Noel của người ngoại giáo

Trong những ngày này chúng ta thấy nhiều lời chúc mừng: “Giáng Sinh an lành”, hay: “Merry Christmas” xuất hiện khắp nơi. Không ít những lời chúc mừng đó được thiết kế kèm theo những hình ảnh và video sống động với nhiều màu sắc tươi vui rực rỡ. Nhờ internet, những tấm thiệp Giáng Sinh kiểu này được lan truyền dễ dàng đến với nhiều người, có khi cả những người không muốn nhận đón nhận chúng.

Nhiều người ngoài Công Giáo đã bày tỏ sự khó chịu khi nhận được những tin nhắn mừng Giáng Sinh gửi đến họ một cách máy móc, không hề thể hiện tương quan tình cảm cá nhân. Thậm chí có người còn tức giận vì cho đó là sự quấy rối, ghét kiểu “truyền đạo” như thế này của người Công Giáo. Họ có lý do để phản ứng như vậy, bởi vì họ không thể nào cảm nhận được ý nghĩa ngày lễ Giáng Sinh như những người Công Giáo. Có thể nhiều người trong số họ biết rằng Giáng Sinh là lễ kỷ niệm ngày Chúa Giêsu được sinh ra, nhưng để thấy được sự bình an vui tươi của sự kiện này lại là một chuyện khác.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà lễ Giáng Sinh chỉ có ý nghĩa đối với người Công Giáo. Chúng ta dễ nhận thấy bất kỳ ai cũng có cách để chung vui trong ngày lễ hội này (dạo ngắm hang đá, chụp hình, ăn uống, v.v), tôi gọi đó là niềm vui theo phong cách của mục đồng. Mục đồng là từ quen gọi để chỉ những người chăn chiên sống ngoài đồng trong đêm Chúa Giêsu được sinh ra. Tôi thấy hoàn cảnh người mục đồng trong biến cố Giáng Sinh rất giống với những người ngoài Công Giáo trong ngày lễ này ở 3 điểm sau:

  1. Mục đồng là những người được báo tin vui

Giữa đêm khuya, sứ thần Chúa hiện ra với các mục đồng và báo cho họ tin vui: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.”

Hẳn là họ ngạc nhiên lắm và chưa chắc đã hiểu hết những gì họ nghe được. Thế nhưng có nhiều dấu hiệu xảy đến giúp họ cảm cảm nhận rõ ràng rằng đây là một tin vui và là một biến cố rất trọng đại. Chẳng hạn, bầu trời đêm đen dày đặc bỗng tràn ngập ánh sáng diệu kỳ của vinh quang Chúa. Cảnh thanh vắng giữa đồng hoang bỗng vang lên tiếng nhạc hỷ hoan của thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhưng trên tất cả, đó là niềm vui.

Nhiều người ngoài Công Giáo cho rằng họ không tin Chúa và không hiểu ý nghĩa ngày lễ Giáng Sinh nên họ không thể nào vui được trong ngày lễ ngày, đừng chúc họ “Giáng sinh vui vẻ” làm gì! Các mục đồng là những người rất đơn sơ, ngay cả trong tâm tình tôn giáo. Họ không dùng kiến thức tôn giáo ít ỏi của mình để tra vấn, phân tích và cố gắng hiểu thông điệp được thiên thần loan báo. Chỉ đơn giản là họ đón nhận niềm vui với tất cả sự ngạc nhiên và tâm hồn rộng mở của mình.

Cũng vậy, nếu tôi là người ngoài Công Giáo, trong ngày lễ Giáng Sinh này tôi sẽ không để mình mất đi niềm vui đơn sơ là nhìn thấy ánh đèn trang trí đủ mọi màu sắc thắp sáng mọi nẻo đường. Tôi cũng sẽ không chặn đứng cảm xúc lâng lâng của mình khi nghe các bài thánh ca Giáng Sinh du dương vang lên nơi các nhà thờ. Nếu bạn bè Công Giáo của tôi gửi những lời chúc mừng Giáng Sinh, dù tôi không cảm nhận được niềm vui của ngày lễ này nhưng tôi vui vì thấy họ vui; thậm chí tôi cũng sẽ chủ động gửi những lời chúc mừng đến họ, vì tôi biết rằng những ngày này họ đang rất hạnh phúc. Đừng quên, Giáng sinh đã vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo và đã trở nên nét đẹp văn hóa của nhiều quốc gia!

  1. Mục đồng lên đường khám phá

Nhiệm vụ của các mục đồng là thức đêm canh giữ đàn chiên. Nếu không có lời sứ thần báo tin, thì đêm đó, với họ cũng giống như mọi đêm khác, họ sẽ phải thức đêm canh giữ đàn vật của họ. Thế nhưng sau khi được thiên thần Chúa loan báo tin vui thì các mục đồng đã bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.” Như vậy họ đã quyết định làm một việc khác thường, đó là bỏ đàn vật lại và đi đến nơi đã được chỉ.

 Phần lớn các nước trên thế giới đều dành những ngày nghỉ lễ đặc biệt trong dịp Giáng Sinh. Đây là dịp người ta có thể tận hưởng một bầu không khí khác so với công việc hàng ngày của họ. Họ sẽ dành nhiều thời gian hơn bên gia đình, dắt nhau đến nhà thờ, đi thăm quan, trang trí nhà cửa, mua sắm… Lễ Giáng Sinh thực sự mang lại ý nghĩa trong đời sống của nhiều người, không chỉ về mặt tôn giáo mà cả mặt tâm lý, văn hóa, thương mại, giải trí, tinh thần. Nếu tôi không phải là người Công Giáo, tôi cũng không dại gì đặt mình ngoài bầu khí “nghỉ ngơi” của mọi người xung quanh trong những ngày này.

Trong dịp lễ Giáng Sinh, tôi thấy thời gian dường như chậm lại, con người trở nên gần nhau hơn. Dù không tin Chúa nhưng tôi vẫn thích cảm giác được tạm thời gác bỏ những bộn bề của đời sống hàng ngày để cho mình được hướng đến một thứ gì đó khác hơn. Người Công Giáo đến nhà thờ, thăm hang đá để tìm thấy Chúa như điều họ tin; tôi hạnh phúc cùng gia đình đi quanh phố phường trong những ngày này, chỉ là một cách để “đổi gió”. Tôi sẽ không tìm Chúa ở những nơi đó, nhưng từ trong thâm tâm tôi vẫn muốn tìm thấy một điều gì đó mang lại ý nghĩa và niềm vui cho cuộc sống của tôi.

  1. Các mục đồng trong hang đá

Các mục đồng đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Họ xác tín rằng đây đúng là điều họ đang tìm vì thế họ háo hức kể lại mọi điều đã được nói với họ về đứa trẻ này.

Những ngày này người Công Giáo rộn rã niềm vui, vì họ tin rằng Hài Nhi nằm trong máng cỏ chính là Chúa Cứu Thế đã đến ở với họ trong thân phận con người. Nếu không phải là người Công Giáo, tôi không có được niềm vui đó, vì đối với tôi chẳng có gì khác đặc biệt nơi đứa trẻ này so với biết bao nhiêu đứa trẻ khác được sinh ra đời. Thế nhưng tôi cũng sẽ nhìn thử xem điều mang lại niềm vui cho người Công Giáo thực ra nó như thế nào.

Cũng như những người chăn chiên năm xưa, tôi thấy có một gia đình nơi hang đá, người mẹ tên là Maria, ông bố tên Giuse và một đứa trẻ sơ sinh. Dù không tôn thờ gia đình này nhưng ít ra nhìn vào họ tôi thấy một khung cảnh thân thiện, gần gũi. Họ rất đơn sơ, hiền lành, không làm hại ai. Họ không có vẻ của những người hối hả chạy theo phú quý danh vọng ở đời. Dường như cuộc sống của họ đặt trọn niềm tin tưởng phó thác vào một sự quan phòng nào đó. Chiêm ngắm họ, lòng tôi cảm thấy bình an, sự bình an từ trong sâu thẳm. Tôi không nghĩ rằng giữa tôi với họ có mối liên hệ nào đó, nhưng gia đình này gợi cho tôi một giá trị trường tồn, điều mà tôi cần hơn tất cả những thứ chóng qua ở đời này.

Tạ ơn Chúa đã cho con làm người Công Giáo: con được ơn đức tin, được hướng dẫn dạy dỗ để hiểu hơn về ý nghĩa mầu nhiệm Giáng Sinh, nhờ đó con sống những ngày lễ này một trách trọn vẹn hơn. Con cũng sẽ tạ ơn Chúa nếu con là người ngoại giáo, vì con vẫn có thể đón nhận được niềm vui bằng nhiều cách khác nhau trong dịp lễ Giáng Sinh. Là người ngoại đạo con vẫn vui, vì con chưa biết Chúa nhưng có thể Chúa biết rõ con và niềm vui của Chúa vẫn ở trong con dù con không nhận ra.

Giuse Lê Đắc Thắng, SJ

Kiểm tra tương tự

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

365 Ngày Hy Vọng với lời khôn ngoan của Giáo Phụ

Chương Trình Sống Năm Thánh 2025   365 NGÀY HY VỌNG VỚI LỜI KHÔN NGOAN …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *