Nhớ Cha Đỗ Minh Trí — Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ

NHỚ CHA ĐỖ MINH TRÍ[1]

Cha Gildo Dominici, linh mục Dòng Tên người Ý, sinh năm 1935 gần Assisi, qua đời ngày 3.3.2003 tại Rôma. Từng là thừa sai tại Việt Nam, cha mang tên Việt Nam là Đỗ Minh Trí.

Tôi gặp cha Gildo Dominici lần đầu năm 1968, trại Trung Tâm Đắc Lộ ở Saigon. Đó là một buổi chiều, cha đang đi dạo trong sân. Thấy một cha lạ, tôi chưa biết là ai, nhưng cha đã chào tôi trước, bằng tiếng Việt. Tôi hỏi: “Cha là người nước nào ?” Cha vừa cười vừa trả lời bằng bằng thứ tiếng Việt của người Châu Âu mới học: “Tôi là người Việt Nam!”. Tôi ngạc nhiên, muốn nói chuyện thêm, nhưng cha chỉ biết nói bấy nhiêu thôi!

Từ năm 1970, cha làm giáo sư ở Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đàlạt, nơi tôi học. Từ năm 1972, cha làm quản lý cộng đoàn học viện Dòng Tên, nơi tôi ở. Làm giáo sư thì xa xa, không sao, nhưng làm quản lý thì rất gần. Cha là người Ý, chắc không khó tính. Nhưng ai đó cho tôi biết cha là tiến sĩ luật. Một tiến sĩ luật đi làm quản lý! Tôi nghĩ ngay đến các tiến sĩ luật trong Tin Mừng, thời Chúa Giêsu, và… không mấy có cảm tình. Tôi tự nhủ: “Phải dè dặt thôi !”.

Tiếng Việt của cha lúc này đã khá, có thể giao tiếp với mọi người, có thể dâng lễ và giảng được. Mỗi ngày sau bữa ăn trưa và bữa ăn tối, chúng tôi thường đi bộ một chút ở sân và nói chuyện với nhau. Dần dần tôi khám phá ra một cha Đỗ Minh Trí khác hẳn với những điều tôi nghĩ lúc đầu. Ước nguyện nóng bỏng nhất của cha là được chia sẻ với những người bình thường nhất, nghèo khổ nhất. Việt Nam chẳng những nghèo mà lúc ấy đang có chiến tranh, chính vì thế cha muốn đến Việt Nam. Cha hạnh phúc khi được ở giữa những người nghèo khổ để học với họ cuộc sống làm người, làm tín hữu, giữa muôn vàn sóng gió và thử thách. Cha luôn băn khoăn về nếp sống của các linh mục và tu sĩ hình như gần với những thành phần khá giả và trở nên ít nhiều quan liêu. Tôi nghĩ thầm là cha hơi lý tưởng, phần nào ảo tưởng và cả đến không tưởng.

Nhưng cha không phải là một người chỉ mơ với mộng. Rất thực tế: hằng ngày cha phục vụ cộng đoàn từ việc ăn uống đến mọi nhu cầu vật chất rất chu đáo. Chắc chắn cha không phải là một người có đầu óc tổ chức của một nhà quản trị. Vả lại tiếng Việt của cha chỉ là vừa đủ chứ không nói là “như gió” được. Nhưng cha thích nghi rất giỏi: bằng cách…cười! Cha không thông thạo lắm về cách ăn uống của người Việt Nam. Ở học viện, hầu như chúng tôi không uống rượu bao giờ. Rồi ăn cơm hoàn toàn kiểu Việt Nam, chắc chắn khác hẳn ở Ý. Nhưng không bao giờ nghe cha than phiền hay đòi hỏi gì hết. Cha thường nói nửa đùa nửa thật về cách uống rượu: “Chúa ban rượu ngon cho phấn khởi lòng người”, vậy mà người Việt Nam không uống rượu, đời sống làm sao vui được.

Chẳng những vậy, cha còn rất thích đi Bảo Lộc ở Lâm Đồng: hễ có dịp là cha đến ở với giáo dân miền quê. Cụ thể hơn, cha cảm thấy hạnh phúc đặc biệt với những người miền quê, quây quần bên mâm cơm gia đình trên manh chiếu trải ngay giữa nền nhà, vắt áo dài lên vai đi lễ, nói thứ tiếng Việt không có trong từ điển như “nạy cha” hay “cây rừa”, khiến cha nhiều phen lúng túng vì không hiểu! Không biết ai đã chuyển tên cha từ tiếng Ý là Dominici sang tiếng Việt là Đỗ Minh Trí, hình như là người nào đó ở Bảo Lộc, chỉ biết là cha rất hãnh diện về tên của mình, tự coi như mình thực sự là người Việt Nam, vì tên chính là người. Có lần tôi nói đùa: “Cha sửa lại giấy khai sinh đi, nơi sinh ra là Bảo Lộc chứ không phải là Assisi” Cha đáp: “Assisi là quê của thánh Phanxicô, Bảo Lộc là quê của tôi!” Rồi cha nói với tôi về ý định mạo hiểm với Chúa Giêsu, đặc biệt trong mầu nhiệm Nhập Thể.

Tôi chỉ theo học với cha một giảng khóa về “các nhân đức”. Tôi vốn có ít nhiều thành kiến về “luân lý”, nên coi thần học luân lý như điều cực chẳng đã phải học thì học thôi, chứ không hứng thú chi. Chẳng những vậy, phải thú thật là cha giảng chẳng hấp dẫn mấy. Tuy nhiên, những điều tôi học được trong giảng khóa ấy, nhất là trong giáo trình cha soạn, đã mở cho tôi một nhãn quan mới với những chân trời mới, từ các Ngôn Sứ đến Chúa Giêsu trong Tin Mừng, từ các Giáo Phụ cho đến Công Đồng Vaticanô II, cả nền luân lý Nho Giáo và quan niệm về đức hạnh của người Việt  Nam nữa. Luân lý không phải chỉ là chuyện của các cụ già lẩm cẩm mà là cuộc sống cao đẹp, vừa rất nhân bản vừa rất thánh thiêng của con cái Thiên Chúa. Trước kia tôi nghĩ các nhân đức chỉ là những ràng buộc con người trong những cái rọ chật chội và gò bó. Làm người, sống như con cái Thiên Chúa, nên thánh… tất cả đều mời gọi tôi vươn tới. Tôi thấy Chúa Giêsu sống như con cái Thiên Chúa và anh em của con người. Tôi thấy chính mình phải thoát ra khỏi những cái khuôn không óc không tim. Bên ngoài cha sống rất bình dị, lại ăn nói không hấp dẫn lắm, nên thật tôi không ngờ trái tim cha có  một chiều sâu nhân bản và thiêng liêng đáng cảm phục như vậy.

Tiếng Việt nhiều khi trở thành trung gian để cha tạo niềm vui. Một hôm đi đường, chúng tôi gặp hai người đang cãi nhau gay gắt: họ nói thứ tiếng Việt phi văn phạm và phi từ điển. Dĩ nhiên cha không hiểu được, nên hỏi tôi: “Họ nói gì ?” Tôi đề nghị: “Cha đến bảo họ nói chậm thôi, nói nhanh quá không hiểu được !” Cha nói ngay: “Làm ơn nói chậm chậm…” May là họ nhận ra cha là một người nước ngoài, không thì hôm ấy tôi lãnh đủ! Một hôm khác, ở bờ biển Nha Trang, cha đến làm quen với mấy em bé. Các em ngạc nhiên : “Ông Mỹ !”  Cha tỉnh bơ: “Tôi là người Việt Nam.” Một phụ nữ bán hàng rong đứng gần đó phản đối: “Mặt mũi thế kia mà xưng là người Việt Nam.” Cha trả lời: “Tôi là người Việt Nam, gốc Hà Nội.” Đến đây thì bầu khí trở nên vui vẻ. Một số người bán hàng rong khác quên cả việc buôn bán đến nói chuyện với cha. Người ta đố cha cái này gọi là gì, cái kia gọi là gì… cha trả lời được hết. Cuối cùng, một phụ nữ đưa cái đòn gánh lên hỏi: “Cái này kêu bằng gì ?” Cha trả lời bằng câu có lẽ ít ai ngờ được: “Cái đó ở Hà Nội không có, tôi không biết!”. Mọi người được một trận cười vỡ bụng.

Sau năm 1975, suốt gần 15 năm, ở Saigon, tôi không có một tin tức nào về cha, nhưng hình ảnh của cha luôn sống động và giúp tôi sống ơn  gọi linh mục với anh em Dòng Tên, với giáo dân và với mọi người. Trong số các cha các thầy Dòng Tên nước ngoài đã ở Việt Nam trước năm 1975, cha là người đầu tiên trở lại thăm Việt Nam. Đó là năm 1989. Tôi dẫn cha đi thăm đây đó. Ngôi nhà thờ như một cái kho, những tập Thánh Vịnh chép tay, một cộng đoàn giáo dân nhỏ bé và đơn sơ, những người bệnh phong nghèo khổ, những anh em Dòng Tên hòa mình với mọi người giữa các nông trường: mọi sự đối với cha đều là những điều kỳ diệu. Cha kể cho tôi hai kinh nghiệm ở trại tỵ nạn: Hằng ngày, cha đến gặp Chúa Giêsu Thánh Thể, và thấy được khích lệ ở giữa các thuyền nhân như chính Ngôi Lời đã làm người và ở với con người. Một hôm, cha bị cảnh sát Indonesia chất vấn: “Tại sao khi có bất đồng giữa chính quyền và người tỵ nạn, ông luôn đứng về phía họ ?” Cha trả lời: “Vì quý vị có quyền, có tiền, có súng, còn họ chẳng có chi hết.”  Sau đó ít lâu, cha nhận một bưu kiện, nhưng khi mở ra, cha thấy vỏn vẹn một viên đạn cùng với mấy chữ: “Xin mời ông đi nơi khác.” Thế là Bề Trên bảo cha đi. Tôi có cảm tưởng cha luôn luôn tha thiết với mầu nhiệm Nhập Thể, nhưng Chúa lại muốn dẫn cha đi xa hơn nữa.

Tôi hỏi cha về hai cuốn: “Việt Nam Quê Hương Tôi”“Đi Tìm Anh Em”, cha  nói: “Đó là vài ba suy nghĩ vụn vặt thôi.” Khi đọc: “vài bai suy nghĩ vụn vặt ấy”, tôi hiểu hơn về hai điều trong lòng cha: có một Việt Nam rất đặc biệt và có một Chúa Giêsu đầy nhân tính.

Việt Nam quê hương của cha không phải là thịt chó hay thuốc lào, không phải là dãy Trường Sơn hùng vĩ hay đồng bằng Cửu Long trù phú, không phải là vịnh Hạ Long di sản thiên nhiên thế giới hay những bãi biển cát trắng có thể tắm quanh năm, cũng không phải là thành phố Saigon nhộn nhịp, thánh phố Đà Lạt thơ mộng, thành phố Huế trầm tư, nhưng chính là những tấm lòng cởi mở, đầy ắp tình người, những nụ cười hiền hậu và những mời chào thân ái, là những cuộc đời trải qua nghèo khổ nghiệt ngã và chiến tranh tàn khốc, nhưng vẫn vui tươi và lạc quan, vẫn tha thứ và hi sinh. Chúa Giêsu của cha không phải đơn thuần là một vị thần để người ta tôn thờ, hay một nhà luân lý nghiêm khắc với những mệnh lệnh khô khốc, những lời khuyên nhàm tai hay những dọa nạt ấu trĩ, nhưng là một người anh em giữa những người anh em, nhất là những anh em nghèo khó và đau khổ, để lắng nghe, để chia sẻ, để đồng hành. “Đi tìm anh em” của cha không phải là bắt chước một triết gia Hy Lạp thắp đuốc đi tìm một người trên đường phố đông đúc giữa ban ngày, nhưng là “đến với anh em”, “trở nên anh em” của người khác, giữa cuộc sống đan kết bằng nụ cười và nước mắt, như Chúa Giêsu đã “không hổ thẹn gọi con người là anh em”. Đó là lý do giải thích tại sao cha vào Dòng Tên, tại sao cha đến Việt Nam, tại sao cha giúp các trại tỵ nạn. Trái tim cha là một giao điểm giữa Chúa Giêsu và tâm hồn Việt Nam.

Việt Nam đối với cha rất dễ thương, nhưng không phải luôn luôn dễ dàng. Một hôm tôi đưa cho cha xem cuốn “Tiếng Ý dễ như chơi” (LItalien sans peine), cha nói: “Tiếng Ý thì học dễ như chơi được, còn tiếng Việt Nam thì phải đổ mồ hôi nước mắt mới học được.” Tôi nói: “Mai mốt con sẽ soạn sách tiếng Việt dễ như chơi cho cha coi” Cha lắc đầu quầy quậy: “Mâu thuẫn nội tại! Không thể có một hình tròn vuông, cũng không thể có tiếng Việt dễ được.” Rồi cha thêm: “Chắc chắn khi chết tôi sẽ lên thiên đàng ngay, không phải qua luyện ngục, vì tôi đã học tiếng Việt nên đền tội đủ rồi.” Một hôm cha phải lái xe từ Ngã Tư Bảy Hiền đến Chợ Bến Thành ở Saigon. Vượt qua quãng đường 5 km ấy thật là cực khổ, cha bình luận: “Ai lái xe được ở quãng đường này thì đáng được cấp bằng lái xe quốc tế.” Ngoài ra, mặc dầu được giáo dân quý mến, nhưng vì “hay đặt vấn đề”, nên không phải luôn luôn cha được mọi người hiểu và chia sẻ, nhất là những người chủ trương “ổn định”, kể cả trong hàng ngũ lãnh đạo của Hội Thánh. Có lần cha tỏ ra trầm ngâm: “Chúa đến trần gian thời nào và ở đâu có lẽ cũng bị các nhà lãnh đạo từ chối!” Quả thật, để có thể tự xưng là người Việt Nam đối với cha không phải là một điều dễ dàng, nhưng cha đã vượt qua được tất cả.

Những năm gần đây, có nhiều dịp cha trở về Việt Nam và tôi thường may mắn được gặp lại cha ở Saigon. Cha mang trong lòng một ước nguyện cháy bỏng được về ở luôn tại Việt Nam. Thực ra, cha vẫn giúp người Việt Nam ở Canađa và Hoa Kỳ về đời sống thiêng liêng. Nhưng hình như cả ở trong các trại tỵ nạn Đông Nam Á đầy bấp bênh hay ở các thành phố Bắc Mỹ đầy tiện nghi, cha vẫn thấy không ở đâu tìm được chất Việt Nam đặc trưng bằng chính tại Việt Nam. Để chuẩn bị ngày trở lại Việt Nam, cha chia sẻ với tôi là cha sẽ dành ra hai năm đi học bồi dưỡng về thần học luân lý để khi nào chính quyền cho phép thì sẵn sáng trở lại “đi tìm anh em” ngay tại “Việt Nam quê hương tôi”. Tôi hỏi cha còn thích lên Bảo Lộc không, cha trả lời ngay: “Đó là quê hương thứ nhất của tôi! Nhưng với thần học luân lý, có thể tôi hữu ích hơn.” Tôi cố mường tượng hình ảnh một vị tiến sĩ giáo sư thần học đã hơn 60 tuổi, đã từng là giáo sư của nhiều giáo sư, đã từng lăn lộn trong các trại tỵ nạn, đã từng hướng dẫn Linh Thao bằng tiếng Việt trên đất Mỹ, ngày ngày cắp sách đến lớp… vì hi vọng một ngày nào đó được trở lại Việt Nam. Tôi nghĩ đến Giêrusalem của thánh I-nhã, vùng Đông Á của thánh Phanxicô Xavier… cuối cùng tôi hiểu rằng Thiên Chúa tạo ra cho mỗi con người một trái tim và ban cho những người anh em ở đâu đó, phải đi tìm, và khi tìm được ở đâu thì nơi đó trở thành quê hương của mình.

Tôi gặp cha lần cuối cách đây hơn một năm tại Việt Nam. Được biết cha bị ung thư, tôi hơi băn khoăn, nhưng cha tỏ ra rất bình thản: “Bệnh thì phải chữa, khỏi thì làm việc tiếp, chết thì về với Chúa.” Thật đơn giản, nhưng tôi nhận ra điều đó phản ánh rất rõ một nét đặc trưng của tâm hồn người Công Giáo Việt Nam, có lẽ cách riêng là giáo dân miền quê ở Bảo Lộc. Suốt đời cha mong được ở với người Việt Nam, ngay tại đất nước Việt Nam, nhưng những ngày tháng cuối đời cha phải ở xa Việt Nam. Dầu vậy, thực sự trái tim cha vẫn ở giữa những anh em Việt Nam của cha, vì trái tim ấy đã bị một Chúa Giêsu có lẽ rất Việt Nam chinh phục. Khi được tin cha mất, tôi đang ở xa Việt Nam, nên thấy có được một đồng cảm nào đó với cha. Và tôi nghĩ chính mình sẽ phải tiếp bước cha “đi tìm anh em” ngay trên “Việt Nam quê hương tôi”.

Paris ngày 12 tháng 3 năm 2003



[1] Bài viết theo yêu cầu của Radio Vatican Tiếng Việt và đã được phát thanh ít ngày sau khi cha Dominici qua đời.

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh 2025

  Năm Thánh diễn ra 25 năm một lần, sẽ được đánh dấu bằng một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *