“Người nhất quyết đi Giê-ru-sa-lem”
(Lc 9, 57-62)
51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến.53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? “55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông.56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
57 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.”58 Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”
59 Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi! ” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.”60 Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”
61 Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.”62 Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa Nhật XXIII mùa Thường Niên hôm nay có hai phần rất khác biệt: ông Gioan và ông Gia-cô-bê muốn khiến lửa từ trời tiêu hủy người ta (x. Lc 9, 51-56) và cách thức đi theo Đức Ki-tô (x. Lc 9, 57-62). Chính vì thế, hai phần này được Giáo Hội cho công bố vào hai ngày khác nhau, thứ ba và thứ tư, sau Chúa Nhật XXVI mùa Thường Niên. Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc kĩ, chúng ta sẽ nhận ra rằng, cả hai phần đều nói về người môn đệ: đó là những người đang đi theo, những người muốn đi theo hay được mời gọi đi theo. Và khi đi theo Đức Ki-tô, người môn đệ được mời gọi đi theo với tâm tình nào, tinh thần nào, cách thức nào, con đường nào?
Đó là con đường Đức Giê-su đang đi, như thánh sử Luca thuật lại: “Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” (c. 51), để lên trời ngang qua con đường Thương Khó.
1. Quyền bính, độc quyền và hủy diệt
Một đàng, đối với thầy Giêsu, viễn tượng Thương Khó càng ngày càng rõ, vì trước đó, Người đã loan báo đến lần thứ hai và giờ đây Người nhất quyết đi Giê-ru-sa-lem để thực hiện (x. Lc 19, 44-45); nhưng đàng khác, đối với các môn đệ, một viễn tượng khác trái ngược, cũng càng ngày lộ ra rõ nét không kém:
- Một câu hỏi được đặt ra trong nội tâm các môn đệ: ai trong họ là người lớn nhất? (c. 46-48). Và vấn đề quyền bính sẽ theo các ông đến cùng: Thánh sử Mát-thêu kể lại câu chuyện, người mẹ đi trước, hai người con là ông Giacôbê và Gioan đi sau (theo Chúa mà còn theo mẹ!), để xin Đức Giêsu được ngồi bên hữu và bên tả trên ngai tòa của Ngài (x. Mt 20, 20-23); và họ sẽ tranh luận sôi nổi về quyền bính ngay sau khi Đức Giêsu trao ban chính mình trong bữa tiệc li (x. Lc 22, 24); và một trường hợp khác, các môn đệ, qua hình ảnh hai môn đệ Emmau, hoàn toàn thất vọng khi những gì Đức Giêsu loan báo về Thương Khó được ứng nghiệm. Và chắc chắn, vấn đề quyền bính vẫn còn nguyên đối với tất cả những người đi theo Đức Ki-tô hôm nay.
- Tiếp đến là vấn đề ảnh hưởng hay độc quyền (c. 49-50): “Chúng con cố ngăn cản vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy”. Và chuyện này cũng còn rất thời sự hôm nay.
- Và với bài Tin Mừng hôm nay, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, đó là tiêu diệt những người từ chối đón nhận Đức Giêsu. Không biết ai đã ban cho các ông cái quyền “khiến lửa từ trời xuống”? Trong thực tế, đôi khi vẫn còn có những người tự ban cho mình những quyền bính tương tự, hay thi hành quyền bính được ban không theo tinh thần Tin Mừng của Đức Ki-tô, nghĩa là cứu sống, nhưng theo kiểu của thế gian và ma quỉ, nghĩa là lên án, loại trừ và giết chết.
2. “Con Người không đến để hủy diệt sự sống”
Nếu trong hai chuyện trước (quyền bính và độc quyền), Đức Giêsu kiên nhẫn và nhẹ nhàng giải thích và thậm chí mặc khải những điều kín ẩn trong tương quan giữa Ngài với em bé, giữa Ngài với Chúa Cha, thì ở đây Ngài không còn giữ được bình tĩnh: “Đức Giêsu quay lai quở mắng các ông”. Một số bản văn tiếng Hi-lạp còn thêm:
Anh em không biết anh em thuộc về thần loại nào; vì Con Người không đến để hủy diệt sự sống, nhưng để cứu vớt.
(x. Lc 19, 10)
Con đường để cứu vớt sự sống của Đức Ki-tô là con đường Thập Giá. Để mặc lấy những tâm tình của Đức Giêsu, tất yếu các môn đệ cần phải hiểu mầu nhiệm Thập Giá. Lúc này họ không hiểu và cũng không dám hỏi, nhưng sau này Đức Giêsu Phục Sinh sẽ giúp các ông hiểu. Không hiểu mầu nhiệm Thập Giá, và vì thế không thể mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu, sẽ tất yếu bị chi phối bởi các thần loại quyền bính, độc quyền và nhất là thần loại bạo lực để phân biệt, chia rẽ và thanh toán nhau. Và chưa hiểu mầu nhiệm Thập Giá, chắc chắn cũng chính là vấn đề của chúng ta.
3. Con đường « Vượt Qua »
Tiếp đến, thánh sử Luca kể lại câu chuyện có ba người xin đi theo hay được mời gọi đi theo Đức Giê-su, khi Người đang đi trên đường cùng các môn đệ.
- Người thứ nhất đến xin đi theo Người với lòng quảng đại : « Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo ».
- Nhưng với một người khác, thì chính Đức Giê-su mời gọi : « Anh hãy theo tôi ». Điều lạ lùng là, Đức Giê-su ngỏ lời với người này, đúng vào lúc anh đang « đeo tang » bố, và thậm chí anh vẫn chưa lo hậu sự cho bố. Vì thế, anh sẵn lòng đáp lại lời mời gọi đi theo Đức Giê-su, nhưng chỉ xin được chôn cất người cha trước đã.
- Và còn người thứ ba, anh cũng có lòng ước ao đi theo Đức Giê-su như người thứ nhất, và anh chỉ xin làm một điều rất bình thường, nhưng hợp tình hợp lí : « Xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã ».
Ba trường hợp, ứng với ba người, và mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, mỗi người có kinh nghiệm về ơn gọi đi theo Đức Giê-su khác nhau. Dù chúng ta sống trong ơn gọi nào, với tư cách là người Ki-tô hữu, chúng ta cũng được mời gọi đi theo Đức Ki-tô. Vậy chúng ta thấy mình giống trường hợp nào trong ba trường hợp trên ; hay chính mỗi người chúng ta, sẽ là trường hợp thứ tư !
* * *
Như chúng ta đã nhận thấy, ba lời xin rất đỗi bình thường : người thứ nhất xin đi theo Đức Giê-su, người thứ hai xin về chôn táng người cha trước khi đi theo Ngài, và người thứ ba xin chỉ xin về từ biệt người thân thôi, rồi sau đó đi theo Ngài, nhưng những lời đáp của Đức Giê-su thì không bình thường chút nào, và phải làm cho người nghe ngạc nhiên. Thật vậy,
- Với người thứ nhất, Ngài trả lời : Con chồn (hay con cáo) có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ đặt đầu. Có lẽ Ngài muốn nói đến đời sống nghèo khó tột bậc khi đi theo Ngài.
- Với người thứ hai, Ngài nói : « Hãy Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ ». Theo sự nhạy cảm của một người bình thường, nhất là người Việt Nam chúng ta, một câu trả lời như thế thật không nhân bản, không có tình người và nhất là không tôn trọng chũ hiếu !
- Và với người thứ ba, chỉ xin từ biệt thôi, nhưng Đức Giê-su cũng từ chối và nói những lại thật mạnh mẽ : « Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa ». Đức Giê-su dùng hình ảnh « cầm cày » để nói về hành trình đi theo Ngài cũng thật là ấn tượng, và có thể gây lo lắng nhiều hơn là niềm vui và bình an.
Chúng ta có thể nhớ lại, trong những tình huống khác, lời của Đức Giê-su cũng không kém triệt, không thể áp dụng ngay được : « Nếu mắt hay tay gây cớ phạm tội, hãy móc hay chặt ngay đi ! ». Cũng như chúng ta không thể sống mà không tựa đầu vào một chỗ nào đó, không thể để mặc kẻ chết chôn kẻ chết, và cũng không thể « chạy xe » mà không ngoái lại đằng sau.
Đó là vì lời của Đức Giê-su không phải là chữ viết hay lề luật, cứ thế mà đem ra thực hành, nhưng lời của Ngài là thần khí, mặc khải cho chúng ta một hướng đi, một năng động sống ; và mỗi người và mỗi thời được mời gọi sống theo cách của mình, theo khả năng của mình, mức độ trưởng thành thiêng liêng của mình, theo tình yêu của mình dành cho Chúa và cho tha nhân. Lề luật thì không chấp sự khác biệt khi thực thi, trong khi đó, cùng một thần khí, nhưng có những cách thể hiện khác nhau, như thánh Phao-lô nói về những ơn huệ khác nhau của cùng một Thần Khí ; luật thì không quan tâm đến ngôn vị, trong khi thần khí là một năng động sống khởi đi từ ngôi vị, với lịch sử, vấn đề, vết thương, nỗi khổ đau…
* * *
Thật vậy, chúng ta sẽ khám ra cả một năng động sống, cả một con đường thiêng liêng trong những lời khó nghe của Đức Giê-su, nếu chúng ta đặt mình vào bối cảnh của mầu nhiệm Vượt Qua, như Đức Giê-su đã nói :
Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.
(c. 51)
Chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Giê-su trên Thập Giá, để nhận ra đầu của Ngài tựa vào đâu : chẳng vào đâu hết, mà chỉ tựa vào lời kêu cầu dâng lên Cha : « Lạy cha, trong tay Cha, con xin phó thác hồn con ». Ngài chỉ tựa vào lòng Cha, vào sự Quan Phòng yêu thương của Cha.
Đi theo Chúa, chúng ta phải vượt qua Biển Đỏ, vượt qua nguy hiểm, thử thách và chính sự chết để đi vào sự sống của Thiên Chúa, đi vào miền đất dành cho người sống. Nơi Thiên Chúa, không có sự chết và những người chết, nhưng chỉ có sự sống, và những người sống cho Chúa mà thôi.
Và có thể nói, con đường Vượt Qua của Đức Giê-su là đường « một chiều », đã đi vào thì phải đi thẳng luôn, không thể quay lại được.
Đức Giê-su quyết định đi về cùng Cha, bằng con đường Vượt Qua, nghĩa là bằng con đường yêu thương đến cùng (x. Ga 13, 1), người thì xin đi theo, kẻ thì xin đi về. Còn chúng ta, hôm nay hay trong giai đoạn sống này của hành trình đi theo Chúa, chúng ta xin Ngài điều gì ?
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc