Một vấn đề của sử học Việt Nam: Vị trí của Đại Việt, Chiêm Thành, Phù Nam trong lịch sử Việt Nam

  1. LẠC VIỆT LÀ CỔ VIỆT

Phải nói ngay rằng, khi phát biểu Lạc Việt là Cổ Việt, chúng tôi muốn khẳng định sự liên tục trong chuyển hóa Lạc Việt- Đại Việt. Nhưng điều này mắc phải sự cản trở của ông Nguyễn Phương.

Đối chiếu ý tưởng với ông Nguyễn Phương thật rất khó vì tính cách nghiêm túc, cẩn trọng của tác giả này. Sử học muốn là một khoa học nên có cái tự kiêu riêng của nó, muốn gạt bỏ “những kẻ lạ mặt trong làng”, không chấp nhận ý kiến của những kẻ không chuyên môn, những kẻ không được rèn cặp bằng phương pháp luận, những kẻ chưa “tiên lợi kỳ thí”. Cho nên mở đầu bài “Tiến trình hình thành…”, ông Nguyễn đã nêu ra những nguyên tắc căn bản:

“Tất cả các dân tộc trên thế giới (…) đều là những thứ người hỗn hợp, không thuần túy thuộc về một loại nhất định. Vì vậy một điều hết sức quan hệ cần chú ý là phải tìm nguồn gốc đại đa số dân chớ không phải dừng lại ở một thành phần nào, rồi bám chắc vào đó nói là nguồn gốc của dân tộc… Lấy cái giống làm đường lối tìm tòi, giống trong phong tục, trong tôn giáo, trong ngôn ngữ, trong nhân chủng (…) chưa đủ, còn (…) sự thay đổi của dân tộc qua trường kỳ lịch sử…

“… Tìm lịch sử là phải dựa vào sử liệu, những sử liệu chính xác, đáng tin chứ không dựa vào những chuyện u linh, quái đản”.

Trong bài, rải rác đến cuối cũng có những biện hộ lý thuyết:

“Dựa trên sử liệu, chúng tôi đã cố nhìn vào nguồn gốc dân tộc Việt Nam một cách vô tư, không để cho một thành kiến, hay một lý thuyết nào có sẵn chi phối.

Chúng ta cũng bắt chuộc tính cẩn trọng đó để trình bày ý kiến.

Trước nhất theo ý chúng tôi, khởi điểm cho giả thuyết của ông Nguyễn Phương là quan điểm về sử liệu và sự sử dụng tài liệu. Trả lời cho câu hỏi nào là tài liệu, chúng tôi có thể thấy ngay đồng ý hay không đồng ý với giả thuyết của ông. Sử liệu, như ông đã nói, phải chính xác, đáng tin, chứ không phải những chuyện u linh, quái đản.

Chúng ta phải nghĩ rằng quan niệm đó có hơi hẹp hòi. “Mọi thứ đều là tài liệu”[6]. Tài liệu chính xác, đáng tin hay không, đáng tin đến mức độ nào là tùy ở khả năng, sự trung thực của sử gia cho phép. Nghe sử quan nhà Nguyễn kể chuyện Gia Long bị Tây Sơn rượt, lênh đênh ngoài biển bảy ngày, bảy đêm, cầu trời bỗng được nước ngọt giữa biển, chúa tôi hết khát, cầm hơi quay về Phú Quốc, một sử gia mới học cách trí sao chẳng cho đó là chuyện bịa về phước mạng đế vương?

Nhưng hãy nhìn kỹ từ chỗ của Ma Ly mà Nguyễn Ánh chạy ra biển, hãy nhớ đến lưu lượng lớn lao của sông Cửu Long, hãy nhìn vào một tấm bản đồ vẽ đáy biển nơi này, sao ta không có một giải thích thỏa đáng về hiện tượng trên?

Bởi vậy, sách của Trần thế Pháp, Lý tế Xuyên [7] cũng là tài liệu. Tài liệu hai lần: tài liệu ghi nhận qua khứ trước thời đại họ và chứng từ về ý thức tâm lý của thời đại các tác giả đó sống. Ta không thấy lối sinh hoạt tế lễ trong dân chúng dưới đời Đinh qua câu chuyện Mộc tinh đó sao? Sao không nghĩ rằng khi truyện Man nương kể việc một nhà sư, hiệu là Già la Bồ lê, từ phương tây qua tu ở chùa Phúc Nhan “hay làm phép đứng một chân”, đó là dấu vết, nếu không là Bà la môn giáo, cũng là một hình thức Phật giáo nặng hình thức Fakir vào thời Sĩ Nhiếp? Những bằng chứng này, đối chiếu với những khai quật cổ học về nên văn minh Lạc Trường, đâu có phải là những tài liệu mơ hồ, quỷ mỵ? Chín cổ thành Troie, văn minh Mycène, Cnossos làm sao phát kiến được, nếu Schieleman coi quyển Iliade, Odyssée là kết tinh từ tưởng tượng phong phú của anh cuồng đồ Homère nào đó?

Câu chuyện 18 đời vua Hùng trị vì 2000 năm thật khó tin nhưng sao ta không nhìn thấy ở đó sự giải thích của thời đại Lý Trần về sự phối hợp bản chất văn hóa xưa cũ của địa phương văn hóa Austro-asiatique- với những yếu tố văn hóa phương bắc tràn xuống mà họ Trần có lẽ không quên là nơi phát xuất của ông tổ họ? Bộ ba Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng trở thành Hùng vương, Lạc hầu, Lạc tướng; con cá sấu thành con giao, con long; con chim Lạc thành Tiên, đó sao không phải là cố gắng giải thích chuyển hóa sau thời độc lập, những truyền thống thời tiền ngoại thuộc?

Vậy không phải là tài liệu không đáng tin, nhưng chính giới hạn kiến thức của người khảo sát đã khiến tài liệu không đáng tin. Rồi từ sự bất cập đó, người khảo sát đã chen vào trong luận cứ mình những phán đoán đầy thiên kiến. Mà như ta đã biết, sử học, muốn trở thành một khoa học, phải loại trừ những phán đoán giá trị đi. Ngô sĩ Liên lụm cụm, không biết đến khoa thổ tục học, nhân chủng học là gì mà còn không dám quả quyết là loạn luân câu chuyện dâu gia giữa kinh dương Vương, Đế Nghi[8], huống chi chúng ta là người đời nay, được biết cả một lô những sự kiện về vấn đề incest!

Quan niệm về tài liệu không phải dừng lại trong khuôn khổ những tài liệu thành văn mà còn thoát ra ngoài khuôn khổ đó nữa. Quan niệm ethno-histoire bị phủ nhật [9], cũng như không có các khoa archéo-histoire, astro-histoire… nhưng sử học phải thu nhận những kiến thức ở các ngành khoa học nhân văn khác, càng ngày càng nhiều[10].

Những xác nhận của ông Nguyễn về sự giống nhau của dân Việt nam và dân Trung Hoa là một lối nói khác của sự phân biệt dân Lạc Việt và dân Việt Nam. Ông lấy chứng dẫn của ông Văn Tân để chứng tỏ về tôn giáo, người Lạc Việt có tô tem là chim mà người Việt Nam lại không có. Vấn đề này, ông Bủi hữu Sũng đã trả lời, tiếc rằng ông Nguyễn Phương, khi đối đáp, không nhắc tới cho sáng tỏ [11]. Riêng chúng tôi, thêm rằng túc lấy gà làm lễ tế tam sinh là một truyền thống nối tiếp lùi trong quá khứ bởi câu chuyện An vương vương cắt cổ con gà trắng để xây thành Cổ Loa. Truyền thống ghi chép thành văn vào thế kỷ 14, nhưng có thể xuất hiện và thừa kế ngay ở thời cổ sơ vậy.

Về sự sử dụng trống đồng, những bằng cớ của ông Nghiêm Thầm đưa ra trong bài “Sự tồn tại của bản chất indonésien trong nền văn hóa Việt nam”[12] không thấy phủ nhận khi bài nghiên cứu lịch sử Lạc Việt, đăng vào năm 1961, được khai triển và đăng lại năm 1965. Chúng ta nên lưu ý rằng thuyết ông Nguyễn nằm trong hai giới hạn: không gian (Hoành Sơn trở ra) và thời gian (đến thế kỷ thứ 10). Những luận cứ của ông Nghiêm cũng như của ông Bùi nhằm vào việc tìm vết tích indonésien hay Lạc Việt trong giới hạn đó, đã trực tiếp hay gián tiếp chận đường thuyết ông Nguyễn, và luận cứ lan rộng trên nhiều lãnh vực chứ không phải bao gồm một thiểu số người trong vùng.

Về phương diện nhân chủng, chúng ta không có tài liệu do người Đại Cồ Việt chẳng hạn, để biết mức độ Mongolic trong dân chúng lúc ấy như thế nào. Ông Nguyễn Phương lại không cho ta rõ bằng cớ về phía đó và sự giống nhau trong nòi Mongolic giữa người Việt và người Trung hoa có vẻ như là một khởi điểm tai hại cho ông trong cách thế khai thác sử liệu.

Lối sắp xếp nhân chủng miền Đông Á có nhiều điểm phân vân[13]: Hãy xem Ashley Montagu đặt người Nam Trung hoa, Đông dương, Miến, Thái, nội địa quần đảo Mã lai vào nhóm Indonésien cùng nhóm Mã lai ở trong sous-groupe mongoloide-indomalais, khác với người Tàu Tây Tạng, Nhật, Triều tiên, Sibérien trong sous-groupe Mongoloide cổ điển. Bà P. Laviosa Lambotti thì cho chủ nhân của nền văn minh nông nghiệp Samrong Sen (bao gồm cả Hòa Bình) là thuộc một loại Mông cổ xưa dân proto mongolidé) pha trộn với giống Autraloide-négroide, nói các thứ thổ ngữ austroasiatique[14]. Giả thuyết này hình như gặp đồng tình ở người chú thích bức ảnh viên tù trưởng miền Cao nguyên khi nhà khảo sát này thấy giống đặc biệt với người tù trưởng da đỏ ở Mỹ Châu, con cháu của một dòng Mongolic từ Sibérie tràn qua eo biển Béhring vào một thời băng giá xưa.[15]

Cho nên tòa soạn Đại Học cũng phải thấy sự phức tạp của vấn đề để phân vân có lý rằng:

Có thể căn cứ vào một vài tài liệu sử học để chủ trương rằng dân Việt Nam từ dân tộc Trung hoa mà ra. Nhưng vì sao ngôn ngữ của ta lại không phải là ngôn ngữ của người Tàu như trường hợp người Hoa kỳ, người Úc đối với người Anh?

“…Ngoài ra lại có những bác sĩ cho rằng yếu tố Rhésus trong máu người Việt Nam không có môt số lượng như trong máu người Tàu?”

Nhưng hãy trở lại mớ tài liệu thành văn của ông Nguyễn Phương đã dùng để thử coi giả thuyết  của ông nếu ra có thể chấp thuận được không. Ông Nguyễn bác bỏ “những chuyện u linh quái đản” vì thấy cái sai của Ngô Sĩ Liên – trường hợp chuyện Triệu quang Phục – không có một chút thắc mắc nào, ông xa lánh những ý nghĩa thô tục, trong các trang truyện huyền hoặc của Đại việt sử ký, Lĩnh nam Chích quái, Việt điện U linh rồi thay vào đó bằng tài liệu của Tư trị Thông giám một cách cả tin. Điều đó thực đáng trách. Phương pháp luận sử học giáo khoa vẫn bảo ta phải phê phán một tài liệu có dưới tay – công trình khoa học nào chẳng phải chịu đựng sự tra hỏi? Tuy nhiên, tra xét, phê bình một tài liệu, không phải là vứt bỏ tài liệu ấy đi nhưng là để tìm lấy những gì còn dùng được.

Nước Trung hoa văn minh sớm hơn chúng ta, tài liệu sử sách có trước chúng ta, nên khi xét về thượng cổ sử Việt Nam, ngay cả đến các sử quan ngày xưa của chúng ta vẫn lấy tài liệu ở người bạn lớn phương bắc. Đừng nghĩ rằng các cụ nhắm mắt chép bừa mà mang tội. Ngô sĩ Liên thêm họ Hồng Bàng chẳng hạn, ngoài cớ bởi sự thúc đẩy của ý thức quốc gia, còn có sự thúc đẩy của ý thức phê phán: thêm vào “chính sử” phần ông cho là còn thiếu. Và chúng ta hiện nay khi dùng lại tài liệu Trung Hoa, thì không phải là tinh thần vị quốc mà vì tinh thần phê phán khoa học thu nhận của Tây phương chúng ta phải phê bình các tài liệu đó trước khi sử dụng.

Nói gọn ở đây, những tài liệu của sử sách Trung Hoa được ông Nguyễn Phương đem ra dùng một cách thiếu dè dặt, hay nói cách khác, ông tưởng đã dè dặt đủ rồi. Người Trung Hoa tất phải chép sự kiện xảy ra dính líu với người Trung Hoa trước. Tôi không nói luôn luôn phải, nhưng trước hết phải: điều không lấy làm lạ vì những nguyên cớ tâm lý ăn sâu vào bản tính con người. Tất nhiên cũng còn tùy thuộc vào loại sách ghi chép: một quyển du ký có nhiều tài liệu địa phương, còn một quyển sử triều đại thì chỉ nói đến địa phương đó khi có những liên quan gợi đến (sứ thần, quan chức cai trị, thương mãi…). Bởi vậy, nếu không bắt đầu bằng một ý thức cẩn trọng, trước những tài liệu nói đến sự di cư qua phía nam của người Trung Hoa, thay vì phải giới hạn kết luận ở chỗ: “suốt ngàn năm Bắc thuộc, người Trung hoa đem đến cho trung châu Bắc hà một sự đóng góp nhân chủng, văn hóa đến cao độ”, người ta lại có thể nghĩ rằng giống như người Anh tới Úc, tới Hoa Kỳ, người Trung hoa sang Việt Nam thành lập với con cháu họ một nước mới, một nước Trung hoa con, dân chúng da nám hơn, dễ xúc động hơn vì nắng nhiệt đới.

Trên kia ta có nhắc tới ý niệm “thiên hạ của người Trung hoa. “Thiên hạ”, dưới trời, của người Trung hoa, là giới hạn không gian mà văn minh Trung hoa lan tràn tới. Bên ngoài giới hạn đó là Man, là Di, là Địch, là Nhung, là Phiên…[16]. Và cương giới “thiên hạ” mở rộng ra khi người Trung hoa có nhiều mối tiếp xúc trong tư thể lấn át với bên ngoài hơn. Bởi vậy, cho nên dân Man miền nam mới theo ngày tháng mà chen vào lịch sử Trung hoa với các tên Ngô, Sở, Việt…, Bách Việt mới được chỉ rõ ra là Đông Âu, Mân Việt, Lạc Việt… Khi người Trung hoa cai trị được ta rồi thì coi là Man, là Liêu, đám dân miền núi khó trị, cố chấp giữ truyền thống, vì ảnh hưởng binh lực kẻ chiếm đóng không tới nơi. Còn đám dân đồng bằng, chịu phục tùng, chấp nhận và bắt chước lối sống của kẻ đi chinh phục, cho nên được nhận vào vòng dân của Hoàng Đế được “vương hóa”. Đó là lời giải thích cho vấn nạn vì sao người Lạc Việt sau này không được nhắc tới mà chỉ nghe nói đến đám dân đã thần phục ở phía nam (An nam) dân đất Giao, châu Giao, những danh hiệu còn ý nghĩa đặc trưng địa lý hơn là tính cách đặc trưng nhân chủng.

So sánh với một mực độ thô thiển, giống như khi ta có bổn phận với một người con nuôi, với một người lạ được chấp nhận vào vòng thân tộc, các quan Trung Hoa vì quyền lợi thực tiễn nữa, phải bảo vệ đám con dân bản xứ, một khi có “lũ phản loạn”: quấy phá và “lũ phản loạn” cũng không thể nào đánh quan lại Trung Hoa mà không chạm tới dân đồng chủng. Vì thế, không thể nhận rằng 60 thành mà Bà Trưng đánh phá gồm toàn dân Trung Hoa, phải coi 12 ngàn người đi theo Mã Viện phần lớn là người bản xứ Giao Chỉ, phải nghĩ rằng Cao Biền xây 40 vạn gian nhà tất để đồng bào ông chọn thứ khang trang ở, nhưng cũng dành phần còn lại cho dân bản xứ để chúng sống yên mà cai trị.

Nói để người Trung Hoa chọn nhà tốt, không dựa trên một bằng cớ sử liệu nào hết, và chắc không ai đem câu đó chép vào một quyển sử đứng đắn sau này, nhưng điều đó suy diễn từ sự kiện chắc chắn là trong thời kỳ Bắc thuộc, người Trung hoa và lai Trung hoa, tất phải được hưởng quyền lợi hơn người bản xứ. Cho nên, khi Mẫu quốc không còn giữ được binh lực ở thuộc địa, những quan cai trị không còn quyền bính nữa, thì những người lai giống địa phương, nhờ uy tín, nhờ tiền của thâu nạp trong thời thuộc địa, lại bất mãn vì không được quyền lợi như người chính quốc, sẽ nhảy ra nắm lấy chính quyền, và được dân chúng ủng hộ. Đó là trường hợp của Lý Bí. Vì Bí là người gốc Tàu nên phổ hệ còn lại, khác hẳn với những Đinh bộ Lĩnh, Lý công Uẩn, truyền thuyết người chăn trâu, kẻ làm con nuôi vị sư là dân bản xứ nên gốc tích tối tăm mù mịt.

Vậy Lý Bí không phải là “người Việt Nam đầu tiên” mà chỉ là người trung gian trong biến chuyển giành độc lập thôi[17]. Xin không lấy ví dụ ở ta mà vừa nguy hiểm, vừa không tôn trọng tính chất bất hồi của sử kiện. Hãy lấy ví dụ của các nước Phi châu, làm thuộc địa trong thời kỳ bộ lạc, và giành được độc lập trong thời kỳ nguyên tử mở màn[18]. Sir Roy Wellensky, Thủ tướng Hội đồng Liên bang Rhidésia-Nyassaland có cha là một người Lithuanie, Tổng thống Kasavubu của Cộng hòa Congo-Léopoldville có ông là một người Trung Hoa; địa vị đó là kết quả của một chừng mực ưu đãi trong quá khứ mà dân bản xứ khó được hưởng. Nhưng xuất xứ của những vị nguyên thủ dù từ đâu đến, cũng không thể là bắng cớ để phủ nhận nguồn gốc đám dân chúng dưới quyền. Nước Xiêm La có một PhyaTâksin, dân Minh Hương, lên làm vua, đâu có phải vì đó mà không xưng được là “đất của người Thái”?

Lý Bí ý thức rõ ràng hơn ông Nguyễn Phương tưởng về địa vị của ông trong nước ông cầm đầu vừa giành được độc lập, khi ông xưng mình là “vua nước Việt” (Việt đế) – tất nhiên gượng gạo hơn Đinh bộ Lĩnh, vua nước Đại Cồ Việt, và vì Thái sư “phò Phi châu tân lập đã lấy lại danh hiệu các quốc gia trước thời ngoại thuộc, ít hay nhiều có dính dáng tới khu vực hiện tại: Cộng hòa Mali, Cộng hòa Ghana, Cộng hòa Magalasi…[19] để chứng tỏ sự kế tục truyền thống.

Lý Bí không lầm lạc đâu, vì sau khi ông Nguyện Phương tưởng yên chuyện trung châu Nhĩ Hà, đã thiên lý luận về phía nam, để quyết đoán vai trò đa số của người “Việt mới” lấn át dân bản xứ nơi khu vực này trong ý nghĩa chức quyền Hành quân Tổng quản của Lưu Phương, thì rải rác khắp nơi ta gặp những dấu nổi loạn của dân bản xứ, chứng tỏ thổ dân đủ cứng đầu để không chịu khuất phục và đủ số đông để gây khó khăn cho quan lại Triều đình. Muốn khỏi tra xét lôi thôi, chúng tôi lấy ngay các tài liệu của ông Nguyễn Phương.

Hai năm sau khi Nhật nam qui thuận nhà Đường (624), một người tên Cương tử Lộ làm phản. Năm 687, có cuộc “nổi loạn của dân thổ” mà một người cầm đầu là Lý tử Thận. Năm 722, ở Hoan Châu, Mai thúc Loan làm loạn dấy quân 40 vạn, liên minh với Lâm âp, Chân Lạp, Kim Lân chống Triều dình. Năm 791, tù trưởng Đỗ anh Hàn vây Đô hộ phủ. Năm 819, lại có loạn của Dương Thanh, cựu Thứ sử Hoan Châu mà Đại Việt Sử ký ghi têm là “đời đời làm chủ dân mường”

Những chứng cớ nầy không thể bỏ qua được, nhưng ông Nguyễn Phương đã cố rút tầm quan trọng hiện diện của người địa phương nên cho đám loạn quân 40 vạn, liên minh với các nước, do một người đen da làm chủ, chỉ là một cuộc nổi dậy hơi quy mô và số lượng quân lính chỉ là tương truyền, trong khi chấp nhận không bàn cãi, số lượng 40 vạn nhà do Cao Biền cất (cứ bổ đồng 2,3 người ở một nhà thì La Thành hối đó có tới triệu dân?). Trong khi đó H.Maspéro[20] dựa trên chữ “An nam thủ lảnh”,_”An nam man cự” để xác định Hắc đế là probablement un seigneur thai ou muong.

Dân bản xứ còn đó, lại thêm được học cách tổ chức kết tập xã hội, cải biến sinh hoạt, sức mạnh mới của họ làm e dè quan quyền trị nhậm. Vì lẽ đó, Lý Bí khởi quân thì người theo đầu tiên là Triệu Túc, tù trưởng Châu Diên (bộ lạc của chồng Bà Trưng). Và khi thua quân, Lý Bí không chạy về miền xuôi, nơi ông Nguyễn Phương giả định có đồng bào của Lý, mà lại chạy về phía Châu Diên, qua Mê Linh, Phong Châu[21], toàn là địa bàn của đám chủ tướng chống đối mã Viện hồi đầu kỷ nguyên!

Kiểm tra tương tự

Chúng ta có thực sự biết mình cần một Đấng Cứu Tinh?

  Với những tiến bộ công nghệ hiện nay, chúng ta dễ bị cám dỗ …

“Cuộc đời” Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được chuyển thể thành phim

  Bộ phim do Lucky Red – công ty hàng đầu của Ý sản xuất, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *