Linh mục Federico Lombardi, Giám đốc Văn phòng Báo chí Toà Thánh, mừng sinh nhật thứ 70 hôm 29-8 và sẽ mừng kỷ niệm 40 năm thụ phong linh mục vào ngày 2-9.
Vị tu sĩ Dòng Tên thân thiện và khiêm tốn này thường được gọi là “người phát ngôn của Đức Thánh Cha”. Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài làm Giám đốc Văn phòng Báo chí của Vatican ngày 26-7-2006, thay thế Tiến sĩ Joaquin Navarro Valls, một giáo dân người Ý vừa là nhà báo vừa là thành viên của Hội Opus Dei.
Lúc được bổ nhiệm, Cha Federico Lombardi giữ 2 chức vụ quan trọng tại Vatican: Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Vatican (từ năm 1990) và Giám đốc Đài Truyền hình Vatican (từ năm 2001).
Ngài học tại trường cấp hai và cấp ba của Dòng Tên ở Turin, Ý. Năm 1960, ngài gia nhập Dòng Tên và được Linh mục Morra, thầy của ngài, xếp loại “học sinh thông minh xuất sắc”. Thầy ngài còn lưu ý rằng ngài luôn “xử sự cách giản dị”, theo website “Il Sismografo” của Ý.
Sau khi lấy bằng Triết học tại Đại học Dòng Tên ở miền bắc nước Ý, ngài tiếp tục tốt nghiệp ngành Toán học tại Đại học Turin. Từ 1969-1973, ngài theo học tại Đại học Dòng Tên ở Frankfurt, Đức, và lấy bằng cấp cao hơn về Thần học. 4 năm sau, ngài được bổ nhiệm làm trợ lý biên tập của tờ tạp chí La Civiltà Cattolica uy tín của Dòng Tên, phát hành 1 tuần 2 lần, các bài báo chính của tạp chí được Vatican xét duyệt kỹ trước khi phát hành. Ngài làm bề trên tỉnh dòng Tên Ý từ năm 1984-1990.
Cha Federico Lombardi là cháu của phát thanh viên và là thầy giảng nổi tiếng của Dòng Tên là Linh mục Riccardo Lombardi, trong những năm sau Thế chiến II được mọi người ở Ý gọi là “microphone của Chúa”. Cha Federico Lombardi cũng dành hầu hết cuộc đời mình tham gia truyền thông xã hội: viết báo, phát thanh viên và đứng đầu đài phát thanh và truyền hình.
Là người “phát ngôn” của Đức Bênêđictô XVI, Cha Federico Lombardi đã phải xử lý nhiều tình huống khó khăn. Trong đó có hậu quả của bài diễn thuyết của Đức Thánh Cha ở Regensburg làm người Hồi giáo trên thế giới nổi giận. Nhận xét của ngài về công tác truyền giáo ở châu Mỹ làm phật lòng người Da Đỏ, phản ứng mạnh trước việc ngài nhận xét về bao cao su, người Do Thái tức giận về việc bỏ vạ tuyệt thông đối với Đức Giám mục Williamson, người phủ nhận vụ tàn sát người Do Thái, và lời chỉ trích dường như không bao giờ chấm dứt nhắm vào Đức Thánh Cha. Toà Thánh và Giáo hội Công giáo về scandal giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em. Và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là cơn bão thường xuyên về vụ Vatileaks – tiết lộ các tài liệu mật của Đức Thánh Cha cho báo chí.
Trong những cơn giông tố này, Cha Federico Lombardi luôn giữ bình tĩnh và phản ứng cách thân thiện và nhẹ nhàng trước sự chất vấn và khiêu khích dai dẳng của giới truyền thông.
Ngài đã hành động cách minh bạch, thành thật và không bao giờ chấp nhận vai trò “người phát ngôn”, và vì lý do này, ngài được nhiều tập đoàn báo chí kính trọng và tin tưởng – khoảng 350 nhà báo đến từ tất cả các châu lục được gửi tới làm việc với Văn phòng Báo chí Toà Thánh.
Nguồn: UCA News