Bác google cho chúng ta một ghi nhận khá thú vị: Từ đầu năm 2018 đến nay bài hát “Người lạ ơi” vẫn đang đứng đầu bảng YouTube trong làng âm nhạc Việt Nam và là hiện tượng của giới trẻ. Đồng thời, lời bài hát của bản “hit” này cũng là chủ đề tìm kiếm của đông đảo thành viên cư dân mạng, một phần vì sức hút và có lẽ một phần cũng vì bài hát có đoạn rap của ca sĩ Karik thể hiện không phải ai cũng nghe được trọn vẹn. Và chúng đạt kỷ lục 100 triệu view trong một tháng đầu tính từ ngày chính thức ra mắt.
Người viết luôn xác tín về tầm quan trọng của âm nhạc trong việc giáo dục con người, mà đây là một bài hát được nhiều bạn trẻ quan tâm. Thiết tưởng, chúng ta cần phân tích lời bài hát để tìm ra thông điệp mà nhạc sĩ muốn gởi gắm cho người nghe. Thông điệp ấy có thể giúp định hướng cách sống cho một đối tượng nào đó (ở đây là giới trẻ) hoặc chúng phản ánh một lối sống hiện hành phổ biến ở giới trẻ đương thời. Phần giai điệu của bài hát xin nhường lại cho các nhà chuyên môn, chúng ta chỉ bàn đến ca từ của nhạc phẩm. Một điều cần lưu ý ngay từ đầu, một sự thiếu hiểu biết về tình yêu đúng nghĩa sẽ dẫn đến những lối sống lệch lạc, và tất nhiên, chúng làm băng hoại cả một thế hệ trẻ mà những ai đang phục vụ công chúng cần quan tâm đủ để nét văn hóa được bảo tồn, hơn nữa, được sống động và cụ thể hóa nơi từng con người đang sống và hít thở chúng mỗi ngày.
Mở đầu bài hát,tác giả giới thiệu nhân vật chính với tâm lý khá phức tạp:
“Tôi lạc quan giữa đám đông, nhưng khi một mình thì lại không
Cố tỏ ra là mình ổn, nhưng sâu bên trong nước mắt là biển rộng”
Có hai giả thiết có thể xảy ra trong tình huống này: một là, người này thuộc mẫu hướng nội có khuynh hướng sống trầm mặc nội tâm, còn thái độ lạc quan giữa đám đông chỉ là cách biểu hiện bên ngoài như một người tương giao tốt bằng những kỹ năng tập luyện được; hai là, người này thuộc mẫu hướng ngoại mạnh, luôn tỏ ra vồn vã với mọi người nhưng khi ở một mình thì lại cảm thấy không lạc quan. Lý do, có thể là bản thân thiếu trưởng thành và khó kiểm soát về mặt cảm xúc vì còn chịu ảnh hưởng nhiều của tác động đám đông (duy đám đông). Một trong hai giả thiết này sẽ được làm sáng tỏ trong những câu sau.
Lúc này chúng ta cần biết giới tính của nhân vật chính vì nó sẽ chi phối cách suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật. Chúng ta tìm được câu trả lời trong câu: “Người lạ ơi, xin giúp tôi mượn bờ vai”. Bờ vai là biểu tượng sức mạnh của người con trai. Thế nên, nhân vật chính ấy là một người nữ. Với câu nói: “Không cần người phải quá sâu sắc, chỉ cần bờ vai người đủ rộng”, chúng ta có thể nhận ra đây là mẫu người nữ hướng ngoại. Vì theo lẽ tự nhiên, một người sống nội tâm rất có nhu cầu tiếp xúc với một người sâu sắc, mà ở đây, em chỉ cần một bờ vai đủ rộng; đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu là vậy !
Người con gái đang sống với những chuỗi tâm lý phức tạp: “Cô đơn, lẻ loi, tâm tư như sóng đánh. Chơi vơi, mệt mỏi, tâm hồn thì mong manh”. Lý do nào đã tạo nên những đợt sóng này ? Tác giả không đề cập rõ chỉ có điều rằng cô bé tự nhận bản thân đã sống một quá khứ ngây dại và nhìn nhận nó là sự yếu đuối. Có thể nói, đây là một thứ tổn thương khiến nhân vật nữ này muốn tìm một người để chia sẻ nỗi lòng và giúp bản thân được chữa lành. Nhưng lạ lùng, cô bé muốn tìm một người lạ, vì người này không hề biết quá khứ của mình. Thế mà, cô tự nhủ: “Cố tỏ ra là mình ổn, nhưng sâu bên trong nước mắt là biển rộng”. Khi bản thân càng diễn kịch cố che giấu và dồn nén những cảm xúc này, chúng sẽ tự kiếm chỗ khác mà xì ra với dưới muôn vàn hình thức khác nhau khiến chính chủ thể cũng không ý thức. Cho đến khi có một “đổ vỡ” khác, cô bé mới nhận ra mình đã quá bị tổn thương. Bản thân cô bé biết mình bị tổn thương trong tình yêu và chỉ có tình yêu thực sự mới chữa lành. Thế mà, em lại đi tìm một cảm xúc hời hợt bên người lạ. Cảm xúc ấy thế nào ?
Người lạ ơi, xin hãy cho tôi mượn bờ vai
Tựa đầu gục ngã vì mỏi mệt quá
Người lạ ơi, xin hãy cho tôi mượn nụ hôn
Mượn rồi tôi trả đừng vội vàng quá
Người lạ ơi, xin người hãy ghé mua giùm tôi
Một liều quên lãng để tôi thanh thản
Người lạ ơi, xin hãy cho tôi mượn niềm vui
Để lần yếu đuối này là lần cuối thôi.
Đây có thể nói là một cảm xúc thật từ một cô gái đang bị tổn thương về lòng tự trọng, từ đó, cô không đi tìm một người bạn thân hay một ai khác để giải tỏa và được chữa lành mà là một người lạ hoàn toàn như một cách chôn vùi quá khứ ngây dại. Đây là một giải pháp bất khả thi, nếu không muốn nói là sai lầm. Điều cô bé đi tìm và ước muốn: “Thứ tôi mong mỏi từng ngày, chỉ đơn giản là tình yêu”. Thế nhưng đương sự đã đồng hóa cảm xúc yêu đương với tình yêu thực sự. Nhà tâm lý học M. Scott Peck nói đúng: Khi người ta đồng hóa tình yêu với cảm xúc, họ sẽ “tự lừa dối” trong tình yêu; điều này bao hàm cả việc cô đã tự dối lòng mình. Và cô bé đã sống với một quan điểm sai lầm khó chấp nhận được: “Cảm xúc không cần phải ngay lối”. Chúng ta thấy rằng một cảm xúc không được kiểm soát đúng mức đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng thế nào, huống chi là một cảm xúc không cần ngay lối, chúng sẽ hủy hoại bản thân đến mức nào nữa !
Thật vậy, chúng ta dễ dàng quan sát thấy hậu quả của những cảm xúc chóng quá của ngày đầu gặp gỡ (người lạ), kết thúc là những viên thuốc ngừa thai, nếu kéo dài sẽ dẫn đến nạo phá thai mà tác hại dẫn đến với nguy cơ rất lớn cho người nữ là mất khả năng sinh con. Sai lầm của hai người lạ lần đầu gặp nhau đã đổ lên đầu những bào thai vô tội. Có một tình yêu đúng nghĩa nào ngay lần đầu ai đó đủ tin tưởng để cho người lạ tựa đầu vào vai mình ? Có một tình yêu thực sự nào mới gặp gỡ đã đủ chín muồi để cho người khác mượn một nụ hôn ?… Nếu cảm xúc yêu đương không cần ngay lối thì tình yêu ấy là thứ tình yêu gì nếu không phải là tình yêu lừa dối. Ít ra, họ mang đến cho nhau sự thỏa mãn về mặt thân xác. Đó là thứ tình yêu được ví như ngọn lửa cháy bùng từ đám rơm rạ, họ tưởng chúng sưởi ấm lòng nhau nhưng thực sự ngọn lửa ấy thiêu rụi cuộc tình và giết chết tình yêu đôi lứa. Tình yêu ấy còn tồn tại chăng khi bạn gái nhủ thầm: “Dù biết chẳng thể cùng đi hết ngày mai” ? Thế mới rõ, người ta dễ dàng đến với nhau không cần một sự gắn kết bền chặt nào. Và kết cục là quá khứ của nhân vật chính không được chữa lành vì cô đã quan niệm sai lầm về cảm xúc và tình yêu. Cái giá phải trả là cô tiếp tục sống lừa dối mình với một người lạ. Và người lạ kia cũng chỉ là nạn nhân của một lối sống qua đường hời hợt. Ít ra, người lạ ấy cũng được lợi một nụ hôn và những gì hơn nữa, nhưng đó không phải là cách suy tính hơn thiệt của một người trưởng thành trong tình yêu.
Ngày nay, các nhà tâm lý còn khám phá ra một điều hết sức thú vị rằng âm nhạc mang tính chữa lành cho người thưởng thức. Thế mà, ca từ của một bài hát không mang tính xây dựng như thế có khả năng chữa lành ư ? Giai điệu có mượt mà và ấn tượng hay hợp thời đến mấy nếu không được lồng vào bằng những ca từ đẹp đẽ và đúng đắn, đồng thời mang tính nhân văn cao thì chúng cũng chỉ là một hình thức “mị dân” không hơn không kém !
Chúng ta không thể phủ nhận ca từ của bài hát mang tính văn chương cao với những đoạn được tác giả dùng những hình ảnh tượng hình để diễn tả tâm trạng sâu lắng và day dứt của nhân vật. Thế nhưng chỉ một tư tưởng sai lầm như con sâu làm rầu nồi canh. Thế mà, hiện nay một phần khán thính giả đang thưởng thức những sản phẩm đại loại như thế, cũng như người dân đang phải gánh chịu những thực phẩm bẩn. Nếu những thực phẩm ấy được các nhà chức trách cho nhập khẩu và xuất xưởng khiến dẫn đến những bệnh ung thư tràn lan cho người dân thì cũng có một căn bệnh ung thư tâm hồn khi những người thưởng thức nghệ thuật và văn hóa, những thứ vốn tạo nên các giá trị tinh thần, không được các nhà chuyên môn đánh giá và định hướng đúng đắn.
Trong lúc tìm ra nguyên nhân của vấn đề, chúng ta cần tạo cho mình một phong cách tán thưởng những gì tốt đẹp cuộc đời mang lại cho ta, và cần nhận dạng những phiên bản lỗi để tránh cho mình và mọi người những hậu quả đáng tiếc. Quả thật, tình yêu vốn tự chúng thì tốt đẹp và đáng trân trọng, chúng được thi vị hóa qua các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là trong âm nhạc. Mỗi người chúng ta được quyền ngân nga những nhạc phẩm tình yêu đúng nghĩa để có thể chiêm nghiệm và sống yêu đời và yêu người hơn. Trong thời kinh tế thị trường ngày nay, họ bày biện tất cả trước mắt chúng ta, điều còn lại là hãy tập cho mình khả năng chọn lọc những gì mang lại các giá trị thiết thực cho đời sống.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)
Lời bài hát “Người lạ ơi” của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa
Tôi lạc quan giữa đám đông
Nhưng khi một mình thì lại không
Cố tỏ ra là mình ổn
Nhưng sâu bên trong
Nước mắt là biển rộng
Lắm lúc chỉ muốn có ai đó
Dang tay ôm lấy tôi vào lòng
Cho tiếng cười trong mắt
Được vang vọng cô đơn
Một lần rồi khỏi những khoảng trống
Mang niềm tin phủ nắng
Nơi u uất để trời cảm xúc
Tìm về với mầm sống
Để nỗi buồn thôi bám víu màn đêm
Sương trên khoé mi
Ngày mai thôi ngừng đọng
Chỉ một lần thôi
Cho sự yếu đuối
Hôm nay thôi đợi mong
Người lạ ơi
Người đến ủi an
Tâm hồn này được không
Người lạ ơi
Xin hãy cho tôi mượn bờ vai
Tựa đầu gục ngã vì mỏi mệt quá
Người lạ ơi
Xin hãy cho tôi mượn nụ hôn
Mượn rồi tôi trả đừng vội vàng quá
Người lạ ơi
Xin người hãy ghé mua giùm tôi
Một liều quên lãng để tôi thanh thản
Người lạ ơi
Xin hãy cho tôi mượn niềm vui
Để lần yếu đuối này
Là lần cuối thôi
Cô đơn lẻ loi
Tâm tư như sóng đánh
Chơi vơi mệt mỏi
Tâm hồn thì mong manh
Không cần người phải quá sâu sắc
Chỉ cần bờ vai người đủ rộng
Chân thành đừng giấu sau màu mắt
Cùng chia sớt những nỗi sầu mênh mông
Cho trái tim yếu đuối được nghỉ ngơi
Cõi lòng hoang sơ
Hôm nay thôi dậy sóng
Một người với tôi vậy là đủ
Những thứ còn lại chẳng quan trọng
Một người không bao giờ
Nhắc về quá khứ
Không để tâm tới
Những ngày tôi ngây dại
Mở lòng bao dung
Bằng tất cả thương cảm
Dù biết chẳng thể
Cùng đi hết ngày mai
Cứ nhẹ nhàng bình yên như mây trôi
Cảm xúc không cần phải ngay lối
Lắng nghe thật khẽ cõi lòng tôi
Một người tôi cần
Lúc này chỉ vậy thôi
Cả trời tâm tư tôi ở đấy
Vậy mà chẳng có ai hiểu
Thứ tôi mong mỏi từng ngày
Chỉ đơn giản là tình yêu
Lâu nay cả trời tâm tư tôi ở đây
Vậy mà chẳng có ai hiểu
Thứ tôi mong mỏi từng ngày
Chỉ đơn giản là tình yêu