“Một cơ hội tư duy khác” từ Jean Francois Lyotard (phần 2/2)

I. Chỉ ra điểm yếu tận nền móng, tận căn cốt của phong cách tư duy hiện đại

II. Giới thiệu một cách lối tư duy khác

III. Phê bình phong cách tư duy hậu hiện đại theo Jean Francois Lyotard

1. Lyotard không phá đổ nhưng mở ra một cách lối tư duy khác cho triết học hiện đại

Từ những phân tích trên, chúng ta thấy rõ rằng Lyotard không phê bình triết học hiện đại một cách mạo muội và thiếu suy xét, ngược lại, ông hiểu rất rõ và chỉ ra những điểm yếu chết người của triết học hiện đại như giản lược con người và thế giới, quá dựa vào các đại-tự-sự…

Làm như thế, ông buộc triết học hiện đại phải đối diện với sự khủng hoảng của các mô hình hợp thức hóa. Quả thế, Heidegger (1889-1976) thật có lý khi cho rằng khủng hoảng nằm sâu nơi yếu tính của khoa học, bởi lẽ khoa học không thể có nền tảng nơi chính mình mà phải dựa vào những nền tảng bên ngoài vốn không thể được chứng minh mà chỉ có thể được chấp nhận, tức là cái đại-tự-sự mà Lyotard đã chỉ ra.[1] Khi các đại-tự-sự bị khủng hoảng và không còn đáng tin, chẳng phải khoa học sẽ lung lay tận nền móng, sẽ rơi vào khủng hoảng trầm trọng sao! Thế rồi triết học cũng phải đối diện với một cuộc khủng hoảng đáng sợ khi phải thừa nhận rằng mình không còn đủ sức hợp thức hóa cho khoa học, bởi lẽ chính những nền tảng nhất nguyên và toàn trị mà mình cung cấp cũng bị lung lay.

Vấn đề ở đây chính là cách chúng ta nhìn những cuộc khủng hoảng kể trên: liệu chúng là những cơn ác mộng phá đổ triết học, hay nói cho cùng cũng chỉ là khủng hoảng của sự trưởng thành và để trưởng thành. Tôi thuộc về những người ủng hộ ý kiến thứ hai. Thật thế, triết học không bao giờ được ngủ quên trên chiến thắng, không bao giờ được sợ hãi khủng hoảng. Công việc của triết học là không ngừng đi vòng quanh để tra vấn các nền móng, và quy tắc duy nhất của nó là đi tìm quy tắc cho chính mình. Trong nhãn quan đó, việc dám tra vấn và chấp nhận sự thiếu sót của những nền móng nhất nguyên và toàn trị do chính mình đặt ra lại là điều kiện cần để triết học vươn vai phát triển. Như thế, triết học Hậu-hiện-đại của Lyotard đã mở ra một cách lối tư duy khác cho triết học hiện đại. Từ nay, khuynh hướng nhất nguyên, đồng bộ và độc quyền không còn có thể làm mưa làm gió trong thế giới triết học nữa. Từ nay, nói như Michel Foucault, con người xét như là chủ thể không còn có thể hài lòng với việc “tự làm đẹp” bằng cách quên lãng và bóp chết những “đứa con bé nhỏ” của mình như tính dục, xác thịt… Từ nay, con người phải được nhìn nhận trong tất cả những gì đa tạp cấu thành nên nó, và sẽ không có một thành phần nào, dù bé nhỏ nhất, bị “bóp nghẹt, bị hiến tế” để rồi một thứ chủ thể nhất nguyên, thuần nhất nào đó có thể đăng cơ.

2. Thái độ của Lyotard đối với siêu hình học

Người ta thường vin vào sự giải-hợp-thức-hóa các đại-tự-sự của Lyotard để quy kết rằng ông chủ trương phá đổ mọi suy tư siêu hình, và xây dựng một nền triết học trong đó siêu hình học không còn chỗ đứng. Hầu chắc Lyotard không suy nghĩ như thế. Nếu có cơ hội, có lẽ ông sẽ nói với các nhà siêu hình rằng: “Các triết gia siêu hình thân mến, các bạn hãy cứ suy tư và diễn đạt những thành quả của các bạn, tức là các lý thuyết siêu hình. Tuy nhiên, các bạn làm ơn nhớ rằng những lý thuyết đó, dù có diễn tả sít sao, nhiệm nhặt thực tại đến thế nào đi chăng nữa, cũng vẫn chỉ là những đại-tự-sự, những câu chuyện kể mà thôi.” Vì là đại-tự-sự nên các lý thuyết nói trên không thể tự hợp thức hóa chính mình, không thể làm nền móng cho chính mình được. Chúng cũng không thể viện đến thẩm quyền tuyệt đối của tính hợp lý (rationality).

Như thế, rõ ràng Lyotard không chủ trương xóa bỏ siêu hình học khỏi bản đồ triết học. Thế thì đâu là chỗ đứng của siêu hình học trong triết học của ông, hay nói cách khác, siêu hình học theo Lyotard phải là một thứ triết học như thế nào? Mục đích tối cao của siêu hình học là truy tìm Nguyên Lý của mọi nguyên lý, Nền Tảng của mọi nền tảng. Chúng ta đã quá quen với những Nguyên Lý nhất nguyên, toàn triệt, thuần nhất, như Động Cơ Đệ Nhất của Aristotle, Tinh Thần của Hegel, Vô-đáy (Urgrund) của Schelling…, vốn triệt tiêu mọi sự dị biệt và đa tạp. Ngược lại, Lyotard chủ trương một “Siêu hình học về sự khác biệt”, ta cứ tạm gọi như vậy, nhắm đến việc suy tư về sự khác biệt nơi chính nó. Siêu hình học đó đòi hỏi Phép biện chứng của sự đa tạp (dialectics of plurality): một phép biện chứng một mặt giữ nguyên sự tách rời của những gì là đa tạp trong mọi thực tại, nhưng mặt khác không để cho chúng phủ định lẫn nhau. Ta cũng có thể gọi nó là “siêu hình học của sự nghịch biện”, một siêu hình học gìn giữ và khuyến khích tính dị biệt (heterogeneity) cũng như sự bất-đồng-thuận trong khoa học, suy tư triết học cũng như mọi mối tương quan xã hội.

Tắt một lời, phong cách tư duy Hậu-hiện-đại theo Jean Francois Lyotard là một “cơn ác mộng” cho những kẻ khư khư bám lấy những hào quang bị phủ đầy bụi bặm của các đại-tự-sự trong triết học, nhưng sẽ là một “cơ hội tư duy mới” cho những người dám đi ra khỏi vùng an toàn sẵn có, dám dấn thân vào “khung trời của sự nghịch biện”, khung trời nơi cái chưa được diễn tả, cái bị lãng quên, bị bóp nghẹt có cơ hội lên tiếng. Trong chừng mực đó, nói như Lyotard, “Hậu-hiện-đại là một cách quan hệ khác với những giá trị của hiện đại, hơn là phủ nhận hay thủ tiêu những giá trị ấy”.[2] Nói chung, các triết gia hiện đại lẫn Hậu-hiện-đại đều thừa nhận sự đa tạp và tính dị biệt của thực tại, nhưng trong khi một bên xem nhẹ sự đa tạp và tính dị biệt rồi cố gắng tìm một nền tảng nhất nguyên và thuần nhất cho chúng, bên kia lại đề cao và khuyến khích tính dị biệt cũng như sự bất-đồng-thuận như là nơi mà sự khủng bố (terror) không hề có chỗ đứng. Như thế, nói cho cùng, sự khác biệt cơ bản giữa hai bên chính là sự khác biệt nơi thái độ sống, nơi cái nhìn (perspective) hướng về đích đến của hành trình triết học mà thôi.

 

Trần Quang Huy, SJ

Học Viên Lớp Triết II

 

[1] x. Đậu Văn Hồng, Dẫn vào Hữu thể luận- Tra vấn chức năng Mêta (Lưu hành nội bộ, 2002), pp. 66-73.

[2] Bùi Văn Nam Sơn, “Giáo dục … hậu hiện đại?”, http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/triet-hoc-giao-duc/giao-duc-hau-hien-dai_607.html (accessed August 5, 2016).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bùi Văn Nam Sơn. “Giáo dục … hậu hiện đại?”. http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/triet-hoc-giao-duc/giao-duc-hau-hien-dai_607.html (accessed August 5, 2016).

Đậu Văn Hồng. Dẫn vào Hữu thể luận- Tra vấn chức năng Mêta. Lưu hành nội bộ, 2002.

Lyotard, Jean Francois. Hoàn cảnh hậu hiện đại. Ngân Xuyên trans. Hà Nội: Nhà xuất bản Tri Thức, 2008.

Lyotard, Jean Francois. The Differend: Phrases in Dispute. Minnesota: University of Minnesota Press, 1988.

 

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *