Những thách thức về tính liêm khiết khi sinh viên sử dụng AI trong các trường đại học

Trong một buổi hướng dẫn tại trường đại học năm nay, tôi đã cho sinh viên xem một bài báo về những nơi tốt nhất để uống cà phê ở Melbourne và một bài viết tương tự liệt kê những quán cà phê đó. Tôi đã hỏi các sinh viên xem bài viết nào hấp dẫn hơn. Các sinh viên đều đồng ý rằng bài đầu tiên hay hơn vì họ thích cách diễn đạt của tác giả này.

 

Tôi tiết lộ rằng một nhà báo đã viết bài báo đầu tiên và AI [viết tắt của Artificial Intelligence nghĩa là trí tuệ nhân tạo] đã tạo ra bài viết thứ hai. Các sinh viên đã phải thốt lên: “Ồ, như thầy đã biết, bài viết đầu tiên hay hơn nhiều.” Bài viết thứ hai bị đánh giá là thiếu bản sắc cá nhân của tác giả và thiếu sự hài hước. Khi tôi yêu cầu các sinh viên giải thích rõ ràng hơn, họ nói rằng con người có thể tạo ra cảm xúc trong bài viết bằng chính những trải nghiệm độc đáo của họ. Điều này giúp họ kết nối với độc giả của mình, điều mà các bài viết được tạo bởi AI không thể làm được. Tôi muốn bổ sung thêm rằng khi mọi người đọc một cuốn sách hoặc bài báo mà không nhìn vào tên tác giả, họ thường có thể xác định được bài viết đó là của tác giả nào nếu đó là một trong những tác giả yêu thích của họ. Việc sắp xếp các từ ngữ một cách có ý tứ trong câu cú và chú trọng đến cảm xúc của độc giả là đặc điểm của các tác phẩm được tạo bởi những người viết. Sự nhạt nhẽo lại là đặc điểm nhận biết các tác phẩm do AI tạo ra.

 

Nhưng vấn đề ở đây là: nhiều sinh viên đại học sử dụng AI, phổ biến nhất là công cụ ChatGPT trong bài tập của mình, mặc dù biết rằng công cụ này chỉ cung cấp cho họ những bài viết không thật sự đặc sắc và có thể bao gồm những thông tin không chính xác hoặc là một báo cáo hời hợt. Một chi tiết minh họa cho quan điểm này là bài báo AI mà tôi giao cho sinh viên của mình đã không liệt kê địa điểm của các quán cà phê, trong khi bài viết  đầu tiên đã liệt kê địa chỉ của các quán cà phê tốt nhất ở Melbourne vì nhà báo này đã luôn quan tâm đến nhu cầu của độc giả và tự hỏi “Người đọc của tôi muốn biết điều gì?”

 

Trước đó, OpenAI, một công ty của Mỹ đã ra mắt ChatGPT, là công cụ AI dùng để tạo ra các loại văn bản, video và hình ảnh giống như được tạo ra bởi con người. Năm ngày sau khi ra mắt, công cụ này đã có hơn một triệu người dùng. Hiện tại, ước tính trang web ChatGPT nhận được khoảng 600 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Công cụ này cũng đã có mặt tại 188 quốc gia.

 

Không có gì ngạc nhiên khi công cụ ChatGPT (Chat Generative Pre-Trained Transformer) trở nên phổ biến đối với các sinh viên đại học vì công cụ này có thể viết bài luận, hiệu đính bài viết của các sinh viên và đưa ra ý tưởng cho các dự án. Các cuộc khảo sát do hai học giả người Úc thực hiện vào năm ngoái cho thấy sự phổ biến của các công cụ AI ngày càng gia tăng.

 

Jemma Skeat từ Đại học Deakin và Natasha Ziebell từ Đại học Melbourne đã khảo sát việc sử dụng AI trong các sinh viên và nhân viên của các trường đại học từ nửa đầu năm đến nửa cuối năm 2023. Khi so sánh kết quả, họ thấy rằng trong nửa đầu năm 2023, hơn 50% số sinh viên được khảo sát đã thử hoặc sử dụng các công cụ AI và ở học kỳ thứ hai, con số này đã tăng lên 82%.

 

 

Sự tiến bộ nhanh chóng của các công cụ AI đã gây đau đầu cho nhiều trường đại học. Một cuộc khảo sát của Đại học Công nghệ Queensland và Đại học Griffith, hiện đang được tiến hành trong số các nhân viên của trường đại học, đã chỉ ra những vấn đề mà các trường đại học đang phải đối mặt. Cụ thể, cuộc khảo sát này nhằm tìm hiểu xem nhân viên của trường đại học có nghĩ rằng các công cụ AI trong giáo dục đại học có thể dẫn đến hành vi sai trái trong học thuật hay không, liệu nó có gây ra mối đe dọa đối với tư duy phản biện hay không, và liệu có nên thừa nhận các sản phẩm được tạo ra bởi AI hay không.

 

Các trường đại học đã phải đối mặt với việc sinh viên sử dụng các trang web gian lận. Các trang web này sử dụng các chiến lược và thông điệp thuyết phục để dụ dỗ những sinh viên yếu kém trả tiền cho những người viết thuê làm bài tập thay họ. Một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Queensland có tên Hãy đến với chúng tôi: Các tính năng thuyết phục của các trang web gian lận (Just Turn to Us: The Persuasive Features of Contract Cheating Websites) phát hiện ra rằng các trang web này là ‘tuyến đầu cho các hoạt động thương mại tinh vi nhằm dụ dỗ sinh viên và làm cho sinh viên nghĩ rằng các vấn đề học tập của họ sẽ được giải quyết nếu họ trả tiền cho các bài tập được viết riêng theo yêu cầu. Tương tự như vậy, sinh viên có thể tiếp cận các công cụ AI với suy nghĩ rằng các vấn đề học tập của họ sẽ được giải quyết nếu họ sử dụng nó.

 

Vậy thì các trường đại học đang giải quyết những lo ngại về tính liêm khiết trong học thuật và AI như thế nào?

 

Vào tháng 9 năm ngoái, nhóm tám trường đại học (the Group of Eight) trong liên minh các trường đại học danh tiếng hàng đầu [tại Úc] đã nghiên cứu chuyên sâu và đưa ra tuyên bố về các công cụ AI và thừa nhận rằng các công cụ này cũng có thể giúp nâng cao hoạt động giảng dạy. Tuy nhiên, hầu hết các nguyên tắc của tuyên bố liên quan đến việc duy trì tính liêm khiết trong học thuật và yêu cầu từng trường đại học tự đưa ra chính sách của riêng mình. Khi xem xét trang web của các trường đại học này, chúng ta có thể thấy rằng mỗi trang web của từng trường đại học đều có chính sách riêng nhưng một số trường đại học đã nêu rõ ràng hơn những cách sử dụng AI có thể bị coi là gian lận. Chính sách của Đại học Melbourne nêu rõ: Nếu một sinh viên sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo như ChatGPT hoặc QuillBot để tạo các tài liệu mà họ trình bày như thể là ý tưởng, việc nghiên cứu và/hoặc bài phân tích của chính mình thì được xem như họ đã KHÔNG nộp bài. Việc sinh viên cố ý để bên thứ ba, bao gồm sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, viết hoặc tạo ra bất kỳ bài tập nào (có trả tiền hoặc không trả tiền) rồi nộp chúng như bài tập của mình thì sẽ bị đánh giá là cố ý gian lận và là hành vi gian dối  trong học tập

 

Đại học Adelaide, một trong tám trường thuộc liên minh các trường đại học danh tiếng hàng đầu tại Úc, cung cấp các ví dụ dựa trên kinh nghiệm thực tế của sinh viên đã vi phạm các nguyên tắc về tính liêm khiết trong học thuật bằng cách sử dụng tài liệu do AI tạo ra. Trong bốn ví dụ, có hai ví dụ về sinh viên quốc tế, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì một số lượng lớn sinh viên bị bắt vì gian lận là sinh viên đến từ nước ngoài.

 

Điều này bổ sung thêm một chiều hướng khác cho cách các trường đại học đối phó với các tài liệu do AI tạo ra khi có sự tham gia của sinh viên quốc tế. Một số sinh viên sử dụng ChatGPT để tạo câu vì họ không tự tin khi sử dụng tiếng Anh. Một số sinh viên quốc tế viết bằng ngôn ngữ của họ và sau đó sử dụng công cụ AI để dịch sang tiếng Anh. Một ví dụ của Đại học Adelaide chỉ ra rằng việc dịch một tác phẩm nhiều lần có thể làm thay đổi ý tưởng của tác phẩm và điều này được coi là gian lận.

 

Hầu hết các trường đại học hiện nay đã đưa ra các tuyên bố về AI như một phần của chính sách liêm khiết học thuật của họ. Tuy nhiên, việc có những chính sách này là rất tốt nhưng sinh viên vẫn sẽ sử dụng các công cụ AI. Có những câu hỏi khác về việc môn học nào là phù hợp để sử dụng AI và những khóa học nào thì nên cấm sử dụng AI vì bắt buộc phải tự làm bài. Nhưng trước hết, các trường đại học cần có khả năng phát hiện ra liệu sinh viên có sử dụng AI khi họ đã bị cấm hay không.

 

Các trường đại học hiện đang sử dụng phần mềm giúp nhà trường phát hiện xem sinh viên có đạo văn hay không. Turnitin là một công cụ phổ biến hiện nay và có thể xác định bài làm được tạo ra bởi AI. Theo công ty này, công cụ phát hiện AI “tìm kiếm các mẫu ngôn ngữ có thể dự đoán để xác định các đoạn văn có khả năng cao là do AI tạo ra”. Ban giám hiệu tại các trường đại học được cảnh báo rằng công cụ Turnitin có thể tạo ra kết quả xác thực sai khi sinh viên sử dụng ít hơn 20 phần trăm tài liệu tạo ra bởi AI. Họ cũng được khuyến cáo rằng không thể chỉ sử dụng công cụ phát hiện AI để cáo buộc sinh viên gian lận. Họ được khuyến khích so sánh bài làm của sinh viên khác với bài làm trên lớp như thế nào bằng cách dùng các bài tập kiểm chứng tương tự như bài tập mà tôi đã giao cho nhóm hướng dẫn của mình được đề cập ở đầu bài viết này.

 

Các trang web của trường đại học cung cấp thông tin về AI cũng gợi ý rằng các giáo sư có thể đưa ra các bài thi có thể giảm nguy cơ sinh viên sử dụng AI và theo đó giảm các vấn đề về tính liêm khiết trong học thuật. Các trường đại học cũng gợi ý rằng đội ngũ giảng viên nên thảo luận với sinh viên của họ về những tác động do việc sử dụng AI tạo ra.

 

Trong nỗ lực nhằm vượt trội hơn AI, chúng ta có thể tập trung nhiều hơn vào việc xem xét những yếu tố tạo nên một bài viết học thuật chất lượng cao. Khi tôi tạo lệnh cho AI viết một bài báo học thuật dài 1000 từ về chủ đề “Mối quan hệ giữa văn hóa với quyền lực và bản sắc là gì?”, tôi nhận được một bài viết với vô số thuật ngữ chuyên ngành, gần như không thể hiểu nổi. Nhưng nó không thể phân biệt được với nhiều bài báo khác do con người viết về nghiên cứu văn hóa. Nếu một học giả tạo ra một bài viết ngập tràn những cụm từ chuyên ngành dày đặc như thế thì làm sao có thể xác định được nội dung của bài viết là do con người tạo ra? Hay liệu đó là sản phẩm của AI?

 

Các lĩnh vực nghiên cứu đều có những thuật ngữ chuyên ngành riêng, nhưng những từ này có thể được sắp xếp cùng với ngôn ngữ bình thường trong một bài viết có phong cách và nghe giống như phong cách được tạo ra bởi con người – điều mà AI hiện không thể làm được. Một bài viết bằng tiếng Úc với tựa đề Làm thế nào để khắc phục vấn đề viết bài học thuật của bạn (How To Fix Your Academic Writing Trouble) là một sự khởi đầu.

 

Bất kể các trường đại học hiện nay đang làm gì, họ sẽ phải tiếp tục cập nhật các chính sách về AI vì các sinh viên sẽ thành thạo hơn trong việc sử dụng các công cụ như ChatGPT trong tương lai gần. Đây một phần là kết quả của Khung trí tuệ nhân tạo mới trong các trường học của Úc (Australian Framework for Generative Artificial Intelligence in Schools), bao gồm 6 nguyên tắc và 25 tuyên bố hướng dẫn nhằm hướng dẫn việc sử dụng AI một cách có đạo đức và có trách nhiệm. Khung này cho rằng AI có thể nâng cao việc dạy và học. Một số tiểu bang trước đây đã cấm ChatGPT nhưng hiện tại các trường học trên khắp cả nước Úc sẽ giới thiệu và đưa ra các chính sách riêng của họ về việc sử dụng AI.

 

Vào tháng 5, OpenAI đã ra mắt ChatGPT-4o, hỗ trợ hơn 50 ngôn ngữ và làm cho văn bản mang tính đối thoại nhiều hơn. Công ty cho biết họ cũng sẽ phát triển nhiều công cụ thông minh và tiên tiến hơn cho người dùng ChatGPT miễn phí trong những tuần sắp tới. Các trường đại học có thể sẽ phải tiếp tục cập nhật chính sách về AI của mình một lần nữa.

 

Nguồn: eurekastreet.com.au

Tác giả: Erica Cervini

Chuyển ngữ: Thục Đoan | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Tỉ suất sinh giảm sút trên toàn cầu – Chúng ta có thể làm gì?

  Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã báo cáo về sự suy …

40 Câu hỏi tìm hiểu và sống Năm Thánh 2025

  BẢN PDF – 40 CÂU HỎI TÌM HIỂU & SỐNG NĂM THÁNH 2025   …