Món quà tuyệt vời

IMG_7596

Nếu phải tìm một thuật ngữ mà chỉ nhắc đến người ta đã cảm nhận được niềm vui thì đó có lẽ là chữ “quà”. Quà là thuật ngữ rất quen thuộc mà có lẽ tất cả mọi người đều được biết đến kể từ khi còn rất nhỏ, đương nhiên ở đây ta không nói đến những trường hợp đặc biệt hay nói cách khác thì người viết không muốn nói đến những hoàn cảnh khó khăn hay không may mắn của cuộc sống này. Ở đây ta sẽ chỉ đề cập đến những món quà có chủ nhân mà thôi. Thế thì điều đáng nói ở đây đối với những món quà có chủ là gì? Thường thì người ta chỉ đề cập đến những vấn đề đáng quan tâm như là sự trái nghịch với tự nhiên chứ ai lại nói đến điều phải lẽ và đúng theo quy tắc tự nhiên của một món quà. Bởi lẽ chỉ được gọi là quà khi có đối tượng bắt buộc phải có là người nhận thôi chứ. Thế thì ta cần phải bàn đến điều gì ở đây khi quà về đúng chủ của nó là những người nhận?

Quà là biểu hiện của những yêu thương, quý mến của người tặng quà đối với người được nhận. Nó thể hiện tình thương yêu và sự quan tâm của người tặng quà, một sự quan tâm chân thành của người thân, hay một tình yêu đặc biệt đối với người đặc biệt của người tặng quà. Nói đến quà thì có lẽ ta sẽ quan tâm đến giá trị của nó là nhiều. Thế nhưng có phải tất cả mọi món quà đều có giá trị như nhau, hay là giá trị của quà sẽ tỷ lệ thuận với số tiền mà ta bỏ ra để mua nó? Bởi lẽ giá trị của quà đâu chỉ hệ ở giá trị về mặt vật chất, mà giá trị của món quà còn hệ tại ở sự trao ban và những yêu thương gửi trao trong món quà ấy. Một món quà có thể là rẻ tiền nhưng chứa đựng trong đó tất cả những yêu thương và sự chân thành thì món quà ấy mới thật sự là có giá trị và ý nghĩa. Hãy nghĩ tới một món quà không phải được mua bằng tiền, nhưng nó được tạo ra từ chính đôi bàn tay của người tặng mặc dù chẳng có chút nào trong món quà đó nói lên rằng người làm ra nó có một chút năng khiếu, thì món quà ấy cũng thật là món quà quý giá và ý nghĩa. Và dĩ nhiên, giá trị của món quà chỉ thật sự to lớn và có ý nghĩa với một thái độ đón nhận của sự biết ơn, chân trọng và yêu mến.

Thế mà Thiên Chúa đã không ngại ngần khi ban tặng cho chúng ta một vinh dự lớn lao là được đón tiếp Người. Phải chăng đó là món quà có giá trị cao cả và tuyệt vời đối với mỗi người Công Giáo nếu không muốn nói là tất cả mọi người kể cả những người không biết đến Chúa, chưa biết đến Chúa. Còn vinh dự nào lớn lao hơn việc đón tiếp Ngài vào linh hồn mỗi chúng ta để người biến đổi và thánh hóa chúng ta mỗi ngày trở nên giống Chúa, để rồi kết quả của sự biến đổi ấy là một tâm hồn bình an, vui vẻ và tràn đầy hạnh phúc. Nhưng thật vô lý khi nói đó là món quà mà Thiên Chúa ban tặng nếu chúng ta không thể nhìn thấy Người, không biết Người ở đâu, thậm chí là chưa biết mảy may chút nào về Người. Nếu theo lẽ tự nhiên thì điều đó thật đúng, nhìn thấy, tiếp xúc được cũng chưa chắc đã là điều kiện đủ để được nhận quà huống chi là một Người mà chúng ta chưa thấy bao giờ, chưa biết bao giờ. Thế nhưng Thiên Chúa thật “dễ dãi” khi Ngài sắp xếp một cách hết sức đơn giản và đầy gắn bó trong sự liên kết vô hình. Thiên Chúa không cần chúng ta phải thấy Người để rồi trực tiếp đón tiếp Người nhưng Ngài chỉ cần chúng ta đón tiếp những hình hài bé nhỏ đơn sơ theo hình ảnh Chúa mà nhãn tiền ta có thể nhìn thấy được. “Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13, 20). Chúng ta chỉ cần đón tiếp những người được Thiên Chúa sai đến là đón tiếp chính Chúa vậy. Những người được Chúa sai đến ở đây mà Thánh sử Gioan muốn đề cập có lẽ là chính các Tông Đồ và các môn đệ, những người được Chúa tuyển chọn để nhờ họ mà chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa. Thế nhưng ở bản dịch tiếng anh, ta có thể thấy một sự khác biệt nho nhỏ: “Truly, I say to you, whoever welcomes the one I send, welcomes me; and whoever welcomes me, welcomes the One who sent me.” (Jn 13, 20). Động từ “send” ở đây có một nghĩa có lẽ là khác so với bản dịch tiếng việt. “Send” có nghĩa là “gửi”. Phải chăng Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở việc mời gọi chúng ta đón tiếp những người được Chúa sai mà tất cả mọi người Chúa gửi đến cho chúng ta để nhờ đón tiếp họ mà chúng ta được đón tiếp chính Người?

Lại một thắc mắc nữa ở đây đó là những người mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta là những ai, có phải là những người chức cao vọng trọng, những người dạy dỗ hay huấn luyện chúng ta ở lĩnh vực này hoặc lĩnh vực khác. Với suy nghĩ mặc dù còn chưa đủ chín thì người viết cũng giám khẳng định chắc chắn một điều rằng với tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa thì người sẽ không chỉ giới hạn ở những người ấy, nhưng những người mà Thiên Chúa gửi đến ở đây là tất cả những ai mà chúng ta gặp gỡ, dù cách này hay cách khác, dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì đó cũng là món quà mà Chúa ban tặng cho chúng ta. Và đương nhiên cũng có những ngoại lệ của sự trao tặng đặc biệt là những người đặc biệt dành cho những người đặc biệt. Chỉ “quà” và người nhận quà mới hiểu được rằng mình thuộc về nhau với sự an bài của Thiên Chúa trong công trình của Ngài mà có lẽ cả hai đối tượng ấy vẫn chưa nhận ra được. Như vậy tất cả những người ở xung quanh chúng ta đều là những món quà mà Thiên Chúa đã ban tặng cho mỗi người để qua đó ta đón tiếp chính Đức Giêsu và chính Thiên Chúa muôn loài.

Chúng ta thấy gì trong xã hội hôm nay, xã hội đầy tràn “thánh thần” của những lạc thú, những lôi cuốn của những trò lố bịch với vô số những quyến rũ của “mùi đất” kèm theo sự ích kỉ của thói đời gian manh, liệu chúng ta có đang đón tiếp nhau một cách chân thành và đầy yêu thương? Chỉ đơn giản là sự đón tiếp những cộng tác có thể giúp nhau phát triển thôi mà cũng thấy vô cùng nặng nề rồi, khốn chi là những người không sinh ích lợi gì cho mình. Hay kể cả những người trong cùng gia đình, có anh em đấy nhưng cũng chẳng vui thích gì khi đón tiếp nhau, chỉ là những miễn cưỡng trong sự ràng buộc của mối quan hệ mà thôi. Thế thì lấy đâu ra những đón tiếp chân thành yêu thương trong xã hội hiện nay. Đấy là còn chưa kể đến món quà là những người đói khổ, nghèo nàn mà Chúa ban tặng cho chúng ta chúng ta hằng ngày. Đã bao lần chúng ta đọc được trên các trang mạng xã hội về những vụ án thương tâm liên quan đến máu mủ ruột thịt: con giết mẹ, chồng giết vợ con… thật đáng sợ. Đối với những người nghèo đói thì thế nào? Đã bao giờ chúng ta tiếp đón họ như một người khách đặc biệt trong nhà, hay đơn giản là lấy lòng thương hại mà cho họ chút gì đó? Và giả như có cho thì thái độ của chúng ta thế nào?

Ý thức về lời mời gọi trong món quà của Thiên Chúa, cùng với thực tại của một xã hội đáng lên án, chúng ta hãy đón tiếp nhau như là món quà mà chính người yêu đã tự tay làm nó cho chúng ta trong sự yêu thương, âu yếm và tràn đầy sự quyến rũ nồng nàn. Hãy đón tiếp những người ấy như đón tiếp món quà vô giá là chính Thiên Chúa giàu lòng xót thương, hãy coi đó là chính hình ảnh của Thiên Chúa để rồi món quà ấy sẽ sinh ích cho chúng ta là hoa trái của sự bình an, niềm vui và hạnh phúc qua việc đón nhận và tiếp rước nhau một cách chân thành với một tình yêu tự do!

Hiên Sắc

Kiểm tra tương tự

TỘI và TÔI

  Lặng thầm cầu nguyện trên môi Sấp mình thờ lạy bồi hồi tâm can …

Chúa Giêsu trong vòng dư luận

Đức Giêsu trong vòng dư luận. Ảnh: Pinterest.com Suy niệm Tin Mừng tuần vừa qua …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *