Mưa lũ dệt yêu thương

Trang trại gà Nghệ An chết 4000 con vì lũ lụt, cả xóm chung tay khắc phục – Ảnh infonet.vietnamnet.vn

 

– Alô! Mẹ à?

– Con nghe quê mình đang mưa lũ lớn lắm hả Mẹ?

– Ừ con! Cơn lũ lịch sử con ạ! Chỗ nhà mình thì cũng không sao, nhưng ở xóm trong thì tội nghiệp lắm! Nhà nào nhà nấy ngập tới ngang lưng, có chỗ thấp thì còn lên tới tận mái ngói. Xót xa lắm con ạ!

– Ghê vậy Mẹ! Thế chắc thiệt hại nhiều lắm Mẹ nhỉ?

– Cũng may ứng phó kịp thời, cả xóm trong nghe tin nước lên, nửa đêm mang hết đồ đạc của cải ra xóm mình gởi nè. Nhà mình cũng chật ních đồ đạc và cả súc vật nữa.

– Thế Bố đâu rồi hả Mẹ?

– Mẹ thấy Bố mi lấy cái áo mưa mặc rồi đi ra ngoài rồi, nói với mẹ là đi giúp người ta chống lụt.

 – Sao Mẹ không nói Bố ở nhà đi, mưa gió vậy đi ra ngoài làm chi cho nguy hiểm.

Mẹ cười trừ: “Ở nhà sao được hả con, tánh Bố mi rứa, ngồi nhà không yên. Mưa lũ thế này phải đùm bọc lẫn nhau chứ con! Hồi xưa mẹ mi cũng vì mê cái tánh hay thương người đó của ổng mà lấy ổng đó!”.

 Mẹ lại cười như chẳng có chuyện gì, rồi an ủi tôi bằng một câu nói dí dỏm: “Bố mi đội nón bảo hiểm mà, lo chi!”

– Trời đất ơi! Lội nước mà còn đội nón bảo hiểm thì sao mà đi nhỉ!

– Sao con nghe toàn tiếng bò rống rồi heo gà kêu ầm ĩ thế Mẹ!

– Ôi thôi chết rồi, mẹ mải nói chuyện, thôi khi khác nói chuyện nha con! Mẹ phải lo cho bầy súc vật của nhà mấy bác xóm trong gởi trước sân nhà mình cái đã, cho nó ăn chứ chắc tụi nó đói nên mới rống lên vậy đó.

– Dạ chào Mẹ, Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe nha!

– Ừ mẹ biết rồi con!

Cứ tưởng tượng ra cảnh sân vườn nhà tôi đầy những bò, heo, gà, vịt nhốn nháo, chen chúc nhau là tôi lại không nhịn được cười. Nhưng nghĩ Mẹ tôi đang tất tả để lo cho chúng, rồi lại vào bếp hong vội nồi xôi để gởi cho gia đình các cô các bác xóm trong để chống chọi qua những ngày mưa lũ, tôi lại vừa khâm phục vừa thương Mẹ và mọi người nhiều hơn.

“Ở nhà sao được hả con, mưa lũ thế này phải đùm bọc lẫn nhau con ạ!”

Quê tôi đã đi qua những mùa mưa lũ như thế đó! Thật khốc liệt nhưng cũng nhẹ nhàng như một định luật đã an bài. Sống chung với lũ để lũ dệt yêu thương, dệt tình người.

Quê hương tôi – miền đất lao lung, nắng mưa khắc nghiệt. Khí hậu đã không ưu ái cho chúng tôi như những miền đất an hòa khác. Mùa hè nơi đây thì nắng hạn, mùa đông lại lũ lụt bão tố. Nhưng tôi vẫn luôn trân quý và biết ơn miền đất thân thương này. Bởi chính tính chất khắc nghiệt đó đã nắn đúc chúng tôi nên những con người cứng cáp và kiên cường hơn. Cuộc sống đối với người dân quê tôi tuy không phải thật dễ dàng, nhưng sức sống và niềm tin vào con người được gầy dựng qua những tình làng nghĩa xóm thì luôn mãnh liệt và trào tràn. Bọn trẻ chúng tôi, vừa lớn lên là mơ ước được đi xa, được khám phá cuộc đời nơi chốn phồn thị, sầm suất hơn. Và rất nhiều người trong số chúng tôi đã thành công trên những miền đất mới lạ. Nhưng tôi chắc chắn rằng tất cả chúng tôi đều cảm nhận được đâu mới thật sự là nỗi nhớ, là niềm thương, là mảnh đất thật sự chứa đựng những ký ức tươi đẹp của mình. Phải! Đó chẳng là đâu khác ngoài hai tiếng “Quê hương”.

Có thể bạn sẽ tự hào về quê hương của bạn – một Hà Nội thủ đô thanh lịch, một Sài Gòn phồn hoa diễm lệ, hay một miền đất trù phú nào khác. Tôi thật sự ngưỡng mộ bạn, nhưng tôi thiết nghĩ mình cũng có quyền để tự hào về một miền Trung đầy nắng và gió, một miền Trung mưa lũ gọi ước mơ. Và hơn hết, tôi tự hào về một miền Trung thắm đượm tình người, là nơi tôi đã sống và cảm nhận trong suốt những năm tháng ấu thơ. Để rồi, những lúc gặp khó khăn nơi đất khách, tôi vẫn sẽ cố níu giữ bước chân mình cho mình khỏi “lạc nhịp” giữa chợ đời. Mong quê mẹ sẽ chẳng phải bận lòng vì tôi.

Ai trong chúng ta đều có một quê hương – một nơi để yêu thương và để trở về. Có lẽ chúng ta cũng không thể làm được gì nhiều cho miền đất chất chứa những khung trời yêu dấu đó, nhưng ít nhất tôi và các bạn đều có thể làm một điều bé nhỏ, một điều mà biết bao nhiêu bà mẹ đều mong muốn là sống thật nghĩa tình giữa miền đất mới. Là trân quý và phát huy những di sản tinh thần của mẹ quê hương trên miền đất lạ ấy. Để con cháu chúng ta một ngày kia cũng có quyền tự hào về cha ông chúng, về nơi chúng thuộc về và gọi bằng hai tiếng: “Quê Hương”.

Salem

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Kiểm tra tương tự

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *