Mừng Kính Các Thánh (2)

all_saints_day

3. Ơn gọi nên thánh phổ cập
Khi suy niệm về đời sống các thánh, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng, sự thánh thiện quả là tốt đẹp, nhưng dành riêng cho một số ít, cho thành phần ưu tú, cho những đấng anh hùng, còn phần tôi chỉ cố gắng làm sao để khỏi sa hỏa ngục, là đủ.

Thực ra, mọi kitô hữu đều được mời gọi nên thánh, như Công đồng Vaticanô II tuyên bố:

“Mọi kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên toàn thiện theo bậc sống mình” (LG 42)

“Mọi người đều thấy rõ là tất cả mọi kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được mời gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống kitô giáo và đến sự trọn lành của đức ái” (LG 40)

Trên nguyên tắc, mọi người chịu phép Rửa trong Chúa Kitô, tức là trở nên một chi thể của Chúa Kitô, đều được gọi là “thánh”. Bởi thế, trong các Thư Phaolô, các tín hữu được gọi là “thánh”. Nhưng các tín hữu phải được thánh hóa, mỗi ngày một hơn trong ân sủng Chúa Thánh Thần, mà Chúa Cha ban cho những ai tin vào Chúa Kitô và bước theo Chúa Kitô trên con đường đức ái, như thánh Phaolô nhắn nhủ: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1 Th 4,3).

Chúa muốn chúng ta nên thánh và ban Thánh Thần để chúng ta được thánh hóa: “Thiên Chúa đã chọn anh em ngay từ lúc khởi đầu, để cứu độ anh em nhờ Thần Khí thánh hóa và nhờ lòng tin vào chân lý.” (2 Th 2,13)

Nhưng sự thánh thiện là gì? Đấng thánh là ai?

Trong một lớp giáo lý cho trẻ em, giáo lý viên đặt câu hỏi: “Đấng thánh là ai?” Tất cả các em thinh lặng, vì không thể tìm ra câu trả lời. Nhưng rồi cũng có một em bạo dạn đứng lên và phát biểu: “Đấng thánh là người được ánh sáng chiếu qua”. Em trả lời như thế, vì nhìn lên kính màu ở trên cửa sổ nhà thờ có vẽ hình các thánh. Hình ảnh càng thêm rực rỡ mỗi khi ánh sáng mặt trời xuyên qua. Nhờ ánh sáng mặt trời, hình các thánh trở nên xinh đẹp hơn.

“Đấng thánh là người được ánh sáng chiếu qua”. Một câu nói đơn sơ từ miệng trẻ nhỏ, tuy không chính xác theo tiêu chuẩn thần học khoa bảng, nhưng lại chứa đựng một ý nghĩa sâu xa. Điều cốt yếu trong vấn đề thánh thiện không đến từ con người nhưng đến từ Thiên Chúa. Bởi thế, con người phải luôn ý thức rằng sự thánh thiện là một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa, chớ chẳng phải là do sức lực của con người, dù có cố gắng đến đâu chăng nữa!.

Đấng thánh không nhất thiết phải là người tu hành khắc khổ, không ăn, không ngủ, chỉ biết hãm mình dẹp xác. Theo sự thường, người ta quan niệm sự thánh thiện như một nỗ lực của ý chí nhằm chinh phục sự toàn thiện. Nói khác đi người ta chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh luân lý. Như thi hành các việc đạo đức bên ngoài, hay tuân giữ các giới luật trong đạo. Hoặc suốt ngày kêu: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!”

Đấng thánh chính là người biết lắng nghe Lời Chúa để hoán cải, và liên tục hoán cải tức là không ngừng ra khỏi chính mình để hoàn toàn hướng về Chúa và tha nhân. Đấng thánh là người để Chúa Thánh Thần biến đổi chính mình, được ân sủng thanh luyện để trở nên trong suốt dưới ánh sáng Thiên quốc, và nhờ thế trở nên người mới trong Chúa Kitô. Một vị thánh là người để cho tình yêu Thiên Chúa thấm nhập và tỏa sáng trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Sự thánh thiện, theo Kinh Thánh Cựu Ước, là thuộc tính riêng của Thiên Chúa. Chúa Kitô, con Thiên Chúa, hoàn hảo như Cha trên trời, là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Trong kinh Vinh danh, chúng ta tuyên xưng: “Vì lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Đấng Thánh”. Theo nghĩa Kinh thánh, Thiên Chúa thánh hóa con người bằng việc tách rời họ, để họ tránh xa sự dữ cùng mọi thứ ô nhơ, và để họ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. “Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Ðức Kitô Giêsu, Ðấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa: Ðấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hóa và giải thoát anh em” (1Cr 1,30).

Khi Thiên Chúa chọn gọi một người, một dân, thì Ngài thánh hóa họ: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Ðức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Ðấng Thánh”(Lv 19,2). Hay nói cách khác, sự thánh thiện là một đòi hỏi của Thiên Chúa đối với dân được chọn: “Các ngươi phải nên thánh và phải thánh thiện, vì Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi.” (Lv 20,7).

Lệnh truyền bất di bất dịch của Thiên Chúa được Thánh Phêrô nhắc lại vào thời Tân Ước: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, như kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Ðấng Thánh (1 Pr 1,15-16).

Tác gỉa Thư Do thái còn giải thích rõ ràng hơn: “Anh em phải cố ăn ở hòa thuận với mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện; vì không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa” (Dt 12,14).

Với Chúa Kitô, sự thánh thiện được ban cho loài người nhờ việc Thánh Thần cư ngụ trong linh hồn tín hữu, nếu họ tin Chúa, bước theo Chúa, và tuân giữ các giới răn của Chúa. Nhờ tháp ghép vào Thân Thể mầu nhiệm Chúa Kitô, tín hữu trở nên một thụ tạo mới, như lời Thánh Phaolô: “Phàm ai ở trong Ðức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi”( 2Cr 5, 17). Họ được ân sủng biến đổi cách toàn diện. Không còn cái “tôi” ích kỷ, ngạo mạn, không sống theo ma quỷ, thế gian, xác thịt.

4. Các thánh hiệp thông
Như kết luận cho bài suy niệm về các thánh, chúng ta không quên nhắc đến tín điều: “các thánh hiệp thông” như một điều khoản của kinh Tin kính. Mọi chi thể của Chúa Kitô, được ân thưởng trên thiên quốc hay đang sống trên trần gian, hoặc còn thanh luyện trong Luyện hình, đều hiệp thông với nhau trong kinh nguyện và thông chia ân sủng và phúc lành cho nhau. Mầu nhiệm các thánh hiệp thông không chỉ giúp chúng ta mạnh sức tiến về quê trời nhưng còn cho thấy người Kitô hữu đich thực không bao giờ đơn độc. Chúng ta luôn được nâng đỡ bởi cộng đồng các thánh. ”Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Ðức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết.” (Rm 14, 7-9).

Tất cả mọi Kitô hữu đang sống trong ân sủng luôn cầu nguyện cho nhau và cầu nguyện cho kẻ có tội được ơn cứu rỗi. Đó là một thực tại đáng quý trong Hội Thánh Chúa Kitô.

“Mọi linh hồn nâng cao mình lên là đưa thế giới lên”, câu nói thật ý nghĩa của Élisabeth Arrighi Leseur (1866-1914), giúp chúng ta yêu mến mầu nhiệm các thánh hiệp thông. Élisabeth là một thiếu nữ công giáo kết hôn với một người chồng bác sĩ y khoa, vô đạo, chống giáo sĩ và luôn miệt thị đạo công giáo của người vợ. Nhưng Élisabeth, vợ ông, luôn âm thầm dâng những đau khổ của mình để xin Chúa hoán cải người chồng và ghi những ý nguyện trong một sổ Nhật ký. Sau khi Elisabeth qua đời, người chồng đọc lại nhật ký của vợ. Ông bắt đầu suy nghĩ. Và trong dịp đến Lộ đức với mục đích phi bác những điều được coi là “phép lạ” ở đó, ông được ơn trở lại. Chẳng những thế, ông còn xin vào dòng Đaminh và lãnh chức Linh mục trong Dòng, theo như lời Elisabeth xác quyết với ông trước khi chết: “Em sẽ chết trước anh, và sau khi em chết, anh sẽ được hoán cải, anh sẽ thành tu sĩ. Anh sẽ là Cha Leseur”.

Trong mầu nhiệm các thánh hiệp thông, xin các thánh chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta, đồng thời chúng ta cũng luôn cầu nguyện cho người sống cũng như kẻ chết.

Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 20-11-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 20/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Tất cả là hồng …

Mến Yêu Hằng Ngày, 20-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 4, 20-11-2024 (Lc 19,11-28) Khi dân chúng đang nghe những …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *