Nhìn lại Giáo Hội hòa mình trong xã hội Việt Nam

4. Một số hình thức nghiêng về tín ngưỡng

Khi nói tín ngưỡng ở đây, chúng tôi chỉ muốn hiểu chung chung những hình thức, những sự việc, những lối diễn tả lòng kính phục, tôn sùng của con người VN đối với Trời, với những nhân vật dù đã khuất nhưng vẫn có “quyền và sức mạnh nào đó” trên dân gian. Chúng tôi nghĩ rằng, khi dân ta biểu lộ tín ngưỡng như thế dưới rất nhiều hình thức, thì không theo nghĩa tôn giáo như cách hiểu của người Công giáo.

Từ ngữ Đạo: Ngay một từ Đạo cũng đã gây nhiều rắc rối giữa những cách hiểu khác nhau. Chúng tôi xin nhắc qua lại: Các nhà truyền giáo khi vào xã hội VN chỉ có mục đích giới thiệu Đạo Công giáo (Religio Catholica). Đạo là danh từ hằng ngày được người Việt sử dụng, nhưng nội dung từ đạo rất rộng, nhiều khi không đồng nghĩa với religio, khác hẳn với nhiều tiếng Âu châu, vì chúng hoàn toàn đồng nghĩa với nhau. Khi các thừạ sai nói tiếng đạo về mặt tôn giáo[25], hoàn toàn được hiểu theo nghĩa religio, cụ thể Religio Catholica. Trong thực tế, hầu như các chúa Trịnh Nguyễn thời đó cùng quan quyền nho sĩ lại cho là tà đạo, gây chia rẽ trong nước, vì đạo này lừa phỉnh dân ngu, quá khác lạ với Tam giáo về lẽ đạo cũng như các nghi lễ trong đạo, nên phải nghiêm cấm[26].

Thờ cúng tổ tiên là cụm từ càng gây khó hiểu, rắc rối cho bao người! Các thừa sai hiểu thờ chỉ dành cho một Thiên Chúa duy nhất, ngoài ra bất cứ một tạo vật nào, một thần thánh nào dù cao cả đến đâu cũng còn kém xa Thiên Chúa vô cùng, nên không được dùng danh từ thờ, mà phải dùng danh từ khác như kính, tôn vinh … Kẻ nào dám thờ những nhân vật, những thần thánh khác, đều tỏ ra không tin thờ một Thiên Chúa, chối bỏ Thiên Chúa, rơi vào cái bẫy đa thần, mê tín dị đoan.

Vậy kẻ thờ cúng tổ tiên theo quan niệm trước đây của nhiều nhà thừa sai, có thể bị liệt vào hàng ngũ vô thần (theo cách hiểu của Tây phương), nghĩa là kẻ không tin có một Thiên Chúa duy nhất, hay bị gán là đa thần vì coi tổ tiên cũng như Thiên Chúa, hoặc nâng tổ tiên lên hàng thánh, thần thánh là một việc chỉ có Đức Thánh Cha mới có quyền tôn vinh như thế trong Giáo hội, sau khi đã cho nghiên cứ điều tra kỹ lưỡng, khắt khe (thường là phải qua nhiều năm trời), nhất là từ năm 1180 trở đi Toà thánh qui định rất ngặt.

Thật ra, nếu dùng tiếng Latinh hay một tiếng Âu châu nào khác, ví dụ adorare (thờ), cho hành vi thờ cúng tổ tiên thì đúng là không ổn tí nào. Nhưng phải hiểu rằng, người Tây phương hay phân tách, phân biệt (rất ích lợi cho việc hiểu biết nhiều mặt, nhất là khoa học tự nhiên), cho nên adorare chỉ dành cho việc thờ lạy một Thiên Chúa. Còn Đông Á lại nhìn khác, dễ lẫn lộn, một từ có thể mang nhiều nghĩa tuỳ trường hợp khác nhau: thờ Chúa, thờ cha kính mẹ, thờ chồng nuôi con, đều hiểu khác nhau.

Tây phương không thể bó buộc Đông phương phải hiểu thờ như adorare được. Vậy mà đã có một thời gian lâu dài, rất ư lâu dài, trên 300 năm lận, một số người Đông phương sau khi trở thành đồng đạo với hầu hết người Tây phương, phải hiểu thờ như adorare của Tây phương. Thế mới chết con người ta chứ!

Có thờ kính là phải có lễ lạy (lỡi kèm với lạy), có thăm viếng nhau là phải có lỡi (lễ) cọ quà cáp! Nói đến hành vi thờ cúng tổ tiên, thì cũng phải có lỡi, mới được coi là người lễ phép, hiếu thảo, tôn kính người chết như khi họ còn sống, “sự tử như sự sinh”. Vì vậy mà phải cúng. Hiểu cúng là thế nào, lại thêm rắc rối giữa Ta với Tây![27].

Các hình thức tín ngưỡng: Một nhà thừa sai Tây phương bước vào xã hội VN, có thể nhận thấy rất nhiều hình thức tín ngưỡng và các nơi thờ kính, từ đàn Nam giao đến bàn Thiên, Trang, Thành Hoàng … và dĩ nhiên ba đạo nổi cộm (Tam giáo), cách riêng việc thờ cúng tổ tiên…. cùng với những văn miếu, văn chỉ, chùa chiền, đền, am, miếu… Thật là hoàn toàn khác lạ với tín ngưỡng Tây phương thời đó hầu như chỉ có Kitô giáo, và nhiều hơn cả là Công giáo. Các thừa sai không dễ gì mà hiểu cho tường tận được, do đó gần như tất cả đều bị coi là tà thần, là mê tín dị đoan. Mặc dù cũng có một ít thừa sai với cái nhìn xa rộng hơn, không khắt khe như nhiều anh em mình; nhưng chỉ như muối bỏ bể, thấm vào đâu! Hẳn là thời đó hầu như không có cái thứ “hoà đồng tôn giáo”, “đối thoại tôn giáo” như ngày nay.

Quả thật, nói làm sao cho hết những khác biệt giữa Ta và Tây, nhất là cách đây ba bốn trăm năm, Đông – Tây còn xa cách nhau lắm, khác nhau cách ăn uống, chữa bệnh, dựng nhà cửa, học hành thi cử, những phép vua lệ làng, cách đưa bàn tay vời gọi nhau, nằm ngủ cũng khác, rửa chân cũng chẳng giống Tây, cách ngồi, cách đi đứng chào hỏi, cách xưng hô từ vua chúa đến thứ dân như tâu vua, dộng chúa, bẩm quan, trình lạy quan lớn, chiềng thầy, kính thưa, v.v … Trước những sự khác biệt đó, phải nói là tất cả các thừa sai (đều yêu mến và nhiệt tình đi vào xã hội VN), cố gắng thích nghi mà từ mấy chục năm nay chúng ta gọi là hội nhập văn hoá. Tuy nhiên, mỗi người, mỗi đoàn thể thừa sai, mỗi thời có cách nhìn và hành động khác nhau, nên lâm vào cái cảnh đồng tâm mà chưa hoàn toàn nhất trí!

Kiểm tra tương tự

Lễ khấn đầu tiên của Dòng Tên tại Pakistan

Thứ 7, ngày 24/2/2024 là một ngày đặc biệt với các Giêsu hữu của Pakistan, …

Dòng Tên hoàn tất việc sáp nhập ba trường Đại học Giáo hoàng thành một

Theo nguồn tin từ Vatican News, ngày 15/3 vừa qua, Dòng Tên đã hoàn tất …

Một bình luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *