Không ai muốn chết. Đó là sự thật nhưng lại là sự phũ phàng nghiệt ngã vì ai cũng phải chết một lần. Là người trẻ, chúng ta hiếm khi nghĩ đến cái chết. Phần vì tuổi thanh xuân luôn chất chứa biết bao hoài bão phía trước, phần vì chúng ta sợ biến cố kinh hoàng ấy. Bạn hỏi xem Đức Giêsu có sợ chết không? 33 tuổi, độ tuổi chạc như chúng ta, Người sợ chết vô cùng, nhưng sẵn sàng chấp nhận nó! Lúc này chúng ta dừng lại đôi phút để chiêm ngắm chuyện gì đã xảy ra với Đức Giêsu vào những ngày cuối đời của Người trên dường gian.
Điều khiến chúng ta ngạc nhiên là Đức Giêsu biết trước cái chết của Người. Suốt ba năm rao giảng Tin Mừng, Người ba lần tiên báo về cái chết này. “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người.” (Mc 10,32-34). Vào dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái, Đức Giêsu lên Đền Thờ để thực hiện lời tiên báo ấy. Tại sao lại vào ngày này? Chúng ta biết lễ Vượt Qua là thời gian người Do thái tưởng nhớ biến cố được giải thoát khỏi kiếp nô lệ bên Ai Cập. Hôm nay Chúa Giêsu cũng giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Bạn biết vào dịp này họ thường giết chiên để mừng lễ. Đấy cũng là một biểu tượng khi Đức Giêsu trong Bữa Tối cuối cùng, chính Người là con chiên chấp nhận hiến tế vì con người. Đó là một bữa tiệc quan trọng vô cùng vì biết bao điều Đức Giêsu nói và làm với các môn đệ. Ví dụ, Chúa rửa chân cho các ông; lập Bí tích Thánh Thể; lập bí tích truyền chức thánh, v.v.
Sau đó gần nửa đêm, Người dẫn nhóm xuống Vườn Cây Dầu. Nơi đây Đức Giêsu giống chúng ta vô cùng! Người sợ chết đến nỗi đổ mồ hôi máu. Nhưng Người khác chúng ta khi đứng trước cái chết, Người liên tục cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Người xin Cha đừng để Người chết, nhưng Người một xin theo ý Cha. Rất nhiều người thắc mắc tại sao Cha chúng ta ác thế, nỡ lòng nào để con mình phải chết? Chìa khóa để người trẻ có thể hiểu vấn nạn này chính là tình yêu. Vì yêu nên Chúa Cha trao Chúa Con cho con người. Để với cái chết, Chúa Con sẽ phục sinh để cứu độ con người. Cũng vì yêu, Chúa Con đã đón nhận thánh ý Cha để thực hiện một sứ mạng nguy hiểm.
Thực ra, trong Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, mọi cố gắng giải thích cho câu hỏi tại sao không quan trọng bằng một tâm hồn chiêm ngắm Thiên Chúa đang làm gì cho bạn. Chẳng hạn, thật đẹp và xúc động biết bao khi bạn nghe những lời này: “Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1). Người tuy bước vào cõi chết, nhưng Người yêu thương chúng ta đến cùng, đến tận ngọn đồi Canvê và chết trên thập giá. Nơi đó, cây thánh giá trở nên biểu tượng sống động của ơn cứu độ. Nói như thánh nữ Rosa Lima: “Thánh giá là thang để ta về trời, bỏ thánh giá đi, ta không còn thang nào khác.” Cũng chính nơi đó, “Thiên Chúa đã giang tay trên thập giá để ôm lấy hết giới hạn của thế giới.” (Thánh Cyrille ở Giêrusalem).
Bạn có biết khi chiêm ngắm Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, chính bạn cũng được mời gọi “vác thập giá mình mà theo Giêsu”. Không đời nào, vì quá sức đối với tôi, như có bạn chia sẻ! Đúng là sức nặng của thập giá luôn quá sức với mỗi người trẻ chúng ta. Đó là những thách đố, mất mát và khổ ải trên đường đời. Chúng ta không đi tìm đau khổ, nhưng bạn đừng quên đau khổ thường quấn lấy ta. Thay vì hoảng sợ, buông xuôi, bạn nhớ có lần Giêsu mời bạn: “Nếu ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Tôi.” (Mc 8,34). Lạ quá! Một lời mời gọi không thoải mái chút nào. Đó không chỉ là lời rì rầm của nhiều người trẻ.
Khi các tông đồ rao giảng một Đức Giêsu chịu đóng đinh, thế giới cũng chê cười, thắc mắc. Thánh Phaolô giải thích rằng: “Chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Ðấng ấy chính là Ðức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.” (1Cr 1,17-25). Vậy chỉ khi bạn vác thập giá, lúc ấy bạn được trở nên môn đệ của Giêsu. Khi ấy “Nếu bạn vác thập giá mình cách vui vẻ, thập giá sẽ vác bạn.” (Thomas a Kempis).
Nói cho cùng, thập giá đời ta là để đón lấy và vác đi, chứ không để lẩn trốn hoặc kéo lê. Nhiều bạn trẻ thường gào lên trong bức xúc vì thập giá quá sức của họ. Họ không chấp nhận nó. Nhưng biết làm sao được, khi đó là một thực tại. Ngược lại, khi ta đón nhận chúng với tình yêu, lúc ấy đau khổ lại có giá trị cứu chuộc, nhờ Đức Giêsu. Vậy bạn thử một lần chiêm ngắm, nâng niu thập giá đời mình để thấy được ý nghĩa của nó ra sao! Khi ấy ước gì bạn cũng có cảm nghiệm như Mẹ Têrêsa Calcutta: “Khi ta nhìn ngắm thánh giá, ta hiểu được sự cao cả của tình yêu Chúa […] đối với bạn, đối với tôi, đối với gia đình bạn và đối với tất cả mọi gia đình.” Nói dễ nhưng làm thật khó biết bao, phải không bạn! Bởi đó, chúng ta xin Đức Giêsu đồng hành với ta, xin Người ban ơn để ta cùng vác thánh giá đời mình mỗi ngày, với rất nhiều tình yêu và niềm vui.
Để kết thúc chủ đề này, người trẻ chúng ta thấy Cuộc Thương Khó của Đức Giesu luôn vượt sức của con người. Kể cả Giêsu cũng từng “té ngã” vì sức nặng của thập giá, từng cảm thấy Thiên Chúa bỏ rơi mình, nhưng Người luôn trung thành và chu toàn thánh ý Chúa Cha. Đúng là một khi theo Đức Giêsu trong đau khổ, trong cả cái chết, thì Người sẽ cho chúng ta được hưởng vinh quang phục sinh. Đó là lời mời gọi, lời thách đố và lời hứa hẹn cho tất cả chúng ta, cho người trẻ đang hoang mang trước thập giá đời mình, hoặc trước cái chết luôn chờ ta phía trước. “Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16,33).
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ