Ngày 28.2.2013, Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã thông báo quyết định từ chức Giám Mục Rôma của mình. Khoảng gần 2 tuần sau, vào ngày 12.3.2013, Mật Nghi Hồng Y được triệu tập ngay để bầu vị thủ lãnh mới cho Giáo Hội Công Giáo. Số lượng Hồng Y được quyền tham dự Mật Nghị này là 117 vị. Tuy nhiên, có hai vị không đến tham dự được là Đức Hồng Y Keith Michael Patrick O’Brien của Vương Quốc Anh và Đức Hồng Y Julius Riyadi Darmaatmadia, SJ của Indonesia. Vào lúc 19h06 phút ngày 13.3.2013 (giờ Rôma), khói trắng từ nhà nguyện Sistine bay lên, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, SJ, người Argentina, Tổng Giám Mục Giáo Phận Buenos Aires, được chọn trở thành Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo, lấy tước hiệu là Phanxicô. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên xuất thân từ dòng Tên và đến từ Mỹ Latinh.
Nhớ lại biến cố lịch sử một năm trước, Đức Hồng Y Claudio Hummes, Tổng Giám Mục danh dự của São Paolo, Giáo phận lớn nhất ở Brazil, bạn thân và là vị đã ngồi kề bên Đức Phanxicô trong cuộc tuyển cử, đã chia sẻ về những khoảng khắc đáng ghi nhớ khi Mật Nghị đã tìm ra vị Kế Nhiệm ngai tòa Phêrô.
“Khi Mật Nghị diễn ra, mỗi vị Hồng Y ngồi kề bên nhau như vẫn làm trong Mật Nghị năm 2005, hay như trong cuộc họp Thượng Hội Đồng diễn ra hơn thập kỷ qua và trong những buổi phụng vụ quan trọng khác nhau. Tôi ngồi kế bên ngài [Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô – lúc ấy là Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio], ngài ngồi phía bên phải tôi và chúng tôi trao đổi với nhau, thì thầm vào tai nhau…”
“Số phiếu bầu đang dồn về phía ngài; ngài trầm tư suy nghĩ và thinh lặng. Tôi ra hiệu cho ngài về việc có thể ngài sẽ đạt đủ số phiếu để trở thành Giáo Hoàng. Khi mọi thứ dần trở nên rõ ràng hơn, tôi an ủi ngài. Rồi lá phiếu cuối cùng được đếm, mọi người vỗ tay. Tôi ôm ngài, hôn ngài. Tôi nói với ngài là đừng quên người nghèo. Tôi không hề chuẩn bị điều gì để nói với ngài nhưng câu này đến với tôi một cách bộc phát từ con tim. Tôi không nhận ra là Chúa Thánh Thần đang nói qua tôi. Chính ngài cũng chia sẻ là ngài cảm thấy một sức mạnh từ những lời này đi vào trong mình. Ngài nói chính vào thời điểm đó, ngài nghĩ đến người nghèo và quyến định lấy tên hiệu là Phanxicô.”
“Sau đó, ngài được gọi tên và hỏi là ngài có muốn chấp nhận cương vị này không và tên hiệu của ngài là gì. Khi ngài thổ lộ tên hiệu, mọi người đều rất ngạc nhiên. Bergoglio đã chọn cái tên này với một con tim hạnh phúc và nhẹ nhàng. Ngài xác định cho mình một căn tính rất rõ ràng và ngài ý thức rằng cái tên này đại diện cho một kế hoạch dành cho Giáo Hội. Khi cầu nguyện trước thánh Damiano thánh giá, thánh Phanxicô lần đầu tiên nghe được lời của Thiên Chúa ‘Phanxicô, hãy đi và xây dựng lại nhà của ta đang bị hư hoại.’ Đây là một việc trọng đại và ngài đã có dũng lực để mang lấy những thách đố. Ngài điềm tĩnh, rất điềm tĩnh, tất cả chúng tôi đều rất đánh động trước sự điềm tĩnh của ngài, ngài đang tập trung suy nghĩ.”
“Ngài đi đến gian phòng để mặc chiếc áo giáo hoàng và bắt đầu thư giãn, ngài làm một số cử chỉ ý nghĩa ngay từ lúc bắt đầu: ngài không mặc chiếc áo choàng sang trọng hay thánh giá vàng. Ngài cũng không mang đôi giày đỏ, ngài nói là ngài chỉ muốn mang dây stola để ban phép lành. Ngài quay lại nhà nguyện Sistine như thế, ăn mặc rất giản dị và mang đôi giày đen của ngài. Có một ngai tòa ở đó nơi mà ngài phải ngồi để thực hiện nghi thức chào, nhưng ngài vẫn đứng và ôm từng vị hồng y, từng người một với một sự thoải mái.”
Đến đây, Đức Hồng Y chia sẻ về sự ngạc nhiên và lạ thường lớn nhất trong cuộc tuyển cử này:
“Điều lạ thường lớn nhất chính là các vị Hồng Y ở thế giới thứ nhất đã tin tưởng Mỹ Latinh để lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ. Ngài sẽ làm gì cho Giáo Hội? Đây là câu hỏi đến trong đầu, một người Tây Phương sẽ tự nhiên nghĩ ngay như thế. Chúng tôi biết họ yêu mến chúng tôi, tôn trọng chúng tôi và tận sâu thẳm, chúng tôi là con cái của Giáo Hội Tây phương. Nhưng chúng tôi là một Giáo Hội còn non trẻ. Vì thế hãy trao phó Giáo Hội vào Tây Phương. Nhưng chính Chúa Thánh Thần đã hoạt động nơi con tim của các vị hồng y.”
Ngài kể tiếp:
“Chúng tôi hát bài “Te Deum” rồi từ từ hướng ra hành lang để nhìn xuống quảng trường. Ngài gọi Agostino, vị Tổng Đại Diện của Rôma, rồi ngài nhìn tôi và nói: ‘Đến đây, tôi muốn anh ở với tôi vào lúc này.’ Tôi làm theo. Ngài là một người rất giản dị và tốt bụng. Ngài muốn tôi đi cùng ngài đến nhà nguyện để cầu nguyện trước khi ngài xuất hiện trước quảng trường. Giữa Nhà Nguyện Sistine và hành lang là nhà nguyện Pauline nơi chúng tôi dâng thánh lễ vào một số dịp trong khi diễn ra Mật Nghị. Ngài muốn cầu nguyện ở đó một lúc. Rồi ngài đi đến quảng trường. Trời ngừng đổ mưa và mọi người khép dù lại, nhưng rất khó để thấy mọi người từ hành lang, có lẽ do ánh sáng của ti-vi.”
“Ngài chẳng nói gì. Nhiều người thắc mắc là tại sao ngài đứng đó mà không nói gì với hai tay buông lỏng. Lý do rất đơn giản: có một nhóm nhạc đang chơi nhạc rất ồn ào ở quảng trường và ngài không thể nói gì cho đến khi họ ngừng chơi. Ngài đợi cho đến khi âm nhạc dừng hẳn. Ngài bắt đầu đưa tay chào và nói: ‘Xin chào anh chị em.’ Mọi người hò hét inh ỏi nơi quảng trường. Ngài tự giới thiệu mình là Giám Mục Rôma và nói chuyện như là Giám Mục Rôma. Ngài biết rằng là Giám Mục Rôma cũng là Giáo Hoàng nhưng ngài không hề nói về mình như thế. Thậm chí, ngài chỉ nói: “Vị tiền nhiệm của tôi, Giám Mục danh dự của Rôma, Đức Biển Đức 16. Và từ đó, ngài đã mở ra những cánh cửa lớn.”
Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ La Publica, Đức Thánh Cha cũng đã chia sẻ cảm giác của mình khi được chọn làm giáo hoàng như sau:
“…Khi Mật Nghị chọn tôi làm Giáo Hoàng, trước khi tôi chấp nhân, tôi đã hỏi các Hồng Y là liệu tôi có thể dành ít phút trong căn phòng kế phòng có ban công nhìn ra quảng trường không. Đầu tôi hoàn toàn trống rỗng và một nỗi âu lo to lớn ập xuống trên tôi. Để có thể đuổi nó đi và thư giãn, tôi nhắm mắt lại và xua tan hết những tư tưởng, thậm chí là tư tưởng từ chối vị trí này, như thủ tục cho phép. Tôi nhắm mắt lại và tôi không còn có nỗi lo âu hay xúc cảm nào khác. Một lúc sau, tôi bỗng được một luồng ánh sáng mạnh mẽ phủ lấp. Nó kéo dài một chút, nhưng đối với tôi, nó dường như rất lâu. Thế rồi, ánh sáng cũng mờ đi, tôi bất chợt đứng dậy và đi vào căn phòng nơi các Hồng Y đang đợi và đi đến chiếc bàn nơi đã để sẵn văn bản chờ tôi xác nhận. Tôi ký vào, Đức Hồng Y Camerlengo tiếp ký và rồi ngoài ban công có “Habemus Pampa [chúng ta đã có Đức Giáo Hoàng]”.
Sau một năm làm giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự đã làm thay đổi thế giới. Số tín hữu hành hương đến quảng trường Thánh Phêrô, Vatican để tham dự những buổi tiếp kiến chung và đọc Kinh Truyền Tin cũng tăng lên rất nhiều. Các diễn đàn báo chí cũng đã thừa nhận sức ảnh hưởng của ngài trên Giáo Hội Công Giáo nói riêng và thế giới nói chung. Dựa vào những thành quả tốt đẹp ấy, chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai tốt đẹp mà Chúa hứa ban cho những ai trung tín vào Người.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
(theo Vaticaninsider)