“Ngày sa-bát… cứu mạng người hay hủy diệt?” (6.9.2021 – Thứ hai, sau Chúa Nhật XXIII Thường Niên)

 

“Ngày sa-bát… cứu mạng người hay hủy diệt?”
(Lc 6, 6-11)

 

6 Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. 7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người.

8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây! ” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó.9 Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt? “10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra! ” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường.

11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

Trong thư gởi tín hữu Cô-lô-xê, bài đọc 1 của Thánh Lễ hôm nay, thánh Phao-lô nói:

Trong Đức Ki-tô, có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết.

(Col 2, 3)

Xin cho chúng ta cảm nếm được một chút sự khôn ngoan và hiểu biết, được thể hiện nơi lời nói và hành động của Đức Ki-tô, nơi biến cố mà thánh Luca thuật lại cho chúng ta trong bài Tin Mừng.

 

  1. Ngày sa-bát

Luật sa-bát là trung tâm của Mười Điều Răn (x. Xh 20 và Đnl 5), và Mười Điều Răn là trung tâm của toàn bộ Lề Luật. Vì thế, cách hiểu và giữ luật sa-bát diễn tả cách hiểu và giữ toàn bộ Lề Luật, không chỉ Lề Luật Do Thái, nhưng Luật với tư cách là Luật của mọi thời, vì đó là mặc khải phát xuất từ lịch sử cứu độ.

Ngươi sẽ nhớ rằng ngươi đã là nô lệ ở đất Ai-Cập và ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đó bằng bàn tay mạnh mẽ và cánh tay dang thẳng; chính vì thế, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi thực hành ngày sa-bát.

Như thế, luật sa-bát có nền tảng là ơn giải phóng, ơn ban sự sống của Thiên Chúa, và qua việc giữ ngày sa-bát, người thụ hưởng ơn huệ ở lại trong tương quan giao ước tình yêu với Thiên Chúa [1]. Nhưng, như chúng ta thấy trong thực tế, ngày sa-bát đã biến thành một bộ luật phức tạp bao gồm những qui định chi li, dùng để dò xét và lên án. Ngày sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ sự sống, nhưng đã biến thành phương tiện để dò xét và lên án, thậm chí giết chết, nghĩa là hủy hoại sự sống, và giết chết chính Đấng Ban Sự Sống. Bởi vì, chúng ta được mời gọi nhận ra Đấng Ban Sự Sống qua hành vi nhỏ bé chữa lành người bại tay của Đức Giê-su.

Thực vậy, sau khi chứng kiến Đức Giê-su chữa lành người bại tay vào ngày sa-bát, trong hội đường, thánh Luca nói: “họ giận điên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không”; nhưng thánh Mác-cô nói rõ ra: “Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su”! (Mc 3, 6).

 

  1. Những người Pha-ri-sêu và luật sĩ

Họ quan sát Đức Giê-su để xem Ngài có chữa bệnh ngày sa-bát trong hội đường không, để tìm lí do lên án Ngài. Trước đó, họ trách các môn đệ bứt lúa ăn trong ngày sa-bát, vốn là điều không được phép. Xét trên bình diện lề luật, thì họ hoàn toàn đúng, và ngày nay, gần như hàng ngày, chúng ta vẫn còn nghe những lời xét đoán tương tự. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghiệm được điều gì đó thật nghiêm trọng nơi những người thích dựa vào lề luật để xét đoán người khác.

  • Đó là quan niệm sự công chính đến từ việc giữ luật. Quan niệm sự công chính như thế tất yếu dẫn đến cái thú đi dò xét người khác, và cảm thấy vui thích với tình trạng “không công chính”, nghĩa là không giữ luật chặt chẽ, của người anh em hay chị em.
  • Thế mà, theo sách Khải Huyền, dựa vào lề luật để dò xét và tố cáo, chính là hành động đặc trưng của Satan: “Satan ngày đêm tố cáo họ, tố cáo anh em của ta, nay bị tống ra ngoài” (Kh 12). Như thế, những người Pharisieu hành động giống như Satan, giống như tay sai của Satan. Nếu chúng ta làm như họ, chúng ta cũng sẽ trở nên như vậy.
  • Ngoài ra, hành động dò xét để tìm cơ hội tố cáo, tự nó còn hàm chứa thái độ không tin tưởng, thậm chí thái độ lên án trước rồi, và chỉ chờ cơ hội mà thôi. Và, như chúng ta thấy, khi không tìm ra cơ hội, chính họ sẽ tạo ra cơ hội để Đức Giêsu và các môn đệ phạm luật ; các Tin Mừng gọi hành động này là thử hay giăng bẫy.

Có ý đồ làm hại người khác, nhưng lại dựa vào lề luật, vốn là điều tốt, để làm hại, nên không ai làm gì được. Bởi vì có luật cấm và có người vi phạm, bởi vì không ai trong chúng ta, trừ Đức Ki-tô, là hoàn hảo đối với lề luật. Bất cứ ai, khi bị rình mò và nhất là bị gài bẫy, thì rốt cuộc, cũng bị phát hiện vi phạm lề luật. Nhưng, dưới con mắt Đức Giê-su, vấn đề nghiêm trọng không phải là hành vi vi phạm, nhưng là người vạch trần hành vi vi phạm với ý đồ xấu. Luật được thiết lập để phục vụ cho sự sống, nhưng Sự Dữ và những người hành động theo Sự Dữ đã biến Luật trở thành phương tiện để dò xét, rình mò, gài bẫy nhằm hại người, thậm chí giết chết (x. Rm 7, 7-13)

Giống như người Pha-ri-sêu lên đền thờ cầu nguyện : « Con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia » (Lc 18, 11) ; hay như những người bắt quả tang người đàn bà ngoại tình : chúng ta thử hình dung ra mà xem, những bậc vị vọng như kinh sư và Pha-ri-sêu đã phải có những hành động nhỏ nhặt và lệch lạc như thế nào, để có thể bắt quả tang một phụ nữ phạm tội ngoại tình, vốn là một hành vi rất kín đáo (Ga 8, 3) ! Đối với Đức Giê-su, hành động này là nghiêm trọng, vì đó là hành động đặc trưng của Satan (x. Sách ông Giop ; Kh 12, 10). Và chỉ có Đức Ki-tô, Đấng Vô Tội tuyệt đối, mới làm cho ý xấu và chính Sự Dữ lộ ra nguyên hình trong cuộc Thương Khó.

 

  1. Đức Giê-su hoàn tất Lề Luật.

Chúng ta được mời gọi nhìn ngắm Đức Giêsu, hiểu và giữ luật sa-bát như thế nào, qua đó nghiệm được cách ngài hiểu và hoàn tất Lề Luật. Đức Giê-su hiểu và giữ luật sabát bằng cách đẩy luật đi đến cùng đích của nó, nghĩa là tưởng nhớ ơn giải thoát và ơn ban sự sống bằng cách làm điều lành và cứu sống, cho dù phải vi phạm luật làm việc của ngày sa-bát; vì thế ngài hỏi: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” Ngài không chỉ lên tiếng để làm rõ cứu cánh của ngày sa-bát, nhưng còn làm cho ý nghĩa này được ứng nghiệm, bằng cách chữa lành người bị khô bại tay phải. “Tay phải” tượng trưng cho khả năng làm việc để sinh sống. Hành động chữa lành bàn tay phải, xét cho cùng thật nhỏ bé và giới hạn, nhưng ý nghĩa thật lớn lao và vô hạn: Người đến để phục vụ cho sự sống của con người, đến độ liều mất sự sống của mình, vì Người là Đấng Ban Sự Sống, là chính Sự Sống.

Nhưng cách Đức Giê-su chữa bệnh không phải giống như các y bác sĩ, phải lao nhọc, và như thế, vi phạm luật sa-bát. Ngài chữa bệnh bằng lời, Lời sáng tạo và Lời ban sự sống; thực vậy, Ngài nói với người bệnh: “Anh giơ tay ra”. Người bệnh nghe theo lời Đức Giê-su và được lành bệnh. Như thế, Đức Giê-su vừa chữa bệnh, vừa không vi phạm luật làm việc vào ngày sa-bát. Nhưng người ta vẫn cứ “giận điên lên” và tìm cơ hội khác để tố cáo, lên án và loại trừ Đức Giê-su. Như vậy, Sự Dữ thuần túy và tuyệt đối đang dần dần lộ diện. Trong cuộc Thương Khó, Ngài sẽ để cho Sự Dữ đi đến cùng, nghĩa là lấy đi sự sống của Ngài, nhưng đó chính là cách thức:

  • Ngài làm cho Sự Dữ lộ ra nguyên hình. Thế mà, Sự Dữ có bản tính ẩn nấp, và nó chỉ nguy hiểm khi chưa bị phát hiện.
  • Ngài mạnh hơn Sự Dữ, khi không dùng bạo lực chống lại bạo lực, và khi Ngài vượt qua sự chết để đi vào sự sống viên mãn.
  • Ngài mang vào mình những tội lỗi lớn lao như thế, để nói với chúng ta rằng, không có tội lỗi nào của chúng ta, mà Ngài không thể không mang vác được. Như Thánh Phao-lô nói: “Đức Ki-tô chết cho chúng ta, khi chúng ta con là một tội nhân”.
  • Ngài yêu thương chúng ta đến nỗi trao ban chính sự sống của mình, để cho chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa, khi cho chúng ta làm người như thế đó. Như Thánh Phao-lô nói: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô”.

* * *

Chúng ta được mời gọi đến ở lại và học với Đức Giê-su, để cảm nghiệm được Ngài hiền lành và khiêm nhường như thế nào.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Và tất cả Lề Luật (luật đạo, luật đời tu và cả luật đời nữa) đều phải theo khuôn mẫu này: để hiểu và sống lề luật một cách tự nguyện và với niềm vui, phải đầu tư cho kinh nghiệm ơn huệ và phải dựa trên kinh nghiệm ân huệ. Nếu không, dù luật đúng, hay, chi li mấy đi nữa, cũng vô ích, như xã hội chúng ta đang sống cho thấy. Để giữ luật đời, người ta phải kinh nghiệm về “ơn đời” và ước ao “tạ ơn đời”. Và TC thi ân và tỏ mình ra trong cuộc đời, dù người ta có nhận ra hay không. Tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa cũng theo cùng một qui luật.

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 31-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 31/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Đón nhận Ánh sáng …

Mến Yêu Hằng Ngày, 31-12-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 4, 31-12-2024 (Ga 1,1-18)  Lúc khởi đầu đã có Ngôi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *