Nhìn lại Giáo Hội hòa mình trong xã hội Việt Nam

3. Khó khăn vì những phong tục xã hội VN

Phong tục, nề nếp xã hội VN rất phức tạp. Một con người từ khi sinh ra, lớn lên, lập gia đình, cho đến chết, biết bao thứ rườm rà bao quanh mình, có khi là những tục lệ trói buộc con người rất chặt chẽ với gia đình, làng nước. Viết về vấn đề này, cha Đắc Lộ đã dành ra 7 chương sách, từ trang 77-104[7]. Riêng việc cưới hỏi, cha Marini (1608-1682) dành nguyên một chương sách dài gần 20 trang[8].

Đời sống hôn nhân: Luật Chúa dạy chỉ có một vợ một chồng và phải chung thuỷ với nhau cho đến chết. Ớ xứ ta vẫn có luật ấy, nhất phu nhất phụ; nhưng trong thực tế, vua chúa, những người giàu sang quyền quí thường có vợ lẽ; khi ấy bà vợ cả được các con do các bà vợ lẽ sinh ra, phải gọi bằng mẹ, nhưng gọi chính mẹ đẻ mình là chị. Cha Marini truyền giáo ở Đàng Ngoài từ 1647-1658 ước tính vua Lê có tới 500-600 cung phi[9]. Nói cách chung một người muốn cưới được cô vợ, phải qua bao nhiêu cửa ải, mới mang được “một nửa mình” về với mình. Lại còn tục tảo hôn, hoặc cha mẹ đôi bên hứa hôn khi con còn bé!

Người phụ nữ trong gia đình phải sống lệ thuộc rất nhiều do luật tam tòng: khi còn nhỏ phải theo cha, lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con. Người vợ có thể bị chồng bỏ, nếu phạm luật thất xuất: không con, dâm dật, không thờ cha mẹ chồng, lắm miệng, trộm cắp, ghen tương, ác tật.

Đẳng cấp xã hội: Thực ra ở VN không phân biệt giai cấp khắt khe (castes) như Ấn Độ, nơi có 4 giai cấp chính phân chia ra 2.700 giai cấp khác. Câu truyện Chử Đồng Tử và nhiều sự kiện khác chứng minh điều đó. Ngay năm 1647, cha João Cabral đã ghi nhận rằng, ở Đàng Trong, Đàng Ngoài không có giai cấp như ở Ấn Độ, nên việc truyền bá đức Tin dễ dàng hơn 104. Tuy nhiên sự phân biệt kẻ giàu nghèo, quan dân rất rõ nét. Kẻ khố rách áo ôm giáp mặt với nhà giàu sang, hay dân đinh đến cửa quan, dù chỉ là loại quan hạng bét, hàm Tòng cửu phẩm, đã phải khúm núm lạy lụp.

Lạy! dù chỉ là một lạy thì cũng phải ngũ thể đầu địa. Thực ra, nếu lạy như thế đối với Thiên Chúa thì quả là đúng và rất ý nghĩa, bởi vì khi lạy (đưa 2 bàn tay lên trán, xuống ngực, sấp mình đầu chạm đất), người ta tỏ ra từ trí óc, tâm hồn đến cả thân xác mình đều phục tùng đấng Tối cao. Nhưng ở xứ ta mấy trăm năm trước đây, khi vào chầu vua chúa, phải 4 lạy như thế, cũng như khi lạy cha mẹ trong đêm giao thừa và trước thi hài người quá cố; còn những trường hợp khác, thì một hai ba lạy đều tuỳ thuộc vai vế quyền bính người được lạy. Đến trước mặt quan lớn, dù chỉ là loại Tri phủ, Tri huyện, không thể nào thiếu cái nghi lễ này được. Phong tục như thế, riết rồi cũng quen!

Do tính cách bó buộc này, người dân vẫn cảm thấy nặng lòng. Khi một số anh chị em tân tòng ở Đàng Ngoài vào đầu thế kỷ 17, thấy các thừa sai không cho anh chị em lạy mình và thấy các quan sau khi được rửa tội, không còn đòi người ta lạy mình nữa, thi họ càng mến phục đạo Chúa hơn, lôi kéo nhiều người đến với Chúa. Cũng vì đó một phần, nên từ năm 1627-1630 đã có 5.602 tín hữu.Tuy nhiên, các thừa sai vào chầu chúa Trịnh, Nguyễn, cũng vái lạy như mọi người. Cha Borgès[10] và Tissanier[11] đã lạy như thế (trước mặt 4.000 người) trong phẩm phục áo thụng tím đầu đội mũ lục lăng, khi hai cha theo các quan đến chầu chúa Trịnh vào ngày đầu năm . Mồng ba Tết, là ngày dành cho người nước ngoài, Borgès và Tissanier lại cùng với đoàn người ngoại kiều vào chầu chúa, các cha cũng lạy chúa 4 lạy theo kiểu VN; tiếp đến, hai cha lạy mẹ chúa cũng đủ 4 lạy làm cho chúa rất hài lòng, vì Ngài rất kính yêu mẹ[12]; người Trung Quốc lạy 1 lần theo kiểu

Trung Quốc và 1 lần theo kiểu VN, người Hà Lan chào theo kiểu Tây phương[13]. Trước mặt vua chúa phải đội khăn, mũ; vậy khi linh mục dâng Thánh lễ cũng phải đội khăn hay mũ, mới là hội nhập văn hoá chứ!

Trong xã hội VN xưa, nam giới lạy như thế, còn nữ giới ngồi xuống đất mà lạy. Vậy, việc thờ phượng Đức Chúa Trời, phải bái lạy thế nàọ đây? Thật ra chúng tôi không có đủ tư liệu để nói. Chỉ biết rằng, trong Thánh lễ, vẫn chỉ có bái gối, hay vào nhà thờ đang đặt Mình Thánh Chúa thì bái quì hai gối. Cuối thế kỷ 19 đầu 20, giáo dân đến chào các cha ở một số địa phương miền Bắc cũng lạy các cha sát đất, nhưng thường chỉ là một lạy.

Nhưng trong các kinh nguyện thì tràn đày tiếng lạy, nhất là khi mở đầu mỗi kinh nguyện, mặc dù không lạy thực sự, nhưng diễn tả sự khiêm tốn, van xin đối vổi Chúa. Năm 1924, 10 linh mục đại diện toàn cõi Đông dương Công giáo gồm Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Penang, họp tại Toà Giám mục Huế từ 28-4 đến 17-5-1924, “cùng nhau để sửa kinh hôm mai cho Trong Ngoài nhứt thể”[14]. Mở đầu mỗi kinh thường vẫn dùng tiếng Lạy.

Tương giao xã hôi: Việc xưng hô trong xã hội VN rất phong phú, “rất là Việt Nam”, coi mọi người xa lạ cũng như trong gia đình qua cách xưng hô: ông bà, chú bác, cô dì, con cháu, anh chị em, v.v… Mấy năm đầu truyền giáo ở VN, các thừa sai ngần ngại không biết xưng mình với anh chị em bổn đạo thế nào cho phải. Sau cùng, các ông xưng là Thầy, cũng có nghĩa như Sư (của nhà chùa), nhưng lại hay ở chỗ đó là tiếng Việt hoàn toàn, mà vẫn nằm trong “tam bộ” Quân Sư Phụ rất thích hợp với cơ cấu xã hội Nho giáo VN lúc đó. Từ 1630 trở đi, vì có các Thầy giảng, nên gọi các thừa sai là Thầy cả tức là Thầy lớn hơn các Thầy (giảng) Khi ở xứ ta có Giám mục, thì gọi các Ngài là Đức Thầy, Đức Thầy cả, Cha cả hoặc cũng phiên âm từ tiếng Bispo (Bồ Đào Nha) mà gọi là Vítvồ. Chúng tôi xin trích dẫn vài câu trong hai bức thư của Igesico Văn Tín và Bento Thiện viết cho cha Marini năm 1659[15], nhưng chúng tôi xin ghi lại theo chính tả ngày nay:

Igesico Văn Tín viết ngày 12-9-1659: “Đoàn tàu trẩy về thì tôi ước rằng còn Thầy [Marini] ở Macao, lòng tôi muốn trẩy sang mà theo Thầy, song le Thầy đã trẩy khỏi [bỏ Macao đi Roma], thì tôi bây giờ như con mất cha, mà trăm đàng thì cậy một Thầy cả [Borgès] ở bên này… ơn Thầy xưa dạy dỗ tôi nhiều đàng, cho nên thành mà ráp cậy Thầy; cho nên chẳng hay bây giờ vắng Thầy, tôi càng buồn hơn nữa, mà ước ao cho được thấy mặt Thầy như con trông mẹ về cho được bú vậy”.

Bento Thiện viết ngày 25-10-1659: “Còn đầy tớ các Thầy ở lại cùng Thầy cả Kẻ Chợ [Borgès] thì được bốn năm người. Các Thầy giảng thì đi ở các xứ, Kẻ giảng cũng vậy. Thầy Chico còn ở Ông Mác, song le chẳng còn ai ở cùng, có một Bento cẩm mà thôi, các bổn đạo cũng ghét chẳng ai cho ăn”.

Đồ lỡi của người dưới đối với người trên: Thường thường người dưới đến với người trên hay mang đồ lỡi (bởi từ lễ) đi theo, tuỳ theo khả năng mình, nhất là các bà; hoặc cho người nhà bưng đồ lỡi đến trước, rồi mình tới sau. Phải như thế mới được coi là con người có lễ. Người dưới biếu người trên, thì người trên phải nhận, từ chối tức là khinh dể người ta; người trên cho người dưới dù là món vật nhỏ, thì người dưới cũng phải cám ơn rối rít, từ chối là láo xược! Vì thế dân đến cửa quan thường phải có đồ lỡi, không có món này sẽ bị hạch xách đủ điều. Nguyên việc tặng quà cho nhau là hay, nhưng nhiều khi trở thành hối lộ!

Các nhà thừa sai vào VN thấy bổn đạo hay đem đồ lỡi các cha, lúc đầu có phần khó chịu, không muôn nhận, dù biết đó là tấm lòng thành của họ. Còn nhớ vào cuối năm 1671, một viên quan lớn (Trấn thủ?) ở Phú Yên đích thân đến thăm một vị thừa sai, mang theo gạo, sáp và bạc, nhưng nhà thừa sai chân ướt chân ráo, vừa bước vào xứ Trầm hương Yến sào, từ chối: “Chúng tôi đến đây không phải để nhận lãnh của gì, nhưng là để cứu giúp về mật trần thế và thiêng liêng cho những ai cần đến”. Bề ngoài, viên quan tỏ vẻ thán phục, nhưng ngấm ngầm bực mình, vì nhà thừa sai coi thường ông là quan lớn ở Phú Yên. Sau đó viên quan mời nhà thừa sai tới dinh quan, tiếp đãi mứt quí; đến đêm thì nhà thừa sai bị ói mửa, bệnh nặng, may mà qua khỏi. Người ta hồ nghi chính quan đó đã bỏ thuốc độc[16].

Cha F. Deydier[17] vừa đến Đàng Ngoài năm 1666, đã phải ca tụng bổn đạo rất nhiệt tình, có khi họ phải đi tới 10- 12 ngày để được gặp cha; họ lại rất bác ái, đến nỗi khi nào đến gặp cha cũng biếu cha ít quà; cha không muốn nhận, nếu họ nài nẩng quá thì phải miễn cưỡng mà nhận. Hai năm sau cha phải thông báo cho bổn đạo là từ nay ai đến thăm cha hay các thầy giảng, đừng mang theo quà cáp, nhất là đừng biếu thịt heo (mà mỗi lần tới số lượng bang hai heo con) như họ quen biếu các quan[18].

Dần dần các thừa sai hiểu ra cái phong tục dễ mến này và có vị còn cho đó là văn minh. Chính cha Guérard[19] thừa sai ở Đàng Ngoài, ngày 21-4-1793, viết thư cho em ruột mình ở Pháp, cũng là linh mục: “Người An Nam lịch sự, lương thiện và sẵn sàng giúp đỡ […]. Họ sẵn sàng chấp nhận thiếu thốn cả những thứ cần thiết để các linh mục của họ không phải thiếu gì. Tôi quở trách họ luôn luôn về việc này, nhưng không làm sao họ thay đổi được. Nếu tôi muốn trừng phạt họ thật sự, thì tôi không nhận một ít rau cỏ và trái cây họ đem đến biếu tôi. Xin đừng ngạc nhiên gì cả, đó là dấu hiệu tỏ lòng cung kính trong phong tục người An Nam; thiếu việc đó là không có văn minh. Từ chối, không nhận là xúc phạm, bây giờ thì tôi quen rồi”[20]. Còn cha Boisserand[21], thừa sai ở Đàng Trong viết thư ngày 20-2- 1792 cho cha Mercier ở Paris: “Nỗi cực nhọc lớn nhất mà chúng tôi có thể gây ra cho bổn đạo ở đây là chúng tôi từ chối không nhận những món quà biếu nhỏ mọn của họ”[22].

Viêc tang chế: Trong các phong tục ở VN xưa, có lẽ nghi thức an táng, tang chế, giỗ chạp là phức tạp nhất; đặc biệt là việc thờ cúng tổ tiên, vừa có tính cách phong tục, vừa dính dáng đến tín ngưỡng. Chính vấn đề thờ cúng tổ tiên ở VN và Trung Quốc là gay go nhất trong việc hội nhập văn hoá mà chúng tôi sẽ nói dài ở phần cuối. Lúc này, chỉ xin nhắc qua luật pháp qui định mọi người phải chịu tang ra sao đối với họ hàng thân thích, từ cuối thế kỷ 15 thời Hồng Đức:

” Điều 34. – Nghe thấy tang ông bà cha mẹ và chồng, mà giấu không khóc thì phải tội đồ làm khao đinh [tù cắt cỏ], đàn bà đồ làm tang thất phụ [tù nuôi tằm]. Trong khi có tang mà bỏ đồ tang mặc đồ thường vui chơi đàn hát thì biếm hai tư. Gặp đàn hát mà nghe hay là dự những tiệc vui mừng đều phải phạt 80 trượng”[23].

“Điều 31. – Đương có đại tang cha mẹ mà chơi bời rượu chè trai gái, không chút buồn rầu, sẽ bị tội trượng chín chục, lưu đi châu xa. Nếu hội họp có âm nhạc cùng là đánh chửi người, sẽ bị trượng tám chục, khép vào tội lưu. Đương có tang cha mẹ, cậy thế và bỏ áo tang sẽ bị trượng tám chục, khép vào tội lưu. Đương tang mà đi kiện thì bị thua kiện”[24].

Những qui định có tính cách luật pháp trên đây về tang chế, tang phục chi li, phải nói là khắt khe, nhưng nó cũng giúp cho người ta hiểu được cơ cấu gia đình ở VN quan trọng thế nào, qua đó thấy được đạo hiếu trong xã hội này rất sâu xa, dẫn đến việc thờ kính tể tiên nhuốm màu tín ngưỡng.

Kiểm tra tương tự

Thánh Danh Chúa Giêsu: Trái Tim và Sứ Mạng của Dòng Tên

  Ngày 3 tháng 1, Dòng Tên hân hoan mừng lễ kính Thánh Danh Chúa …

Dòng Tên Việt Nam có thêm 4 Tu Sĩ Tuyên Khấn Trọng Thể

  Vào ngày 05 tháng 12 năm 2024, tại Nhà nguyện Học viện thánh Giuse, …

Một bình luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *