Ngôi Lời đã làm người: Một khái quát về đức tin Công Giáo (Phần II)

Chương II   ĐỨC TIN: TƯƠNG QUAN CHÚNG TA VỚI THIÊN CHÚA[1] (tt)

  1. Tin là Tín Thác
  2. Tin là Nhận Biết và Yêu Mến Thiên Chúa
  3. Tin là Một Lối Sống
  4. Tin bằng Con Tim
  5. Tin là Sự Cam Kết Cá Vị
  6. Nhiều Đức Tin hay Một Đức Tin
  7. Đức Tin Kitô Giáo: Chấp Nhận Đức Giêsu là Chúa
  8. Đức Tin và Mặc Khải
  9. Nội Dung của Đức Tin
  10. Đức Tin Công Giáo

 

[1] (Trích dịch chương 2 trong cuốn THE WORD MAKE FLESH: An Overview of the Catholic Faith xuất bản năm 1999 của tác giả ANTHONY MARINELLI)

2.      Tin là Nhận Biết và Yêu Mến Thiên Chúa

Hơn cả sự tín thác vào Chúa, đức tin là mối tương quan với Ngài mà chúng ta được sinh vào đó. Vì thế, đức tin là ơn Thiên Chúa ban, nó cũng là tên gọi của tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Đôi khi con người khám phá nơi mình lòng khao khát Thiên Chúa – lòng khao khát biết và yêu mến Thiên Chúa cách tròn đầy hơn. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn nỗi khao khát này. Bởi vì, chúng ta không phải là Thiên Chúa nên chúng ta không bao giờ có thể biết Ngài cách trọn vẹn. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản chúng ta tìm biết Thiên Chúa là ai và điều Ngài mong muốn nơi chúng ta. Trong Cựu Ước, tác giả Thánh Vịnh 42 đã diễn tả lòng khao khát nhận biết Thiên Chúa thế này:

Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,

hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.

Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.

Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?

Chúa Giêsu cũng nói về lòng khao khát này, “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7, 7). Ngài không có ý nói về những thỉnh cầu chúng ta muốn Chúa thực hiện cho ta (“xin giúp con vượt qua bài kiểm tra môn toán này!”), nhưng muốn nói về một cuộc sống liên lỉ tìm kiếm Chúa. Nếu chúng ta lên đường tìm kiếm, chúng ta sẽ đạt được mục đích của mình.

Lòng khao khát này nằm ở tâm điểm hiện hữu của chúng ta. Mọi ao ước và hy vọng được hạnh phúc và thành toàn của chúng ta thực sự chính là lòng khao khát Thiên Chúa, Đấng là cùng đích và là sự thành toàn đích thực của đời sống chúng ta. Thế nhưng, sự đói khát Thiên Chúa trong chúng ta có nguy cơ dẫn chúng ta đi sai đường. Thông thường, những người tìm kiếm sự thành toàn của mình nơi các sự vật thì sẽ không thể nào tìm được. Chẳng hạn, thánh Augustino dấn mình vào việc nghiên cứu triết học và tương quan với một người phụ nữ, người đã sinh cho ông một đứa con, nhưng, cuối cùng, triết học cũng như cô tình nhân không làm thỏa mãn nhu cầu sâu xa nhất của ngài. Để rồi, khi trở thành một kitô hữu, ngài đã nhận ra mình được dựng nên vì tình yêu và vì vinh quang của Thiên Chúa. Nhìn lại cuộc đời, Augustino thốt lên, “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và lòng con hằng khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Ngài”.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Đâu là những “cùng đích chết” mà người đời có thể theo đuổi trên con đường tìm kiếm hạnh phúc?

3.      Tin là Một Lối Sống

Đối với Dân Do Thái, cách thức tốt nhất để biết Thiên Chúa và yêu mến Người là trung thành với Torah (giáo huấn hay “giới luật”). Đức Tin không đơn giản là một tập hợp những ý tưởng – đó là một lối sống. Torah là một hướng dẫn chắc chắn để có thể bước đi trong đường lối của Thiên Chúa. Do vậy, tác giả Thánh Vịnh 1 viết:

Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,

chẳng bước vào đường quân tội lỗi,

không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,

nhưng vui thú với lề luật CHÚA,

nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày…

Vì CHÚA hằng che chở nẻo đường người công chính,

còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong.

(Tv 1, 1-2.6)

Một điều rất quan trọng cần lưu ý: đức tin liên quan đến mọi ngõ ngách nơi đời sống của chúng ta. (Đó là “nẻo đường của người công chính”). Người Do Thái bị cám dỗ giảm thiểu đức tin thành những nghi thức tôn giáo thuần túy. Điều này đã bị các ngôn sứ lên án gay gắt. Các ngôn sứ nhấn mạnh, đức tin chân thật phải liên hệ đến đời sống và nhu cầu thực của người khác. Ngôn sứ Amos đã kết án đức tin sai lầm trong thời của ông, khi họ dùng lễ hội và lễ vật thay cho lẽ phải và lòng thương xót. Hãy lắng nghe lời công bố của Amos về sấm ngôn của Đức Chúa:

Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường;

hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú.

Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu. ..

những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận,

chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài.

Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi

Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.

Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào,

cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.

(Am 5, 21-24)

Vấn nạn này cũng đã tồn tại trong thời Giáo Hội sơ khai (và trong suốt lịch sử của Giáo Hội). Rõ ràng, vấn đề này đã diễn ra nơi một trong những cộng đoàn sơ khai khi một số người trong cộng đoàn ấy không sống đức tin của mình. Dưới đây là những điều thánh Giacôbe viết cho họ trong thư của ngài:

Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. (Gc 2, 14-17)

Ngày nay, dường như có một xu hướng tồi tệ khi liên kết đức tin với một giờ đồng hồ mỗi tuần vào ngày Chúa Nhật. Chắc chắn Thánh Thể hết sức quan trọng, nhưng Thánh Thể không phải toàn bộ của đức tin. Người kitô hữu tụ họp với nhau vào ngày Chúa Nhật để cử hành đức tin mà họ được mời gọi sống hàng ngày và hàng giờ. Cần nhớ rằng Kitô Giáo khởi đầu có nghĩa là “con đường” và dấu chỉ để nhận ra người kitô hữu là kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Chính Chúa Giêsu đã không ngừng khẳng định điều này. Ngài nói:

“Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7, 24-27).

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Bạn có thể áp dụng sứ điệp của ngôn sứ Amos thế nào cho thời đại của chúng ta?

(còn nữa)

Kiểm tra tương tự

Âm nhạc: Chìa khóa nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách

  Shinichi Suzuki đã thay đổi cách giáo dục âm nhạc cho trẻ em. Nhờ …

Tại sao lễ Chúa Hiển Linh được coi là lễ hội ánh sáng?

  Lễ Chúa Hiển Linh tập trung cách đặc biệt vào thực tại Chúa Giêsu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *