Một không gian cho Lời Thiên Chúa lan tràn

Tác giả: Đa-minh Trần Văn Tân, S.J.

 

“Thưa anh em, Kinh Thánh nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng” (Rm 10,8).

Thật tuyệt vời, Thiên Chúa lên tiếng, không phải đâu đó chốn xa xôi, mà là ngay bên, ngay trên miệng và ngay trong lòng.

Sáng sớm ngày lễ ngũ tuần, cộng đoàn các môn đệ thi nhau rao truyền những kỳ công của Thiên Chúa.

Họ nói gì với nhau? Ngọn gió Thần Linh vừa lướt ngang qua đã làm rung chuyển cả Giêrusalem, người ta đổ xô nhau tìm về ngôi nhà nơi các môn đệ ở. Chuyện gì đang diễn ra ở đây khi tất cả đoàn môn đệ đồng thanh đứng ra loan báo những kỳ công của Thiên Chúa? “Ai nấy đều sửng sốt và phân vân, họ bảo nhau: ‘Thế nghĩa là gì?’”.

Kỳ công Hội Thánh sơ khai công bố buổi sáng ngày lễ ngũ tuần là gì?

“Đức Giê-su ấy đã bị nộp và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại…Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.

Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe.”

“Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Ki-tô.”

Thế nhưng, các thế hệ môn đệ, theo dòng thời gian, làm sao có thể hòa mình trong tiếng reo vui này?

“Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.”

Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.

Trước một đoàn dân đông đảo, các tông đồ, những người đã ở với Đức Giê-su cùng nhau đứng ra kể về những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giê-su, Ngôi Lời hằng sống.

Từ đó một Giê-su đã đi rao giảng bây giờ được các môn đệ rao giảng.

Hội thánh sơ khai đã mở ra một không gian cho lời Chúa lan tràn.

Lời Chúa trong CVTĐ kể lại: các tín hữu

  • “chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy” – lắng nghe lời Chúa, lắng nghe những lời Chúa muốn nói để biết Chúa đang chờ đợi điều gì bằng cách để lời Chúa đặt tôi trên đường theo quyền năng và ý muốn của Chúa đã định trước.
  • “luôn luôn hiệp thông với nhau” – hiệp nhất trong Thánh Thần
  • “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh” – sống màu nhiệm Thánh Thể, đi vào bước đường của Đấng đã hiến mình để hiến thánh thế giới.
  • “cầu nguyện không ngừng” – sống kinh nghiệm Chúa ở với mình mọi lúc mọi nơi.

“Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến.”

Cộng đoàn Hội Thánh sơ khai đã mở ra một vùng trời đẹp, một không gian tràn ngập lời Chúa.

Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều…

Lời Thiên Chúa lan tràn từ trái tim đến trái tim, và nhận chìm tất cả trong cung lòng Thiên Chúa.

Câu chuyện Giê-su được kể, chuyện về một con người đã sống trước đây, nhưng khi nghe kể, tôi lại được đặt đối diện với đấng Kitô, Con Thiên Chúa.

“Ai tin rằng Đức Giêsu là đấng Kitô, người ấy đã được Thiên Chúa sinh ra” (1Ga 5,1). Trong khỏanh khắc của niềm tin, thật lạ lùng, được Thiên Chúa sinh ra, tôi là người làm con Thiên Chúa. Giêsu Con Thiên Chúa làm người, dạy tôi sống đời là người làm con Thiên Chúa.

Làm con Thiên Chúa, tôi chiếm một chỗ nơi cung lòng Thiên Chúa, cung lòng của đấng yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một (Ga 3,16).

Ngạc nhiên chưa!  “Anh em hãy xem Thiên Chúa yêu chúng ta dường nào, ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là Con Thiên Chúa.”

Thiên Chúa yêu thương tôi, Người đã cúi xuống trên tôi, cúi xuống ngay trong thân phận yếu hèn của tôi, nâng tôi lên với Người, và gọi tôi là con Thiên Chúa.

Thiên Chúa sẽ làm gì khi muốn nâng con người lên với Ngài, trong khi phải đối mặt với những yếu đuối của con người?

Lịch sử cứu độ được hoàn thành “trong hy vọng dù không còn hy vọng” (Rm 4,18). Chúng ta thường nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ hoạt động qua những mặt tốt của chúng ta, nhưng hầu hết các kế hoạch của Ngài đều được thực hiện qua các yếu đuối của chúng ta và bất chấp sự yếu đuối ấy. Vì vậy, Thánh Phaolô mới nói: “Để cho tôi khỏi tự cao tự đại, thân xác tôi như bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến để hành hạ tôi, để cho tôi khỏi huênh hoang. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi điều này, rằng nó sẽ rời bỏ tôi, nhưng Người bảo tôi: ‘Ơn Ta đủ cho con, vì quyền năng của Ta được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối’” (2 Cr 12,7-9).

Vì đây là một phần của toàn bộ kế hoạch cứu độ, vì thế lời Chúa muốn tôi phải học cách nhìn vào những yếu đuối của mình với lòng thương xót dịu dàng.

Kẻ Ác khiến chúng ta thấy được và lên án sự yếu đuối của chúng ta, trong khi Thánh Thần đưa nó ra ánh sáng bằng tình yêu dịu dàng. Sự dịu dàng là cách tốt nhất để chạm vào sự yếu đuối bên trong chúng ta.

Nghịch lý thay, Kẻ Ác cũng có thể nói sự thật với chúng ta, nhưng hắn làm vậy chỉ để lên án chúng ta.

Chỉ tay và phán xét người khác thường là dấu hiệu của việc không thể chấp nhận sự yếu đuối, sự mong manh của bản thân chúng ta. Chỉ có tình yêu dịu dàng mới cứu chúng ta thoát khỏi cạm bẫy của kẻ tố cáo (x. Kh 12,10). Đó là lý do tại sao việc gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt là trong bí tích Hòa giải, nơi chúng ta cảm nghiệm được sự thật và lòng dịu dàng của Ngài là điều rất quan trọng.

(x. Tông thư trái tim người cha, 2)

Bây giờ thì chúng ta, một khi tin tưởng vào Thiên Chúa, biết mình có thể bước tới trong tình yêu,

“Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra” (1Ga 4,7).

Không gian của lời Chúa đưa ta vào tình yêu và sinh chúng ta ra trong tình yêu.

Từ không gian của lời Chúa, cộng đoàn các tín hữu đầu tiên cũng “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh,” sống bí tích Thánh Thể, ở đó Giê-su có thể nhập thân nơi người môn đệ:  đi với, thở với, nói với, làm việc với người môn đệ.

Thánh thể cũng biến đổi để các thế hệ môn đệ, nói như Phao-lô: “tôi sống không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” Đức Ki-tô tiếp tục yêu mến ngang qua trái tim tôi, tìm đến với mọi người ngang qua bước chân tôi, và tiếp tục nói “lời hằng sống” ngang qua môi miệng của tôi, mở ra không gian của Lời Chúa cho mọi người.

Bí tích Thánh Thể được thiết lập trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu hiến mình để hiến thánh thế giới. Vì thế ngay trên bàn tiệc thánh mỗi ngày là tiếng reo vui của Hội Thánh trong Thánh Thần:

“chúng tôi loan truyền Chúa đã chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại.”

Mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Ki-tô Giê-su. Đến khi Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội, ngoài các Tông Đồ ra,

mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri. Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo Lời Chúa.

“…đi đến tận miền Phê-ni-xi, đảo Sýp và thành An-ti-ô-khi-a. Họ không rao giảng lời Chúa cho ai ngoài người Do-thái. Trong nhóm, có mấy người gốc Sýp và Ky-rê-nê; những người này, khi đến An-ti-ô-khi-a, đã giảng cho cả người Hy-lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giê-su cho họ.”

Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa… lời Thiên Chúa vẫn lan tràn và phát triển.

Không gian của Lời Chúa qui tụ và dẫn đưa tất cả vào cung lòng Thiên Chúa.

Biến vùng đất con người trở thành vùng trời của Thiên Chúa, ở đó Thiên Chúa là tất cả cho mọi người. Công Vụ Tông Đồ diễn tả bằng một lời ngắn gọn: “họ cầu nguyện không ngừng.” Cầu nguyện ở đây trở thành cuộc trò chuyện giữa Thiên Chúa với dân người. Mọi người vui sống trong vòng tay Thiên Chúa, với một con tim lắng nghe, cùng với tấm lòng luôn sẵn sàng ý thi hành ý Chúa muốn. Nghe những gì Chúa muốn nói, và nói điều Chúa muốn nghe, cuộc trò chuyện ròn rã làm thành bài ca tạ ơn và chúc tụng với Giê-su người Con Một yêu dấu, luôn được kết thúc bằng lời kinh: “…này con xin đến để thi hành ý muốn của Cha.”

Tìm đâu ra hạnh phúc như chốn này? Thiên Chúa với đôi tay đầy quyền năng cùng với con tim của lòng thương xót và luôn trung tín, Đấng có lời ban sự sống, nói là làm, và làm được, đối với tất cả những ai sẵn sàng dành chỗ cho Thiên Chúa bước vào và thực hiện những gì Người muốn.

Để kết : Từ Hội Thánh sơ khai cho tới hôm nay, vẫn một tiếng reo vui trong Thánh Thần, trước kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giê-su : “chúng tôi loan truyền Chúa đã chịu chết, và tuyên xưng Chúa đã sống lại.” Đức Giêsu vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình, với một thể xác đã trở thành vinh quang và linh thiêng, “đầy tràn ơn nghĩa và sự thật”, nhận chìm người môn đệ trong cung lòng Thiên Chúa.

“Thiên Chúa vui thích ở giữa dân người,” thích trò chuyện với mỗi người chúng ta,

Như người cha ngóng đợi và khi nhìn thấy đứa con hoang từ xa trở về thì reo vui chạy tới…

Như người mục tử tìm được chiên lạc thì vác trên vai…leo lên đến tận thập giá để trao ban ơn tha thứ và lòng thương xót cho người tử tội bị đòng đinh.

Cuộc trò chuyện giữa Thiên Chúa với con người là những chuỗi ngày chờ đợi, tìm kiếm, kiên nhẫn chỉ dạy, uốn nắn, chăm sóc…thương xót và tha thứ…

Bước vào cuộc trò chuyện với Thiên Chúa, con người dù khó ưa, vỡ vụn đến đâu cũng vẫn đáng thương… Chính sự hiện diện của Chúa với quyền năng của lời hằng sống sẽ kết nối những mảnh vỡ của đời người thành tác phẩm tuyệt vời đáng yêu.

Một con tim lắng nghe, và một tình yêu đến cùng.

Một con tim ngập ngừng và nửa vời sẽ làm cho cuộc sống trở thành bi kịch, rỗng không.

Lời Thiên Chúa là mệnh lệnh: lắng nghe là bước tới; dừng lại là bỏ cuộc.

Đường của đấng có lời ban sự sống đòi chấp nhận và vâng phục.

Bước vào vương quốc của Thiên Chúa là cúi mình trước uy quyền Thiên Chúa, sẵn sàng để Chúa xếp đặt đời mình theo lời của Người.

Kiểm tra tương tự

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …