NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG NGÀY 2

THỜI KHÓA BIỂU

 Thánh lễ sáng lúc 5 giờ tại nhà thờ Mằng Lăng, ăn sáng xong chúng tôi lên đường đi Quy Nhơn. Khởi hành từ Mằng Lăng lúc 7 g 45 phút và tới Tòa Giám Mục Quy Nhơn lúc 9 g 00. Đoàn vào ngay trong phòng Hội và nghe Lm Võ Tá Khánh trình bày về việc truyền giáo tại giáo phận Quy Nhơn. Những THAO THỨC của Ngài là mong sao việc Truyền Giáo sẽ quan tâm hơn đến CHẤT LƯỢNG, thay vì SỐ LƯỢNG. Hoàn cảnh lịch sử đã xẩy ra là có thời người ta gia nhập đạo theo số lượng vì những quyền lợi cá nhân hơn là chất lượng của một ĐỨC TIN TINH TUYỀN.

Cha Võ Tá Khánh cho biết năm 2018 sắp tới cũng sẽ kỷ niệm 400 năm truyền giáo tại Quy Nhơn. Công việc này đã được sửa soạn 3 năm rồi, và còn nhiều công tác khác phải tiến hành nữa, cụ thể tuần tới sẽ bàn về việc tổ chức phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể cho toàn giáo phận. Vấn đề khó khăn trước mắt là giới trẻ ngày nay bỏ xứ sở đi làm ăn xa hay đi học. Ngoài ra cũng đang cho ấn hành các tờ bướm hay các tài liệu ngắn liên quan đến vấn đề đời sống của giáo phận, làm sao để việc truyền giáo được tiếp tục với các hình thức khác nhau. Cụ thể một đĩa CD với 10 bài ca về MÙA BÁO HIẾU, có chèn vào các lời giới thiệu, để bà con lương dân hiểu rằng, việc gia nhập đạo không có nghĩa là BỎ ÔNG BÀ CHA MẸ. Giáo phận Quy Nhơn đang có nhiều chương trình khác nữa để sửa soạn cho 400 năm Giáo Phận nhận được ƠN ĐỨC TIN vào năm 2018 sắp tới.

Sau đó chúng tôi vào chào thăm Đức Giám Mục Matthêu của Quy Nhơn. Với sự trẻ trung, Ngài đang sắp xếp nhân sự cho việc chuẩn bị 400 năm giáo phận sắp tới. Ngài đã tăng đoàn cuốn sách do Ngài biên soạn: TÂN PHÚC ÂM HÓA TẠI VN VÀ VẤN ĐỀ HỘI NHẬP VĂN HÓA. Sau đó đoàn chúng tôi ăn trưa tại CHỦNG VIỆN lúc 11 giờ 30.

Buổi chiều, khởi từ 14 g 30 chúng tôi đã đi tham quan các nơi quan trọng: Nhà Thờ Gò Thị là Tòa Giám Mục Quy Nhơn thời xưa với đền thánh Anrê Kim Thông, một ông Trùm Cả, đồng thời cũng là người thế giá giàu có đã khai hoang đất đai cho đồng bào, nhưng vì theo đạo Chúa nên bị xử đi đày ở Mỹ Tho và chết trong thời gian tù đày ở đó. Xác của Ngài được đưa về lại Quy Nhơn và lúc đầu được an táng trong MỘ PHẦN của GIA TỘC NGÀI, một khu đất rộng với nhiều ngôi mộ cổ. Mộ của Ngài vẫn còn đó nhưng “xác thánh” đã được phân phối đi các nơi trong giáo phận. Sau đó chúng tôi thăm đền thánh Stêphanô Thể, một giám mục Thừa Sai Paris, vị giám mục của Quy Nhơn đã âm thầm lẩn trốn 20 năm với bà con giáo dân tại khu vực này. Ngài nộp mình để cứu giáo dân vừa “dâng lễ chui” với Ngài. Khi chính quyền đến, chứng cớ rành rành là các chén thánh chưa kịp thu dọn, chứng tỏ có Gia Tô Đạo Trưởng tây phương đâu đây. Họ dọa sẽ giết chết hết các con chiên trong nhà thờ, nếu vị Gia Tô Đạo Trưởng đó không nộp mình. Chính vì vậy, Ngài đã vì đoàn chiên hy sinh ra để đi tù, và chết trong tù. Nhưng án lệnh của triều đình Huế đòi phải PHANH THÂY Cha, nên người ta lại đào mộ Ngài lên, phanh thây và thả xác TRÔI XÔNG, nên Ngài là vị Thánh không có xác lưu niệm.

Điểm tham quan tiếp theo là CƯ SỞ NƯỚC MẶN. Chính nơi đây các cha Dòng Tên lập cư sở thứ hai sau Hội An. Một gia đình đã may mắn có được cư sở này, và giữ cho tới ngày nay. Con cháu của gia đình ấy đã HIẾN DÂNG khu đất này cho giáo phận, nhưng hoàn cảnh khó khăn, con cháu của gia đình này vẫn là CHỦ KHU ĐẤT, chỉ có phần đất 100 m2 đã làm giấy cho giáo phận, nhưng theo ông, toàn bộ khu đất hơn 4 ngàn mét sẽ dâng cho giáo phận để làm nơi Hành Hương sau này. Phần bia TƯỞNG NIỆM CƯ SỞ ĐẦU TIÊN của dòng Tên xưa, nay đã thuộc SỞ HỮU CỦA GIÁO PHẬN, và người ta không còn thắc mắc lắm đến các đoàn Hành Hương vẫn hay đến đây tham quan nữa.

Những thích thú về TINH THẦN TRUYỀN GIÁO THỜI XƯA đã cuốn hút đoàn hành hương đến 19 g 30 mới về tới CHỦNG VIỆN để dùng cơm tối. Chúng tôi có 15 phút để ĂN VỘI BỮA TỐI, và chúng tôi đã lên đường lúc 20 g 05 phút để tham quan Trung Tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu của giáo phận, bên cạnh mộ Hàn Mặc Tử. Cha Đặc Trách Trung Tâm đã tiếp đón chúng tôi tận tình, và chúng tôi đã chuyện vãn với Ngài đến 22 giờ chúng tôi mới về lại CHỦNG VIỆN QUY NHƠN. Đúng là một NGÀY DÀI nhưng không mệt mỏi lắm vì tiện nghi của CHỦNG VIỆN QUY NHƠN đã giúp chúng tôi hồi sức mau chóng, với các bữa ăn rất ngon miệng, phòng ốc khang trang sạch sẽ mát mẻ. Chúng tôi đã đọc KINH TỐI TRÊN XE, nên buổi tối chúng tôi không có phút hồi tâm.

LỊCH SỬ CÁC NƠI THÁNH

 QUI NHƠN, MÀ ĐIỂM NỔI TIẾNG LÀ NƯỚC MẶN

Cư sở NƯỚC MẶN ngày nay thuộc giáo xứ Nam Bình, giáo phận Qui Nhơn. Đó là CƯ SỞ THỨ HAI CỦA DÒNG TÊN, vì sau HỘI AN, một vị QUAN đã MỜI CÁC CHA DÒNG TÊN VỀ ĐÓ. Theo cha Đỗ Quang Chính SJ (DTTXHĐV trang 65-66) thì quan Tri Phủ Qui Nhơn Trần Đức Hòa cho các Cha Dòng Tên đến ở tại Nước Mặn, ông ra lệnh cho dân di chuyển nhà đi xa hơn, để tránh gây hỏa hoạn cho nhà các Cha. Nước Mặn cách thành Qui Nhơn thời đó khoảng 10 cây số về phía Đông ăn ra biển. Thành Qui Nhơn nguyên là thành Đồ Bàn, ngày nay địa điểm này thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Vào thời điểm nầy, Phú Yên vừa mới được chúa Nguyễn đặt nền hành chính (1611) với tên gọi là phủ Phú Yên, thuộc Dinh Quảng Nam. Năm 1629, chúa Nguyễn Phước Nguyên lập Dinh Trấn Biên Phú Yên, giao cho võ tướng Nguyễn Phước Vinh trấn giữ. Như vậy lúc bấy giờ Nước Mặn là phần ĐẤT GẦN CUỐI LÃNH THỔ Đàng Trong.

 Sở dĩ các cha đến lập cư sở ở đây, vì các Ngài mới THOÁT NẠN. Số là từ năm 1617-1639, các Cha Dòng Tên bị các chúa Nguyễn (Nguyễn Phước Nguyên 1613-1635; Nguyễn Phước Lan 1635-1648) thường quản thúc hay trục xuất các nhà Truyền Giáo, vì nghi ngờ người Nhật ở Hôi An đồng tình với cuộc đảo chính của Nguyễn Phước Anh, trong đó có sự hỗ trợ của các cha Dòng Tên chăng. Thêm vào đó cuộc HẠN HÁN năm 1617 khiến các nho sĩ và quần chúng cho rằng ĐẠO MỚI là nguyên nhân của sự HẠN HÁN. Vì thế, khi các Cha được Trần Đức Hòa mời đến Qui Nhơn thì đi ngay, dù Qui Nhơn rất xa với Hội An (Xem DTTXHDĐV trang 56-58). Như thế, cho đến năm 1618, các Giêsu hữu có hai cư sở ở Đàng Trong: Ở Hội An có Cha Marques, và Thầy Tsuchimochi và ở Qui Nhơn có các cha Buzomi[1], Borri, Pina[2] và tu huynh Antonio Dias (ĐQC trang 53). Từ năm 1639 trở đi, TOÀN BỘ các Giêsu hữu bị chúa Thượng Nguyễn Phước Lan trục xuất khỏi xứ sở. Giáo Đoàn Đàng Trong bỗng không còn một bóng thừa sai. Anh chị em giáo hữu tự đứng ra LO CHO NHAU, suốt từ Huế đến Thành Chiêm, Hội An, Hà Lam tới Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Phú Yên.

 Trước tình trạng này, phải giải quyết vấn đề Đàng Trong rao sao ? Chỉ có Đắc Lộ, lúc đó đang dạy thần học tại Áo Môn, được cha Giám sát Rubino cử đi Đàng Trong cùng với 6 anh em khác. Sau có thêm cha Pedro Alberto. Tất cả ĐI RA ĐI VÀO 4 lần trong những năm 1640-1645. Tới bằng cách nào ? Vẫn theo các tàu buôn Bồ Đào Nha đến Đàng Trong, nhưng không RA MẶT, tới khi các tàu đã bỏ hàng, nhổ neo mới xuất hiện. Như vậy, ông Nghè Bộ Quảng Nam mới đành để cho các Cha ở đó, đợi chuyến tàu tiếp theo mới cho các Ngài trở lại Áo Môn. Lần I từ tháng 2/1640 đến tháng 8/1640, có cha Pedro Alberto đi tàu khác đến phụ giúp; lần thứ II từ tháng 12/1640 đến tháng 7/1641, lần này có thêm cha Bento de Mattos. Rhodes sẽ hoạt động truyền giáo từ Quảng Ngãi, qua Qui Nhơn rồi đến Phú Yên, nghĩa là HƯỚNG NAM của Đàng Trong, còn Mattos sẽ tiến về phía Kinh Đô (hiểu là Huế), Quảng Trị, Quảng Bình (Từ sông Gianh trở xuống phía Nam)[3]; lần thứ III từ tháng 1/1642 đến tháng 7/1643, lần nay may mắn có một Thầy Kẻ Giảng Đàng Ngoài, mới 22 tuổi xin đi theo vào Đàng Trong; lần thứ IV từ tháng 1/1644 đến tháng 7/1645, cũng một mình, nhưng khi đến CỬA HÀN, có đến 10 Thầy Kẻ Giảng đón tiếp. Đắc Lộ và các Thầy đến ngay Kinh Đô, tức Kim Long (Huế). Các sinh hoạt tôn giáo và truyền giáo thường được thực hiện vào BAN ĐÊM. Chính ở THỜI ĐIỂM NÀY, cha Đắc Lộ bị Chúa Nguyễn Phước Lan chủ tọa phiên xử kết án TỬ HÌNH cha, nhưng cha được viên Thái Sư của Chúa xin cải án, và CHA BỊ TRỤC XUẤT VĨNH VIỄN khỏi Đàng Trong, bị giải về Hội An ngày 17/6/1645, bị quản thúc trong nhà Nhật Kiều công giáo, và lên tàu về Áo Môn ngày 3 tháng 7 năm 1645. Chúng ta còn nhớ, Đắc Lộ đã chứng kiến cuộc tử đạo của Anrê Phú Yên vào ngày 26 tháng 7 năm 1644, ngót nghét một năm trước khi bị trục xuất.

Cư sở NƯỚC MẶN ngày nay thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tòa Giám Mục Qui Nhơn đã lập nơi đây một bia kỷ niệm. Đáng chú ý, lúc bấy giờ Nước Mặn chẳng những là một trung tâm truyền giáo mà còn là nơi các thừa sai dòng Tên nghiên cứu và sáng chế chữ Quốc ngữ trong giai đoạn thô sơ nhất (giai đoạn phiên âm) và là “trường Quốc Ngữ” cho các thừa sai đến sau. Khi đến nơi, chúng tôi được người chăm sóc bia tưởng niệm CƯ SỞ NƯỚC MẶN mà Tòa Giám Mục đã chính thức đặt bia ở đó cho biết, còn nhiều khó khăn, nhưng chắc rồi cũng ổn, vì còn hơn 4 ngàn mét đất thuộc gia tộc của ông sẽ hiến dâng cho giáo hội, để nới rộng khu vực CƯ SỞ NƯỚC MẶN thành một nơi có thể dâng thánh lễ cho các đoàn Hành Hương. Chúng ta đặt niềm tin và hy vọng nơi Thiên Chúa, nếu Ngài muốn, điểm LỊCH SỬ QUAN TRỌNG này sẽ là nơi để nhắc nhở cho các thê hệ sau biết, từ rất sớm, chỉ sau 3 năm các cha Dòng Tên đến Hội An thì CƯ SỞ này đã thành hình.

            Khi tham quan CƯ SỞ NÀY, chúng tôi hiểu, Chúa vẫn gìn giữ, để những gì được gọi là VẾT CHÂN CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO TIÊN KHỞI DÒNG TÊN, sẽ được bảo tồn, và qua đó, người tín hữu kitô mới có dịp ĐI VỀ CỘI NGUỒN CỦA MÌNH, biết rằng công khó của các bậc cha anh đã KHAI SINH RA GIÁO HÔI VIỆT NAM sẽ được muôn đời lưu giữ, làm bằng chứng cho tinh thần Truyền Giáo của Giáo Hội Sơ Khai Việt Nam. Điều rất đáng quí là các Đấng Bản Quyền địa phương rất trân trọng nhữnng nơi chốn lịch sử này. Chúng tôi vui, vì những gì đã hình thành, sẽ không bao giờ bị MAI MỘT. Dưới đây là bia TƯỞNG NIỆM CƯ SỞ NƯỚC MẶN, đã được chính thức xác định về TÍNH LỊCH SỬ CỦA NÓ.

[1] Buzomi là người được chúa Nguyễn sủng ái, trong khi các Giêsu hữu khác như Tu Huynh Antonio Dias và ba linh mục Antonio Fontes, Garpar Luis, và Romao Nishi bị trục xuất nhân dịp có đảo chánh giữa Nguyễn Phước Anh và Nguyễn Phước Lan. Cuộc đảo chánh thất bại nên Nguyễn Phước Lan trục xuất người Nhật khỏi Hội An nên các cha cũng bị VẠ LÂY. Riêng cha Buzomi thì được Chúa Nguyễn Phước Lan tín nhiệm, nên khoảng năm 1639 được Chúa nhờ về Áo Môn đi “công tác” cho Chúa. Buzomi chưa kịp về Đàng Trong thì chết vì bệnh tại Áo Môn ngày 1 tháng 7 năm 1639. Vì thế tháng 2/1640, Đắc Lộ được sai TRỞ LẠI ĐÀNG TRONG sau 10 năm sống tại Áo Môn dạy học (1630-1640).

[2] Cha Pina chết đắm thuyền ngày 15 tháng 12 năm 1625. Cha là Linh Mục Dòng Tên đầu tiên chết ở Đàng Trong, xác cha được quàn ở Hội An,

[3] Đàng Trong lúc đó có bốn DINH, dinh Quảng Bình, từ sông Gianh đến Bắc Quảng Trị; Chính dinh, gồm phía Nam Quảng Trị và Thừa Thiên (Dinh CÁT ?); Quảng Nam dinh, từ đèo Ải Vân đến hết Qui Nhơn; cuối cùng là Trấn Biên dinh tức Phú Yên ngày nay.

Kiểm tra tương tự

Dòng Tên đánh dấu 400 năm tại Việt Nam

Hơn 3.000 người cùng với 210 tu sĩ Dòng Tên ở thành phố Hồ Chí …

Giới thiệu biến cố 400 năm Dòng Tên đến Việt Nam

BÀI GIỚI THIỆU KỶ NIỆM BIẾN CỐ 400 NĂM DÒNG TÊN ĐẾN VIỆT NAM Ngày …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *