Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Nợ, một từ ngữ không ai muốn có trong cuốn sách đời mình. Thật vậy, ai “nợ” thì người đó đang phải sống trong lệ thuộc, đang đánh mất tự do trong cuộc sống. Nhưng nhìn vào cuộc đời, dù muốn hay không, ai ai cũng mang chữ “nợ” vào người, dù ít dù nhiều. Ngoài ra, cũng vô vàn con người đang sống trong cảnh nợ nần chồng chất.
Chắc chắn có nhiều thứ nợ khác nhau. Thứ nợ rõ rệt và được nhắc đến nhiều nhất là “nợ tiền”, nợ ngân hàng, nợ vật chất. Có người vì làm ăn thua lỗ, có người do cờ bạc đỏ đen, có người do nghèo khổ và khó khăn, có người tham lam và lại thiếu may mắn. Kiểu “nợ tiền” hay nợ vật chất này làm cho tương quan giữa người và người trở nên căng thẳng hơn. Không biết bao cảnh vì “nợ tiền” mà tán gia bại sản, vì “nợ tiền” mà biết bao cảnh thương tâm của hãm hại, của giết chóc cả những người thân thuộc máu mủ diễn ra.
Kế bên “nợ tiền” còn có kiểu “nợ ơn”. Cuộc sống đời người chỉ có thể phát triển, khi con người biết làm ơn cho nhau, biết giúp đỡ cho nhau. Có người giúp đỡ người khác mà không chờ đợi trả ơn, nhưng cũng có người ra tay giúp đỡ với dụng ý, bắt người được giúp phải chịu ơn, phải “nợ ơn”. Và không ít trường hợp, vì “nợ ơn”, nên cả đời phải sống trong lệ thuộc, cả đời phải sống để trả ơn cho một người đã giúp đỡ mình.
Kế bên “nợ ơn”, cũng còn có kiểu “nợ đời” nữa. Đây là kiểu nợ không rõ ràng lắm, nhưng thật là thú vị để nhìn đến kiểu nợ chung chung này. Những người nợ đời, có thể kể đến những người giả dối, lừa lọc và tham nhũng của công, để kiếm tiền bạc và hưởng lợi cho bản thân. Đó là kiểu “ăn cắp giấu cả mặt lẫn tay”. Có thể không ai biết, nhưng lương tâm của người đó sẽ không bao giờ yên cả, đơn giản vì tâm họ không còn mang chút lương thiện, mà nhuốm màu lọc lừa trục lợi. Dù bước ra đời, ra đường với quần áo hàng hiệu, đi những chiếc xe bóng loáng đắt tiền, nhưng hai chữ “nợ đời” sẽ “đập mạnh” trong trái tim người đó. Nhịp tim đập sai điệu sẽ có nguy cơ cho cuộc đời! Nếu họ có đến cúng bái thần thánh cầu nguyện với trời cao, thì hai tiếng “nợ đời” chắc chắn sẽ là lời đáp gởi đến cho họ.
“Nợ đời” cũng còn là kiểu sống ác nhân, chỉ vì ích kỷ, vì danh lợi, vì tiền tài, vì cả sự kiêu ngạo của bản thân, mà đã có những lời nói xúc phạm đến người khác, những thái độ khinh thường người khác, những hành vi và hành động làm tổn thương đến người khác. Tưởng rằng, khi loại trừ được người này người kia, hãm hại người này và người nọ, đời mình sẽ được thanh thản, được yên thân và được hưởng những lợi ích cho bản thân, cho gia đình, cho bè phái của mình, nhưng thực ra trái tim và lương tâm của họ sẽ đưa tay ra viết cho họ hai chữ thật rõ ràng “nợ đời”. Họ “nợ đời”, nợ lời xin lỗi và nợ cả những gì thật xấu xa mà họ đã gây ra cho người khác.
“Nợ đời” còn mang một sắc thái thú vị. Đó là “nợ đời mình”. Có lần được sống và làm việc trong một trung tâm cai nghiện Rượu ở Úc Châu, gặp gỡ nhiều phận người đã “lỡ bước”, đã “nợ đời của chính bản thân”. Đó là người thương gia từ Thuỵ Điển có thời đã ăn sung mặc sướng và rồi vì con ma rượu, mà đánh mất tất cả. Người khác là một linh mục đã từng sống trong phục vụ và yêu thương, nhưng vì lạm dụng tính dục các trẻ em, nên phải ngưng sứ vụ mục tử, cuối cùng phải vào sống trong trung tâm này. Không chỉ “nợ đời các em bé”, mà còn “nợ đời linh mục”, vì những lầm lỡ yếu đuối. Tương tự, ở tại Paris, thành phố ánh sáng và tình yêu cũng có rất nhiều bóng người mang chữ “nợ đời mình”. Rảo bước trên phố phường Paris và đi thăm những phận người vô gia cư. Trưa đến ngồi ăn chung bàn với những phận người vất vưởng, không nhà không cửa, không gia đình không công ăn việc làm. Cái khổ lúc này là làm gì cho hết 1 ngày đây? Ngoài giờ ngủ ra, làm gì để cho những giờ phút trong ngày trôi qua trong ý nghĩa. Có người đã thành thật thốt lên: “Tôi nợ đời tôi, vì tôi đã ăn chơi xả láng mà chẳng màng tới bất cứ gì. Cuối cùng công việc bị mất, gia đình chia tay, vợ con thì chia lìa”. Không còn gì. Chỉ còn thân phận vất vưởng với hàng chữ “nợ đời mình”.
“Nợ đời mình” cũng còn có thể đi vào trong cuộc sống của các bạn trẻ và sinh viên nữa. Thế giới truyền thông hiện đại giúp con người bước những bước thật lớn trong tiến trình phát triển, nhưng kế bên cũng không ít người trẻ, cả thiếu niên và thiếu nhi, thay vì tiến về phía trước, thì lại trở nên lụn bại tại bàn computer, hay ngồi chết một chỗ với Tablet, Ipad hay Smarthphone. Cả ngày chỉ chơi game, chỉ sống trong thế giới ảo. Bao năm thiếu thời được “cúng” vào các cuộc chơi ảo đó. Có trường hợp cho đến tuổi 23, sau cả 10 năm chỉ làm bạn với game ảo, thì mới tỉnh ngộ, là mình đã đánh mất tuổi thơ, tuổi trẻ vào trong thế giới ảo đó. Việc học chẳng màng, tương lai chẳng đếm xỉa tới. Tỉnh ra thì cần phải đi cai nghiện “game” và bắt đầu mò mày đi kiếm việc, đi học một cái nghề nào để sống. “Nợ đời mình” là vậy đấy! “Nợ đời mình” còn thê lương hơn đối với những người nghiện “nàng tiên nâu”. Có một tu sĩ với quá khứ từng là kẻ nghiện ma tuý chia sẻ rằng: “Bạn biết không, trong thời mình nghiện ma tuý, mình thấy cuộc đời bên ngoài (nghĩa là những người bình thường không chơi ma tuý) là cuộc đời của những kẻ ngu đần, vì không biết hưởng thụ, vì không biết ‘bay theo’ làn mây nâu, mây đen, để sống cho sướng, để hưởng cho đã”. Với ơn Chúa, người thanh niên đã được cai nghiện, được trở nên một tu sĩ, đã “trả nợ” cho chình bản thân những món nợ thật khủng khiếp. Thật đẹp, khi thầy đã xoá được dòng chữ “nợ đời mình” trong ân sủng của Thiên Chúa.
Trong cái nhìn hiện tại với vấn đề của nhân loại “biến đổi khí hậu”, chúng ta đọc được hai chữ “nợ trời” thật lớn. Friday for future là một hiện tượng thật đặc biệt, cũng là phong trào của các em học sinh quyết định không tham dự các lớp học, và thay vào đó là tham gia các cuộc biểu tình vào các chiều thứ sáu, để yêu cầu hành động ngăn chặn hiện tượng toàn cầu nóng lên và biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Thật vậy, những cánh rừng đã và đang tiếp tục bị các tên lâm tặc đồi bại và tham lam phá nát. Biết bao nhiêu cây xanh ngã xuống chỉ vì lòng tham của chúng. Chúng đang ăn cắp và phá hủy thiên nhiên. Chúng “nợ trời” và cả “nợ đời”, nợ cả thế hệ tương lai về những điều bất nhân chúng làm. Rồi còn những ông chủ của các nhà máy, vì lợi nhuận mà không cần màng đến việc giải quyết các chất thải thế nào để không làm huỷ hoại thiên nhiên. Bao nhiêu dòng sông xanh trước đây được các trẻ em tắm mỗi buỗi chiều, giờ đây trở nên đen thui. Tương hợp với màu đen của dòng sông là các mùi hôi thối tuôn ra làm cho cả xóm làng xung quanh sống trong hiểm nguy mắc đủ mọi thứ bệnh hoạn. Rồi còn những nơi tồi tệ hơn, đã làm cho hàng đàn cá biển ngoài khơi, thay vì rủ nhau tung tăng bơi trong dòng nước xanh trong lành, thì giờ đây dù không muốn lại phải “cùng chịu chung một số phận”. Đó là biết bao đàn cá “chết đuối” và được gió cùng sóng đưa vào bờ. “Nợ trời” của những chủ nhân vô tâm thật lớn lao. Đồng tiền và lợi nhuận sẽ không thể chuộc lại những dòng sông và biển khơi xanh. Con người nếu không yêu thương và tôn trọng thiên nhiên, sẽ mắc một món “nợ trời” rất lớn và hậu quả đã và đang nguy hiểm, còn có thể hiểm nguy hơn nữa.
Người ta còn nhắc đến “nợ tình”. Có nhiều kiểu nợ tình. Đôi lứa yêu nhau, nhưng một bên lại vì bất cứ lý do nào đó đã phải chia tay bên kia. Rồi người ta mắc “nợ tình” vào cuộc đời. Thật vậy, không thiếu những trường hợp vì “nợ tình” mà cuộc đời mang màu u ám của trầm cảm, của chán đời và để đời trôi như bèo trôi trên dòng sông cách vô định, và tệ hơn có những “nợ tình” đã chọn cái giá là “cái chết”.
Nợ tình còn được nhìn trong tương quan cha mẹ với con cái. Tình yêu cha mẹ dành cho con cái là một tình yêu nhưng không và không chờ đợi đáp đền, nhưng phần con cái khi lớn lên, ý thức công lao thì nhận ra chữ “hiếu thảo” quan trọng thế nào. Chữ hiếu thảo được cụ thể trong các hành động đáp đền với tình yêu của cha mẹ. Người đền đáp cách này, kẻ đến đáp cha mẹ cách khác. Dù đền đáp thế nào cũng không thể trả nợ cho tình cha mẹ được đâu.
Thật vậy, lấy gì để sánh với công ơn như trời biển của cha mẹ:
“Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng.
Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày” (Ca dao Việt Nam).
Rồi có những trường hợp thay hai chữ “thảo hiếu” bằng hai chữ “bất hiếu” vào đời mình. Hai chữ “bất hiếu” này sẽ làm nổi bật hai chữ “nợ tình” Cha Mẹ. Thật đau lòng, khi nhìn thấy những hình ảnh của những người con chỉ biết nhìn đến cuộc sống của riêng mình, và đã lắc đầu với tuổi già của mẹ cha. Mẹ cha còn tiền và còn giúp ích cho mình, thì mình còn nhòm ngó đến, khi cha mẹ không còn gì và nếu cha mẹ trở nên “vô dụng” vì tuổi già, thì hoàn toàn làm ngơ như là chẳng dính líu gì đến “đời tôi”.
Ngược lại, cũng có những trường hợp bậc cha mẹ “nợ” con cái. Một trong những điều diễn tả “món nợ” này rõ rệt là khi bậc cha mẹ nào phá thai, chối bỏ đứa con ngay từ trong bụng mẹ. Dù lương tâm có “khô cứng” thế nào, dù cho lý do phá thai có “lý” đến mấy, thì “món nợ” giết con sẽ đeo đẳng tâm hồn của cha mẹ, nhất là tâm hồn của người mẹ đã chối từ giọt máu của chính mình. Có những bà mẹ sau 40 năm phá thai, lòng vẫn không an và cảm thức tội lỗi mắc nợ con mình luôn ám ảnh cách này cách khác. Kế bên việc phá thai, còn có những cuộc nợ con cái, khi hoàn toàn không chú tâm đến con cái khi chúng còn đang ở tuổi ấu thơ. Suốt ngày lo làm ăn kiếm tiền và lo trưng diện cho bản thân, lo cho danh vọng, giàu sang và sự nghiệp của riêng mình, và hoàn toàn mặc kệ con cái. Không thiếu những đứa con sau này khi lớn lên đã đáp lại cha mẹ “món nợ tuổi ấu thơ”, bằng cách cắt đứt máu mủ với chính những người đã sinh thành ra mình. Hai chữ “nợ” gặp nhau trong khổ đau và bất hạnh.
Còn đời sống vợ chồng có “nợ tình” nhau không? Trong một dịp tĩnh tâm cho các gia đình. Mọi người đang sốt sắng cầu nguyện và chia sẻ với nhau trong bầu khí khá thiêng liêng nhưng cũng rất con người, bỗng chợt một chị còn trẻ mở lòng và mở lời để rồi lời cùng các giọt nước mắt trong lòng quyện lại. Trước mặt Thiên Chúa và mọi người, cùng người chồng đừng bên cạnh, chị thốt lên với chồng: “Anh có biết không, những năm tháng sinh con và nuôi con nhỏ vất vả, em phải thức khuya mỗi ngày để cho con ăn, để thay tã cho con, chưa bao giờ em thấy anh hỏi em về điều này, và cũng chưa lúc nào anh dậy giữa đêm khuya để phụ em việc đó”. Khồng biết người chồng nghe thì tâm trạng thế nào, phần tôi thì lặng người khi nghe điều đó. Một chút “nợ tình” của đời vợ chồng là vậy đấy. Đôi vợ chồng già đã ngoài 80 ngày nọ ngồi tâm tình chia sẻ với nhau. Chuyện tới chuyện lui, bỗng chợt bà cụ mở lời: “Đúng rồi, ngày xưa ông là thương gia, đi làm ăn nhiều tiền và ăn chơi xả láng. Ông đã lấy biết bao nhiêu tiền nuôi gái, quên cả vợ con đang ở nhà”. Ôi! Ông cụ đã ngoài 80 nghe vậy lòng thế nào đây? Chẳng biết, chỉ biết rằng “nợ tình” giữa vợ và chồng sẽ được viết thật rõ và tô thật đậm, nếu đời sống chồng vợ không khôn ngoan, thiếu yêu thương tôn trọng và hy sinh đùm bọc lẫn nhau.
“Nợ tình” còn được diễn tả trong tương quan học trò và thầy cô giáo. Để nên người thật sự, thì cần đến thầy cô, cần những người hướng dẫn mình. “Một chữ và nửa chữ cũng là thầy”. Ông bà ta vẫn nói như vậy mà. Chữ “hiếu” dành cho thầy, cho cô giáo đều được nhìn để đánh giá trị một con người có trưởng thành hay không. Có những người thành tài nổi danh, nhưng trong khiêm tốn luôn nhìn đến công lao dạy dỗ của cô giáo thời tiểu học, mà lòng vẫn cảm thấy xúc động biết bao. Nhưng cũng có trường hợp, vừa xong kỳ thi, lấy được mảnh bằng, thêm được vài mớ kiến thức, là quay đầu với thầy và với cô. Tưởng rằng, “tôi được như vậy là do năng lực của riêng mình và đời tôi chẳng “nợ tình” thầy cô nào cả”. Dấu hiệu của kẻ vô ơn, dù lớn rồi nhưng chưa trưởng thành.
“Nợ tình” còn được hiển lộ trong chính tình bạn tri kỷ, dù cho tình bạn thực sự không bao giờ chờ đợi và đòi hỏi đáp đền. Bạn bè tri kỷ luôn là một tương quan rất quý không có tiền bạc nào mua được cả. Tri kỷ có nghĩa là gần gũi, thân thuộc và tin tưởng. Tất cả mọi sự đều có thể chia sẻ cho nhau, lắng nghe nhau, khuyên nhủ nhau, gánh vác cùng nhau và đỡ nâng cho nhau. Có biết bao tình bạn tri kỷ đã làm nên những con người tuyệt vời. Không thể trả được “nợ tình” dành cho cha mẹ, thì cũng chẳng trả được “nợ tình” dành cho người bạn tri kỷ.
Cũng là “nợ tình”, thánh Phao-lô nhắc đến một giáo huấn vượt trên mọi tương quan gần gũi, vượt trên mọi trách nhiệm và vượt trên cả cách sống luân lý. Trong thư gởi cộng đoàn Rô-ma, ngài viết: “Anh em nợ ai cái gì thì hãy trả cho người ta cái đó: Nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính. Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,7-8).
Lời của thánh nhân có hai phần. Phần đầu nhắc nhớ chúng ta sống công bình trong việc “nợ nần”. Phần thứ hai, thánh nhân nhắc đến một điều quan trọng và nền tảng như là phản chiếu rõ rệt giáo huấn quan trọng mà Chúa Giê-su đã dạy. Đó là món nợ yêu thương lẫn nhau, món nợ tương thân tương ái. Với thánh nhân, đó là món nợ duy nhất mà chúng ta cần mang, cần có và cần sống trong suốt cuộc đời. Nhưng điều này có ý nghĩa gì?
Trước hết, đối với thánh Phao-lô, tình yêu lẫn nhau ở đây là tình yêu đồng loại, tình yêu tha nhân mà Chúa Giê-su đã nhắc đến trong các Tin Mừng. Chúng ta đọc lại lời của Chúa Giê-su: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39). Để hiểu được món nợ yêu người thân cận, yêu thương lẫn nhau mà Chúa dạy và thánh Phao-lô diễn tả, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giê-su.
Vì tình yêu dành cho chúng ta, Chúa mang thân phận làm người. Vì không muốn chúng ta “chết chìm” trong khổ đau và tội lỗi, Chúa đã bước vào con đường khổ nạn và chịu chết cách thê lương trên thập giá, để cứu chuộc chúng ta. Rồi những lời người giảng dạy đều chất chứa tình yêu. Vì yêu, nên Chúa mới mời gọi chúng ta lắng nghe, đón nhận Các Mối Phúc và tập sống theo Các Mối Phúc đó. Vì yêu, mà Chúa đã dạy chúng ta lời kinh Lạy Cha, cho phép chúng ta được gọi Thiên Chúa trên trời là Cha, xây lại mối tương quan giữa chúng ta là phàm nhân tội lỗi với Đấng Tạo Dựng, Đấng là khởi đầu và cùng đích của đời người chúng ta. Nhìn đến các hành vi của Chúa Giê-su, chúng ta cũng nhận ra Người đã sống “món nợ tương thân tương ái” với chúng ta cách tuyệt vời. Gia-kêu kìa, người phụ nữ tội lỗi bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình kia, Lê-vi nữa chứ và cả Phê-rô là tông đồ cùng là kẻ chối thầy. Chúa đã trả “món nợ tương thân tương ái” cho các vị này thế nào, chúng ta đều biết. Rồi cả với những người hãm hại và đóng đinh Chúa, Chúa đã gởi đến cho họ “món nợ tương thân tương ái” quá tuyệt. Trên thập giá đớn đau, Đấng Cứu Thế vẫn cầu nguyện và bào chữa cho kẻ thù của mình. Ngài tâm tình với Cha và xin Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Thật vậy, Chúa Giê-su yêu thương chúng ta đến cùng, không giới hạn, không thước đo, không chuẩn mực. Nếu có chuẩn mực thì theo chính lời Ngài nói: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).
Chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa qua Chúa Giê-su dành cho nhân loại, dành cho mỗi người chúng ta, chúng ta nhận ra một món nợ lớn nhất chúng ta mang. Đó là chúng ta nợ tình yêu của Chúa dành cho chúng ta. Nhưng làm sao để có thể đền đáp được món nợ này? Không bao giờ chúng ta đền đáp được. Tuy nhiên, chỉ có một điều sẽ làm đẹp lòng Chúa, là chúng ta bắt chước Chúa Giê-su, để sống trọn vẹn giới răn yêu thương, yêu Chúa và yêu người trong suốt cả cuộc đời chúng ta.
“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.
“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”.
Theo gương Đức Ki-tô, thánh tử đạo đầu tiên là Stêphanô, cũng sống “món nợ tương thân tương ái” với kẻ ném đá mình trước khi nhắm mắt lìa đời qua chính lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con. Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,59-60).
“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”. Theo gương Đức Ki-tô, vị thánh nữ đơn sơ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su sống động “món nợ tương thân tương ái” với một kẻ tử tội không quen biết qua chính lời cầu nguyện của chị. Tê-rê-sa lúc đó chưa đi tu và được 14 tuổi, nghe tin một tử tội là anh Enrico Pranzini sắp bị hành quyết vì đã cố sát ba người phụ nữ, cô đã dâng lời cầu nguyện cho anh Pranzini được ơn ăn năn trở lại. Và lời cầu nguyện của Tê-rê-sa đã được Chúa chấp nhận. Trước khi bước lên dàn máy chém, anh Pranzini đã hôn kính ảnh Thánh Giá Chúa. Sau nầy, sau khi đã đi tu dòng kín, Tê-rê-sa kể lại phản ứng của mình trong tập nhật ký tự thuật như sau: “Cần phải cứu rỗi linh hồn anh Pranzini. Tôi đã cầu nguyện, và đã dâng những hy sinh cho anh. Cần xin Chúa Giêsu cứu rỗi anh Pranzini”. Tê-rê-sa không ngần ngại tuyên bố: “Anh Pranzini là người con đầu tiên của tôi”. Một “món nợ tương thân tương ái” quá tuyệt vời của một thiếu nữ, một thánh nhân.
“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”. Trong khi Tê-rê-sa trả “món nợ tương thân tương ái” bằng lời cầu nguyện cho tử tù Pranzini, thì Maximilian Kolbe, một linh mục dòng Phanxicô người Balan, trả “món nợ tương thân tương ái” qua chính lời nói và hành động của mình. Chuyện kể rằng, vào tháng 9.1940, khi một tù nhân bị phát hiện đã bỏ trốn, hạ sĩ quan Karl Fritzsch ra lệnh cho 10 tù nhân khác phải chết bằng cách bỏ đói để bù lại. Franciszek Gajowniczek (số tù 5659) là một trong những người được chọn theo cách gọi lần lượt. Khi vị linh mục dòng Phanxico, Kolbe, nghe thấy Gajowniczek kêu khóc trong đau đớn về số phận của gia đình anh, ngài đã tự dâng mình thay cho ông ta. Không ai còn nhớ chính xác câu nói của cha Kolbe, nhưng có một phiên bản ghi lại lời của ngài như sau: “Tôi là một linh mục Công giáo ở Balan; tôi muốn thay chỗ cho người đàn ông kia, vì anh ta có vợ và con cái.” Sự thay thế được chấp nhận. Cuối cùng cha Maximilian Kolbe (tù nhân 16670) đã bị tiêm carbon acid cho chết. Hiện nay ai đi thăm trại tập trung ở Auschwitz, có thể đến sân nơi mà 10 tù nhân đã bị phát xít bắt ra đứng để tra khảo, cũng như căn phòng mà cha Kolbe đã qua đời.
“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”. Hình ảnh của người nữ tu nhỏ bé đã làm cho cả thế giới phải ngưỡng mộ, chỉ vì mẹ đã sống “món nợ tương thân tương ái”quá tuyệt hảo. Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta. “Ta khát”. Lời Chúa Giê-su vang lên trên thập giá được Mẹ Tê-rê-sa nghe tại những phố phường giơ bẩn ở Can-cút-ta và sau đó là mọi nơi trên toàn thế giới. Những tâm hồn nghèo nàn bất hạnh, chết không xứng với thân phận con người, đã làm cho Mẹ không thể ngồi yên được. Mẹ Tê-rê-sa đã ý thức về “món nợ tương thân tương ái”, món nợ yêu người như thể yêu mình, và rồi Mẹ đã làm tất cả để trao cho những tâm hồn đang khát tình yêu tất cả những gì giúp họ tìm được bình an và hạnh phúc. Còn biết bao mẫu gương ý thức đón nhận và sống trọn vẹn món nợ duy nhất trên đời cần nợ này: “món nợ tương thân tương ái”. Chúng ta có thể tiếp tục chiêm ngắm họ và gẫm lại đời mình.
Cuối cùng, chúng ta cùng lắng nghe lại lời của vị thánh tông đồ và nguyên lý sống của Chúa Giê-su, để rồi xin Chúa giúp chúng ta biết nhìn lại mình, phản tỉnh lại chính mình:
“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.
“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”.
Mong sao mỗi người chúng ta đừng mang món nợ gì khác, ngoài món nợ duy nhất cần nợ trong đời. Đó là yêu thương lẫn nhau, yêu thương cả người trong gia đình, lẫn những người quen biết và tất cả những ai xa lạ mà chúng ta bỗng gặp trên đường đời.
Thật vậy, “món nợ tương thân tương ái”có giá trị trên mọi nẻo đường, và đặc biệt luôn mang ý nghĩa nền tảng và quan trọng cho tất cả mọi người, cả bạn và cả tôi.
Vâng, ai muốn làm người trọn hảo, cần có và cần sống món nợ duy nhất cần nợ trong đời: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”.
Nürnberg, ngày 05.9.2020