Những cánh chim lạc loài

      

                                                                

Từng giọt cà phê tí tách rơi, buông từng giọt giữa không khí oi ả, nóng bức và hối hả của chốn Sài thành hoa lệ…Quán vắng đôi ba người đang ngồi nhâm nhi ly cà phê đắng và trầm ngâm thưởng thức những nhạc khúc không lời. Nơi đấy gặp lại hai con người đã cùng chung một ước mơ, hoài bão; nay sự giao nhau ấy không còn nữa nhường lại cho hai tâm hồn đồng điệu giữa bao lo toan vây bủa của cuộc đời.

Tôi không ngờ được gặp lại em ngay chốn phồn hoa đô hội này. Cuộc sống mưu sinh đã làm cho em dày dạn sương gió, phong trần hơn khi còn khoác trên mình chiếc áo dòng đen. Hai chị em vẫn vui vẻ như ngày nào, dù đây mỗi người đã rẻ hai hướng khác nhau, không còn chung một lý tưởng…

Tôi quen thân với em khi  “đi lễ ké” ở Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang, dù là người cùng xứ nhưng mỗi dịp về tết không có cơ hội gặp em nhiều. Trong nhóm tu sĩ tụi tôi hay dành nhau gọi em là “em trai”, vì ai cũng thích cái tính nhanh nhẹn, hoạt bát và thích chọc người khác cười. Em thông minh và lanh lợi đến mức người đối diện khi gặp em cũng phải thốt lên: “Nói chuyện với em dễ bị quế quá.”

Vào một ngày cách đây không lâu, chúng bạn của em kháo nhau…

Thầy H về rồi. Chị biết chưa?

Tôi ngỡ ngàng không tin đó là sự thật, vì mới đây tôi vẫn thấy em sốt sắng đi lễ mà. Sao lại bất ngờ đến vậy…Bao nhiêu câu hỏi trong đầu cứ đeo bám lấy tôi. Và buổi sáng hôm ấy, tôi không còn thấy bóng áo dòng của em nữa…Một nỗi buồn không tên vương vấn chút u sầu…

***

        Vạt nắng cuối chiều len lỏi trên những tán cây ở một góc cà phê quen thuộc. Cuộc sống Sài thành khiến tôi vội vàng đến mức vô tình bỏ quên những khoảng lặng của cuộc sống. Tôi quên mất vẻ đẹp của những hàng cây cổ thụ hai bên đường cao vút phủ rợp cả một góc đường, ngày ngày tôi chạy vội đi qua đó nhưng không để ý. Tôi vụt quên vẻ đẹp của những con người hàng ngày đứng bên tượng đài Đức Mẹ lâm râm lời kinh nguyện hay ánh hoàng hôn chiều bên ngôi thánh đường với ngọn tháp cao vút, minh chứng cho sự trường tồn qua bao năm lịch sử, những tiếng rao đêm với những món ăn quen thuộc làm sống dậy một thời sinh viên đã qua. Để giờ đây khi đối diện với em, tôi cảm thấy mình đã không thất hứa vì một cuộc hẹn đã lâu giờ mới thực hiện. Tôi hít một hơi thật dài can đảm hỏi em:

Ngày ấy sao em lại từ bỏ ơn gọi? Em phải thông báo để tụi chị còn làm công tác tư tưởng chứ.

Em cười gượng bảo:

Không biết tại sao em lại quyết định nhanh đến như vậy. Ngay lúc này em cũng không hiểu tại sao nữa là. Đến bây giờ, em vẫn nhớ và “thèm” có được thời gian để ngồi viếng Chúa như trong Đại chủng viện đó chị. Ở ngoài bon chen với đời, không có được những giây phút quý báu đó đâu chị ơi.

Em cười buồn.

Nghe tới đấy thôi cổ họng tôi có gì đó nghèn nghẹn: Bao lâu nay sống trong nhà Chúa, tôi có ý thức và quý trọng từng giây phút đến với Chúa không, đến với Chúa tôi có toàn tâm toàn ý dâng trọn con người và thân xác cho Chúa không; hay chỉ làm cho qua loa đại khái, cắt xét bớt thời gian của Chúa.

Bao nhiêu suy tư cứ hiện ra trong đầu tôi.

Em kể cho tôi nghe nhiều lắm, tôi muốn là người để em trút hết mọi nỗi lo toan mưu sinh của cuộc sống hối hả, ngồi để chỉ lắng nghe em mà thôi. Tôi dần hiểu ra rằng cuộc sống không hề đơn giản, nó luôn có quy luật, ai không nhanh tay nắm lấy cơ hội thì khó có thể mà thành công. Em kể rằng khi mới vào đây lập nghiệp, mẹ hay gọi điện thăm hỏi em; mẹ vẫn còn buồn và ôm chầm chiếc áo khi em mặc lúc đi tu. Cổ họng em nghẹn đắng, tô cơm hôm ấy chan lẫn với màu nước mắt. Em không sợ lời người ta đàm tíu, em sợ giọt nước mắt của mẹ…

***

        Giờ đây, mọi thứ đã khởi sắc hơn khi nghe tin em đang học Ielts để chuẩn bị đi du học Úc. Em cười bảo tôi:

Ai đang tu mà có dự định muốn về thì phải gặp em để tư vấn (em cười lớn). Cuộc sống bên ngoài không đơn giản đâu chị ơi. Mình không lanh, không chịu cho nó vùi dập thì còn lâu mới ngốc đầu lên được. Ở trong nhà Chúa Chúa lo hết nên không biết hết được sự đời đâu. Giờ em thấy mình mang ơn và mắc nợ Giáo Hội quá nhiều.

Tôi ngộ nhận ra một chân lý mà mình đã từng đọc qua: mọi va vấp trong cuộc sống đều là “học phí” để giúp mình trưởng thành hơn.[1] Ngoài bố mẹ ra thì quý cha giáo, Srs giáo và những người nâng đỡ chúng ta trên con đường ơn gọi đều “không tính phí” cho những va vấp ấy.

Dưới tán lá của gốc cây già cỗi, có đôi chim non háo thắng chao nghiêng vụt bay lên khoảng không trung rộng lớn, dang đôi cánh đón lấy những những tia nắng còn sót lại cuối chiều.

***

      Bước sang giai đoạn quan trọng chuẩn bị lòng mình để đón nhận hồng ân vĩnh khấn. Tôi nhìn lại chặng đường đã qua, thấy mình quá được Chúa yêu thương và xem ra được Hội dòng ưu ái, dù mình có rất nhiều khuyết điểm, kém cạnh về tài năng và phạm phải nhiều lầm lỗi mà chỉ có Chúa mới biết. Thời gian khấn sinh 5 năm đôi lúc làm tôi nghẹt thở vì “sợ” bản lượng định đen thùi lùi. Và giai đoạn căng thẳng nhất là khi chúng tôi xét đơn khấn lại và quan trọng hơn là xét đơn khấn trọn như tôi bây giờ. Có rất nhiều chị mong muốn ở trong nhà Chúa nhưng phải từ bỏ ơn gọi vì sức khỏe không cho phép, vì mối bận tâm về gia đình, vì thấy rằng mình thiếu khả năng…Thương lắm!!!

Như những con chim non muốn tìm ra biển lớn để thỏa sức khám phá, muốn vùng vẫy để được tự do; nhưng đâu biết rằng phía trước có nhiều nguy hiểm đang đón chờ…Tôi hít một hơi thật sâu để cảm nhận tình Chúa, tình người đã đang và sẽ luôn bên tôi trong hành trình phía trước.

 

                                                         Maria Thùy Linh- Dòng KTĐM Nha Trang

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

[1] Một cuốn sách về CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN. Chi Nguyễn Present Writer, Nhà xuất bản THẾ GIỚI, tr. 115

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *