Một phút nghĩ về cha

ngay-cua-chaNhắc đến người cha, chúng ta thường hay nghĩ đến sự cương trực, đến những đòn roi, đến những lạnh lùng. Dường như hình ảnh người cha đã được mặc nhiên trở thành biểu tượng cho tính uy nghiêm, quy củ và cứng rắn trong gia đình. Khác với mẹ là người lúc nào cũng nhẹ nhàng, chiều chuộng và thỏa mãn hết tất cả những gì ta ước mong, cha cứ luôn tỏ vẻ khó chịu mỗi khi ta vòi vĩnh điều gì đó. Cha bắt chúng ta phải thế này thế nọ, cha nghiêm nét mặt mỗi khi chúng ta sai. Trong mắt ta, cha chỉ như một con người khô khan, một chướng ngại trong đời sống. Nếu mẹ là vầng trăng dịu ngọt, là nơi ta thường chạy đến để trút bầu tâm sự thì cha thường được ví như ánh mặt trời rực rỡ trên cao, như thể muốn đốt nóng ta, làm ta khó chịu, khiến ta cảm thấy sợ hãi khi đến gần.

Ít ai trong chúng ta nhìn thấy đằng sau tất cả những hành xử có nét nghiêm nghị của cha là cả một chân trời vô hạn của tình yêu và hy sinh lặng lẽ. Cả cha và mẹ đều yêu mến con cái mình, nhưng cách thể hiện tình yêu của hai người khác nhau, và ở một phương diện nào đó, hai cách thức này bổ túc cho nhau. Cha là trụ cột của gia đình. Một gia đình sẽ không bao giờ tồn tại và đứng vững khi trụ cột ấy không chắc chắn. Tránh nhiệm đè lên vai cha là sức nặng vừa lo mưu sinh vừa lo cho cuộc sống của vợ và đàn con nhỏ bé đáng yêu của mình. Gia đình là sự sống của cha, hạnh phúc của vợ con là hạnh phúc của cha, nỗi buồn của họ cũng là nỗi buồn của cha. Bởi thế, cha không thể tỏ ra quá mềm lòng trước những trái tính trái nết của con, cha phải dùng đến cây roi để dạy bảo con về đường hay lẽ phải. Cha nặng lời mỗi khi con sai là để thức tỉnh trái tim còn ngu muội của con.

Chỉ là một mầm non vừa chập chững bước vào đời, trước mắt con là khoảng trời thơ với biết bao điều tuyệt mỹ. Con muốn tung bay, muốn thỏa sức chơi đùa, muốn theo cánh bướm ngũ sắc quyến rũ để ngao du khắp nơi. Con đâu biết có bao nhiêu hiểm nguy đang rình rập phía trước, con đâu thấu được sức mạnh của những ngọn cuồng phong ra sao. Như một cây cổ thụ sừng sững với bao nhiêu kinh nghiệm dặm trường, có những khi cha không cho phép con làm điều này, có những lúc cha muốn con phải làm điều kia. Cha biết có thể những điều ấy trái ngược với sở thích và ý nguyện của con, có thể làm con khó chịu, nhưng vì tương lai của con, cha không còn cách nào khác. Cha chấp nhận để mình bị những đứa con thân yêu “hiểu lầm” hay “ghét bỏ”, với một niềm hy vọng là sau này khi lớn lên, các con sẽ có một cách nhìn thật sáng suốt và hiểu được nỗi lòng của cha.

Thế nhưng, nếu có ngày nào đó, các bạn đến gần bên cha, nhẹ nhàng tâm sự với cha, các bạn sẽ khám phá ra một thế giới hoàn toàn khác, đằng sau tất cả những lối hành xử có phần cứng rắn của cha. Tất cả những tình thương ngọt ngào, cha giấu chặt trong tim. Ai bảo rằng cha là đàn ông nên không cần những lời hỏi thăm, không cần những cái ôm ấp. Ai bảo rằng cha chỉ thích cậy quyền chứ chẳng đoái hoài gì đến sở thích của con cái mình. Khóe mắt của cha vẫn có đó những giọt nước mắt khi xúc động. Vòng tay của cha vẫn sẵn đó để chờ đón những người con đến bên mình. Cha ngại ngùng khi nói tiếng yêu nhưng thực ra đấy là lời cha khao khát được nói ra nhất với những người quý mến trong gia đình, bởi cha biết cuộc sống mình sẽ không còn gì nữa khi không có người vợ cùng chung chăn gối, và cha sẽ không còn là cha theo đúng nghĩa nữa khi không uốn nắn con cái nên người. Cha có thể được ví như ánh mặt trời nóng bức, nhưng cái nóng ấy là để đốt cháy cõi lòng con, để đánh thức con dậy, để trao ban cho con một sức sống. Nhờ sự cương trực ấy của cha, mà sau này khi ra đời, con không sợ khi phải đối diện với bất cứ khó khăn hay thử thách nào cản lối.

Có lẽ đã đến lúc, chúng ta phải mở trí khôn ra để nhìn thấy ý nghĩa của tấm lưng còng trên thân cha, của vết chân chim in hằn trên trán cha, của giọng nói rã rời nơi môi miệng cha. Tất cả sự cường tráng của cha năm xưa đã bị tuổi thơ và tương lai của chúng ta cướp mất cách phũ phàng. Ấy vậy mà có bao giờ chúng ta để ý đến đâu!

Lạy Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa những người cha của chúng con, những người còn sống cũng như đã qua đời. Chỉ có Chúa mới thấu hiểu được những hy sinh của các ngài và trả công xứng đáng.

Xin cho chúng con là những người con trong gia đình, biết luôn lắng nghe lời hay ý đẹp cha dạy, để có thể nên người hơn, sống có ích cho đời hơn.

Xin Chúa cũng giúp chúng con biết cảm được những nỗi niềm sâu kín của cha, để không còn trách cứ cha, không còn xa lánh cha, nhưng luôn biết phấn đấu hàng ngày để những hy sinh của cha được thành tựu nơi chính cuộc sống của chúng con.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Manna: Không phải hư mất (Thứ Ba Tuần 2 Mùa Vọng – Mt 18,12-14)

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Mt 18,12-14 12 Khi ấy, Đức Giê-su …

Kinh nghiệm tôn giáo đích thực | Suy niệm Chúa Nhật Tuần XXII – Mùa Thường Niên

Các bạn thân mến! Tôn giáo là một trong những yếu tố thiết yếu trong …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *