Tương quan giữa đức tin và khoa học
“Chân lý không thể đối nghịch với chân lý”, Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã viết như thế trong Thông điệp 1893 của mình. Chân lý đức tin chẳng có gì phải sợ chân lý khoa học. Kể từ khi bắt đầu triều đại Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã khuyến khích nhiều hơn nữa cuộc đối thoại giữa các nhà thần học và các nhà khoa học, vì ngài cho rằng cả khoa học và tôn giáo đều có thể giúp mang lại cho nhau tất cả những mảnh phần của văn hóa nhân loại. Đức tin cần khoa học để tiếp tục khám phá ra những phức tạp của vũ trụ và để chiếu sáng vào bản chất của con người. Khoa học cần đức tin để bảm đảm rằng con người không bị giới hạn vào những thứ tuyệt đối sai lạc nhưng còn mở ra với siêu việt. Đức tin có thể trở thành mê tín nếu nó loại bỏ tri thức mà khoa học cung cấp. Chân lý đức tin và chân lý khoa học, cùng nhau thắt chặt tri thức của con người một cách đúng đắn.
Thái độ với môi trường
Trong triều đại Giáo Hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II đã cổ võ việc quan tâm đến môi trường. Trong lá thư viết về ơn gọi giáo dân vào năm 1988, ngài viết: “Ngày nay, trong một cách thức tinh nhạy đang gia tăng hơn bao giờ hết, cái gọi là vấn đề “sinh thái” đang đặt chính nó trong tương quan với công việc và cuộc sống mang tính xã hội-kinh tế của con người. Chắc chắn, nhân loại đã nhận được từ chính Thiên Chúa nhiệm vụ “thống trị” thế giới thụ tạo này và “canh tác khu vườn” của thế giới. Nhưng đây là một nhiệm vụ mà nhân loại phải thực thi trong sự tôn trọng hình ảnh thần linh mà mình đã nhận được và vì thế, họ phải thực thi với sự hiểu biết, tình yêu và trách nhiệm đối với những ân sủng mà Thiên Chúa đã và đang tiếp tục tặng ban. Trong Thông điệp năm 1991 nhân kỷ niệm 100 năm Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Leo XIII viết về giới công nhân, Đức Gioan Phaolô II viết: “Nhiệm vụ của nhà nước là phải cung ứng được sự bảo vệ và bảo tồn các sản phẩm chung như các môi trường tự nhiên và con người, vốn là cái không thể chỉ được đảm bảo bằng các lực đẩy thị trường.” Tuyên bố có sức tác động mạnh mẽ nhất của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vào năm 1990 trong thông điệp nhân Ngày Thế Giới Hòa Bình với tựa đề Bình an với Thiên Chúa Tạo Hóa, bình an với toàn thể thụ tạo.
Thái độ của người Ki-tô hữu khi đối diện với đau khổ
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dạy chúng ta rằng, chúng ta chỉ có thể bắt đầu hiểu được ý nghĩa của đau khổ khi chúng ta nhìn vào thập giá Đức Kitô. “Nơi thập giá Đức Kitô, không chỉ có ơn cứu độ được hoàn tất ngang qua sự đau khổ, mà sự đau khổ của con người tự nó được cứu chuộc.” Đức Thánh Cha giải thích rằng đau khổ là “một điều siêu nhiên bởi vì nó được cắm rễ sâu trong mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho thế giới, và nó gắn liền với con người vì nơi đau khổ, con người khám phá ra chính mình, bản tính nhân loại của mình, phẩm giá và sứ mạng của mình.” Sự đau khổ của con người được cứu chuộc nơi cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như Đức Giêsu nói cho chúng ta trong dụ ngôn Cuộc Phán xét chung trong Matthêu 25,31-46: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
Minh Triệu & Hoàng Nam