“Hapemus Papam” được đặc biệt quan tâm trong những ngày qua với nhiều góc nhìn khác nhau, và cũng kèm theo những phản ứng khác nhau. Những người Dòng Tên nghĩ gì trong biến cố đặc biệt này: Giê-su hữu (Jesuit) đầu tiên làm giáo hoàng?
Người đầu tiên lên tiếng công khai là cha Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh, trong cuộc họp báo liền sau có Tân Giáo Hoàng: “một cách cá nhân, tôi có một chút sốc khi biết tin có một Giáo Hoàng Dòng Tên. Các tu sĩ Dòng Tên nghĩ về chính họ là những tôi tớ, chứ không nghĩ đến quyền bính trong Giáo Hội”. Ngài thêm: “Tôi thật vui vì ngài chọn tên là Phanxicô chứ không phải Inhaxiô.”
Ngay hôm sau “habemus papam”, cha bề trên cả Dòng Tên, Adolfo Nicolás, đã gởi thư cho toàn Dòng về biến cố này: “Tất cả chúng ta, những anh em Giê-su hữu, sẽ đồng hành với ngài bằng lời cầu nguyện. Chúng ta cũng cảm ơn Đức Thánh Cha vì đã quảng đại đón nhận trách nhiệm hướng dẫn Giáo Hội trong thời điểm gian khó khăn này.”
Tại Philippine, cha Jose Quilongquilong, viện trưởng Loyola House of Studies nói: “Chúng tôi luôn ý thức điều này là: một Giê-su hữu không bao giờ làm giáo hoàng. Đây là lần đầu tiên, và quả là đáng ngạc nhiên khi các hồng y lại bầu một Giê-su hữu”. Cha thêm: “Một phần trong huấn luyện và linh đạo của chúng tôi là tránh nghĩ đến một địa vị cao trong Giáo Hội, như là giám mục, phương chi là trở thành giáo hoàng.”
Cha Alejo, phụ tá về Phát Triển Xã Hội, giải thích: “một trong các lời khấn của chúng tôi là vâng lời đức giáo hoàng; do đó nếu đức giáo hoàng viết cho một linh mục Dòng Tên và nói với bề trên của linh mục đó rằng tôi muốn cha này làm giám mục, thì anh có thể làm gì ngoài việc phải vâng lời. Đó là một cách thức phục vụ.” Và trường hợp đức giáo hoàng này có chút tương tự. Hơn nữa, “điều đó cũng có nghĩa rằng chỉ có Chúa mới là tuyệt đối. Những điều khác chỉ hữu ích khi giúp anh phục vụ Thiên Chúa. Để vinh danh Thiên Chúa hơn.”
Cha Quilongquilong giải thích thêm: Linh Đạo Dòng Tên bắt nguồn từ Linh Thao, trong đó “có một phần nói về ‘những quy tắc cùng cảm nghĩ với Giáo Hội’. Đây là trung tâm căn tính của chúng tôi như những Giê-su hữu… Chúng tôi không muốn được xem là: bây giờ chúng tôi có Giáo Hoàng Dòng Tên, chúng tôi có ảnh hưởng. Sứ mạng trên hết là phục vụ Giáo Hội.”
Giám tỉnh Philippine, cha Jose Magadia, vui mừng vì sự bầu chọn này nhưng ngài nhấn mạnh: “Dòng của ngài không nên được xem là tâm điểm”. Cha nói: “Đức Thánh Cha Phanxicô đến từ Dòng Tên và chia sẻ với chúng ta linh đạo I-nhã, đó là món quà đặc biệt, nhưng nó vẫn là thứ yếu so với sự dấn thân sâu xa của chính ngài với Thiên Chúa, và là một người con tận tụy của Giáo Hội Đức Ki-tô”.
Cha Tôma Vũ Quang Trung, nguyên giám tỉnh Dòng Tên Việt Nam, cũng “ngỡ ngàng khi một anh em Dòng Tên làm giáo hoàng”. Với câu hỏi về “dự đoán các hoạt động của Tân Giáo Hoàng”, cha trả lời rằng “rất khó dự đoán vì ngài có phong cách không giống các vị giáo hoàng trước. Có thể thấy điều đó từ những câu chuyện nhỏ nhỏ như là: trên đường về từ Đền Thờ Đức Bà Cả, ngài nói tài xế dừng xe ở nhà trọ cũ, rồi ngài vào tự tay xếp vali và tự trả hóa đơn phòng trọ. Ngài làm công việc bình thường như mọi người, không có nét gì đặc trưng của một vị lãnh đạo. Điều đó cho thấy phong cách làm giáo hoàng của ngài rất khác, nên thật khó đoán được những gì ngài sẽ làm. Nhưng chắc chắn rằng, như là một người Dòng Tên, ngài sẽ thấy Chúa đang hoạt động trong vũ trụ này qua nhiều dấu chỉ hoàn cảnh hiện tại và nhận ra tiếng mời gọi của Chúa trong tinh thần lắng nghe, đối thoại và mở ra với những điều rất mới; và có thể có những đột phá trong đường hướng mục vụ, đặc biệt sẽ quan tâm nhiều đến những người ít có tiếng nói trong Giáo Hội và xã hội.”
Đức Thánh Cha Phanxicô được biết đến như một người đơn sơ và hết sức quan tâm đến người nghèo. Vì thế, cha Buvens, phụ trách Trung Tâm Tĩnh Tâm Inhaxiô ở Atlanta, nói: “tôi nghĩ rằng khi ngài dấn thân phục vụ người nghèo trong thế giới hiện đại, ngài cũng muốn trở nên một người mạo hiểm.”
Liên quan đến sự khó nghèo của Đức Thánh Cha Phanxicô, phóng viên đã hỏi cha James Martin, biên tập về văn hóa cho tạp chí American, về lời khấn khó nghèo của Dòng Tên. Cha giải thích: “Thánh I-nhã nói: ‘phải yêu mến đức khó nghèo như yêu mẹ mình.’ Chúng tôi được khuyến khích sống đơn giản bao nhiêu có thể. Nói chung, chẳng có gì là của riêng, nhưng tất cả những gì mình có là cho cộng đoàn, và nhận tất cả từ cộng đoàn… như là một sự bắt chước chính Đức Ki-tô. Làm việc với người nghèo và sống với người nghèo, chúng tôi trở nên nghèo để được tự do khỏi ước muốn sở hữu.” Cha nhận định: “như thế rõ ràng là sự huấn luyện và linh đạo Dòng Tên đã ảnh hưởng rất mạnh trên ngài”.
Giải thích một cách ngắn gọn về linh đạo Dòng Tên, cha nói: “Giúp người ta tìm thấy Chúa trong mọi sự. Là một linh đạo về sự tự do; giải phóng chính mình khỏi những ràng buộc vào bất cứ điều gì trên đường tìm về chính mình, tìm đến Chúa và người khác. Là một linh đạo liên kết sâu xa với Chúa Giê-su.”
Có thể kết phần tổng hợp ngắn này bằng những lời của cha Alejandro Tilve, giám tỉnh Argentina và Uraguay, nơi xuất thân của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Với Dòng Tên, một người con của Dòng và con của thánh I-nhã đã được bầu làm giáo hoàng nhưng với tên gọi là Phanxicô. Điều này vượt qua mọi biên giới của các dòng tu; và ngài muốn là một người phổ quát của tất cả Giáo Hội. Ngài đi với người nghèo và tự đặt mình là người nghèo… ngài được huấn luyện rất tốt trong tư cách là Giê-su hữu, và đồng thời, đơn sơ và giản dị trong cách điều hành.”
Văn Yên, SJ