Nhà thờ Đức Bà Paris phản đối thu phí vào cửa

 

Bộ trưởng bộ Văn hoá Pháp – Rachida Dati đã đưa ra đề xuất thu phí vào cửa 5 đô-la đối với khách hành hương và du khách đến thăm Nhà thờ Đức Bà với mục đích quyên tiền cho các nhà thờ khác tại Pháp.

 

Nhà thờ Đức Bà Paris đang chuẩn bị mở cửa trở lại lần đầu tiên kể từ năm 2019, khi một trận hoả hoạn thiêu rụi nhà thờ, qua nỗ lực dọn dẹp và trùng tu kéo dài 5 năm. Hiện tại, ngôi nhà thờ biểu tượng của nước Pháp này đã trở lại hình dạng ban đầu, nhưng có đề xuất rằng nhà thờ Đức Bà nên thu phí vào cửa. Số tiền quyên góp này có thể được dùng để giúp bảo tồn thêm nhiều nhà thờ trên khắp nước Pháp, nhưng lãnh đạo Công giáo của nhà thờ Đức Bà kiên quyết phản đối các biện pháp này.

 

Trong một phỏng vấn với báo Le Figaro, Bộ trưởng bộ Văn hoá Pháp Rachida Dati đã đề xuất thu 5 đô la phí vào cửa nhà thờ Đức Bà. Ước tính có khoảng 15 triệu khách tham quan vào năm 2025, có thể thu được khoảng 75 triệu đôla để bảo tồn và trùng tu các nhà thờ khác tại Pháp, trong đó có khoảng từ 3000 đến 5000 nhà thờ đang trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng.

 

Nhưng những nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo tại Pháp nhanh chóng chỉ trích quan điểm thu phí vào cửa nhà thờ Đức Bà và đưa ra một số lý do cho sự phản đổi này. Đầu tiên, việc vào cửa miễn phí với các nhà thờ Công giáo được bảo vệ theo luật năm 1905, vốn vạch ra ranh giới rạch ròi giữa Giáo hội và nhà nước. Trong khi quyền sở hữu các nhà thờ tại Pháp thuộc về nhà nước, nhưng Giáo hội có quyền tối thượng đối với chức năng của các nhà thờ.

 

Theo phản hồi từ nhà thờ Đức Bà, các nhà lãnh đạo Giáo hội cũng cho rằng việc thu phí vào cửa một nhà thờ đang hoạt động là vi phạm sứ mệnh cơ bản của các nhà thờ: là “chào đón một cách vô điều kiện và do đó nhất thiết phải miễn phí cho mọi người, bất kể tôn giáo hay tín ngưỡng, quan điểm hay phương tiện tài chính của họ.” 

 

Bức thư tiếp tục thảo luận về việc Giáo hội không phân biệt khách hành hương với khách du lịch, vì làm như vậy sẽ đòi hỏi phải thiết lập các điều kiện vào cổng khác nhau cho từng nhóm người. Theo đó, điều này sẽ tách họ ra khỏi bản chất của “sự hiệp thông chung” và làm hạn chế trải nghiệm của cả hai nhóm người này.

 

 

Ban lãnh đạo Công giáo của nhà thờ Đức Bà viết: “Sự phân biệt này cũng sẽ cực kỳ phức tạp nếu áp dụng thực tế. Do nơi này tương đối nhỏ nên sẽ khó phân biệt khách du lịch, khách hành hương và tín hữu”.

 

Trong lập luận cuối cùng phản đối việc thu phí khách du lịch, các nhà lãnh đạo Công giáo cho rằng công việc trùng tu đã được “tài trợ toàn phần” bởi những tiền quyên góp từ các tín hữu và khách du lịch yêu mến nhà thờ Đức Bà trên toàn thế giới. Họ cho rằng việc thu phí là một cách tồi tệ khi cần tôn vinh sự thể hiện “tình gắn bó vững chắc của người ta với Nhà thờ Đức Bà”, và nó lại đòi hỏi thêm một sự phân biệt nữa.

 

“Việc bảo tồn các di sản tôn giáo ở Pháp là một chủ đề được nhiều người quan tâm, bất kể là các tín hữu hay người thuộc tôn giáo khác, và nó nên được suy xét cẩn thận từ nhiều phía, không chỉ có một giải pháp duy nhất. Có thể tìm ra nhiều giải pháp khác mà không cần đánh thuế du khách đến với nhà thờ Đức Bà, vì một mức giá không phải chuyện đùa và chắc chắn sẽ khiến mọi người từ bỏ việc đến thăm một nhà thờ mà về bản chất là mở cửa chào đón tất cả mọi người.”

 

Không rõ liệu bộ trưởng Dati sẽ theo đuổi những thay đổi về luật pháp hay chính sách để tiến hành các biện pháp này hay không, hay đó chỉ là một suy nghĩ thoáng qua trong một cuộc phỏng vấn, nhưng có vẻ như rõ ràng rằng Giáo hội sẽ phản đối với bất kể động thái nào theo hướng này.

 

Nguồn: Aleteia

Tác giả: J-P Mauro

Chuyển ngữ: Châu Anh | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Giá trị của việc nói “Không”

  Học cách nói “không” cho phép chúng ta tôn vinh thánh ý Chúa về …

Văn kiện chung kết Thượng Hội đồng Giám mục

  Văn kiện chung kết Thượng Hội đồng Giám mục gồm 155 đoạn: Những đề …