Những hình ảnh chính chỉ về Đấng Cứu Thế Ítraen mong chờ

Felipe Gómez, S.J.

 

  1. Niềm chờ mong cứu độ

Ítraen chờ mong Ðức Chúa sẽ giải cứu dân Người. Kinh nghiệm cho thấy rằng Ítraen không thể cậy dựa vào sức loài người được. Giêrêmia cảnh cáo: “Ðáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời” (Gr 17:5).

“Cứu độ” là gì?” Theo nghĩa đen, từ Hibá yesa, hoặc từ Hy lạp sôtêria, muốn nói là: giải phóng, sửa chữa, cứu vớt, v.v… Lúc đầu, “cứu độ” có nghĩa là giải cứu dân cho khỏi kẻ thù (x. Ðnl 22:27), với kinh nghiệm căn bản là việc Thiên Chúa giải phóng Ítraen khỏi ách Ai cập (x. Xh 14:30): Ðức Chúa là Ðấng cứu tinh duy nhất. Ítraen hiểu rằng các cuộc chiến thắng đều là công trình do Thiên Chúa thực hiện; con người chỉ hãnh diện vì được hợp tác với Người (x. Tl 6:36; 1Sm 11:13; v.v…). Ý nghĩa lịch sử này dần dần được mở rộng ra hơn và được áp dụng cho những hành động cứu giải có tính cách toàn diện và chung quyết, sẽ diễn ra vào “thời gian cuối cùng,” tức là trong thời đại của Ðấng Thiên sai. Ðó là ơn cứu độ Ítraen trông chờ, với một niềm hy vọng tôn giáo đích thực, là nội dung chủ yếu của lời Chúa hứa, và là đối tượng của niềm cậy trông (x. Tv 50:6; 67: 3; Is 45:8; v.v…).

Trong Cựu Ước, Chúa Yavê được gọi là: “Ðấng cứu vớt Ítraen” (x. 1Sm 14:39), “Ðá tảng cứu độ” (x. Tv 68:20-21, v.v…). Ngôn sứ Giêrêmia đã khơi dậy một niềm hy vọng mới, không những cho riêng cá nhân mình (x. Gr 15:20), hoặc đối với việc cứu trợ Giuđa (x. Gr 4:14t), mà còn cho cả việc khai mở triều đại của một Ðavít mới – tức Ðấng Thiên sai – khi Ðức Chúa, “sự công chính của chúng ta,” ra tay cứu thoát Ítraen (x. Gr 23: 5-6). Niềm hy vọng này được diễn tả qua nhiều cách khác nhau, như đọc thấy ở  trong Hb 3 hay ở trong Ed 36:29 chẳng hạn. Niềm chờ mong cứu độ đạt đến đỉnh cao trong phần hai Sách ngôn sứ Isaia, gọi là Isaia đệ nhị (từ chương 40 cho đến 55): đề tài này đã được nêu lên 21 lần. Tác giả kết liên việc cứu độ với cuộc hồi hương sau thời gian lưu đày (x. Is 41:17-20, v.v…), cách riêng là với ý niệm về một “cuộc tạo dựng mới” (x. Is 49:10-15). Ðó là tin mừng báo cho biết: “Yavê là vua hiển trị” (Is 52:7). Ơn cứu độ mang tính chất thật sự phổ quát (x. Is 45:22; 49:6; 51:5) và vĩnh viễn (x. Is 45:17; 51:6.8). Trong thời Ðền thờ thứ hai, hai ngôn sứ Dacaria và Isaia đệ tam (từ chương 56 cho đến hết) đã phải đối phó với tình trạng khủng hoảng về niềm hy vọng, vì chờ mong đã mòn mỏi mà dân vẫn không thấy “ơn cứu độ” đến. Từ đó mới đi thêm được một bước để nhận ra rằng công cuộc cứu độ mang tính chất “cánh chung” và “khải huyền” (x. Is 59:1-15; 63:1-6), với một nhân tố mới: “tử thần sẽ bị tiêu diệt” (Is 25: 8). Niềm trông chờ được nuôi dưỡng qua các Thánh vịnh: khi thì có tính cách quân sự (x. Tv 108), khi thì thể hiện qua hoài bão tái thiết Giêrusalem (x. Tv 69:36), hoặc qua ước mong được giải thoát cho khỏi tay kẻ thù (x. Tv 7:2; 12:6, v.v…), cho khỏi bệnh tật (x. Tv 6:5), v.v… Ðôi lúc, niềm chờ mong lại hướng tới một tiêu đích cao quý, siêu việt hơn (x. Tv 50:23; 62; 119:123, v.v…), thiêng liêng hơn (x. Tv 145:18-19; 149:4, v.v…).

Tân Uớc khẳng tín rằng niềm chờ mong kia đã được trọn vẹn ứng nghiệm nơi Ðức Giêsu (x. Lc 2:29-32); vì thế, đã gọi Ngài là Ðấng Cứu tinh (x. Lc 2:11; Ep 5:23, v.v…). Và bây giờ sự việc đã lộ hiện rõ: ơn cứu độ là được thông phần vào đời sống của Thiên Chúa (x. Ep 2:5; 2Tm 4:18), ân huệ nhận được nhờ đức tin (x. Rm 10:9) và là ân huệ Thiên Chúa muốn ban cho hết thảy mọi người (x. 1Tm 2:4).

Ðấng Cứu tinh được biểu trình trong nhiều dung mạo khác nhau. Xin nêu lên đây một số:

2. Vua

Bởi, qua sấm ngôn Nathan chuyển lại, Thiên Chúa đã hứa ban cho Ðavít một dòng dõi “tồn tại mãi mãi” (x. 2Sm 7:11-16), nên Ítraen coi nhà vua như là hiện thân của ơn cứu độ. Ðược Thiên Chúa chọn (x. 1Sm 10:24; 16:8.9.12,v.v…) và được xức dầu (x. 1V 1:32-48), nhà vua “ngự ngai vàng của Ðức Chúa mà cai quản Ítraen” (x. 1Sb 28:5). Ðấng Ítraen mong đợi thường được hình dung như là một vì vua cứu tinh. Kinh nghiệm về các vua chúa thường là tiêu cực; nhưng, vị được hứa này hẳn là một vì vua siêu trác, đặc loại, bởi lẽ Thần Khí của Giavê sẽ ngự trên Ngài (x. Is 11:2), và trong thời Ngài trị vì, sẽ có một ‘địa đàng mới’ (x. Is 11:1-9). Niềm trông chờ vì vua lý tưởng này phát nguyên từ nhiều sự kiện ghi lại trong Cựu Ước: sấm ngôn phán qua lời chúc phúc của Giacóp trong câu St 49: 10, sấm ngôn phán qua miệng Balaam trong câu Ds 24:17, và đặc biệt là trào lưu ngưỡng vọng về Ðấng Mêsia xuất thân từ triều đại Ðavít như sấm ngôn truyền qua lời Nathan nói với Ðavít (x. 2Sm 7), cũng như từ cách giải thích các Thánh vịnh 2, 72, 110 và 132. Rồi, các ngôn sứ còn lý tưởng hóa nhân vật này nhiều thêm nữa, như đọc thấy trong “Sách Emmanuel” (x. Is 6–12), hoặc trong Hs 3:5; Am 9:11-15, v.v…

Do thái giáo đã cẩn trọng bảo toàn niềm chờ mong này cho đến thời Ðức Giêsu và cả về sau nữa: thực kiện này lộ hiện qua các “Thánh vịnh của Salômon” (17; 18:7-9) và trong văn liệu của các rabbi,cũng như ở nhiều nơi trong Tân Ước, mãnh liệt nhất là trong Sách Khải huyền và Phúc Âm về thời thơ ấu của Ðức Giêsu.

3. Ngôn sứ

Dựa vào lời Ðnl 18:15-22, Ítraen cũng chờ mong một Môsê mới – căn cứ vào đó, người xứ Samaria trông chờ vị Thiên sai của họ – hoặc xác tín vào lời Ml 3:23-24 để đợi ngày Êlia trở lại. Các văn bản của Qumrân cũng nói về một “tiên tri sẽ đến”: xác tín đó chính là nhân vật lý tưởng, nên họ đã dùng danh xưng “Thầy công chính” để gọi. Nhiều nhà chú giải cũng đã áp dụng cho vị “tiên tri cánh chung” này những lời của Isaia 61:1-3, mà sau này Ðức Giêsu áp dụng cho chính mình trong buổi ‘chia sẻ’ Kinh Thánh tại hội đường Nadarét (x. Lc 4:18-19). Dân Do thái đã tưởng Gioan Tẩy giả là nhân vật lý tưởng ấy (x. Ga 1:19tt). Trình thuật về biến hình trên núi Tabo (x. Mt 17:1-8), cũng như Cv 3:22-3, và 7:37tt, đều cho thấy Ðức Giêsu chính là Môsê mới, là Vị Ngôn sứ mới.

4. Tôi trung của Giavê

Ðó là nhân vật huyền bí thâu tóm tư tưởng của Cựu Ước về người công chính phải gánh chịu khổ đau thay cho toàn dân, lộ hiện qua hình ảnh mà các bài ca của Isaia (42:1-4; 49:1-6;50:4-9; 52:13–53:12) gợi lên nhằm miêu tả vị ngôn sứ cánh chung: ngài được sai đến với “dân rã rời kiệt sức đi trong bóng tối” (50:4.10), đến cả với dân ngoại nữa (49: 6), để rao giảng lời Thiên Chúa (49:2; 50:4). Ngài sẽ chịu khổ nhục vì thất bại (49: 4), vì bị bách hại (50:6), và sẽ bị giết chết (53:6). Nhờ vậy, ngài “sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (53:11).

Với hình ảnh ấy, một khái niệm mới khác xuất hiện ở trong Cựu Ước: giá trị cứu độ của khổ đau và của việc bị giết chết một cách bất công mà người công chính gánh chịu. Những khổ đau ấy không vượt ra ngoài tầm tay quan phòng của Thiên Chúa (53: 6.10), và nếu ngài đã phải gánh chịu như thế vì tội lỗi kẻ khác (53:9), thì chính là để thục tội thay cho họ (53:6.12). Thần học thời Trung cổ gọi hành động đó là “thục tội thay” (satisfactio vicaria). Khổ đau gánh chịu như thế chính là phương tiện cứu độ: “Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (53:5). Hơn nữa, những khổ đau ấy sẽ làm cho ngài được suy tôn vinh hiển (52:13; 53: 12).

Tân Ước áp dụng các bài ca kia của Sách ngôn sứ Isaia cùng với Thánh vịnh 22, cho Ðức Giêsu.

5. Con Người

Ðó là danh xưng ben ađam trong tiếng Hipri, có nghĩa là một thành phần trong loài người. Trong sách Êdêkien, “con người” (được dùng đến 93 lần) chỉ có nghĩa là “ngươi,” danh xưng để chỉ về chính ngôn sứ. Nhưng, nêu lên danh xưng ấy ở đây, là muốn chỉ về “Con Người” mà ngôn sứ Ðanien nhắc tới ở trong câu Ðn 7:13: giữa một cảnh tượng “khải huyền,” nhân vật này đã từ trời mà xuống để giải cứu dân Chúa. Sách ngôn sứ Ðanien đã được viết vào khoảng những năm 170-165 trước công nguyên, trong một trạng huống khó khăn. Qua thị kiến, ngôn sứ đã nhìn thấy bốn con thú, tượng trưng cho bốn đế quốc là Babylônia, Mêđia, Ba tư và Hy lạp; rồi lại thấy “có ai như một ‘con người’ đang ngự giá mây trời mà đến,” và “Ðấng Lão thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người” (Ðn 7:13-13). Vương quyền này sẽ mang tính chất “con người” chứ không phải “con thú.” Như vậy, Ðanien đem mối chờ mong Ðấng Thiên sai vương vị hòa lẫn với viễn ảnh khải huyền. Thời đó, có nhiều nhóm Do thái đã chờ mong một vị giải phóng từ trời đến. Vấn đề các nhà chú giải đặt ra là “Con Người” này chỉ về một tập thể hay một cá nhân? Có lẽ cả hai, vì cách suy tưởng Do thái quen lấy một cá nhân để tượng trưng cho một dân tộc.

Sau này, trong Tân Ước, Ðức Giêsu sẽ tự xưng mình là “Con Người” và do vậy, truyền thống kitô hiểu rõ là thị kiến của Ðanien quả đã ứng nghiệm ở nơi Ngài.

6. Thiên Chúa đến

Ðức Giavê là Ðấng Thiên Chúa “du cư.” Không có Ðền thờ cố định, Người đi trước con dân, dẫn dắt họ băng qua hoang địa hướng tới đất hứa. Suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa không ngừng “xuống” cứu trợ dân Người. Ítraen đã từng nghi ngờ về thể chế quân chủ (x. 1Sm 8:10-12); thực ra, những vị “cứu tinh” vương quyền ấy đã thất bại. Vì thế, Ítraen quay về với Chúa Giavê là “tảng đá” không bao giờ để tôi tớ Người phải thất vọng. Những “Thánh vịnh vương giả” (Tv 93; 96–99) biểu trình Ðức Giavê như là “vị Chúa đang đến để xét xử nhân trần” (Tv 96:13). Trở về sau cuộc lưu đày, các ngôn sứ cũng đã xác định như vậy: “Thiên Chúa của tôi sẽ đến và sẽ là vua cai trị toàn cõi đất” (Dcr 14:5tt). Tưởng như họ hình dung ra một cuộc xuất hành mới, trong đó “Ðức Chúa, Vua của chúng [của số còn sót của nhà Ítraen], đi qua trước, chính Người sẽ dẫn đầu” (Mk 2:13). Biến cố cánh chung này chính là “tin mừng” mà Isaia đã tiên báo (Is 52:7-8).

Nỗi ngóng chờ ấy xem ra thật là ngớ ngẩn: làm sao Thiên Chúa có thể đến và hành động như vậy với một ‘đám dân’? Tuy nhiên, sau này, Tân Ước sẽ cho thấy quả thật sự việc xẩy đến còn lạ lùng hơn nữa, vượt quá sức tưởng tương! Và bao nhiêu đợt chờ mong ấy hẳn là những bước chuẩn bị xa gần cho mầu nhiệm Nhập Thể, dù không bao giờ Ítraen đã tin rằng Ðấng Mêsia sẽ là Thiên Chúa. Ðược nuôi dưỡng trong cầu nguyện, niềm hy vọng ấy đã mạnh mẽ nâng đỡ, giúp cho Ítraen vượt qua không biết bao nhiêu gian truân. Làm như để thâu tóm nỗi chờ mong dài đằng đẵng của Ítraen vào trong lời nguyện ước một ngôn sứ thuộc trường phái Isaia đã thốt lên: “Phải chi Người xé trời mà ngự xuống!” (Is 63:19).

*  *  *

Giữa các nhóm phái khác nhau trong Ítraen, nỗi chờ mong còn hướng về với những hình ảnh khác nữa. Thí dụ: các ngụy thư Di Chúc của 12 Tổ Phụ có nói về một Ðấng Xức dầu (Mêsia) phát xuất từ chi tộc Lêvi, tức là một vị tư tế sẽ đến dẫn đưa các người công chính vào địa đàng. Các văn bản, văn liệu Qumrân cũng đề cập đến một “Ðấng Mêsia của Aaron và của Ítraen” (1QS 9, 11). Trong thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, dân Do thái đã chờ đợi “một ngôn sứ” (1Mcb 4:40t; 14:41), hoặc “Ðấng ngôn sứ” (Ga 1:21; 6:14; 7:40). Không rõ ràng và còn lẫn lộn thực hư, niềm hy vọng kia hình dung ra nhiều mẫu dạng hình ảnh mâu thuẫn với nhau: đó là kết quả của óc tưởng tượng khi suy nghĩ về lời Chúa giữa những khổ đau gian truân trong xã hội, giữa cảnh thất vọng ê chề về mặt chính trị. Kỹ thuật chú giải các văn bản của Cựu Ước không có đủ dữ liệu cần thiết để hình dung ra được “Ðấng phải đến” là như thế nào. Khi Ðức Kitô đến, Thần Khí mới bắt đầu chiếu soi đầy đủ ánh sáng vào trong cõi tối tăm ấy, giúp cho hiểu rõ về kế hoạch của Thiên Chúa.

(Bài viết trích từ “Kitô Học toàn tập, 50-54, Felipe Gómez, S.J.)

 

Kiểm tra tương tự

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *