Những chặng đường hành hương

Trời mưa suốt mấy ngày qua, mưa thâu đêm tới sáng, nhìn trời sũng nước, tôi ngại ngùng không muốn cất bước lên đường, nhưng rồi một sức mạnh vô hình đã dựng tôi đứng dậy và đẩy tôi bước tới, tôi leo lên xe gắn máy đi như xé mưa, ngang qua từng buôn làng đang chìm trong mưa gió, tôi nghĩ đến hoàn cảnh của biết bao người con đã được sinh ra trong ơn phúc, giờ này đang bị cơn đói và giá lạnh dày vò. Mưa vẫn rơi, những giọt mưa lọt qua khe áo làm tôi thấm lạnh, và đã thấm ướt lòng tôi, mắt tôi nhạt nhòa.

P1020795

Tôi vẫn đi, có tiếng ai gọi “Bố ơi”. Tôi dừng xe, một giáo lý viên chạy tới, chúng tôi nói nói vài câu rồi chia tay, vì tôi phải đi tiếp theo giờ hẹn. Câu nói cuối cùng của anh ta theo tôi dọc suốt đoạn đường: “Bố ơi, sao bố bỏ chúng con”.

Quả thực, tôi đã rời bỏ vùng này từ hai năm nay để tiếp tục bước lữ hành đến những chân trời mới. Thế nhưng chân bước mà lòng vẫn canh cánh nhớ thương, và hôm nay trở lại, tôi đang cố hình dung từng khuôn mặt trong cảnh sống hiện tại. Hai năm trời xa cách, nhiều giông gió, thêm những ngày đói khát, thêm những khuôn mặt hốc hác. Hơn bao giờ hết, tôi muốn đến từng nhà, thăm từng người, đến ở với bà con thôi chứ không cần phải làm gì cả: bố con gặp nhau, ngồi ca hát rồi cầu nguyện, siết chặt tay nhau trong lời kinh tạ ơn và chúc tụng của Ngôi Con (x. Lc 10,21), và thế là tất cả đều ấm lòng.

9 giờ tới điểm hẹn, một nguyện đường, một nhà nguyện trên đường, đúng ra đó là một gian nhà nhỏ dùng làm cung thánh nối tiếp một mái nhà dài đủ cho 500 người đứng dự lễ mà không bị mưa nắng. Thánh lễ hôm nay mừng kính Đức Mẹ Lên Trời, do đó bà con từ khắp nơi đổ về rất đông, bất chấp mưa gió, và thế là tôi gặp lại được rất nhiều người.

Từng khuôn mặt reo vui ào tới nắm lấy tay tôi, ơi ới gọi bố ơi, có người lại nói như hờn trách: bố bỏ chúng con lâu quá. Tôi siết tay từng người, lớn bé già trẻ và cả những trẻ sơ sinh, thỉnh thoảng tôi ngừng lại để ngắm nhìn cho thỏa nhớ thương, rồi lại để cho đôi bàn tay nắm bắt những bàn tay, bồng ẵm các em bé và nhận lãnh những cái hôn của các cụ già. Bố con tíu tít mãi tới giờ lễ mới thôi.

Vị linh mục trẻ tiến ra dâng lễ trong khi trời mưa như trút, lời đầu tiên là cảm tạ hồng ân đức tin, một đức tin không gì ngăn cản nổi, dù mưa gió, giá lạnh, dù lặn lội đường xa, và sau tràng pháo tay giòn giã, một bầu khí trang nghiêm thánh thiện bao trùm tất cả, làm nổi bật khuôn mặt dịu hiền của Đức Nữ Trinh, Mẹ đã đi với Con dọc suốt hành trình thập giá, cũng có mặt trên đường với những người con đang bước đi giữa mưa gió và giá lạnh. Đứng cạnh tôi một bé gái gày gò, mặc chiếc áo mỏng manh, ho sù sụ mà khuôn mặt vẫn sáng ngời. Tôi nhìn em, ái ngại, không biết thiên thần nhỏ của tôi rồi đây ra sao! Một giáo lý viên ghé sát tai tôi nói nhỏ: bố ơi, sông suối núi rừng lúc này nhiều sói quá. Tôi biết đoàn chiên của Chúa đã nhiều phen rúm ró, nhưng tôi cũng tin chắc Chúa chiên nhân hậu chẳng bao giờ bỏ rơi đoàn chiên. Tôi không trả lời, chỉ lặng nhìn và siết chặt tay anh. Thánh lễ hôm nay đầy tràn hồng ân, vì hơn 100 người được lãnh nhẫn bí tích rửa tội, 100 em được rước lễ lần đầu, và một đôi trai gái tiến lên cử hành bí tích hôn phối. Mối tình của đôi trẻ kia tưởng như riêng tư nhưng lại chung suối nguồn tình yêu mà ở đó các thế hệ cha mẹ, ông bà cũng đã lãnh nhận, và đã sống hạnh phúc giữa bao vất vả, vượt qua bao mùa đói khát.

Chia tay nhau, đường đời vạn ngả. Tôi hình dung ra những con đường trơn trượt, xa xôi, nhiều người lại chưa có gì bỏ vào bụng. Dẫu biết rằng nhịn ăn một bữa cũng chẳng sao, nhưng tôi vẫn áy náy, nhất là khi nghe vang dội trong lòng lệnh truyền của Thầy: “các con hãy lo cho họ ăn” (Mt 14,16). Chúa coi, bà con đã lên đường về cả rồi, con xin hẹn lần tới. Theo lịch hẹn là vào ngày lễ Các Thánh. Hôm nay trời không mưa và nắng cũng dịu. Số người ra dự lễ đông hơn. Chia tay lần này có cơm nắm cho mỗi sóc ăn chung đâu đó trên đường về.

Gần đến ngày 3 tháng 12, tôi trở lại vùng đất tôi đã đặt chân đến đầu tiên để sửa soạn tiếp đón bà con về dự lễ. Vào ngày này năm 1992, những người S’Tiêng đầu tiên đã lãnh nhận bí tích rửa tội, hôm đó có trên một trăm năm chục người, những năm tiếp theo, cứ đến ngày này là bà con kéo nhau về họp mặt, thêm số người được rửa tội. Đặc biệt ngày 3 tháng 12 năm 1996, số bà con lãnh nhận bích tích rửa tội là 650 người, hai tuần lễ sau lại có thêm 180 người nữa lãnh nhận bí tích rửa tội tại một nhà nguyện nhỏ. Thế là cứ ngày 3 tháng 12 hằng năm, già trẻ lớn bé lại bồng bế nhau về. Tới ngày 3 tháng 12 năm 1999, ngày khai mạc Năm Thánh Hai Ngàn cho vùng này, con số bà con về dự lễ đã trên hai ngàn, và cuối Năm Thánh Hai Ngàn là 2400 người.

Làm sao chúng tôi có thể tiếp đón một lượng người đông như thế hàng năm, mà tiếp đón ở đây có nghĩa là nấu cơm cho bà con ăn uống, lo đủ nước cho bà con tắm giặt, lo chỗ ngủ và sinh hoạt, giúp bà con cầu nguyện, dọn mình xưng tội, ôn giáo lý và tập các nghi thức cho những người được lãnh nhận bí tích rửa tội.

Thực ra, bà con giáo xứ ở đây rất nhiệt tình, mọi người đều nô nức chờ đón ngày này và sẵn sàng phụ giúp một tay một chân, rồi còn cho thêm gạo, mắm, rau, chuối. Đây là một giáo xứ có truyền thống truyền giáo. Một số anh chị em đã lên đường trước khi có linh mục được phép về vùng này. Dạo đó, hằng năm mọi người góp công tỉa lúa trên miếng đất chung, và thế là giáo xứ luôn có một kho lúa để tiếp đón bà con.

3 tháng 12 năm nay 2001, chúng tôi dự tính đưa bà con trở về với những lễ hội truyền thống, mỗi giờ cầu nguyện sẽ kèm theo các điệu cồng chiêng và ca múa, cho lời kinh mang âm điệu của núi rừng, cho đến một lúc trở thành tiếng reo vui của núi rừng, sông suối và con người trước tôn nhan Thiên Chúa. Chúng tôi muốn bà con họp nhau lần này cùng hòa nhịp trong tiếng cồng chiêng, lần đầu tiên được cất lên như lời kinh của núi rừng, hòa nhịp vào hơi thở của các thế hệ cha ông từ muôn đời trước, và cũng là để đón bước chân của cha ông đổ về họp mặt với con cháu. Dễ thương quá, mới chỉ hình dung thôi mà tôi như nghe thấy tiếng chân người dồn dập, làm xôn xao núi rừng, và làm muông thú ngơ ngác.

Có thức với bà con thâu đêm bên chén rượu cần, vừa chuyện trò vừa đánh cồng chiêng mới cảm nhận được phần nào âm điệu của núi rừng và nhịp sống con người nơi đây. Cồng thì chỉ có hai ba điệu nhưng âm vang giòn giã và bay bổng; chiêng có nhiều điệu nhưng âm vang cứ như len lỏi giữa cành cây kẽ, làm cho con người mãi gắn bó với cỏ cây. Tiếng cồng chiêng đều đặn, mang lời ru, trao hơi thở cho cỏ cây, suối nước, thì thầm với hạt lúa, cái tố, cái ché. Khi nhà hết gạo, người ta gọi lúa ơi, đi đâu cả rồi, nhà này đã làm gì để lúa giận lúa hờn; khi nhà hết rượu, người ta gọi cái tố cái ché ơi, mang rượu về thôi. Cứ thế, con người hòa quyện với thiên nhiên.

Sứt-jun (chết con nai) là điệu đồng la loan báo một bữa tiệc lớn, rượu thì ngon, thịt thì béo, mời mọi người đến chung vui. Núi rừng dễ thương như vậy đó, một con nai chết, cả làng chia nhau ăn. Một con nai dính bẫy, đâu phải riêng cho một nhà, vì cả làng đều là dòng họ, cả làng là con một Cha, và điệu đồng la này chính là lời kinh của đoàn con cùng hòa nhịp gọi Cha ơi, Abba, chung vui trong bàn tay Cha dịu hiền.

Thốt, thốt, thốt thà thốt. Cánh diều bay bổng, đó là lời kinh của những con người sống giữa núi rừng mà lòng vươn cao, rất cao, cao hơn cây cao nhất của rừng. Ông bà không gọi bà rừng, cũng không gọi thần nước hay thần rẫy, sợ lắm, nhưng gọi Kôrãn, gọi Chúa tể muôn loài. Tiếng gọi thay lời kinh, lời kinh là tiếng gọi nhịp nhàng, đều đặn theo nhịp đập của con tim: yêu mến và hy vọng.

Sâo khuôl daă – nước lên – tiếng chó sủa hập hập theo nhịp nước lên, tiếng nước vỗ vào gốc cây nghe hập hập, trong nhà, mọi người co cụm, ngơ ngác. Vui đấy, nhưng cũng có thể buồn vì ai biết chuyện gì xẩy ra nơi nương rẫy khi mưa rừng đang đổ làm nước chảy tràn lan. Và điệu đồng la được cất lên xóa tan mọi lo âu sợ sệt: điệu đồng la mang hơi thở, như tiếng con người thì thầm bên tai nhau, quyết thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Trăng lên phía chân trời, con chim cú mèo ngồi trong hốc cây cất tiếng gọi trăng lên, tiếng gọi có lúc dồn dập hòa thành điệu chiêng. Trăng lên, lên tới giữa trời, con người cũng vươn theo, mãi tới tận nơi ở của Koran Trô Tiêh: Chúa tể trời đất.

Còn 4 ngày nữa là đến ngày hội, chúng tôi lo kiếm củi, đào các đường mương, che chắn thành khu vệ sinh. Thế nhưng ngày hôm sau, có gì đó bất ổn, và hôm sau nữa, không được rồi, những ngày họp mặt truyền thống không được gọi là truyền thống, nhưng nếu gọi là lễ bổn mạng thì không có trong số những ngày lễ trọng, và thế là ngày 3 tháng 12 năm nay hoàn toàn vắng lặng, đành phải chờ đợi năm sau vậy. Nhưng năm sau cũng có nghĩa là “không bao giờ” tổ chức lại. Chúng tôi thật không ngờ những ngày hội mồng 3 tháng 12 Năm Thánh Hai Ngàn lại là những ngày hội cuối cùng của bà con các sắc tộc vùng này.

Khi có ý định đưa bà con trở về với những lễ hội truyền thống, chúng tôi cũng muốn giúp bà con mở sách Tông Đồ Công vụ, họa lại cuộc sống của Hội Thánh buổi sơ khai, và biến cố vừa qua đã thực sự dẫn đưa chúng tôi vào hành trình này.

Được Hội Thánh sai đi nhân danh Chúa Giêsu, chúng tôi luôn cảm thấy mình nhỏ nhoi trước cánh đồng, và càng nhỏ nhoi hơn nữa trong những hoàn cảnh khó khăn. Bé nhỏ, yếu đuối, bất lực, và hành trình nhiều phen lê thê. Lúc này hơn lúc nào hết, chúng tôi khao khát khuôn mặt của Hội Thánh sơ khai, “đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện” (Cv 1,14), siết chặt tay nhau, chung sức chung lòng. Chúng tôi vẫn thường bảo nhau: cánh đồng truyền giáo đâu phải chuyện kinh doanh mà tự tung tự tác; phục vụ sứ vụ của Chúa Giêsu chứ đâu phải chuyện riêng tư mà mặc sức tung hoành. Biết mình là người của Hội Thánh, phải ra đi trong khuôn khổ Hội Thánh: chuyên cần lắng nghe Lời, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng (Cv 2, 42) và rồi lên đường với lòng đơn sơ vui vẻ (Cv 2, 46).

Kiểm tra tương tự

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Tâm tình gởi Chúa trên đường Thương Khó

  Chúa Giêsu ơi, Khi đọc Tin Mừng của thánh Mác-cô về Cuộc Thương Khó …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *