III. SỰ HÌNH THÀNH SƠ KHỞI CỦA QUỐC GIA VIỆT NAM
Vậy sự liên lạc Lạc Việt – Đại Việt đã được chứng minh. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta chấp thuận một sự tiến triển dản dị, thuần nhất chủng tộc, đã đưa đám thổ dân trung châu Bắc Việt từ giai đoạn bộ lạc đến giai đoạn tổ chức thành quốc gia, cởi bỏ ách ngoại thuộc. Trên quan điểm động, Đại Cồ Việt có khác với Lạc Việt – điều đó không có gì ngạc nhiên – nhưng đó là sự khác biệt cần thiết của tiến hóa chứ không phải khác biệt gây nên bởi những nguồn gốc khác nhau.
Hãy bắt đầu từ nơi nào mà thời gian và chứng cớ cho phép nhận biết; hãy cố dừng lại trong vấn đề quy định.
Đám thổ dân sinh sống ở trung châu Nhĩ Hà không phải chỉ là một dúm dân lẻ loi, mà là bộ phận của tập thể văn hóa lớn nằm tràn về phía bắc Chí tuyến Giải đến tận sông Dương tử. Đại bộ phận đó, của tập thể đó, trước sức tràn lấn của văn minh phương Bắc, đã gia nhập vào hàng ngũ Trung Hoa với các tên Ngô, Sở, Việt[22]
Sức tràn lấn đổ về phía nam bị ngăn trở, một phần vì sự chống đối quyết liệt của dân địa phương, trường hợp Dịch hu Tống, An Dương Vương), một phần vì sự tan rã ở trung tâm Hoàng Hà (Tần, Hán, Sở), phần nữa trực tiếp từ nguyên nhân trên, vì sự cát cứ của quan lại Triều Đình (trường hợp nhà Triệu).
Đám người bị sáp nhập vào Trung Hoa đó không phải chịu đồng hóa dễ dàng. Không nói đến đám dân Miêu tử, không nói đến nước Đại Lý, Nam Chiếu sau này, ta thấy sự cưỡng ép đó xuất hiện phần nào trong tư trào văn học, triết lý miền Dương Tử. Giọng điệu bi ai của Sở từ so sánh với sinh hoạt nhã thuần, đằm thắm của Kinh Thi; triết lý đạo giáo có dấu vết tin tưởng nữ thần của nền nông nghiệp ở Trường giang, trong khi tìm cách siêu hóa đã chứng tỏ một mối hoang mang, lạc lõng, tiếc thương, hoài niệm quá khứ, khác với mối sinh hoạt tư tưởng phương bắc vững tin nơi hiệu của của cơ cấu xã hội dưới sự bảo trợ của bực “thiên”, “đế”.
Sự khác biệt đó làm giàu cho tư tưởng Trung Hoa, nhưng cũng làm bằng chứng cho điều ta xác nhận là đám thổ dân Trường giang đi vào đại gia đình Trung hoa vẫn chưa thấy hòa đồng được còn sống bên lề tập thể đó một thời gian khá lâu, và ý thức về điều đó mạnh tới nổi gây thành một trào lưu tư tưởng riêng.
Bộ phận thổ dân Lạc Việt có một lề lối sinh hoạt nông nghiệp và một tổ chức chính trị dựa trên cơ sở đó, cả hai đều có tính cách thô sơ: ruộng ăn nước nhờ thủy triều, xới bằng cuốc đá trau, hệ thống giai cấp với các tên trong sách Tàu là Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng. Sinh hoạt nông nghiệp đó, người Tàu đương thời không biết đến.[23] Cho nên chắc không phải là với ý lập dị mà giáo sư Trần kinh Hòa đề nghị tìm gốc chữ Lạc ở tiếng Chàm là alauk miếng (pièce)[24]
Thời tân thạch Samrong Sen có dấu vết nông nghiệp[25]. Và trung châu Đồng nai hiện nay, dù bị che lấp ồ ạt bằng đủ các thứ dụng cụ đưa nước vào ruộng, mới có, cũ có (máy bơm, xạ quạt, gày tát) vẫn cho thấy rõ người ta còn dùng hình thức ruộng Lạc, vì đó là cách dản dị nhất, ít tốn công nhất: nông dân các vùng sông Vàm Cỏ, chờ lúc triều lên, cuốc lấy một trổ ruộng cho nước song chảy vào, mía trên vùng cao (Gia Định, Bình Dương, Biên Hòa) được trồng trên luống, chừa rãnh dưới chân cho nước ngọt theo thủy triều ra vào hàng ngày khỏi thúi gốc mà lại không phải tưới. Lối lấy nước ruộng thô sơ đến như vậy tất cả không phải chờ đến thế kỷ 17, những người miền ngoài vào chỉ cho, người ta mới biết được. Cho nên chúng ta đề nghị gọi nền văn minh nông nghiệp đó một tên chung là Lạc điền để chỉ như một hình thức duyên hải của nền văn minh Sanrong Sen mà người ta muốn ghép cho toàn vùng Đông nam Á.
Sức đề kháng của nền văn minh phương nam được yếu tố thiên nhiên giúp đỡ: khí hậu ẩm ướt, gay gắt miền nhiệt đới cùng đám rừng rậm hoang vu của nó tạo ra, ngăn trở những toán quân phương Bắc trong chừng mực mà những tiến bộ kỹ thuật của Trung hoa chưa giúp họ vượt qua. Sức chống đối của thiên nhiên phối hợp khả năng với đám dân bản xứ càng ngày càng mạnh hơn. Không phải ngẫu nhiên mà các nước bên dưới Chí tuyến Giải đều không bị người Trung Hoa xâm chiếm qua những cuộc tiến quân ồ ạt lúc đầu rồi lại tan tác vì dịch tể, đói khát lúc sau. Biên giới không phải chỉ mang ý nghĩa một ngăn cách thuần túy thiên nhiên mà còn là một đường vạch co dãn phân định hai lĩnh vực văn hóa.
Nhưng tác dụng của văn hóa Trung Hoa trên Đất Cổ Việt không phải có tính cách tiêu diệt, phá hoại. Các Lạc hầu, Lạc tướng khi được Triệu Đà cho quyền cai trị dân họ để ông rảnh tay đối phó với Hán Vũ đế, Lữ hậu, đã thu nhận phần nào quy mô của kỹ thuật đồng thau vùng Lưỡng Hà [26]. Cho đến khi toán quân Hán của Phục Ba Tướng quân Lộ bác Đức tiến vào Phiên Ngưng thì đám tù trưởng đó mới thấy bị đe dọa nặng nề hơn. Tô Định chỉ là cái bung sũng cho người sau trút tội gây nên cuộc khởi loạn của đám tù trưởng Chu Diên, Mê Linh thôi. Trước đó, Tích Quang (1-5) rồi Nhâm Diên (20-33) đã đem những cải cách mới cho dân chúng trước đó sống phóng túng; lối làm ruộng cày trâu, chấp nhận một hệ thống thần linh với những lễ tiết mới loại bỏ tính cách thần linh của tù trưởng và từ đó đe dọa uy quyền thế tục của họ. Cho nên, Tô Định có “tham bạo”, có chém thêm một ông Thi, tưởng để có thể ngăn ngừa được sức phản đối thì cũng chỉ là làm tràn thêm một cốc nước đã đầy thôi.
Sự bất mãn có tính cách tập thể và ở ngay căn bản sinh hoạt sâu xa như vậy, giải thích vì sao sức phản đối đủ mạnh để đuổi Tô Định, nhưng lại dễ dàng tan rã trước quân Mã Viện. Không quên tài ba của viên tướng này, không quên đám dân quân tinh nhuệ dưới quyền, ta phải ghi nhận sức chống đối rời rạc của nghĩa quân. Ba năm Bà Trưng giữ gìn được đất nước chỉ là thời gian chuẩn bị cất quân chinh phạt của triều đình nhà Hán mệt mỏi vì phản ứng Vương Mãng. Sự kết hợp lỏng lẻo của loạn quân là do bởi tổ chức chính trị của họ chưa rứt bỏ được tình trạng bộ lạc.
Ông Nguyễn Phương đã phân biệt Lạc Việt không phải là Tây Âu.[27] H. Maspéro cũng xác định được dân Dạ Lang ở huyện Chu Ngô, quận Nhật Nam “không biết cất nhà, ở trên cây, ăn cá thịt sống, buôn hương”. Mã Viện vào Thanh Hóa săn dư đảng Bà Trưng, thấy ở đấy dân sống nghề chài lưới, săn bắn, ăn thịt trăn, bắn tên đầu bịt xương và làm ruộng rẫy. Nhưng cổ vật đào được cũng không chứng tỏ ưu thế của tô tem ta quen gọi là Lạc: trống đồng Đông Sơn (Thanh Hóa) và hữu ngạn sông Hồng có hình chim, có người mang lông chim, mác đồng đào ở Thanh Hóa có hình chim, nhưng mác đồng đào ở Kiến An chỉ có hình cá sấu và lẫn lộn ở thống đồng Đào Thịnh (Yên Báy) thì có hình chạm người, thuyền, chim, cá sấu, con vật ám ảnh quen thuộc của người dân đất Giao.[28]
Khi coi cuộc khởi loạn của Hai Bà là một phản ứng căn bản văn hóa thì ta cũng thấy được sự thành công của Mã Viện ồ ạt xua văn minh Trung Hoa vào đè bẹp văn minh Đông Sơn chỉ còn có một nửa tính cách indonésien bản xứ. Vai trò những di dân Trung hoa nổi bật lên và một mặt thổ dân phải chấp nhận đổi thay, một mặt các làn sóng người Bắc phương tràn xuống chiến ưu quyền khiến tình trạng văn hóa, nhân chủng của địa phương càng thay đổi đi.
Nhưng tiếng ngựa Mã Viện hí vang trời cũng không che lấp được tác động tiếp tục chuyển biến văn hóa trong vùng, lần này bắt nguồn từ một phương khác, phương Tây. Có hai nguyên nhân khiến cho văn minh Ấn Độ truyền sang đông: tìm vàng và truyền đạo Phật. Vàng La Mã và Sibétie không đến nữa, Ấn Độ bèn quay sang đông. Phật giáo mang tính cách của một tôn giáo cứu rỗi xóa bỏ quan niệm sợ mất tinh khiết của tin tưởng Bà là môn, khiến cho người Ấn mạnh dạn vượt biển giao tiếp với các dân tộc man di và hòa lẫn với họ.[29]