Khi Cha Giám tỉnh chính thức thông báo Cố Chính đã về với Chúa, bỗng nghe tiếng khẽ thốt ra từ phía bên trong: Một tâm hồn trí tuệ đã lìa bỏ chúng ta!
Người ta biết nhiều đến học giả gốc Nam Định ấy, Linh mục Giuse Đỗ Quang Chính, qua pho tác phẩm để đời về những nghiên cứu như: Tập Lịch sử nước Annam, Giáo hội Công giáo hòa nhập với văn hóa gia đình Việt Nam, Lòng thành của bổn đạo Việt Nam, Tình trạng dân số Đàng Ngoài thế kỷ 17, Linh mục Gaspar D’Amaral viết chữ Quốc ngữ mới, Tết Nguyên Đán tại Thủ đô Thăng Long giữa thế kỷ 17, v.v… Và còn rất nhiều tác phẩm nghiên cứu sâu rộng của Cha về hành trình lịch sử của Giáo hội giữa lòng xã hội Việt Nam. Có thể gọi pho tài liệu của Cha là bảo vật! Và nó cần được bảo tồn.
Cha Tổng Quyền Peter Hans-Kolvenbach thăm cố Chính
trong dịp thăm viếng Tỉnh Dòng Việt Nam 2007
Đã có người gọi ngài là nhà sử học, cũng có khi ngài được người ta gọi là nhà nghiên cứu. Tựu trung, với một núi sách ngài đã nghiên cứu, chuyển ngữ, giảng dạy, viết và xuất bản, ngài là một nhà trí thức.
Thế nhưng, thưa Cha, con muốn gọi Cha là một-tâm-hồn-trí-tuệ.
Tiếp xúc với Cha, người ta sẽ hiểu trí thức của ngài không phải chỉ là những ngồn ngộn kiến thức tích lũy bằng trí nhưng còn là sâu lắng cảm thức bằng tâm.
Nhớ những lần con gặp Cha đi bách bộ ở hành lang nhà hưu, rất thanh thản, rất tĩnh tại. Khi ấy anh Hà Ngân được giao phụ giúp Cha, và không ít lần con đã được nghe những điều cao đẹp mà người thân gần nhất kể về ngài. Khi các anh em trẻ gọi Cha là nhà trí thức bậc thầy của Tỉnh Dòng, Cha chỉ mỉm cười không đối đáp. Nét văn hóa của nhà trí thức thực thụ và trải nghiệm.
Có lần anh Ngân đưa con vào thăm, hôm ấy Cha mệt, mà vẫn thấy trong Cha một sự nhẹ nhàng bình thản. Khi con trêu hỏi rằng mai này Cha về với Chúa thì Cha di chúc sách cho con nhé; Cha lại mỉm cười nhưng bằng thái độ ứng trực của một tông đồ theo Chúa, Cha bảo: đã về với Chúa thì còn thiết sự gì nữa mà mang theo. Nhẹ nhàng thôi. Nhưng Cha đã chỉ cho con một nhân cách sống trí tuệ sâu lắng trong tâm hồn.
Tâm hồn trí tuệ ấy đã phong ba một cõi đời: Cha chào đời ở Hải Hậu, thuộc tỉnh Nam Định; tu học ở Bùi Chu, Hà Nội, Sài Gòn; 8 năm sau khi chịu chức linh mục, Cha vào Nhà tập Dòng Tên tại Pháp; rồi du học ở Sorbonne; trở về nước và giảng dạy ở các chủng viện và trường đại học.
Với bao thăng trầm và trải nghiệm cùng với Dòng và Giáo hội giữa dòng lịch sử của xã hội, nay Cha lặng lẽ khép lại một kiếp sống, để bước vào một lẽ sống thiên thu.
Đêm Cha lìa đời, bầu trời vằng vặc một ánh trăng. Ánh trăng tròn đầy đầu tiên của năm Nhâm Thìn. Đêm nay, ở mãi tận cố hương nơi Cha đã chào đời cũng là một đêm quan trọng mang tầm quốc gia: Lễ Khai Ấn Đền Trần để cầu vận quốc thái dân an, nhân sinh thái bình, mưu sinh thịnh đạt.
Và có lẽ đêm nay cũng là đêm hạnh phúc nhất của cuộc đời hơn 80 năm sống trọn vẹn trong ơn gọi làm người, làm con Chúa, và làm môn đệ trong sứ vụ linh mục Dòng Tên. Con tin chắc Cha đã mãn nguyện bắt đầu nghỉ yên trong Chúa sau một cuộc đời dài “đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Ti-mô-thê 4:7).
Con nhớ về Cha. Và ánh trăng soi như rọi sáng hơn một nhân cách sống, một mẫu tông đồ, một gương sứ vụ nơi một tâm hồn trí tuệ của linh mục Dòng Tên Giuse Đỗ Quang Chính.
Xin Cha chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con.