Gặp gỡ và cơn khát mùa Corona

Tin Mừng Ga 4,5-42 kể về một cuộc hạnh ngộ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari bên giếng Giacóp. Đi đường mỏi mệt, Chúa ngồi nghỉ ngơi bên bờ giếng vào “chính ngọ”. Chúa xin người phụ nữ Samari chút nước uống. Đó là một cuộc gặp gỡ lạ kỳ. Riêng tư, vì chỉ có Chúa và người phụ nữ. Gây shock, vì một người đàn ông Do Thái trò chuyện với một phụ nữ Samari. Người Samari thời Chúa Giêsu bị coi là dân sống chung đụng với dân ngoại, thờ ngẫu tượng… Nhiều người Do Thái tránh không đi qua vùng đất người Samari vì sợ bị ô uế.

Cuộc gặp gỡ giữa những người đang khát

Chị phụ nữ hẳn đang cần nước lắm mới ra giếng lấy nước vào giữa trưa. Chị khát nước, nhưng hình như đó chưa phải là cơn khát kinh niên của chị. Nước thường biểu trưng cho sự thanh khiết, và sự sống. Cơn khát của chị gợi nhắc cơn khát của Dân Chúa khi xưa trong sa mạc, họ khát nước nhưng đã trách cứ Đức Chúa của họ. Hoang mang, họ mộng tìm nước giải khát nơi những thần ngoại bang. Dầu vậy, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi họ.

Chúa Giêsu cũng đang khát. Chúa hạ mình xin nước uống từ một người phụ nữ Samari. Chúa không ngại bày tỏ rằng người đang khát khô cần một sự trợ giúp. Người cần nơi chị một bàn tay chìa ra để cộng tác trước khi Người có thể làm gì cao cả hơn cho chị. “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Ga 4,7).

Nhân loại đang đối diện với đại dịch toàn cầu Covid-19. Nhiều người, nhiều quốc gia, kể cả những cường quốc chính trị và kinh tế, rồi cũng phải khiêm tốn thừa nhận mình đang “khát”: khát tài lực, khát chỗ chứa, khát thuốc men, khát y cụ, khát chuyên viên y tế, khát…cái khẩu trang! Lệnh phong tỏa đâu đó cũng khiến người ta khát đi lại, khát giao tiếp, khát gặp gỡ. Cơn khát lớn hơn, nhưng không dễ nhận ra vì nằm ở chiều sâu tâm linh, là khao khát vĩnh hằng, khát tuyệt đối, khát tình yêu và sự hy sinh vô điều kiện, khát mối tình vô thủy vô chung – khát Chúa! Nhân loại khát Chúa, không phải vì Thiên Chúa không có đó để tưới mát tâm hồn họ, nhưng vì con người chưa đủ mở lòng để ơn Chúa tuôn chảy vào, chưa đủ đơn sơ hỏi: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?” (Ga 4,11)

Mùa dịch này, Thiên Chúa có khát cùng con người hay không? Ngài khát gì nơi con người? Ngài khát gì nơi mối tương quan giữa con người với nhau? Trên thập giá, nơi tình yêu Thiên Chúa dành cho con người biểu lộ đến tột cùng, Chúa Giêsu nói: “Ta khát!”.

Cuộc gặp gỡ làm phơi bày sự thật

Chừng nào người phụ nữ Samari chưa nhận ra sự thật thì chị vẫn chưa hết khát. Chúa bảo chị về gọi chồng chị, rồi hãy trở lại gặp Chúa. Người phụ nữ trả lời rằng chị không có chồng. Chúa công nhận chị đã nói phải, vì Người biết chị đã trải qua năm đời chồng rồi, và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị vỡ lẽ và xúc động khi Chúa biết đích xác về đời tư của mình, và đó là một cái biết đầy thấu cảm.

Chúa Giêsu không chủ đích làm thay việc của một thầy bói. Trong tiếng Híp-ri, chữ בַּעַל (b‘l, ba‘al) dùng để gọi ‘người chồng’ cũng là cách gọi vị thần dân ngoại. Giao ước hay sự chung thủy người vợ dành cho người chồng được mang ra so sánh với giao ước hay sự trung tín mà một dân dành cho vị thần của họ. Dân Samari là một dân hỗn tạp, xuất thân từ nhiều chi tộc khác nhau, chưa kể chung đụng và lai căng với 5 dân ngoại, mà mỗi nhóm dân ngoại lại thờ một vị thần riêng. Hóa ra sự thật được phơi bày nơi cuộc gặp gỡ giữa người phụ nữ với Chúa Giêsu không chỉ dừng lại nơi “tiểu sử” bề ngoài “5 chồng, 1 ông”, nhưng sâu xa hơn nơi chính những chọn lựa căn bản của cuộc đời chị, cũng như của nhóm dân mà chị đang thuộc về, trong tương quan với đấng mà họ tôn thờ. Gặp Chúa, chị biết rõ mình hơn với tất cả những quyến luyến và lệ thuộc trong đời sống. Gặp Chúa, chị cũng biết Chúa hơn. Một cuộc gặp gỡ đụng đến căn tính của đôi bên, chạm đến chỗ sâu nhất của cuộc đời!

Mùa Corona đòi hỏi mỗi người đặt câu hỏi về sự thật. Đó không chỉ là những câu hỏi mang tính thời sự hay khoa học: Virus Corona từ đâu mà ra? Nó lây truyền thế nào? Làm sao để bảo vệ mình và người thân? Hôm nay có bao nhiêu ca nhiễm?… Nhưng trên hết, đây là thời gian thích hợp để mỗi người có thời gian yên tĩnh hơn để sống chậm lại, chiêm ngắm và lắng nghe dấu chỉ thời đại, tìm gặp gỡ Chúa để làm sáng tỏ cho mình chân lý về cuộc hiện hữu và kiếp nhân sinh: Bởi đâu tôi có mặt trên đời này? Bởi đâu tôi hiện hữu trên đời cùng với người khác? Con người tôi rốt cuộc là gì vậy? Đâu là hướng đi và những chọn lựa căn bản của cuộc đời tôi với tất cả ý nghĩa của nó? Tôi đã, đang và phải đảm nhận cuộc sống này ra sao? Khi tôi không còn sống nữa, sẽ là cái gì và như thế nào? Thiên Chúa là ai, và Ngài có ảnh hưởng gì đến cuộc đời tôi – một thân phận được trao gửi cách nhưng không vào cuộc đời này và rồi sẽ lìa xa nó cách bất chợt? Ngang qua cuộc đời ấy, Chúa có nói với tôi: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: Cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống.” (Ga 4,10)

Cuộc gặp gỡ và hành vi thờ phượng

“Đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này hay tại Giêrusalem… giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật…” (x. Ga 4,21-23). Chúa dạy người phụ nữ bên giếng Giacóp thế nào là việc thờ phượng đích thực dành cho Thiên Chúa, không chỉ diễn ra nơi đền thờ xây bằng gạch đá.

Mùa Corona, nhiều nơi trên thế giới phải ngậm ngùi đóng cửa nhà thờ, đình chỉ các Thánh lễ. Thế nhưng hoàn cảnh không thể làm ngăn ngở đức tin. Nếu người Công Giáo thoạt nhìn thách đố trước mắt này như một ngăn trở, thì họ cũng được mời gọi nhìn nó như một cơ hội để gặp gỡ Thiên Chúa cách âm thầm và riêng tư, với lòng khao khát hơn. Gặp Chúa trong những giờ phút cầu nguyện riêng. Giờ kinh gia đình – một thói quen đang dần bị lãng quên và xem nhẹ – cần được củng cố hơn bao giờ hết. Đối với những ai thường để tâm quá mức những hình thức bề ngoài hoặc bị chia trí khi tham dự cử hành với hội đoàn, thì đây là lúc họ có thể gặp gỡ chính Chúa cách đơn sơ hơn. Cầu nguyện – gặp gỡ Chúa – khiến cho cuộc đời mỗi người nối tiếp Thánh lễ, nếu chưa muốn nói chính là một Thánh lễ.

Để kết

Chắc hẳn rằng Thiên Chúa không gieo rắc Coronavirus vào thế giới. Virus được sinh ra từ những bất toàn nơi thế giới tự nhiên, cũng có khi từ những bất toàn luân lý nơi lòng người. Dịch bệnh mang lại nỗi buồn đau, mất mát. Nhưng, không điều gì có thể xảy ra nếu Thiên Chúa không cho phép nó xảy đến, vì tôn trọng tự do hay để huấn luyện đức tin cho con người.

Mùa đại dịch là lúc con người có thể tranh thủ gặp gỡ và lắng nghe tiếng Chúa cách tự nguyện, liên đới và trách nhiệm hơn. Covid-19 là dịp để con người duyệt xét lại những cơn khát của mình; ngẫm nghĩ sự thật về con người–cuộc đời mình, cũng như về mầu nhiệm Thiên Chúa; và chọn lựa cách thức đảm nhận cuộc sống mình như một hành vi gặp gỡ và thờ phượng Thiên Chúa.

Nguyễn Anh Huy SJ

Kiểm tra tương tự

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Có Chúa luôn bên ta – Lời nhắc nhở mỗi ngày

  Có cám dỗ cho rằng Thiên Chúa không ở gần ta, hoặc làm ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *