Người gieo giống đi ra gieo giống (17.9.2016 – Thứ bảy, sau Chúa nhật XXIV Thường Niên)

Người gieo giống đi ra gieo giống
(Lc 8, 4-15)

4 Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng:

5 “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất.6 Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt.7 Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt.8 Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm”. Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe.”

9 Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì.10 Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu.

11 “Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa.12 Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ.13 Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc.14 Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành.15 Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

  1. Người dùng dụ ngôn mà nói

Trước khi lắng nghe dụ ngôn Người Gieo Giống của Đức Giê-su, chúng ta nên hình dung ra cung cách giảng dạy rất gần gũi của Ngài. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa và Ngài đến để nói Lời Thiên Chúa cho chúng ta, nhưng, như bài Tin Mừng thuật lại hôm qua thuật lại: “Ngài rảo qua các thành phố làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa”. Như thế, Ngài đã thực hiện trước điều Ngài giảng dạy: “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình”.

Chúng ta hay nghĩ Đức Giê-su ngự trên ngai hay trên tòa; nhưng ở đây, Ngài hiện diện thật là bình dị và thật là gần gũi giữa chúng ta. Và Đức Giê-su thích hiện diện ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong cộng đoàn, trong Giáo Xứ, trong gia đình của chúng ta, ngay ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được ban cho chúng ta hằng ngày.

Ngoài ra, Đức Giê-su còn trở nên gần gũi với chúng ta trong lời giảng dạy nữa, bởi vì Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy; và chúng ta nên biết rằng, kể dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu, bởi vì theo các tác giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34; Mc 4, 34). Và như chúng ta đều đã biết, những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống, chẳng hạn dụ ngôn muời cô mang đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn những yến bạc, dụ ngôn chiên và dê, dụ ngôn người cha nhân hậu, dụ ngôn nắm men, dụ ngôn hạt cải, và nhất là dụ ngôn Hạt Giống và Người Gieo Giống. Dụ ngôn là những câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường, nhưng khi được Đức Giê-su kể, lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời.

Hơn nữa, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe, như chính Đức Giê-su hay kết thúc dụ ngôn bằng câu nói: “Ai có tai thì nghe”, như trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay (c. 8). Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giêsu thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào. Và đó chính là trường hợp dụ ngôn Người Gieo Giống mà chúng ta vừa nghe.

 

  1. Dụ ngôn “Người Gieo Giống”

Có lẽ đa số chúng ta đều xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, nghĩa là làm vườn hay làm ruộng; hoặc chúng ta có kinh nghiệm ít nhiều về nghề này; nếu không, chúng ta cũng biết được những hoạt động này qua chương trình học phổ thông hay các phương tiện truyền thông. Đối với chúng ta, “người gieo giống ra đi gieo giống” là sự kiện quá đỗi bình thường và lập đi lập lại. Nhưng lời này, vì xuất phát từ miệng Đức Giêsu, nên diễn tả một biến cố thật lớn lao: Ngôi Lời Thiên Chúa, ra khỏi cung lòng Thiên Chúa, đi gieo Lời của mình (trong sáng tạo, trong lịch sử loài người và lịch sử cứu độ. và nhất là nơi Đức Giêsu-Kitô); và Ngài không chỉ gieo Lời của mình, mà còn gieo chính mình, gieo sự sống của mình, vì lời nói của Ngài và ngôi vị của Ngài là một. Như chính Đức Giêsu nói về cuộc Thương Khó của Ngài: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Trong dụ ngôn, có ba trường hợp đầu tiên, hạt giống được gieo, nhưng không sinh hoa kết quả:

  • trường hợp đầu là mất trắng, vì hạt giống rơi giống vệ đường, bị người ta giẫm lên và bị chim trời ăn mất;
  • trường hợp sau, hạt giống có mọc lên, nhưng lại bị héo đi, vì rơi trên đá, thiếu đất và thiếu ẩm ướt;
  • trường hợp thứ ba khá hơn nữa: hạt giống nẩy mầm, mọc thành cây, nhưng vì sống ở giữa bụi gai, gai cũng lớn lên và mạnh hơn nên làm cây chết ghẹt.

Chúng ta hãy hãy nhìn vào bản thân mình, vào cuộc đời mình, và tự hỏi: Đâu là số phận của hạt giống Lời Chúa? Và tuy hạt giống Lời Chúa vẫn chưa sinh hoa kết quả dồi dào, những chắc chắn, cũng có những tiến bộ nào đó. Và chúng ta cũng tự hỏi: Đâu là “những chim chóc, nắng gắt, vấn đề thiếu gốc rễ và gai góc” ở nơi bản thân chúng ta, đã làm cho hạt giống không sinh hoa kết quả? Đâu là những khuynh hướng xấu, đến từ mà quỉ, đã đến “cất Lời ra khỏi” lòng chúng ta (c. 12)? Tại sao Lời Chúa được gieo trong lòng chúng ta, đã mọc lên, nhưng lại thiếu gốc rễ, và bị mai một khi gặp thử thách khó khăn (c. 13)? Đâu là những lo lắng, nhưng ham muốn của cải vật chất, ham muốn vinh hoa phú quí, ham muốn khoái lạc làm cho hạt giống Lời Chúa chết ngộp, không đạt tới mức trưởng thành để sinh hoa kết quả (c. 14)?

 

  1. Hạt giống rơi nhằm đất tốt

Dụ ngôn Người Gieo Giống chất vấn chúng ta, nhưng cũng mang lại cho chúng ta bình an và hi vọng. Bởi vì, trái với kinh nghiệm sống, Người Gieo Giống trong dụ ngôn của Đức Giê-su, có thể nói, gieo hạt giống quí báu của mình “tùm lum”, gieo đại trà, gieo quảng đại, gieo không phân biệt, không xét đoán. Và Lời Chúa vẫn được gieo quảng đại vào lòng chúng ta như thế hàng ngày trong Thánh Lễ.

Lời Chúa được gieo cách quảng đại vào lòng chúng ta, bởi vì Chúa tin rằng, dù sao đi chăng nữa, trong lòng chúng ta chắc chắn có phần đất tốt; và Chúa hi vọng rằng, có một ngày đẹp trời nào đó, Lời của Ngài sẽ rơi vào phần đất tốt này, rồi mọc lên và lớn mạnh, và sinh hoa kết quả gấp trăm, gấp sáu mưới, gấp ba mươi, nghĩa là bội thu và nhiều đến độ có thể bù lại tất cả những hạt đã mất, xét cho cùng không đáng bao nhiêu! Và đó là điểm tới tất yếu của Nước Trời. Bởi vì chúng ta được dựng lên bởi Lời Chúa, và theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên Lời Chúa tất yếu đụng chạm và thu hút chúng ta từ trong sâu thẳm của tâm hồn của chúng ta.

Và “Lời Chúa” vẫn được gieo vào lòng chúng ta cách quảng đại, không chỉ Lời, nhưng cả Ngôi Lời nữa, mỗi ngày trong Thánh Lễ. Xin Lời Chúa khơi dậy nơi chúng ta lòng cao thượng và quảng đại khi lắng nghe Lời Chúa và đón nhận chính sự sống của Chúa, và làm lộ ra phần đất tốt vốn có ở nơi lòng chúng ta, vun xới phần đất tốt này và mở rộng nó ra.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 28-03-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY28/03/2024​ CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​​ Chứng tá bằng …

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *