Một cái chạm của tình yêu

 

Mùa Vọng luôn mang ý nghĩa của sự chờ đợi, và mỗi khắc mỗi biến cố mỗi con người chờ đợi nhau đều mang sắc thái riêng nhưng vẫn có một điểm chung là phát xuất bởi tình yêu. Ai là đối tượng mà tôi chờ đợi ? Tôi chờ đợi với mục đích gì? Chẳng ai hiểu được nổi trông chờ được cứu sống của một bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối mong manh như thế nào, và mấy ai nhận được sự ngọt ngào nồng ấm như những đôi trai gái đang yêu nhau mong chờ ngày họ được thành hôn để trọn đời bên nhau.

Mang lấy cái phận người vốn mong manh yếu đuối, kiếp người vắn vỏi là thế, nên ai ai cũng mang lấy nơi chính mình khát vọng hạnh phúc vĩnh cửu. Điều mà họ khao khát thuộc về tương lai, nơi đó họ hằng khát khao mong chờ. Trong chính sự bất lực đó, trong chính những đau khổ, tổn thương chồng chất, quằn quại ôm lấy mọi bệnh hoạn tật nguyền đến nổi mất hết niềm hy vọng, trái tim con người chai cứng lại, ý chí mòn mỏi, thì phép màu xảy đến, một sự hồi sinh mang đầy ý nghĩa, vượt cả thời gian và không gian. Thứ phép màu mang đến sự sống và sức sống mãnh liệt đó chỉ có thể là Tình yêu.

Khi Tình yêu chạm đến con người, lý trí nông cạn đã được mở ra đến vô hạn, họ mở ra cho một đối tượng mà họ chưa hề có một sự hiểu biết sâu xa và đầy đủ, thay vào đó là khả năng đón nhận rủi ro, can đảm chấp nhận để đi vào một tương quan mà họ không hề biết trước điều gì sẽ xảy đến. Ý chí tự nhiên vốn mạnh mẽ cứng rắn nay đã trở nên mềm mại và hồn nhiên, đơn sơ và thuần khiết để mở ra mà đón nhận một sự thay đổi bởi Tình yêu. Những nhịp đập của trái tim trở nên thổn thức lạ lùng, vì khi đó, Tình yêu đã chạm đến trái tim rồi, nơi ấy cảm xúc về một thực tại bắt đầu trổi dậy, con người của sự sáng tạo mới được hoàn thành và viên mãn. Khi Tình yêu chạm đến con nguời thì thời gian chỉ tính bằng không và không gian lại trở nên vô tận.

“Đối với Chúa, một ngày ví tựa ngàn năm và ngàn năm cũng chỉ như một ngày”. Mang lấy sự nóng bỏng của Tình yêu thì chờ đợi bao nhiêu cũng được, nhưng được Tình yêu chạm đến thì chỉ còn sự thinh lặng của thời gian. Cái chạm của Chúa Giêsu dành cho những người mù bên vệ đường hay của người phong hủi, người khô bại tay, hay là biết bao người nghèo khổ, những người bị xã hội bỏ rơi và loại trừ khác…tất cả đều được chữa lành và mang lại sức sống mới. Ngày hôm nay, vẫn còn đâu đó rất nhiều những con người đau khổ vì chiến tranh và dịch bệnh, vì loại trừ và thống trị lẫn nhau, và vẫn còn đâu đó rất nhiều bàn tay sẵn sàng mở ra để ôm lấy tất cả và những con người sẵn sang hy sinh cả cuộc đời để dấn thân vì Tình yêu, tình yêu nối tiếp tình yêu, những vòng tay nối dài mãi mãi mong chạm đến trái tim nhân loại, và hoàn tất kỳ công sáng tạo của Đấng tạo thành.

Cát Trần

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *