Nhiều trường Công giáo hiện nay, Đức Tin chỉ còn là “lớp kem phủ trên chiếc bánh thế tục”

 

Linh mục Dòng Tên Walter Ong, nhà giáo dục vĩ đại và đồng thời là một sử gia văn hóa, đã viết một bài luận cho tạp chí America vào năm 1990, trong đó cha gợi ý rằng hình ảnh men trong bột có thể là một ẩn dụ mạnh mẽ cho nền giáo dục Công giáo. Cha viết rằng men là một chất xúc tác để kết hợp và chuyển hóa phần bột mà nó được đưa vào và so sánh điều này với đặc tính kết nối của đức tin.

 

Cha Ong có cơ sở vững chắc khi nói về phép ẩn dụ này. Chúa Giêsu đã nói về Nước Thiên Chúa như men trong bột.

 

Khi nói về giáo dục Công giáo, tôi muốn đối chiếu ẩn dụ về men này với một ẩn dụ khác – lớp kem phủ. Thay vì thấm vào bánh như men, kem phủ không thẩm thấu mà chỉ bao bọc bên ngoài. Hai ẩn dụ này, theo tôi, đơn giản nhưng chính xác, thể hiện hai quan điểm đối lập về giáo dục Công giáo, từ bậc mầm non đến đại học.

 

 

Các học sinh tại trường Trung học Don Bosco Cristo Rey ở Takoma Park, Maryland, năm 2016. (Hồ sơ OSV/CNS, Jaclyn Lippelmann, Catholic Standard)

Men

Cha Ong giải thích rằng chức năng của men có sự tương đồng với từ nguyên của từ “Công giáo” (catholic), vốn bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp katholikos, xuất phát từ kath hoặc kata (“khắp”) và holos (“toàn bộ”): nghĩa là “khắp toàn bộ.”

 

Giống như men trong ổ bánh mì, đức tin trong nền giáo dục Công giáo đích thực sẽ liên đới với tất cả các lĩnh vực khác, bao gồm nhân văn, khoa học, khoa học xã hội và các ngành nghề chuyên môn. Đức tin không thay thế cho những lĩnh vực khác hay biến đổi bản chất của chúng, mà thay vào đó, khi đức tin gặp gỡ lý trí, nó giúp bộc lộ và sắp xếp những thực tại chân lý và thiện hảo sâu xa hơn trong lý trí. Giống như men, đức tin lan tỏa khắp toàn bộ công cuộc giáo dục vì nó không có ranh giới. Đức tin không chỉ là một cảm xúc, mà là ánh sáng thiêng liêng, một nhân đức thần học giúp mở rộng tâm trí và tâm hồn, giúp chúng ta nhìn sâu hơn và rộng hơn.

 

 

Khi đức tin nhìn vào một con người, nó thấy tất cả những gì đôi mắt tự nhiên có thể thấy, nhưng đồng thời thấu suốt sâu hơn vào bản chất thực sự của con người. Đức tin không sa vào lối nhìn phiến diện, chỉ thấy con người như một thực thể sinh học có giá trị được đo lường bằng các tiêu chí kinh tế thuần túy. Thay vào đó, đôi mắt của đức tin nhận ra một linh hồn duy nhất và không thể thay thế, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và hướng đến Nước Trời.

 

Đức tin nhìn thấy điều vô hình trong cái hữu hình, tìm thấy tinh thần trong vật chất, nhận ra sự vô hạn trong giới hạn. Đức tin là kinh nghiệm khôn ngoan, nơi sự sống đời đời khởi đầu nơi chúng ta, nơi ta thấy được kết cục ngay từ khởi điểm. Một ví dụ gần gũi hơn, chính nhờ đôi mắt được đức tin soi sáng mà tôi có thể nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi cậu học trò ngồi cuối lớp với chiếc mũ bóng chày, người có vẻ chán chường như thể tôi chẳng thể dạy cậu điều gì.

Đức tin và các lĩnh vực khác

Truyền thống giáo dục Công giáo có vô số ví dụ về việc kết hợp đức tin với các ngành học khác. Một số ví dụ tiêu biểu bao gồm các giáo phụ thời kỳ đầu, những người đã kế thừa truyền thống triết học Hy Lạp, làm sáng tỏ mối tương quan bổ trợ giữa đức tin và lý trí. Một ví dụ kinh điển khác là các học giả – thánh nhân như Albertô Cả và Tôma Aquinô, những người đã thực hiện một quá trình thấm nhập tương tự như men khi làn sóng các tác phẩm cổ đại – thường được truyền qua các tư tưởng gia Hồi giáo – đặc biệt là của Plato và Aristotle, tràn vào xã hội châu Âu và được tích hợp vào nền học thuật đại học.

 

Gần đây, Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo đã đề cập đến lý thuyết và thực tiễn kinh doanh, nghiên cứu mối quan hệ giữa bản chất xã hội của việc sở hữu tài sản, áp dụng quan điểm Kitô giáo về công lý và những tác động của nó đối với tiền lương, giá cả và phân phối của cải. Đồng thời, học thuyết này cũng góp phần làm sáng tỏ phẩm giá của ơn gọi và công việc của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

 

Một ví dụ khác là cuộc đối thoại hiện nay giữa các nhà khoa học, thần học gia và triết gia về những câu hỏi khoa học quan trọng nhất mà nhân loại vẫn còn đang bỏ ngỏ, chẳng hạn như lý thuyết Vụ Nổ Lớn (Big Bang), nguồn gốc vũ trụ và thuyết tiến hóa.

 

Các cuộc đối thoại và những hiểu biết sâu xa từ sự kết hợp này đã góp phần làm giàu thêm các lĩnh vực khác nhau và đồng thời khắc họa đức tin sâu sắc hơn. Các ngành học chú trọng nuôi dưỡng, bồi đắp, bớt phiến diện hơn. Trong khi đó, đức tin được củng cố nhờ việc nhìn nhận rõ ràng hơn điều mà học giả luật Helen Alvaré gọi là “sự đột phá của Nước Trời.”

 

 

Sự căng thẳng và tranh luận chắc chắn sẽ nảy sinh trong quá trình tương tác giữa đức tin và lý trí, nhưng điều này không có gì mới trong truyền thống giáo dục Công giáo. Phương pháp sư phạm của các trường đại học thời trung cổ được xây dựng trên những câu hỏi và cuộc tranh luận như vậy. Hệ thống giảng dạy mang tính biện chứng, kết hợp giữa bài giảng và tranh luận. Bài giảng không chỉ nhằm đạt được sự đồng thuận mà còn đóng vai trò như bước khởi đầu cho các cuộc tranh luận. Phương pháp Socrates – Nghệ thuật đặt câu hỏi – được Thánh Tôma Aquinô đưa vào cuốn Tổng luận Thần học (Summa Theologiae) của mình, trong đó ngài đặt ra vấn đề, trình bày cả hai mặt của lập luận nhằm tìm kiếm một sự tổng hợp sâu sắc hơn.

 

Tuy nhiên, ngày càng nhiều sinh viên e ngại bày tỏ quan điểm trái chiều, thường vì sợ bị dán nhãn hoặc đơn giản là sợ sai. Đây là một trở ngại nghiêm trọng trong việc giáo dục. Một nền giáo dục Công giáo cần rèn luyện nghệ thuật đặt câu hỏi – một hành trình không phải để tìm kiếm khẩu hiệu hay sự đúng đắn về chính trị (dù thuộc phe nào), nhưng là tìm thấy điều mà cha Luigi Giussani gọi là “ý thức tôn giáo” – một ý nghĩa tối thượng có thể được khám phá nhưng không bao giờ cạn kiệt.

 

Hình ảnh ẩn dụ về men và ý nghĩa của từ “công giáo” hướng chúng ta đến hai nguyên tắc cốt lõi trong giáo dục Công giáo: sự thống nhất của tri thứctính bổ trợ giữa đức tin và lý trí. Khả năng tổng hợp tri thức là hoạt động bậc cao nhất của trí tuệ con người, và chính hai nguyên tắc nền tảng này giúp đầu óc ta vươn tới sự khôn ngoan. Nếu các trường Công giáo không còn theo đuổi những nguyên tắc này, chúng sẽ không còn giữ vai trò như men nữa. Thay vào đó, chúng có lẽ sẽ chỉ xứng đáng với hình ảnh ẩn dụ thứ hai: giáo dục Công giáo như một lớp kem phủ bên ngoài.

Lớp kem phủ

“Công giáo như lớp kem phủ bên ngoài chiếc bánh thế tục.” Đây là một mô tả chính xác về tình trạng khá phổ biến tại nhiều trường và đại học Công giáo. Nội dung học thuật mà các trường giảng dạy có thể hoàn toàn mang tính thế tục, hầu như không khác gì so với các cơ sở giáo dục phi tôn giáo. Trong những môi trường như vậy, yếu tố được cho là làm nên bản sắc Công giáo của trường chỉ tồn tại như một lớp kem phủ bên ngoài một hệ thống giáo dục vốn dĩ mang tính thế tục.

 

Các “thành phần” của lớp kem phủ này có thể bao gồm: yêu cầu về môn tôn giáo, các buổi cử hành phụng vụ, sự hiện diện của các biểu tượng tôn giáo, các chương trình phục vụ cộng đồng, đôi khi là một chuyến thăm của giám mục, và một tuyên bố chung chung – nếu không muốn nói là thiếu cơ sở – rằng mọi người trong trường đối xử với nhau “tử tế” hơn so với các trường thế tục.

 

Chúng ta vẫn thích lớp kem phủ: nó không có gì xấu, trông đẹp mắt và làm tăng hương vị; nhưng nó không thể thay đổi bản chất của chiếc bánh. Điều này hoàn toàn khác xa với phẩm chất biến đổi như men, vốn đã định hình truyền thống giáo dục Công giáo qua nhiều thế kỷ.

 

Làm thế nào mà mô hình giáo dục Công giáo lại chỉ còn là một lớp kem phủ như vậy? Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục là nuôi dưỡng, rèn giũa, kỷ luật và làm cho tư duy con người trở nên sắc bén, chính xác và linh hoạt hơn. Giáo dục thực hiện điều này bằng cách đào tạo chuyên sâu vào từng môn học cụ thể. Điểm mạnh lớn nhất của nền giáo dục hiện đại, đặc biệt là tại các trường đại học, chính là sự chuyên môn hóa. Nhưng chính điểm mạnh này cũng dẫn đến điểm yếu lớn nhất của nó.

 

 

Việc đào tạo chuyên sâu giúp các ngành học phát triển, nhưng nếu không được đặt trong một bối cảnh phù hợp, nó có thể làm lệch lạc tư duy, vì bỏ qua hoạt động cao nhất của trí tuệ – sự kết nối và tích hợp tri thức. Khi giáo dục chỉ là một tập hợp rời rạc của nhiều môn học không có mối liên hệ rõ ràng với nhau, kết quả thường là một kiểu chủ nghĩa duy lý khô khan và đầy tính toán.

 

Thánh John Henry Newman viết rằng:

 

“Mặc dù một nghệ thuật (ngành học) có thể vươn cao nhờ những trí tuệ bỏ công nghiên cứu nó, nhưng cá nhân chỉ gắn bó với một lĩnh vực lại sẽ thụt lùi.”

 

Nếu việc học chuyên sâu không đi kèm với một tầm nhìn tổng thể về tri thức và thực tại, nó có thể kìm hãm sự phát triển thực sự của hiểu biết và khiến những tâm trí trẻ trung, tràn đầy năng lượng cảm thấy không thỏa mãn.

 

Một tâm trí trẻ khao khát tìm kiếm một kết luận tổng quát về cách mà thế giới vận hành là điều vô cùng hiển nhiên. Khi không có được điều đó, sinh viên dần đánh mất niềm yêu thích học tập và chỉ học vì mục đích thực dụng: điểm số, sự nghiệp và danh tiếng cá nhân. Một vài khóa học thần học hay đôi ba buổi lễ không thể bù đắp cho sự rời rạc trong cách tiếp cận giáo dục này. Khi vấn đề công lý được đưa vào – một khía cạnh quan trọng của giáo dục – nếu không được đặt trong bối cảnh toàn diện của truyền thống Công giáo, nó có thể trở nên tách biệt khỏi việc học hoặc bị chi phối bởi các ý thức hệ thịnh hành.

Sự phân mảnh trong giáo dục

Nhiều người trong chúng ta, dù học tập trong các trường Công giáo, vẫn chịu ảnh hưởng từ mô hình giáo dục hiện đại mang tính thực dụng. Vấn đề ở đây không phải là đổ lỗi, mà là nhìn nhận nghiêm túc những tác động gây phân mảnh của nền giáo dục hiện đại, cũng như hậu quả nghiêm trọng của việc tách rời đức tin khỏi lý trí. Giáo dục thế tục ngày nay mặc định rằng lý trí không có gì để học hỏi từ đức tin. Lý trí được xem như một thực thể độc lập và là nguồn duy nhất của tri thức “chính thống.” Theo đó, chỉ những gì có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm hoặc có giá trị ứng dụng mới được coi là chân lý và xứng đáng để nghiên cứu.

 

Khi tri thức bị thu hẹp trong khuôn khổ kiểm chứng và tính hữu dụng, thế giới bị chi phối bởi cái gọi là chủ nghĩa thực dụng. Điều này dẫn đến việc gạt bỏ siêu hình học và thần học – những lĩnh vực tìm kiếm bản chất sâu xa của thực tại. Thay vào đó, những câu hỏi quan trọng duy nhất trở thành: Điều gì hiệu quả? Điều gì hữu ích? Và tôi phù hợp với hệ thống công cụ này như thế nào? Quan điểm này nhìn nhận thế giới chỉ qua lăng kính chức năng, thay thế sự chiêm nghiệm và thắc mắc bằng các tiêu chí đánh giá hiệu suất và sự thống trị của các thước đo. Khi cách tiếp cận nặng tính thực dụng này làm mất đi tính tò mò, nó cũng đồng thời dập tắt niềm đam mê học hỏi, làm lu mờ những điều huyền nhiệm và đẩy nhu cầu tìm kiếm Thiên Chúa ra bên lề.

 

 

Một nền giáo dục bị chi phối bởi chủ nghĩa thực dụng dễ dẫn đến tư duy nghề nghiệp (làm gì quan trọng hơn trở thành ai) hoặc chủ nghĩa tiêu dùng (sở hữu gì quan trọng hơn bản thân đã trưởng thành như thế nào). Nó nuôi dưỡng một lối tư duy thuần túy công cụ, dần làm xói mòn khả năng suy xét đạo đức và tinh thần. Cũng như Chúa Giêsu từng cảnh báo về men của người Pharisêu và vua Hêrôđê, chúng ta cũng nên cảnh giác với “men” của chủ nghĩa thực dụng – thứ đã len lỏi vào hệ thống giáo dục mà chúng ta đang trao cho học sinh.

 

Nguy cơ lớn nhất của mô hình “lớp kem phủ” trong các trường Công giáo là nó vô tình làm lu mờ món quà của đức tin là Logos, lý trí thần linh và khả năng đối thoại của con người với lý trí đó. Nếu Giáo hội chỉ xem giáo dục như một lớp phủ bề ngoài, có lẽ nó đã chỉ dừng lại ở các lớp học Kinh Thánh và chủng viện dành riêng cho giáo sĩ. Nhưng thay vào đó, Giáo hội đã khai sinh ra các trường đại học và vô số cơ sở giáo dục, chạm đến mọi khía cạnh của trí tuệ con người.

 

Cuối cùng, một ngôi trường vận hành theo mô hình “lớp kem phủ” không thể tránh khỏi việc gây tổn hại đến đức tin. Nó đẩy đức tin ra bên lề đời sống con người, điều mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II từng cảnh báo là “một đức tin không còn trung thành tuyệt đối với những gì Lời Chúa bày tỏ và mạc khải – một đức tin bị tước mất cốt lõi, và tệ hơn nữa, một đức tin đang tự hủy diệt.”

Những yếu tố cốt lõi cho sự đổi mới

Giáo hội Công giáo đã thực hiện sứ mệnh giáo dục hơn 2.000 năm qua. Khả năng tự đổi mới nhờ ân sủng của Thiên Chúa có lẽ là lý do khiến hệ thống giáo dục Công giáo hiện nay có khoảng 95.000 trường tiểu học, 43.000 trường trung học và 1.500 cơ sở giáo dục đại học trên toàn cầu. Tuy nhiên, dù có số lượng ấn tượng như vậy, sự tồn tại của những ngôi trường này trong tương lai không hề được đảm bảo. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, số lượng trường tiểu học và trung học Công giáo đã giảm mạnh, từ mức cao nhất là 12.000 trường vào những năm 1960 xuống còn chưa đến 6.000 trường hiện nay.

 

Điều cốt lõi để đổi mới nền giáo dục Công giáo trong thời đại ngày nay là gì? Nói đơn giản, chúng ta cần nhiều men hơn và ít kem phủ hơn. Thật ra, trở thành men trong giáo dục khó hơn nhiều so với việc làm lớp kem phủ, nhất là trong bối cảnh nền văn hóa trọng kỹ thuật hiện đại ngày càng phát triển. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo giáo dục phải có một tầm nhìn rõ ràng, một năng lượng dồi dào và sự sẵn sàng khai phá những hướng đi mới.

 

 

Vậy mô hình giáo dục Công giáo theo hướng “men” sẽ có hình thức như thế nào? Có rất nhiều khả năng, nhưng có ba hướng đổi mới đáng chú ý trải dài trên toàn bộ hệ thống giáo dục.

 

Thứ nhất, từ những năm 1950, Sophia Cavalletti và Gianna Gobbi đã phát triển phương pháp Giáo Lý của Người Mục Tử Nhân Lành nhằm giúp trẻ em từ 3 đến 12 tuổi có một nền tảng đức tin sâu sắc. Các nghiên cứu tâm lý và thần kinh học gần đây xác nhận rằng phương pháp tiếp cận toàn diện và tích hợp này rất hiệu quả trong giáo dục mầm non và đào tạo đức tin.

 

Thứ hai, Viện Giáo Dục Khai Phóng Công Giáo (The Institute for Catholic Liberal Education) thành lập năm 1999, tổ chức các chương trình chứng chỉ, hội thảo, tĩnh tâm và xuất bản tài liệu dành cho giáo viên Công giáo cấp tiểu học và trung học. Viện tập trung vào mối liên hệ giữa các đức tính tốt, tinh thần ham học hỏi, trí tuệ và đức tin trong giáo dục khai phóng. Điểm đặc biệt của tổ chức này là không chỉ cung cấp nội dung chương trình học mà còn chú trọng đến phương pháp giảng dạy.’

 

Cuối cùng, từ những năm 1990, các chương trình Nghiên Cứu Công Giáo đã trở nên phổ biến, với hơn 60 sáng kiến liên ngành được thành lập tại nhiều trường đại học trên thế giới. Sức mạnh của các chương trình này đến từ tầm nhìn giáo dục rộng mở, sự gắn kết với Giáo hội và môi trường học thuật vững chắc ở cả bậc đại học lẫn sau đại học.

 

Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều chương trình và tổ chức khác đang thúc đẩy mô hình giáo dục theo hướng “men”. Mỗi sáng kiến sẽ có những điểm mạnh và giới hạn riêng. Tuy nhiên, nếu đức tin không thấm vào như men mà chỉ được phủ lên như một lớp kem trang trí, chúng ta sẽ thất bại trong sứ mệnh giáo dục thế hệ trẻ. Sự đổi mới của giáo dục Công giáo luôn gắn liền với những hình thức tích hợp sâu sắc hơn, tạo ra một nền giáo dục ưu việt hơn ngay trong những giai đoạn đầy biến động và suy thoái.

 

Nguồn: America Magazine

Tác giả: Michael J. Naughton

Người dịch: Gia Hân | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Phân định ở từng giai đoạn sống khác nhau

Một đóng góp lớn của linh đạo I-Nhã* là sự khôn ngoan trong phân định. …

10 điều khiến tôi yêu mến Linh đạo I-Nhã

  Ghi chú của biên tập viên: Bài đăng này là một phần của “Đếm …