân của mình đối với Thiên Chúa, vì mọi điều Ngài ban, vì mọi điều Ngài đã thực hiện trong công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá. Bí Tích Thánh Thể trước hết có nghĩa là tạ ơn” (số 1360).

Thánh Gioan Kim Khẩu nói như sau: “Con người không thể nào tạ ơn Thiên Chúa cho xứng được, bởi vậy Con Thiên Chúa, Chúa Giê-su Chúa chúng ta, đã đặt mình làm việc đó thay cho chúng ta: Ngài đã làm tất cả mọi điều cần thiết để làm việc này thay cho chúng ta”.

 

Vì thế, chúng ta ý thức thường xuyên chạy đến với Chúa Giê-su Thánh Thể, xin Ngài cảm tạ Cha trên trời thay cho chúng ta.

 

“Hôm nay anh chị em muốn tạ ơn Thiên Chúa điều gì trong Thánh Lễ?”

Đó là câu hỏi thật hay giúp chúng ta biết chuẩn bị tâm hồn tạ ơn Chúa. Có rất nhiều điều trong cuộc sống thúc đẩy chúng ta tạ ơn Chúa.

 

Có người đến xin tạ ơn Chúa, vì người con trong gia đình mới thi đậu.

Người khác xin tạ ơn Chúa, vì mới tìm được công ăn việc làm tốt.

Người khác nữa dâng lời tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho cuộc phẫu thuật của người Mẹ trong gia đình được mọi sự tốt đẹp.

Và có người tạ ơn Chúa, vì đã được Chúa chạm đến, để rồi hoán cải từ bỏ con đường đam mê tội lỗi và trở về với Chúa.

 

Thật cao quý biết bao, khi Mình Máu Thánh Chúa đón nhận tâm tình tạ ơn của đoàn con cái Chúa!

 

Biết bao nhiêu điều để tạ ơn Chúa, vì khắp nơi và trong mọi lúc ta đều nhận ra được hồng ân Chúa ban.

 

Từ việc ngắm tầng trời với các tinh tinh tú, đến việc nhìn chính bản thân mình với sự sống Chúa ban tặng, rồi còn tình yêu đồng hành chở che của Chúa, như cánh phượng hoàng luôn giang rộng để chở che bóng dáng bé nhỏ của người con rảo bước trên muôn nẻo dương gian, bước nguy nan qua vực sâu núi cao, bước nhẹ nhàng thanh thoát bên đồng lúa thơm, vâng càng nhìn ngắm chúng ta càng nhận ra biết bao hồng ân Chúa ban.

 

Mỗi Thánh lễ là giây phút tuyệt vời để cùng với Hội Thánh chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những phúc lành Thiên Chúa ban cho nhân loại nói chung, như tất cả những gì Người đã thực hiện qua việc sáng tạo, Cứu chuộc và thánh hoá con người. Hoà vào đó là những hồng ân riêng mà mỗi người chúng ta đón nhận được. Vì thế, thật đẹp khi “trái tim” của mỗi người “bừng cháy lên lửa của lòng biết ơn trong Thánh Lễ”.

 

Mỗi lần đến với Chúa để tạ ơn Chúa trong Thánh Lễ, như là giây phút chúng ta là người mù được Chúa chữa lành, đã trở lại với Chúa để tạ ơn Chúa về ân sủng Chúa ban. Lời cám ơn của anh kết hiệp với niềm vui sâu xa, và niềm vui đó thúc giục anh ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa.

 

Theo François Bovon, nhà chú giải Thánh Kinh người Thụy Sĩ, thì thái độ biết ơn này giúp cho anh ghi sâu ơn chữa lành vào trong lòng, làm cho niềm tin của anh vào Chúa được mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Vâng, niềm tin trưởng thành luôn đi đôi với lòng biết ơn và lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Hơn nữa, lòng biết ơn cũng giúp cho anh hoán cải hoàn toàn, để giờ đây anh được sống trong tương quan gần gũi với Chúa.

 

Thật vậy, ai học sống biết ơn, thì họ sẽ được chữa lành và mạnh khỏe trở lại. Mạnh khỏe trong thân xác và tinh thần, cũng như “mạnh khỏe”. trong tương quan với Thiên Chúa và với mọi người.

 

Johann Kaspar Lavater, triết gia người Thụy Sĩ đã nói rằng: “Mỗi ngày tôi muốn cám ơn về tất cả những gì tôi nhận được, về những gì tôi được phép tận hưởng trước cả vạn người. Luôn luôn sống biết ơn. Đó là đức hạnh đầu tiên tôi cần cố gắng tập”.

 

David Steindl-Rast, một tu sĩ Biển Đức, viết trong cuốn sách Sự chú ý của con tim: “Từ sáng tới tối, trong từng khoảnh khắc của thời gian, chúng ta nhận được vô vàn món quà và hồng ân. Chúng ta chỉ cần chú ý đến điều đó và lòng biết ơn sẽ từ từ lớn lên trong chúng ta. Nhưng chúng ta có chú ý đến những món quà và hồng ân đó không? Đây chính là câu hỏi đặt ra cho chúng ta”.

 

Câu hỏi này cũng chính là động lực giúp mỗi người ý thức biết ơn và mở lời cám ơn.

 

Một linh mục cao niên đã qua đời để lại một lời cầu nguyện cám ơn Chúa thật đơn sơ nhưng sâu lắng. Lời này cha đã đọc trong mỗi Thánh Lễ cha dâng:

 

Lạy Chúa,
không bao giờ con cám ơn Chúa đủ.
Mỗi hơi thở của cuộc đời,
con xin cám ơn Chúa.
Mỗi nhịp đập của trái tim,
con xin cảm tạ Ngài.
Cảm tạ Chúa
cho đến giây phút cuối cùng của đời con.
Cám ơn Chúa
là điều đầu tiên con ấp ủ mỗi ngày.
Lạy Chúa,
con xin cám ơn Ngài. Amen.

 

Lời kết.

 

Tạ ơn và tôn vinh là hai điều mà Thiên Chúa luôn vui mừng đón nhận.

Tạ ơn và tôn vinh sẽ đưa lại niềm vui lớn hơn cho Thiên Chúa, khi tâm tình này không chỉ toát ra từ môi miệng chúng ta, mà từ sâu thẳm của tâm hồn, từ chính đời sống tốt lành của chúng ta. Tốt trong suy nghĩ, tốt trong cảm xúc, tốt trong lời nói, tốt trong hành động.

 

Nói khác đi, khi toàn bộ con người ta được mặc chiếc áo “tốt lành” của hồn Tin Mừng, của chính Chúa, thì niềm vui của Chúa và niềm vui của chúng ta được trở nên trọn vẹn ở đời này lẫn đời sau.

 

Kiểm tra tương tự

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Tâm tình gởi Chúa trên đường Thương Khó

  Chúa Giêsu ơi, Khi đọc Tin Mừng của thánh Mác-cô về Cuộc Thương Khó …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *