Mừng Kính Các Thánh (1)

AllSaints

Trong Phụng Vụ quanh năm, qua việc cử hành Thánh Lễ, Hội Thánh đặc biệt kính nhớ những mầu nhiệm Chúa Cứu Thế, và tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria cùng một số thánh có tên ghi trong lịch. Vào cuối năm Phụng Vụ, HộI Thánh mừng kính chung trong một lễ, Đức Trinh Nữ và toàn thể các Thánh trên trời. Các Thánh là những người đã “sống đẹp lòng Chúa trên trần gian” (Kinh nguyện Thánh Thể II) và là những chứng nhân sống động và ngời sáng của Chúa Kitô, cho mọi người, không chỉ trên trần gian mà hiện vẫn tiếp tục trên Thiên quốc. Theo nghĩa này, các thánh đã trở nên bất tử, như gợi ý của một khoa học gia công giáo: “Vận mệnh của con người không chỉ giới hạn vào hiện hữu trên trần gian. Con người ít hiện hữu bằng những hành vi thực hiện trong cuộc sống cho bằng dấu vết họ để lại sau lưng như một vệt sao băng” (Lecomte du Nouy, L’homme et sa destinée).

1. Mọi dân tộc, ngôn ngữ
“Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Ðấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta” (Kh 7,9-10).

Sách Khải Huyền vén mở cho chúng ta cảnh tượng huy hoàng của các thánh trên Thiên quốc, nơi các ngài vui hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Hay đúng hơn hạnh phúc của các thánh là chính Thiên Chúa. Quang cảnh Thiên đàng nơi có niềm vui vĩnh cửu và hạnh phúc triền miên trong tình yêu Thiên Chúa là một khích lệ lớn lao đối với các tín hữu đang bước đi trên con đường đức tin và phải lao nhọc trên dương thế, để họ trung thành với ơn gọi làm con cái Thiên Chúa. Vinh quang Thiên quốc là nơi Kitô hữu hướng về, vì chỉ nơi đó mới có hạnh phúc thật. Kitô hữu luôn ghi nhớ điều này để khỏi nhọc công tìm kiếm khoái lạc trần gian mà có nguy cơ đánh mất hạnh phúc bất diệt.

Chiêm ngắm Hội thánh khải hoàn, trong vinh quang Thiên quốc, đồng thời cũng là dịp khơi dậy niềm cậy trông của các tín hữu như lời thánh Phaolô: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Ðức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,19). Cũng trong viễn tượng Thiên quốc, khi hiện ra với thánh Bernadette tại Lộ đức, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã tuyên bố: “Mẹ hứa cho con được hạnh phúc, nhưng không phải ở đời này”. Lời Đức Mẹ nói cho Bernadette cách trực tiếp cũng được gởi đến mọi tín hữu như đề tài suy niệm cách đặc biệt trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn.

“Mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ”. Cách nói cụ thể của Kinh Thánh khẳng định tính phổ cập của Hội Thánh trên trần gian cũng như trên thiên quốc. Hội Thánh Chúa Giêsu sáng lập là Hội Thánh “công giáo”. Đáng tiếc là có rất nhiều giải thích sai lầm về từ ngữ “công giáo”, nhất là khi người ta gán cho nó một ý nghĩa chính trị mà nó không nhắm đến. Thực ra “công giáo” là một khái niệm thần học (kath’olon=chiều kích toàn thể) được ghi lại trong Biểu tín các tông đồ, tức là từ khởi nguyên Kitô giáo. Hội Thánh “công giáo” có nghĩa là Giáo hội hiện diện khắp nơi, bởi lẽ ơn cứu độ mà Đấng Cứu Thế đem đến cho trần gian không dành riêng cho một nước hay một dân, nhưng phổ cập cho mọi dân mọi nước. “Hãy đi rao giảng cho muôn dân…”(Mt 28,19).

Trong ngày lễ Hiển Linh, chúng ta đọc trình thuật về các đạo sĩ từ phương Đông đến bái lạy Vua mới sinh. Đạo sĩ hay vua là hình ảnh biểu tượng của mọi dân tìm đến ơn cứu độ, nhờ việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Trong dịp lễ Giáng Sinh, người ta có thói quen đặt tượng Ba Vua chầu quanh hang đá. Thật ấn tượng,-nhất là đối với trẻ em- khi thấy giữa các vua có một vị da đen.

Người ta còn xác định danh tính và tuổi tác của các ngài. Từ điển Bách Khoa Anh quốc ghi nhận: theo truyền thống Giáo hội phương Tây, Balthasar thường được phác họa như vua xứ Arabia, Melchior vua xứ Ba Tư, và Gaspar như vua Ấn độ.

Melchior lớn tuổi nhất, tóc bạc, râu dài. Gaspar trẻ nhất, không râu. Balthasar, râu rậm, da đen. Balthasar, vua da đen nổi bật, lôi cuốn cái nhìn thán phục của người lớn cũng như trẻ nhỏ. Ba Vua là hình ảnh thu gọn của sự tiếp nhận ơn cứu độ dành cho mọi dân nước. Và hình ảnh ấy tương ứng với số đông không thể đếm được trong vinh quang Thiên quốc như sách Khải Huyền mô tả.

Trong những thế kỷ đầu, Kitô giáo còn giới hạn chung quanh Địa Trung Hải, nhưng với thời gian, Hội Thánh lan rộng trên khắp mặt địa cầu. Và số các thánh từ muôn dân nước ngày càng đông thêm. Vào cuối thế kỷ XX, số các thánh da màu được ghi trong sổ sách các thánh gia tăng đáng kể. Như các vị tử đạo tại Uganda (Phi châu); các thánh tử đạo tại Trung quốc, Việt nam, Triều Tiên (Á châu). Những vị thánh chúng ta biết tên, những vị thánh chúng ta mộ mến, những vị thánh chúng ta biết cả lịch sử và linh đạo. Nhưng thực ra những vị thánh được biết đến vẫn là thiểu số so với muôn vàn các thánh vô danh, những vị âm thầm sống theo Tin Mừng và xây dựng Nước Chúa. Một trong những ngạc nhiên thích thú trên Thiên đàng là gặp lại những đấng thánh mà trên trần gian chúng ta không mấy chú ý và bày tỏ sự kính trọng.

2. Hạnh phúc của các thánh
Hạnh phúc lớn nhất của các thánh là biết mình được Chúa yêu thương, bằng một tình yêu vô biên, vĩnh cửu. Đó là hạnh phúc của Vương Quốc Thiên Chúa, được Chúa Giêsu công bố trong Bài Giảng trên núi, mà nội dung cốt yếu được kết tinh trong “các mối phúc” (x. Mt 5,1-12). Chúa hứa cho những ai sống theo các mối phúc sẽ được vào Nước Thiên Chúa. Cách chung, những chuyên viên Kinh Thánh nói đến tám mối phúc. Nhưng xét cho cùng, các mối phúc quy về hai điểm chính:

1) khiêm tốn, bé nhỏ trước Thiên Chúa và con người;

2) chịu bách hại vì danh Chúa.

Những người sống theo các mối phúc sẽ “vào được Nước Thiên Chúa”. Cách nói này gợi lên ý tưởng: họ là những người được Chúa yêu thương và được mời gọi chia sẻ hạnh phúc tình yêu với Chúa và muôn vàn thần thánh, đời đời trên Thiên quốc. Những người nghèo khó về của cải vật chất, và nhất là nghèo khó trong tinh thần, với những đức tính là: hiền lành, trong sạch, khao khát công chính, sầu khổ, bị bỏ rơi, là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa. Kế đến, những người bị bách hại vì danh Chúa dưới mọi hình thức, nhưng can đảm chọn lựa tình yêu Chúa hơn cả mạng sống mình, thì được chính Chúa làm gia nghiệp. Chính vì thế các thánh rất hạnh phúc, tràn đầy niềm vui. Trong đời dương thế, các ngài thể hiện lý tưởng Kitô giáo là tinh thần khiêm tốn, quên mình và yêu thương, nhân hậu, cảm thông như Chúa Giêsu dạy, giờ đây trên Nước Trời các ngài được ân thưởng bằng tình yêu vô biên của chính Thiên Chúa và cảm nghiệm những điều kỳ diệu: mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe.

“Một trong các Kỳ Mục lên tiếng hỏi tôi: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến?” Tôi trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó”. Vị ấy bảo tôi: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Ðền Thờ của Người; Ðấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn.“ (Kh 7,13-15)

Đặc điểm chung của các thánh trên Thiên quốc là đã trải qua những thử thách lớn lao mà vẫn trung thành với tình yêu Chúa. Khi ở trần gian, các thánh thờ phượng Thiên Chúa trong đức tin, nhưng trên Thiên quốc, các ngài sống trước nhan Chúa “diện đối diện” và không ngừng tung hô chúc tụng Thiên Chúa. Và chính đó là hạnh phúc vô biên của các ngài.

“Tất cả các thiên thần đều đứng chung quanh ngai chung quanh các Kỳ Mục và bốn Con Vật. Họ đều sấp mình xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng: “Amen”(Kh 7, 10-12)

Trên thiên đàng, mọi sự đều mới. Những điều cũ đã qua đi. Không còn tội lỗi. Cũng không còn những hậu quả tàn khốc của tội và sự dữ. Chỉ có tình yêu và ân sủng ngập tràn của Ba Ngôi Thiên Chúa. Và đó là hạnh phúc Thiên đàng. “Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ”(Kh 7,16-17).

Trong vương quốc vĩnh cửu Thiên Chúa, mọi người được vui hưởng: sự thật, sự sống, ân sủng, bình an, công chính, thánh thiện.

“Ðây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất” (Kh 21,3-4) (Còn tiếp)

Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 21-11-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 21/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Trong Gia Đình của …

Mến Yêu Hằng Ngày, 21-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 5, 21-11-2024 (Mt 12,46-50) “Người còn đang nói với đám …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *