Người Chứng Thứ Nhất – Chương IV: Từ Đèo Cả đến Sông Gianh


NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG IV: TỪ ĐÈO CẢ ĐẾN SÔNG GIANH

Anre PY tu dao(1)Tháng 9 năm 643, sau khi giáo sĩ Đắc Lộ đáp tàu đi Phi Luật Tân để về Ao Môn, mười anh em thầy giảng Việt Nam cũng rời Hội An đi Đà Nẵng1. Tại đây, cha con giáo sĩ có một ngôi nhà, nhưng đã bị người ngoại phá hỏng. Các thầy hiệp sức dựng lại ngôi nhà ấy để ở. Trong khi đó, Anrê Phú Yên, vì quá nhiệt thành, làm việc đến quên mình, nên mắc bệnh trầm trọng, tưởng khó lòng sống sót nếu Đức Chúa Trời không gìn giữ để được hy sinh trong một dịp khác tốt lành hơn2. Mấy bạn đồng liêu khác cũng mắc bệnh.

Thầy Ynhaxô, bề trên, hạ mình làm tôi tớ mọi người, ngày đêm săn sóc các bệnh nhân, không một việc gì, dẫu tầm thường hay khó nhọc đến đâu, mà thầy không làm để giúp đỡ anh em.

Vào đầu tháng chạp 1643 3 sau khi mọi người đã khỏe mạnh, các thầy chia nhau đi giảng đạo theo lời dặn của cha Đắc Lộ.

Phái đoàn miền Nam

Đamasô hướng dẫn bốn bạn đồng liêu xuống miền Nam, lần lượt qua các phủ Quảng Nghĩa, Quy Nhơn, rồi xuống tận Phú Yên. Các thầy hoạt động có hiệu quả đến nỗi trong ba tháng, rửa tội được hai trăm chín mươi ba người trong hoàn cảnh không thể trì hoãn được. Ngoài ra các thầy còn sửa soạn cho nhiều người khác sẵn sàng chịu phép rửa tội khi giáo sĩ Đắc Lộ trở lại.

Tại Phú Yên, lúc ấy ông trấn thủ chồng bà Maria Mađalêna đã đổi đi nơi khác4. Ông trấn thủ mới không như ông cũ, rất ghét người công giáo. Thấy đoàn thầy giảng hoạt động có hiệu quả nhiều người ngoại đến khiếu nại với ông, ông liền sai người đi lùng bắt các thầy. Lính không từ cả nhà bà Maria Mađalêna, mặc dầu bà là người hoàng tộc và là vợ ông trấn thủ trước. Chúng xông xáo trong nhà bà, lục lọi từng phòng, để tìm các thầy giảng, nhưng các thầy không còn ở đó nữa. Đến khi biết chuyện này, các thầy lấy làm buồn vì đã mất một cơ hội chịu khó vì Chúa, nhưng bà Maria Mađalêna lại chẳng hề buồn vì đã phải xỉ nhục vì danh Chúa.5

Nhiều giáo hữu khác cũng bị khủng bố. Một bà quả phụ đạo đức kia, trong nhà có nhà nguyện, lính đến bắt bà phải triệt hạ đi. Bà nhất quyết không nghe, lúc thì mạnh mẽ chống trả, lúc dùng lời hiền hậu, luôn luôn bênh vực danh Chúa, sau cùng bà đã thắng dã tâm của kẻ nghịch đạo. Một bà khác, tên thánh là Angiêla, thấy mẹ chồng là Monica triệt hạ bàn thờ vì quá sợ lệnh quan, buồn phiền đến nỗi phát bệnh mà chết, như không chịu nổi tội lỗi nặng nề của mẹ chồng.

Phái đoàn miền Bắc

Trong khi phái đoàn miền Nam hoạt động có hiệu quả như vậy, phái đoàn miền Bắc do Ynhaxô lãnh đạo, còn tỏ ra đắc lực hơn nữa. Cũng trong thời gian ngắn ngủi ba tháng, họ đã rửa tội được ba trăm ba người.

Trước hết các thầy hoạt động tại Thuận Hóa6, kinh đô chúa Nguyễn. Tại đây các thầy rất vui mừng được gặp bà Minh Đức Vương thái phi và được bà giúp đỡ đắc lực. Riêng thầy giảng Ynhaxô lại càng có liên hệ mật thiết với bà, bởi vì trước khi tòng giáo, Ynhaxô đã từng làm quan trong dinh ông tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, con bà, do đó mà được nhờ gương sáng đạo đức của bà7. Nay Ynhaxô đã trở nên lãnh tụ các thầy giảng, trong khi bà Minh Đức vẫn là thủ lãnh các giáo hữu, hai tông đồ gặp nhau, càng chiếu sáng Đức tin ở chốn Kinh đô.

Ngoài bà Minh Đức, các thầy giảng còn được sự cộng tác đắc lực của ba giáo hữu từ nơi xa đến kinh đô trú ngụ để tiện bề giữ đạo và làm tông đồ.

Nguyên trước đây hai năm, giáo sĩ Đắc Lộ đến giảng đạo ở Kẻ Đại trong ba ngày, rửa tội được ba trăm người do các thầy giảng sửa soạn trước8. Sau cuộc rửa tội lớn lao này, những giáo hữu đứng đầu đều bị kẻ nghịch thù oán, nhất là ông Aucơtinh người dạy giáo lý, ông Phaolô, một người thế giá giáu có, và con trai ông là Philipphê. Để tiện bề giữ đạo, ba người sẵn lòng bỏ nhà cửa, ruộng vườn, tản cư đến Kim Long, sống trà trộn trong đám dân cư đông đúc ở Kinh đô. Hai cha con ông Phaolô là người văn học, liền mở hai trường dạy học, ở đối diện nhau, để vừa có kế sinh nhai, vừa tiện làm việc truyền giáo. Quả thực, họ đã khuyên được nhiều người sẵn sàng trở lại đạo.

Một hôm Công Thượng vương ra phố, đi ngang qua trường học, bắt gặp ông Phaolô, mà trước kia chúa đã quen biết và có lòng yêu. Chúa liền gọi vào phủ, phong cho một chức ở ty Xá Sai9. Được hưởng sự may mắn bất ngờ, ông Phaolô hết lòng tạ ơn Thiên Chúa, và càng nhiệt thành hơn với việc tông đồ, “khiến người ta có thể nói đó là một thánh Phaolô tông đồ ở Kinh đô Đàng Trong”.10

Như vậy, khi Ynhaxô và bốn thầy giảng đến Thuận Hóa, cánh đồng đã nhiều lúa chín, chỉ còn chờ gặt: các thầy rửa tội, dạy đạo lý, và khuyến khích mọi người giữ vững Đức tin.

Lễ Sinh nhật năm ấy (1643), đoàn thầy giảng được có mặt tại Kinh đô. Và lịch sử Giáo hội Việt Nam đã được ghi một cuộc mừng lễ Sinh nhật khá ly kỳ, tổ chức ngay trong dinh ông tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, con bà Minh Đức. Tại đây, thầy giảng Anrê, vốn có tài khéo léo, dựng nên một hang đá rất đẹp, có tượng Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ giữa thánh Giuse và Đức Mẹ11. Giáo hữu khắp vùng lân cận kéo đến viếng Chúa Hài Đồng. Chính ông tổng trấn Nguyễn Phúc Khê cùng tất cả con cháu, gia nhân cũng “đến thờ lạy và triều yết Vua vinh hiển xuống thế làm người”12. Không có linh mục, không có thánh lễ Misa, nhưng có một điều đặc biệt: một phụ nữ đã mạnh dạn và sốt sắng lên tiếng trước mặt giáo hữu và quan khách để giảng những sự cao cả về Chúa giáng trần. Phụ nữ ấy chính là bà Minh Đức, mẹ quan tổng trấn, bà dì của chúa Thượng.

Sau đó, các thầy đi lên Quảng Trị, đến quê hương của thủ lãnh Ynhaxô tại Liêm Công, hy vọng sẽ chinh phục được nhiều người đồng hương. Nhưng lời Chúa phán đã ừng nghiệm: “Không ai làm tiên tri trong xứ mình”. Quả thực Ynhaxô chẳng những không khuyên bảo được ai, lại bị những kẻ trước kia đã cảm phục mình khi còn làm quan, nay coi mình như người điên. Sau cùng ông chỉ rửa tội được hai người thân nhất: bà mẹ và bà nội, lúc ấy đã 80 tuổi.

Trong giai đoạn truyền giáo này, thầy giảng Anrê Phú Yên đã giữ một nhiệm vụ rất quan trọng, mà giáo sĩ Đắc Lộ tóm tắt như sau:

“Thầy Anrê đặc biệt chăm chỉ đi theo thầy giảng sốt sắng Ynhaxô trong mọi hoạt động vì lòng bác ái, thầy đến tận kinh đô xứ Đàng Trong, ở đó riêng mình thầy làm việc bằng nhiều kẻ khác.

Thầy giảng đạo cho người ngoại giáo, dạy dỗ kẻ tân tòng, dọn dẹp nhà thờ rất sạch sẽ, trang hoàng nhà thờ những ngày lễ lớn quanh năm, khéo léo đến nỗi làm cho bổn đạo tăng thêm lòng sốt sắng và cả người ngoại giáo cũng phải trọng kính mầu nhiệm của đạo”.13

Vui ngày tái ngộ

Sau ba tháng đi giảng đạo khắp nơi, nhớ kỳ hẹn cha Đắc Lộ sắp trở lại, Ynhaxô, Anrê và ba thầy khác lên đường về Đà Nẵng. Năm thầy giảng miền Nam cũng vừa về tới14. Ai tả được nỗi vui mừng của đoàn tông đồ khi đoàn tụ để cùng nhau kiểm điểm những kết quả của ba tháng hoạt động trên khắp các ngả đường đất nước, từ luỹ Đồng Hới từ núi Đá Bia. Họ càng hoan hỉ hơn nữa khi được tái ngộ cùng cha thiêng liêng sau hơn năm tháng cách biệt, nay trở lại cùng đoàn con như lời hẹn. Lúc ấy là đầu tháng ba năm 1644.15

Sau những cuộc hàn huyên thân ái, cha con cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa. Nhân dịp này, cha Đắc Lộ phong cho Ynhaxô chức “thầy” và cho mặc áo dòng mỗi khi ra trước công chúng để tăng uy tín cho vị thủ lãnh các thầy giảng.16

Liền sau đó, cha Đắc Lộ lên đường đi Thuận Hóa, bề ngoài là để chầu kính và dâng lễ vật cho chúa Nguyễn, song thực ra là để thăm viếng các bổn đạo cũ và mới. Cả mười thầy giảng cùng đi theo.

Công thượng vương nhận lễ vật và tiếp giáo sĩ rất thân mật. Ngày hôm sau, nhà vương xuống tận thuyền của giáo sĩ để hỏi thăm, may lúc ấy giáo sĩ vừa đi thăm bổn đạo về, có mặt trong thuyền để thừa tiếp nhà vương.

Tối hôm trước, giáo sĩ và các thầy giảng vừa rửa tội được cho hai trăm bổn đạo mới, trong đó có nhiều binh sĩ của nhà vương, đứng đầu là một vệ uý, được đặt tên thánh là Gioankim và vợ là Anna.

Mặc dầu chúa Thượng tỏ ra có cảm tình, giáo sĩ Đắc Lộ vẫn dè dặt. Giáo sĩ không dám công khai đến thăm bà Minh Đức, sợ phật ý nhà vương. Lý do chính khiến giáo sĩ phải dè dặt, ấy là vì chúa Thượng ngờ bà Minh Đức lợi dụng các giáo sĩ dòng Tên là những người giỏi toán pháp, thiên văn và địa lý để giúp bà tìm hướng tốt, đất lành cho mồ mả của mình mai sau phát phúc, và như vậy sẽ chiếm đoạt nghiệp chúa về cho con cháu mình. Nhà vương có biết đâu bà đạo đức ấy chỉ cần giáo sĩ giúp đỡ để đoạt ngôi báu trên nước Thiên đàng mà thôi!17

Từ khi nghe tin giáo sĩ Đắc Lộ đến kinh đô, nhiều lần bà đã sai người đến mời giáo sĩ. Giáo sĩ đành phải đến nhà bà kín đáo ban đêm. Bà xưng tội rước lễ cùng tất cả mọi người trong nhà. Giáo sĩ cử hành lễ Lá trong dinh bà, có rất đông giáo hữu ở ngoài vào tham dự. Sau đó, giáo sĩ cùng các thầy giảng về Quảng Nam mở lễ Phục Sinh.

Hai tuần sau, giáo sĩ lại lên Kinh đổ để thỏa mãn sự đòi hỏi của các giáo hữu Thuận Hóa. Dịp này giáo sĩ rửa tội cho nhiều người phục vụ trong phủ chúa.

Đôi bờ sông Gianh

Tiếp tục cuộc hành trình, đoàn tông đồ lên tới dinh Quảng Bình. Tại đây giáo sĩ Đắc Lộ vào yết kiến và tặng lễ vật cho ông trấn thủ Nguyễn Cửu Kiều. Ông trấn thủ đối đãi rất tử tế và tỏ ra rất thông hiểu lẽ đạo, khiến giáo sĩ tưởng trước kia ông đã có đạo, song ông ta không chịu nói rõ18. Giáo sĩ đã không ngờ rằng bà vợ ông, tôn nữ Ngọc Đỉnh, chính là em gái thứ tư của tôn nữ Ngọc Liên, vợ ông trấn thủ Nguyễn Phúc Vinh, người mà ta nhận định là bà Maria Mađalêna, trước đây ba năm đã tiếp đón giáo sĩ ở Phú Yên. Như vậy thì không lạ gì mà ông Nguyễn Cửu Kiều không am hiểu ít nhiều về đạo công giáo.

Bên kia bờ sông Gianh, giáo hữu Đàng Ngoài, nghe tin cha Đắc Lộ có mặt ở Đồng Hới, liền bí mật gởi thơ vào, tha thiết mời giáo sĩ ra Bắc.19

Nguyên mười lăm năm về trước (1629) sau một năm rưỡi truyền giáo tại xứ Bắc, giáo sĩ Đắc Lộ bị chúa Trịnh trục xuất, giao xuống thuyền cho lính trở vào Đàng Trong để chờ tàu Bồ Đào Nha về Ao Môn. Trên đường phát lưu, giáo sĩ khuyên được 24 thuỷ thủ của chúa Trịnh trở lại đạo. Thế rồi, thay vì “đầy” giáo sĩ vào Đàng Trong, họ cho giáo sĩ lên bộ tại Cửa Chúa, trong miền Bắc Bố Chính. Giáo sĩ ở miền này bốn tháng, rửa tội rất nhiều người, đến đầu năm 1630, nhân có tàu Bồ Đào Nha chở mấy cha dòng Tên đến rước, cha Đắc Lộ mới rời địa phương này trở về Hà Nội.20

Sau mười lăm năm xa cách, nghe tiếng gọi của bổn đạo xưa, giáo sĩ nóng lòng muốn đi thăm viếng họ ngay. Nhưng nếu ngài ra Bắc như vậy, việc thế nào cũng đến tai chúa Trịnh hoặc chúa Nguyễn, và sẽ gây nên mối hoài nghi của các chúa đối với công cuộc truyền giáo của ngài, một công cuộc không hề dính líu đến chánh trị. Vì thế, giáo sĩ đành chỉ viết thư phúc đáp, và phái thầy giảng Ynhaxô bí mật ra thăm giáo hữu Đàng Ngoài, để giúp họ vững vàng trong nhân đức tin.21

Theo gương các môn đệ xưa, trên đường công tác, luôn luôn đi hai người để nâng đỡ nhau, các thầy giảng Việt Nam cũng thường hoạt động tập đoàn. Vậy thì trong cuộc hành trình khó khăn và gian nan này, thủ lãnh Ynhaxô không lẽ chỉ đi một mình, tất phải có một hai thầy đi theo và ít nhất cũng có Anrê, vì như trên đã nói, cha Đắc Lộ phó thác Anrê cách riêng cho Ynhaxô coi sóc22 và Anrê sẽ chăm chú cách riêng đi theo Ynhaxô trong mọi hoạt động.23

Mạo hiểm vượt qua luỹ Trường dục24 và dòng sông Gianh, các tông đồ Chúa đi rao giảng lời dạy thương yêu và hiệp nhất, không khỏi ngậm ngùi đau xót vì nỗi đất nước phân chia, gây nên những trận nội chiến tương tàn giữa người cùng máu mủ, làm cho việc truyền bá Phúc âm cũng bị trở ngại.

Các giáo hữu Bắc Bố chính tiếp đón phái đoàn Ynhaxô rất nhiệt thành, và quyến luyến đến nỗi không muốn cho về Đàng Trong nữa. Sau cùng họ cử một phái đoàn mười người, gồm những người do chính cha Đắc Lộ rửa tội xưa kia lúc còn nhỏ hoặc còn thanh niên, để theo Ynhaxô vào Nam với hy vọng thuyết phục giáo sĩ ra Bắc. Nhưng phái đoàn ấy chỉ được thỏa mãn một phần, là hưởng nhờ các phép bí tích tôn giáo đã bao lâu mong đợi vì không có linh mục. Còn cha Đắc Lộ, do sự khôn ngoan, thay vì ra Bắc, lại quay gót trở về Thuận Hóa cùng với mười môn đệ thân yêu.25

Chú thích

(1) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.194

(2) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.78 – A.R, Glorieuse mort tr.194

(3) Về thời gian vắng mặt của cha Đắc Lộ và lịch trình hoạt động của các thầy giảng, giáo sĩ Đắc Lộ tường thuật có hơi xê xích nhau trong hai cuốn: Relation des progrès de la Foi và Voyages et Missions. Chúng tôi theo cuốn thứ nhất, vì là bản báo cáo viết ngay từ năm 1645, tám năm trước cuốn thứ hai, gần với sự việc hơn. Theo tài liệu đó (tr.5) các thầy ở Đà Nẵng ít tháng.

(4) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.194. Theo lịch trình như trên thì các thầy giảng đến Phú Yên vào quãng tháng 2 năm 1644. Việc thuyên chuyển trấn thủ xảy ra trước đó ít lâu, có lẽ cuối năm 1643 hay đầu năm 1644, vào kỳ tết nguyên đán.

(5) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.195

(6) Sinoa (Voy et Mis, 1854, tr.196).

(7) P.Đ.K. Minh Đức Vương thái phi, tr.33-34.

(8) Như đã nói trên, ngay từ đầu hết, các giáo sĩ đã dùng thầy giảng song các thầy giảng chưa khấn và chưa tổ chức thành đoàn thể.

(9) “Le roi lui donna une des premières charges de justice” (Voy et Mis, 1854, tr.197). Cơ quan tư pháp thời ấy gọi là Xá Sai ty, do quan Đô tri và quan Ký lục cầm đầu (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tr.324).

(10) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.198

(11) A.R, Relation des progrès de la Foi, tr.17-18 – P.B, Truyện Đàng Trão, tr.47.

(12) A.R, Relation des progrès de la Foi, tr.18 – P.Đ.K. Minh Đức Vương thái phi, tr.34-35.

(13) A.R, Glorieuse mort tr.80

(14) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.198

(15) A.R, Relation des progrès de la Foi, tr.18 (Voyages et Missions, (1854) tr.200, cho biết giáo sĩ rời Ao Môn vào cuối tháng giêng 1644)

(16) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.201.

(17) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.204-205.

(18) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.214

(19) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.216

(20) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.130-132

(21) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.217.

(22) A.R, Glorieuse mort tr.77

(23) A.R, Glorieuse mort tr.80

(24) “Grosse muraitle qui sépare les deux royaumes”. Voyages et Missions (1854), tr.217 – Luỹ này còn gọi là Luỹ Thầy do ông Đào Duy Từ xây cho chúa Nguyễn, tại làng Trường Dục, Đồng Hới.

(25) Voyages et Missions (1854), tr.220.

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Đại kết và hòa giải dân tộc

    Trong sắc lệnh mới nhất về Năm Thánh 2025, Hy vọng không làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *