Người Chứng thứ Nhất – Lời nói đầu

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

Lời nói đầu

Anre PhuYen 1Trong quá trình sinh hoạt của dân tộc Việt Nam, nếu có một nhân vật nào, ngay sau khi từ trần, đã được người đời viết sách ca tụng bằng nhiều thứ tiếng, xuất bản ở nhiều thủ đô lớn trên thế giới, làm vẻ vang chung cho cả dân tộc trên lãnh vực tinh thần, đạo đức và dũng cảm, người ấy chính là vị anh hùng trẻ tuổi mà chúng tôi sắp họa lại chân dung trong cuốn sách này: THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN, tiên khởi tử đạo miền Nam, nói riêng, và cũng đáng gọi là tiên khởi tử đạo Việt Nam, nói chung.

Ông sống vào đầu thế kỷ XVII, lúc Việt Nam vươn mình ra ngoài vòng ảnh hưởng truyền thống của Trung Hoa, và bắt đầu tiếp xúc với văn hóa Tây phương.

Lúc ông cất tiếng khóc chào đời, trên bờ sông Cái Phú Yên, năm 1625, thì đạo Công giáo mới truyền bá vào nước ta được mười năm, chưa có kết quả bao nhiêu. Năm mười sáu tuổi, ông được chịu phép rửa tội do tay giáo sĩ Alexandre de Rhodes – phiên âm tắt là Đắc Lộ. Hai năm sau ông dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, quyết chí tu hành, luyện tập nhân đức và làm thầy giảng truyền bá Phúc Am. Không tiếc cuộc sống giữa mười chín tuổi xuân, năm 1644, ông đổ máu cách anh dũng và thánh thiện để làm chứng cho chân lý và bảo vệ quyền thiêng liêng tự do tín ngưỡng.

Cuộc tử đạo này, lần thứ nhất xảy ra ở xứ Nam, đã gây nên một xúc động mạnh mẽ giữa đồng bào lương cũng như giáo, và các giới giáo sĩ, thương gia ngoại quốc. Kết thúc một cuộc sống ngắn ngủi nhưng nhân đức phi thường, cái chết anh dũng ấy lại càng nổi bật lên vì những phép lạ lớn lao liên tiếp xảy ra tại Quảng Nam, nơi ông thọ hình, tại Ao môn (Macao), nơi ông gởi xác, trên mặt biển Thái Bình Dương, và cả bên trời Au nữa.

Ngay tức khắc, tòa Giám mục Ao môn, lúc ấy phụ trách việc truyền giáo cả mấy nước lân cận, quyết định mở cuộc điều tra theo luật Hội thánh (1644-1645), lấy lời cung khai của 23 thương gia và thủy thủ Bồ Đào Nha đã chứng kiến hoặc nghe biết cuộc tử đạo, rồi gởi hồ sơ về La Mã để xin phong thánh cho vị tử đạo đầu tiên Việt Nam.

Bốn năm sau (1649), từ Goa (An Độ thuộc Bồ), cha quản lý Dòng Tên tỉnh hạt Nhật Bản Mathias da Maya, sau khi thu thập các tin tức từ Ao môn và Việt Nam, đã lập một bản tường trình đầy đủ bằng tiếng Bồ Đào Nha, gởi về cha Bề trên Cả dòng Tên ở La Mã, báo cáo việc thầy giảng Anrê tử đạo năm 1644, và hai thầy khác tử đạo năm 1645.

Về phần giáo sĩ Alexandre de Rhodes, ông đã trước tác riêng hai cuốn sách bằng tiếng Ý (1652) và tiếng Pháp (1653) để giới thiệu với thế giới, nhân đức thánh thiện của vị anh hùng tín ngưỡng người Việt.

Ngoài ra trong nhiều cuốn ký sự, giáo sĩ Đắc Lộ cũng dành nhiều trang nói đến vị tử đạo Anrê Phú Yên, với một lòng mến yêu và cảm phục vô cùng.

Sau đó lịch sử cuộc tử đạo của thầy giảng Phú Yên lại được viết tường tận trong một tác phẩm của Emmanuel Perreyra, bằng tiếng Bồ Đào Nha, in năm 1700 tại Lisbonne, một thủ đô quan trọng bậc nhất Au Châu thời ấy.

Như vậy là trong thế kỷ XVII- XVIII uy đức của vị tuẫn giáo đầu tiên Việt Nam đã lừng lẫy khắp Tây phương.

Qua thế kỷ XIX, đến lượt một nhà trước tác Việt Nam viết truyện thầy giảng Anrê Phú Yên bằng chữ “Quốc ngữ” – lối quốc ngữ cổ lưu truyền từ đời cha Đắc Lộ. Đó là linh mục Philipphê Bỉnh, dòng Tên, với tác phẩm nhan đề: Truyện nước Annam Đàng Trong, soạn tại Lisbonne năm 1822. Trong sách này tác giả dành ba chương để tuờng thuật tiểu sử vị tử đạo tiên khởi Việt Nam, với dụng ý – theo ông nói – chẳng những cho kẻ hậu sinh được biết, mà cho cả những người kim thời nữa, vì người ta ít nhớ đến việc đời trước. Tiếc thay cuốn sách đó không hề được xuất bản. Nhưng bản cảo còn lưu lại, là một tài liệu quý giá.

Qua đầu thế kỷ XX, một bản Đại cương (Summarium) liên hệ đến vụ án phong thánh cho nhiều vị tử đạo trong đó có thầy giảng Anrê Phú Yên, được ấn hành để chính thức đệ trình vụ án. Tiếp đó lại có một bản Lược trình (Informatio) đề ngày 17 tháng 12 năm 1901, tóm lại bản “Đại Cương” và yêu cầu xét xử vụ án.

Xem thế đủ rõ, thầy giảng Anrê Phú Yên là một nhân vật lẫy lừng, được ghi vào lịch sử bằng những tài liệu giá trị và đầy đủ hiếm có.

§

Nhưng… thời gian qua. Bao nhiêu tài liệu quý hóa kia bị chôn vùi trong quên lãng. Mặc dầu tên tuổi thầy giảng Anrê còn được nhắc nhở tới mỗi khi người ta nói đến việc truyền giáo ở Việt Nam, nhưng không ai hiểu rõ cuộc đời ông ra sao, tính hạnh ông thế nào, đến quê quán và các nơi hoạt động của ông xưa kia, người ta lại càng không biết nữa. Chính tác giả, khi viết cuốn “Minh Đức Vương Thái phi” đã có ý tìm tòi, cũng chỉ thu lượm được những tài liệu rất sơ sài, đủ viết bốn trang ngắn ngủi. Bất ngờ ngay sau khi cuốn sách ấy vừa ra khỏi nhà in, một vị linh mục mới du học Au Châu về được ít lâu, nhân đọc cuốn sách nói trên, đã mau mắn đến tìm tôi trong tận cùng ngõ hẻm quanh co, để trao tận tay một tài liệu quý giá: Cuốn ký sự của cha Đắc Lộ về “Cuộc tử đạo oanh liệt của thầy giảng Anrê”, bằng tiếng Pháp in năm 1653, hiện nay cực kỳ hiếm hoi. Tôi rất xúc động khi nhận tài liệu ấy.

Thoạt đầu tôi tưởng chỉ dịch nguyên văn tài liệu ấy, đủ giới thiệu thầy giảng Anrê với đồng bào, nhưng sau khi đọc xong, tôi thấy rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu thêm để làm sáng tỏ cuộc đời vị Anh hùng trong khung cảnh lịch sử đất nước. Vì thế tôi vùi đầu vào công cuộc tra cứu. Hàng trăm trang thư từ và phiếu tra cứu được gởi đi nhiều nơi trong nước và ngoại quốc: La Mã, Ba Lê, Ao Môn, Lịch Bôn (Lisbonne). Sau mười tháng nhẫn nại tìm tòi, tôi đã may mắn thâu thập được đủ hết các tài liệu quý giá và hiếm hoi, liên hệ trực tiếp đến lịch sử vị tử đạo Phú Yên, kể cả bản “Đại cương” vụ án phong thánh ghi những lời kê khai quan trọng nhất của 23 người Bồ Đào Nha (tài liệu này nhận được bằng phim ảnh).

Ngoài các tài liệu, tôi lại được cha J.B.Janssens, Bề trên cả Dòng Đức Chúa Giêsu, trong thư đề ngày 19 tháng giêng d.l.1958, kèm với nhiều hình ảnh, xác nhận đầu vị tử đạo Anrê Phú Yên hiện còn giữ và tôn kính tại tòa Bề trên cả Dòng Tên, số 5 Borgo Santo Spirito, Roma.

Từ Ao môn, tôi được tin hài cốt của vị tử đạo Anrê Phú Yên hiện giữ tại nhà thờ chính tòa Giám mục sở tại. Đặc biệt hơn nữa: một sợi tóc của vị tử đạo đáng kính từ La Mã đã bay về quê tổ sau ba trăm năm xa cách! Chỉ một sợi tóc – không quá năm phân – nhưng tôi đã lĩnh nhận với một lòng thành kính và xúc động vô cùng, khác nào như được đón rước vị anh hùng đích thân đến cùng tôi, trong cảnh tầm thường của tôi, để giúp tôi nhìn nhận rõ hơn chân dung sáng lạn của Người!

Người đã về Quê Hương, nhưng Quê Hương chưa nhận biết Người: chưa ai biết đích xác Người sinh ở chỗ nào, hoạt động trên những nẻo đường nào, và đổ máu vinh quang trên chiến trường nào. Vì sử liệu Tây phương chỉ cốt ghi các sự kiến mà không để ý đến các chi tiết về địa lý, hay nói cho cùng đúng chỉ ghi “Ranran” là tỉnh quê hương và “Caciam” là nơi tử đạo.

Nhưng một ngày kia, ôm sợi tóc quý giá trong mình, với một mớ bản đồ cổ kim và một tập hồ sơ sử địa, tôi đã lên đường về miền Trung, vừa khảo sát vừa hành hương kính viếng. Nhờ khám phá được địa điểm và di tích dinh Trấn Biên xưa do chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lập năm 1629, tôi đã nhận định được đích xác nơi người sinh trưởng và tái sinh trong phép Rửa tội, nay thuộc địa sở Mằng Lăng, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên, với ngôi thánh đường nguy nga nhất trong mấy tỉnh Nam Trung.

Từ Tuy An, tôi đã ngược lên phía Bắc, theo đường quốc lộ số 1, qua Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, lên đến Thừa Thiên, Quảng Trị: tôi đã đi theo lộ trình quen thuộc của thầy giảng Anrê, xưa đã đặt dấu chân truyền giáo trên khắp các tỉnh ấy. Tôi đã viếng thăm Hôi An, nơi Người bị bắt vì đức tin. Và sau khi tìm thấy địa điểm và các di tích dinh trấn thủ Quảng Nam do chúa Nguyễn Hoàng xây năm 1602, nay là thôn Thanh Chiêm, xã Vĩnh Thọ, quận Điện Bàn, tôi đã kính viếng mảnh đất người bị giam giữ vì đức tin, và cả chính cho người đổ máu làm chứng cho Chúa.

§

Đến đây, việc tra cứu đã hoàn tất, việc xây dựng lịch sử bắt đầu. Chúng tôi xin thưa trước, mặc dầu sử liệu dồi dào, và khảo cứu công phu, cuộc đời vị tử đạo Anrê vẫn còn một vài khía cạnh chưa sáng tỏ, như vấn đề dòng họ, hoàn cảnh những năm thơ trẻ, và nhất là tính danh riêng của nhà tử đạo. Về điểm nay, ta cần hiểu rằng, trong buổi đầu truyền giáo, các giáo sĩ ngoại quốc thường hay gọi các giáo hữu nhất là các thầy giảng bằng tên thánh và trong các ký sự để lại, khi nói đến các giáo hữu ấy cũng chỉ kể tên thánh mà không ghi tên họ thông thường. Còn như sử liệu của người công giáo Việt Nam về thời kỳ ấy, hầu như không có gì lưu lại, mà dẫu có chăng nữa, những cuộc bách hại tôn giáo trong hai thế kỷ cũng không để cho tồn tại với thời gian. Vì lẽ ấy, ta không dễ gì tìm lại được tính danh các giáo hữu buổi đầu, trừ một vài trường hợp đặc biệt như bà Vương phi Maria, mà ta biết là Minh Đức Vương thái phi, nhờ ngọc điệp có ghi tước hiệu ấy.

Về trường hợp của thầy giảng Anrê, chúng ta cũng chẳng nên quá thắc mắc không tìm được tính danh thế tục của ông, vì ông đã thoát ly thế tục để dâng mình cho Chúa trong bậc tu hành rồi. Tên thánh Anrê, bổn mạng của ông, đã trở nên tên thật của ông, vì sinh thời mọi người đều biết và gọi ông như vậy. Trong lịch sử, nhiều nhân vật cũng chỉ lưu lại tước hiệu hoặc bí danh, chứ không phải tính danh đích thực. Và ngay ngày nay, cũng có nhiều tu sĩ bỏ tên riêng mình để chỉ mang tên vị thánh bổn mạng mà thôi, hoặc nếu là nhà tu hành Phật giáo, thì mang “pháp danh” thay cho tục danh.

Tuy nhiên, để làm vinh hạnh cho quê hương đã sản xuất vị anh hùng, và để dễ phân biệt, trong sách này, chúng tôi gọi ông bằng danh hiệu ANRÊ PHÚ YÊN, nghĩa là lấy quê hương ông mà đặt tên cho ông, theo một truyền thống đặc biệt Việt Nam, như ta quen gọi: ông Tam Nguyên Yên Đỗ, bà Huyện Thanh Quan, Thi sĩ Tản Đà v.v… 1

Ở đây, chúng tôi tưởng cũng nên nhận định rõ về tước hiệu “Tiên khởi tử đạo Việt Nam” dành cho ông Anrê Phú Yên. Đúng ra, thầy giảng Anrê là “Tiên khởi tử đạo ở xứ Nam (Đàng Trong). Còn nếu kể toàn quốc, thì ở xứ Bắc (Đàng Ngoài), vào năm 1630, có một giáo hữu tên thánh là Phanxicô, gia nhân của một vị quan lớn trong phủ chúa Trịnh, đã bị quan này tự ý giết vì giữ đạo Thiên Chúa. Tài liệu của cha Đắc Lộ, nguồn duy nhất, chỉ kể rất sơ lược về ông, khen ngợi ông đổ máu vì Chúa, tuy không dùng danh từ rõ rệt “Tử đạo” (Martyr). Về phần giảng Anrê Phú Yên, đời sống và cuộc “tử đạo” với những phép lạ sau khi chết, đã biểu dương rất rõ rệt với đầy đủ chi tiết, lại được lập hồ sơ để chờ ngày phong thánh, cho nên ta cũng có thể kể người như vị tử đạo vinh quang đầu tiên của Việt Nam.

Nhận định rằng tài liệu dẫu dồi dào, nhưng nếu khai thác không có phương pháp, thì công việc xây dựng lịch sử không có bảo đảm. Vì vậy chúng tôi hết sức thận trọng trong việc nghiên cứu và đối chiếu các tài liệu, hết sức khách quan trong việc phê bình phân tích, và suy luận phải hợp tình, hợp lý.

Ap dụng phương pháp khoa học trong sự tìm tòi và đường lối nghệ thuật trong cách xây dựng, chúng tôi mong ước vị anh hùng sẽ sống lại trước mắt bạn đọc, trong bối cảnh lịch sử của thời đại người, với những rung động, cảm nghĩ, khát vọng của người, từ chỗ thâm sâu nhất của tâm hồn phát xuất ra hành động.

Với tất cả lòng thành kính, chúng tôi dâng sách này trước đài kỷ niệm 130.000 vị tử đạo Việt Nam trong ba thế kỷ: Thầy giảng Anrê Phú Yên chẳng những là người đã mở đầu dòng dõi oai hùng ấy (protomartyr), mà còn là vị tử đạo điển hình của Giáo hội Việt Nam.

Chúng tôi trân trọng cống hiến sách này cho toàn thể đồng bào, không phân lương giáo: Vị tử đạo Anrê, trước khi là tín hữu và tử đạo, đã và vẫn mãi mãi là người Việt, mà tín ngưỡng Công giáo đã đặt lên đài vinh quang, với những nhân đức làm vinh dự chung cho cả giống nòi.

Và bởi vì Anrê Phú Yên là bông hoa hàm tiếu của vườn xuân, làm sao tôi có thể quên không gởi những trang chân thành này đến các bạn thanh niên nam nữ ở giữa dòng đời cũng như nơi tu viện, đang tha thiết sống và yêu?

… Thì đây, cuốn sử của một thanh niên đã sống và đã yêu – yêu tuyệt đối để sống muôn đời!

Phạm Đình Khiêm

Chú thích

(1) Trong bài Iconographie du Père Alexandre de Rhodes (trong B.A.V.H 1938, tr.27-61) cha Cadière có đăng một bức thơ của Tòa giám mục Macao, gởi cho tác giả. Nhân nói đến thầy giảng Anrê, trong thơ có chỗ viết:  “André (Ly)”. Hai dấu ngoặc đơn bọc lấy chữ Ly chắc là của cha Cadière thêm vào vì không nhận tên thầy giảng Anrê là Ly hay Lý. Thực ra, Trung Hoa có một vị tử đạo rất thời danh là linh mục André Ly (1692-1775). Tác giả bức thư, khi nói đến vị tử đạo Anrê của Việt Nam đã viết “André Ly”, có lẽ vì nhớ lẫn với André Ly Trung Hoa. Trong cuốn Histoire des Persécutions au Việt Nam (Paris, 1955), tác giả, ông Trần Minh Tiết, kể tên vị tử đạo đầu tiên năm 1644, là André Trung (tr.39, 41)

Chúng tôi có viết thư hỏi tác giả lấy nguồn nào đưa ra tên ấy, xin chỉ giáo cho, song không được trả lời (hoặc giả thơ tôi không tới tác giả). Chúng tôi nghĩ có lẽ tác giả đã lẫn thầy giảng Anrê tử đạo ở Phú Yên 1644, với thầygiảng Anrê Trống (tác giả chép là Thông) tử đạo ở Huế năm 1835 (tr.111) hoặc linh mục Anrê Trung, tử đạo ở Đồng Hới cũng năm 1835 (tr.90).

Tiếp tục tra cứu mãi đến khi sắp giao bản thảo cho nhà in, chúng tôi đã tưởng tìm được tên riêng Việt Nam của thầy giảng Anrê trong tài liệu viết tay bằng tiếng Bồ Đào Nha (Relacao da gloriose morte…) của giáo sĩ Mathius da Maya ở Goa, báo cáo về cuộc tử đạo của mấy thầy giảng Việt Nam đầu tiên. Tiếc thay tác giả chỉ cho biết tên ông trùm trưởng Anrê già, cùng bị bắt và bị giam chung với thầy giảng “Anrê trẻ”. Tên ông Anrê già ấy được phiên âm là “Sen” chắc hẳn do chữ “Sơn”, vì tên đàn ông nhất là ở miền Trung Bắc ít khi dùng các chữ “Sen”, “Son” và không thể là “Sên”. Đó là cơ hội chót hết để tìm tên riêng thầy giảng Anrê mà không được.

Kiểm tra tương tự

Lời cầu nguyện đầu năm học mới

Bạn muốn bắt đầu năm học mới đúng nghĩa? Lời cầu nguyện sau đây có …

Đức Mẹ và kinh nghiệm của ta về Thập Giá

  Chúng ta có thể nói về sự cứu độ dưới hai góc độ: khách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *