“Một Giêsu hữu không hạnh phúc là một Giêsu hữu vô dụng”

Trải qua hơn 80 năm sống trên cõi đời, đã từng phục vụ và làm việc tại nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, học cao hiểu rộng, lại từng giữ những chức vụ cao trong Dòng, cha Nicolas – cựu Tổng Quyền Dòng Tên vừa được Chúa gọi về – đã trở thành mẫu mực cho mọi Giêsu hữu. Tôi tin là những ai có cơ hội tiếp xúc với Ngài đều được đời sống thánh thiện của ngài cảm hoá. Ngài đã từng dạy chúng tôi nhiều điều, tất cả đều xuất phát từ vốn kinh nghiệm phong phú của ngài. Nhưng điều gây ấn tượng mạnh với tôi, vừa như nhắc nhở, vừa như đánh thức tôi, chính là lời mời gọi tôi “hãy là chính mình, và hãy là một con người hạnh phúc”, vì “một Giêsu hữu không hạnh phúc là một Giêsu hữu vô dụng”. Tôi nghe lời nhắn nhủ này mà cảm tưởng như đó là trọn vẹn tâm huyết, là tinh hoa của cả một cuộc đời, để tại cho hậu thế, là điều đúc kết cho tất cả những trải nghiệm và sự khôn ngoan cả đời của cha.

Nghe lời giáo huấn của cha, tôi bỗng liên tưởng đến nội dung của các Tin Mừng trong phụng vụ những ngày gần đây. Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc khổ nạn cũng để lại cho các môn đệ những lời trăn trối. Những lời ấy mang đầy màu sắc lạc quan, truyền sức sống, chẳng hề giống như lời của người biết mình sắp bước vào cửa tử kinh hoàng. Nhiều lần Chúa Giêsu nhắc đến niềm vui, của chính Ngài và của các môn đệ (x. Ga 15,11; Ga 16,24). Niềm vui ấy chắc chắn không phải chỉ là kiểu trấn an trên bình diện tâm lý đơn thuần. Nó phải xuất phát từ một sự xác tín tận sâu thẳm trong lòng, và là kết quả của một sự đụng chạm giữa cá nhân với Huyền Nhiệm. Đó là niềm vui của một người chiến thắng, một người chân còn chạm đất mà lòng đã ở trên trời. Có lẽ cha Nicolas đã gọi kiểu niềm vui này bằng từ “hạnh phúc” trong phát biểu của ngài.

Ngay từ đầu, khi một bạn trẻ muốn tìm hiểu và sống ơn gọi dòng Tên, anh ta đã được dạy cho biết về đích nhắm và lý do hiện hữu của Dòng nhỏ bé này, đó là “nhờ ơn Chúa, không những chăm lo cho anh em trong Dòng được cứu độ và nên hoàn thiện, nhưng cũng nhờ ơn Chúa, còn hết sức xả thân cho tha nhân được cứu độ và nên hoàn thiện nữa” (HP, 3). Rồi trong Linh Thao, anh ta được mời gọi lắng nghe lời hiệu triệu của vị Vua Hằng Sống, muốn anh ta cùng với Ngài chinh phục cả thế giới. Được ở với Giêsu, lao tác với Ngài ban ngày, tỉnh thức với Ngài ban đêm (x.LT 93), nên đồng hình đồng dạng với Ngài, mặc thứ y phục tôi tớ giống Ngài (x.HP 101) chính là niềm hạnh phúc của người Giêsu hữu. Nói cách khác, hạnh phúc của Giêsu hữu chính là Giêsu, “người hạnh phúc” là “người có Giêsu”. Có được niềm hạnh phúc này, anh ta mới có thể dấn thân cho sứ mạng, “chiến đấu không ngại thương tích, làm việc không tìm nghỉ ngơi”; mà theo ngôn từ của cha Nicolas, anh ta mới là một Giêsu hữu “có ích”.

Là một con người có chiều sâu thiêng liêng, hẳn là cha không chỉ nói đến một kiểu “hạnh phúc” bên ngoài, theo nghĩa những niềm vui chóng qua, niềm vui có được nhờ sự “tụ tập” hay “cười đùa”, dù điều này đôi khi cũng giúp ích. Khi cha bảo tôi “hãy là một Giêsu hữu hạnh phúc”, tôi nghĩ rằng cha như muốn thúc bách tôi tìm kiếm một niềm vui sâu xa nội tâm mà Giêsu nói đến trước khi bước vào cuộc Thương Khó, hay nói chính xác hơn, một sự đụng chạm cách cá vị với chính Đức Giêsu Kitô, mở ra với Ngài và xem Ngài là cùng đích, là lý tưởng cuộc đời cũng như sứ mạng của mình. Có Giêsu rồi, tu sĩ dòng Tên mới xứng đáng với danh hiệu “Giêsu hữu”, khi ấy, họ mới nên trọn vẹn, được đong đầy, được vui, được hạnh phúc. Có Giêsu rồi, những hoạt động tông đồ của họ mới thật sự là “tông đồ”, mới sinh hoa trái, và họ mới trở nên “có ích”. Như thế, ngay giữa những lao nhọc và vất vả trong đào luyện cũng như trong sứ mạng, các Giêsu hữu vẫn toát lên niềm vui từ trong lòng toả ra bên ngoài, chứ không hề héo úa hay phiền muộn. Những gánh nặng của đời phục vụ không những không làm cho họ sầu khổ, trái lại, càng khiến họ thêm hạnh phúc. Họ phải là và mãi mãi là con người hạnh phúc theo nghĩa đó!

Nghe lời cha, tôi tưởng nghĩ: làm sao một người tông đồ lại có thể là một người không vui; hay làm sao mà một người chỉ có chút ít niềm vui mau qua bên ngoài mà có thể mang Tin Mừng (tin vui) đến cho người khác? Không cảm nghiệm được nguồn vui là chính Chúa Giêsu và sứ mạng của Ngài, người Giêsu hữu sẽ rao truyền ơn cứu độ thế nào? Các bài giảng trong thánh lễ, những chia sẻ, những lần giúp Linh Thao, đồng hành thiêng liêng… tất cả chỉ là ngoa ngữ, là sáo rỗng, nếu không hàm chứa trong đó một thông điệp về niềm vui; mà điều ấy chỉ có thể có được, khi người truyền thông điệp (các Giêsu hữu) thực sự là hiện thân của điều đó. Nếu không, dù có làm được những điều lớn lao cao cả, giảng hay và hùng hồn thế nào, họ vẫn chỉ là con người “vô dụng”.

Lời cha dạy thật chí lý! Vậy mà trong suốt thời gian dài, con bỏ quên yếu tố “hạnh phúc” này trong cuộc sống và trong hành trình đào luyện của mình. Con phát hiện ra rằng những ủ rũ bấy lâu nay cứ đeo bám con, chính là do con chưa tìm đến niềm vui của Giêsu, con chưa xem Giêsu là hạnh phúc duy nhất và cao vượt nhất của mình. Hoá ra, từ trước đến nay, con ảo tưởng cho rằng mình đã giúp ích được nhiều người, chứ thật ra, con vẫn còn là một “Giêsu hữu vô dụng”. Những niềm vui con có, hay hạnh phúc mà con phấn đấu để thủ đắc chỉ là một kiểu hời hợt bên ngoài, chứ chưa đi vào trong tận gốc rễ tâm can. Cũng có thể con đã là “người Giêsu hữu hạnh phúc” chút nào đấy, nhưng chưa thấm vào đâu. Niềm hạnh phúc thiêng liêng không bao giờ được phép có điểm dừng. Con thấy mình được mời gọi để càng ngày càng “hạnh phúc” hơn, càng vui hơn, một “niềm vui trọn vẹn” như Giêsu đã nói.

Về Thiên Đàng, xin cha chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con, xin Chúa giúp chúng con đừng trở thành những “Giêsu hữu vô dụng”, nhưng là những “Giêsu hữu hạnh phúc” trong trái tim của Chúa, giống như cha!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *