Một thoáng nhìn về hoạt động Tông đồ xã hội của Tỉnh Dòng

Trong viễn tượng “Đức tin thực thi sự công bằng” (faith doing justice) của Dòng trong suốt 472 hiện diện trên thế giới (kể cả 41 năm Dòng sống trong mầu nhiệm “tử nạn” của Chúa Ki-tô từ 1773-1814), anh em Dòng Tên Việt Nam đã và đang sống ơn gọi này trong hoàn cảnh đặc thù của mình.

Các mục tiêu hoạt động tông đồ xã hội của Tỉnh Dòng, vốn được phát triển theo thời gian, gồm có: dự án, tập huấn và di dân. Dự án là một hoạt động “truyền thống” của tông đồ xã hội của Miền Dòng trước kia và của Tỉnh Dòng hiện nay. Tập huấn là một hoạt động mới bắ t đầu từ năm 2008. Di dân là một chọn lựa ưu tiên của Tỉnh Dòng để đáp lại “dấu chỉ thời đại” của thế giới (năm 2010) cũng như đi vào hoạt động chung của Vùng: phục vụ những anh chị em di dân. Trong hoàn cảnh các nguồn  lực còn nhiều thiếu thốn và yếu kém, việc tông đồ xã hội của Tỉnh Dòng đã sống và hoạt động với sự cộng tác với những người thành tâm thiện chí. Cộng tác không chỉ là một việc “bó buộc theo hoàn cảnh đòi hỏi” nhưng còn là một hướng sống theo tinh thần hoạt động của Dòng: “Cộng tác với giáo dân trong sứ mạng” (Tổng hội 34, năm 1995) và “Cộng tác tại tâm điểm của sứ mạng” (Tổng hội 35, năm 2008).

Trong hướng đi cộng tác trong sứ mạng, Tông đồ xã hội của Tỉnh Dòng hân hạnh giới thiệu hai việc cộng tác với Caritas Phan Thiết và Caritas Vĩnh Long trong chương trình hỗ trợ nước sạch cho người nghèo trong 6 tháng đầu năm 2012.

Caritas Phan Thiết bàn giao nhà máy nước cho Giáo họ La Dày
(Cập nhật: 07/06/2012 09:32:05)

(Nguồn: Website của Caritas Việt Nam)

Sáng Chúa Nhật 03.06.2012, Ban Caritas Phan Thiết và thầy Trần Khắc Bá, đại diện cơ quan tài trợ là Dòng Tên – Grouppo India đã chính thức bàn giao công trình nhà máy nước uống tinh khiết cho linh mục Antôn Nguyễn Bá Thiện, đặc trách Giáo họ La Dày – Gp Phan Thiết. Đây là dự án giúp cho người dân nghèo vùng núi Đami đất bị nhiễm phèn có nước sạch để uống. 
 
Thôn LaDày, Đakim 1 và Đakim 2 là những điểm xa xôi nhất nằm sâu trong núi thuộc xã Đami, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cách Thành Phố Phan Thiết khoảng 150 km về hướng Tây. Dân số tính cả 3 thôn khoảng 3000 người. Chỉ một ít hộ gia đình nằm tập trung trên đường trục chính, còn hầu hết nằm cách xa nhau trên đưới các ngọn đồi trợn dốc. Phương tiện đi lại chủ yếu  xe gắn máy, xe đạp và đi bộ. Đường sá gập ghềnh, núi rừng hiểm trở. Cả vùng Đami  không có Bệnh Viện, chỉ có 1 trạm Y Tế, nếu đau bệnh cấp cứu phải xuống bệnh viện Bảo Lộc cách đó khoảng 50 km đi mất 2-3 tiếng đồng hồ. Ở đây không có chợ chỉ có  vài quán hàng bán những nhu yếu phẩm cần thiết. Dù nằm gần khu vực đập thủy điện Đa Mi nhưng mạng lưới điện và thông tin rất thiếu thốn. Mặt bằng dân trí thấp, tỉ lệ trẻ em bỏ học cao do không có phương tiện đi học. Tại thôn có trường Tiểu học,  duy nhất cả khu vực chỉ có một Trường Trung Học Cơ Sở tại Đagury (cách xa 30 km đường đồi núi) nên các em phải ở nội trú. Học lên cấp III thì phải xuống thị trấn Ma Lâm hoặc Phan Thiết.
 
Một trong những lý do đặc biệt mà Caritas Phan Thiết qua nhiều lần khảo sát để quyết định lập dự án lắp đặt nhà máy nước uống tinh khiết phục vụ người dân ở đây là vì nguồn nước để uống và sinh hoạt chủ yếu sử dụng nước giếng, nhưng nước ở đây bị nhiễm phèn vôi nặng dẫn đến một số người dân có thâm niên lập nghiệp ở đây bị bệnh sỏi thận. Cùng với việc nhiễm phèn thì nguồn nước bị ô nhiễm nặng do việc lạm dụng các loại thuốc trừ sâu rầy, diệt cỏ .v.v. khi canh tác cây trồng. 
 
Dự Án lắp đặt Nhà Máy Lọc Nước tại Ladày  đã tiến hành rất thuận lợi. Vì đây là điều mà người dân khao khát từ lâu, nên khi bắt đầu tiến hành dự án, mọi người đã nhiệt tình ủng hộ, kẻ góp công, người góp của, tất cả cùng chung tay với Cha Thiện để xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề đào giếng gặp nhiều  khó khăn, phải đào đến cái giếng thứ tư mới có nước. Giáo họ khởi công xây nhà đặt máy vào ngày 04.4.2012. Công ty TNHH Thiên Long Phát ráp máy và chạy thử từ ngày 25- 29.4.2012. Đến nay nhà máy đã đi vào hoạt động phục vụ cho bà con rất tốt với giá hỗ trợ 5.000đ/1thùng 20 lit.
 
Từ khi được cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Giám đốc Caritas Phan Thiết, thông báo lên kế hoạch dự án nhà máy nước, Cha Thiện và bà con lương – giáo trong vùng rất phấn khởi. Bởi với công trình nước tinh khiết, người dân ở đây  không chỉ có được lợi ích về sức khỏe và kinh tế, nhưng nhất là họ cảm nhận niềm vui tinh thần khi được sự quan tâm của cộng đồng đối với người dân vùng núi hẻo lánh. Từ đây họ yên tâm vì có nguồn nước uống sạch, góp phần đảm bảo sức khoẻ giúp họ yên tâm lao động sản xuất. Niềm vui đã đến với La Dày, nhưng làm thế nào để có thể vận chuyển nước đến cho Đa Kim 1 và Đa Kim 2 đang là nỗi băn khoăn của cha đặc trách bởi với khoảng cách 7km đường núi dốc đá, bà con rất khó khăn để chở được một bình nước về cho gia đình. Một chiếc xe tải nhỏ để chuyên chở nước cho bà con là mong ước của cha bây giờ.
 
Đến thăm các gia đình người dân trong khu vực La dày, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều sử dụng nước tinh khiết để uống. “An tâm về chất lượng và đảm bảo sức khỏe” là nhận xét của nhiều người sử dụng nước uống từ nhà máy này. Caritas Phan Thiết thay lời cho Cha Đặc Trách Giáo họ và toàn thể người dân tại Ladày và Đakim xin tri ân quý Cha, quý Thầy Dòng Tên – Grouppe India đã giúp cho người dân có được Nhà Máy Lọc Nước Uống rất giá trị. Mong rằng có nhiều người dân nghèo tiếp tục được nhận được sự giúp đỡ của Quý Vị trong những dự án nước sạch trong tương lai.
Hồng Hương
VP Caritas Phan Thiết

Caritas Vĩnh Long thăm Dự án 550 lu nước sạch
(Cập nhật: 11/06/2012 14:35:07)

(Nguồn: Website của Caritas Việt Nam)

Từ ngày 05/06 – 08/06  Linh mục  Micae Trương Thanh Tâm và Thầy Philiphe Trần Thanh Minh đại diện cơ quan tài trợ là Dòng Tên – Grouppo India  cùng với  Caritas Vĩnh Long đi thăm dự án làm 550 Lu nước cho những  hộ  dân nghèo vùng sâu, vùng xa …  rải rác trong 3 Tỉnh:  Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh.

Giáo phận Vĩnh Long nằm trong địa bàn các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, và một phần tỉnh Đồng Tháp (Sa Đéc). Giáo phận Vĩnh Long nằm hai phía tả hữu sông Cổ Chiên, phía Đông Bắc giáp Giáo phận Mỹ Tho, phía Tây Bắc giáp Long Xuyên, phía Nam giáp Cần Thơ và phía Đông giáp Biển Đông. Diện tích: 6.771,79 Km2. Toàn Giáo phận nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho nên có nhiều sông ngòi chằng chịt. Người dân sống trong Giáo phận đa số là người Kinh, một thiểu số người Khơ Me (Trà Vinh, Vĩnh Long), ngoài ra còn có một số Hoa kiều tập trung nơi các phố chợ.

Đa phần người dân nghèo xử dụng nước từ ao rạch sông ngòi, nhưng nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề do nhà vệ sinh công cộng, chuồng trại chăn nuôi gia súc, các chất thải từ các xí nghiệp, hoá chất độc hại diệt sâu rày từ những đồng ruộng, vườn tược… một số nơi không đào giếng được vì  nguồn nước ngầm bị nhiễm sắt. Nhiều người dân xử dụng nước không qua hệ thống lọc ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, sinh ra nhiều bệnh tật.

 Một số người dân nghèo vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh phải dùng lu chứa nước mưa để nấu ăn và sinh hoạt trong gia đình, nhưng vì một số gia đình hoàn cảnh quá nghèo, đông con, bệnh tật  không có tiền làm lu chứa nước sinh hoạt, hằng ngày phải đợi khi nước lớn xuống ao rạch nhỏ múc từng thùng nước đục ô nhiễm xài trực tiếp vì không có lu để lắng trong, hoặc đi sang nhà hàng xóm bưng từng thau nước để nấu ăn.

Bà Trần Thị Năm, 83 tuổi sống với cháu ngoại 12 tuổi, hiện ngụ tại xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre mỗi ngày phải sang hàng xóm xin 1 thau nước để nấu ăn. Nhận được lu nước bà hết sức vui mừng, nửa đêm bà giật mình thức giấc cầm đèn dầu ra nhìn xem lu nước có thật hay là chỉ trong mơ… Bà nhìn mọi người cười tươi dựa vào lu nước làm cho mọi người vô cùng cảm  động, vì nhà nghèo quá, bà không dám mơ làm được lu nước cả bạc triệu đồng như vậy.

 

Trong 3 ngày, chúng tôi đi thăm 3 tỉnh gồm 10 địa điểm trên 550 hộ nhận được lu chứa nước sạch rất vui mừng phấn khởi, vì gia đình họ quá nghèo, làm ngày nào chỉ đủ sống cho ngày đó thôi, không dám mơ có được 1 lu chứa nước to như vậy. Có một số gia đính nghèo đến nỗi không có mảnh đất để đặt lu nước, xin đặt nhờ nhà hàng xóm, chính vì vậy nhận được lu nước chỉ để dành uống, nấu ăn giữ gìn sức khoẻ cho mọi người trong gia đình, chứ không dám tắm giặt. Đặc biệt tại ấp Ba Tiêu, tỉnh Trà Vinh, vùng người Khơme rất nghèo, không tôn giáo, khoảng 35 hộ nhận được lu nước rất vui mừng hân hoan xúm xít giúp nhau chuyển  lu nước đến các hộ dân chung quanh.

Qua chuyến đi mặc dù rất vất vả vì đường dài và mưa bão nhưng chúng tôi rất vui vì giúp cho người nghèo có nước sạch để sử dụng. Nước là nhu cầu cần thiết không thể thiếu trong cuộc sống con người. Cha Giám Đốc Caritas Vĩnh Long thay lời cho Quý Cha và người dân tại 10 Họ Đạo nhận Lu Nước, chân thành Tri Ân Quý Cha và Quý Thầy Dòng Tên – Grouppo India  đã thương giúp cho người dân có được Lu chứa nước uống rất quý báu. Nhưng còn rất nhiều hộ dân nghèo thiếu nước trầm trọng, rất mong có nhiều người dân nghèo tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Quý Vị về dự án Lu nước sạch trong tương lai.

 

Sơ Anna Thuý Phượng

    Caritas Vĩnh Long

Kiểm tra tương tự

Bí tích của niềm hy vọng

  Khi tuyên xưng mình là người Công giáo, ta bước trên cùng một con …

Một phép ẩn dụ về giá trị của người cao tuổi

  Vào dịp lễ, một linh mục Chính thống giáo đã mang đến cho chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *